Cộng sản chiếm đất nước Việt Nam, đè đầu cưỡi cổ dân tộc Việt Nam không phải do cộng sản mạnh mà do dân chưa thấu hiểu được hiểm họa cộng sản !
-------------oo0oo--------------
Trang Việt Sử
--------o0o--------
Về Một Bài Phỏng Vấn
Một bài có gía trị, dù đã phổ biến cách nay 19 năm:
Một tài liệu cho những nhà viết sử.
...............................................................
Về Một Bài Phỏng Vấn
Phạm Quang Trình
Việt Nam Thời Báo do ông Vũ Bình Nghi làm chủ nhiệm kiêm chủ bút ở San Jose liên tiếp ba số 3045, 3046 và 3047 từ Thứ Tư 23, 24, và 25.05. 2001 và nhiều tờ báo tại Hoa Kỳ đã đăng tải bài phỏng vấn ông Nguyễn Văn Ngân, nguyên Phụ Tá đặc trách liên lạc các đoàn thể cho cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, do nhà báo Phan Thanh Tâm (?) thực hiện. Ông Nguyễn Văn Ngân đã đề cập đến nhiều vấn đề như: Miền Nam rơi vào tay Cộng sản, khả năng của ông Thiệu, hành động của ông Khiêm, tệ nạn tham nhũng, Quốc Hội, Đảng Dân Chủ, vân vân... Bài phỏng vấn đã khiến nhiều người am tường thời cuộc, đặc biệt trong thời gian cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cầm quyền phải suy nghĩ và thắc mắc, trong đó có người viết bài này.
Công bình mà nói nhận định của ông Nguyễn Văn Ngân có phần đúng, có phần sai; có phần hay, có phần dở. Vì để cho lịch sử chiến tranh Việt Nam thêm sáng tỏ về Chính Nghĩa Quốc Gia cũng như cho các thế hệ mai sau khỏi có cái nhìn sai lầm về lịch sử mà việc lên tiếng của những người hiểu biết về tình hình thật sự là cần thiết và bởi đó, người viết mới có vài cảm nghĩ về những lời tuyên bố của ông Nguyễn Văn Ngân.
Qua bài phỏng vấn, độc giả thấy ông Nguyễn Văn Ngân đề cập nhiều đến hai nhân vật: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm. Dĩ nhiên nhân vật “quan trọng hơn “là ông Nguyễn Văn Ngân lúc nào cũng hiện diện. Có người cho rằng ông Nguyễn Văn Ngân tung ra bài phỏng vấn này với nhiều chủ đích. Điều này thực hay hư xin để thời gian trả lời. Riêng người viết nhận thấy ông Nguyễn Văn Ngân có nhiều cái hay.
Cái hay thứ nhất của ông Nguyễn Văn Ngân là người “ăn cây nào, rào cây ấy”. Là Phụ Tá của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, làm được số việc có lợi cho chủ, nhưng khi chủ thấy không cần, ra quyết định cất chức thì ông Ngân hình như không thù hận gì ông Thiệu cả(?). Qua bài phỏng vấn, người ta thấy ông Nguyễn Văn Ngân khen ông Thiệu nhiều lắm. Ông Nguyễn Văn Thiệu bị dư luận chê bôi đủ điều nhưng ông Nguyễn Văn Ngân vẫn bênh vực ông Thiệu hết mình. Dĩ nhiên về mặt nổi chỉ có cựu Thổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Còn nhân vật khác là đại ân nhân của ông Ngân để ông có cơ hội thăng quan tiến chức thời ông Ngân không hề nhắc đến. Nhân vật đó là Dược sĩ Nguyễn Cao Thăng, tỷ phú, chủ hãng nhập cảng thuốc Tây OPV, nguyên Phụ Tá Đặc Biệt liên lạc Quốc Hội cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Ông Ngân không nhắc đến ông Nguyễn Cao Thăng nhưng đã hành động khá nhiều để che chở cho gia đình chủ nhân mà cụ thể là đưa vợ ông Nguyễn Cao Thăng là bà Trương Thị Bích Diệp và em trai bà này là Trương Như Thiềm, dược sĩ mới ra trường vào làm Dân Biểu Hạ Nghị Viện pháp nhiệm 2 (1971-1975) để trốn quân dịch. Nhân tiện ông Ngân cũng đưa em ruột ông là bác sĩ Nguyễn Văn Thuận vô làm Dân Biểu Hạ Nghị Viện (đơn vị Đà Lạt, Tuyên Đức).
Vài dòng tiểu sử của ông Nguyễn Văn Ngân, qua bài phỏng vấn, người ta thấy ông là người biết lợi dụng cơ hội để tiến thân và tiến thân một cách nhanh chóng trong hoạt động chính trị. Từ một Trung Úy nhờ thời cơ đưa đẩy lên làm Phụ Tá Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa cứ y như Hạ sĩ Henry Kissinger thuở nào trong Đại chến thứ 2 đột ngột nhẩy lêm làm Cố Vấn An Ninh Quốc Gia cho Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon. Chính cái hay của ông Nguyễn Văn Ngân khiến người viết nhớ lại những cái hay của cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Vậy cái hay của ông Thiệu như thế nào?
Nhìn lại thời gian bắt đầu cuộc đảo chánh 1.11.1963 cho đến 30.04.1975, phải công nhận rằng ông Nguyễn Văn Thiệu là khuôn mặt sáng giá và khôn khéo nhất trong sự nghiệp chính trị cá nhân. Người viết nhấn mạnh hai chữ “cá nhân” để thấy rằng con đường chính trị của ông Thiệu đã được ông tính toán hết sức kỹ lưỡng cho bản thân ông. Từ 1963 đến 1965, ông Nguyễn Văn Thiệu chỉ mong “giữ tư thế” cho vững chắc mà chưa mơ màng đến chức vụ lãnh đạo quốc gia. Khi tham gia đảo chánh 1.11.1963, ông Thiệu thuộc loại “hai lòng”, nửa đấm nửa run. Cái gương trước mắt là vụ binh biến 11.11.1960 của nhóm Vương Văn Đông còn đó. Thành thì chưa biết nhưng bại chỉ có nước tiêu tùng! Bởi đó, ông Thiệu tham gia đảo chánh để có cơ hội. Nhưng khi đem quân đánh vào Dinh Gia Long thì ông Thiệu cầm chừng để nghe ngóng và theo dõi tình hình xem sao. Nếu biết chắc Tổng Thống Ngô Đình Diệm thoát khỏi Dinh Gia Long và đang có cơ quật ngược lại thế cờ thì có lẽ ông Thiệu sẽ là người cầm quân vây bắt “Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng” của Dương Văn Minh để tâng công với Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Nhưng cuộc đảo chánh thành công vì nền Đệ Nhất Cộng Hòa chỉ có đến đó (1954-1963). Một chi tiết ông Ngân nêu ra như nhiều người đều biết “Ông Thiệu nói nếu ông Diệm và ông Nhu không ra trình diện vào sáng 2.11, chỉ cần nán lại tới trưa cùng ngày, các tướng lãnh sẽ lên máy bay chạy trốn hết vì lo sợ và nghi ngờ lẫn nhau.”. Nhưng một chi tiết ít ai biết đến là Trung Tá Phước, Phó Đô Trưởng Nội An được ông Diệm và ông Nhu từ nhà Mã Tuyên gọi điện thoại bảo kiếm cho hai ông chiếc xe tải hàng và đưa đến chở hai ông đi vào sáng 2.11.1963. Tiếc là Trung Tá Phước khi đến Nha Tổng Giám Đốc Cảnh Sát thì nơi đây án binh bất động, rồi ông Phước gặp Phạm Ngọc Thảo. Thảo bảo về trình diện Bộ Tổng Tham Mưu. Lúc ấy Thảo vẫn chưa rõ tình hình và vẫn đang tìm cách xoay xở bằng cách về Tổng Tham Mưu. Nhưng Trung Tá Phước bị bắt, hoàn toàn không liên lạc được với hai ông Diệm Nhu nên công tác mướn xe tải bị bỏ. Hai ông nghĩ rằng ở thế cùng không liên lạc được với Phước nên mới ra trình diện và chịu thảm sát. Âu cũng là cái số và đã là số thì hết cải? Chi tiết này do Trung Tá Phước kể lại.
Trở lại con đường cầm quyền của ông Thiệu, ông đã giữ được tư thế vững từ 1963-1965 rất khéo. Các tướng lãnh trong cái gọi là Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng rơi rụng như sung. Riêng ông Nguyễn Văn Thiệu vẫn giữ chức Tổng Thư Ký Hội Đồng Quân Lực một cách ngon lành. Kể từ năm 1965, khi áp lực đòi buộc phải ổn định của tình hình, việc tranh chấp cũng như giải pháp dân sự bất thành, thời nhóm tướng lãnh trẻ mới ra tay. Hai ông Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ gặp thời cơ thuận lợi. Nguyễn Cao Kỳ nắm được quyền lực, nhưng Nguyễn Văn Thiệu nắm được “chức vụ”. Từ 1965 đến 1967, suốt hai năm trời, ông Thiệu làm Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, có chức có danh đấy nhưng quyền hành nằm trong tay ông Nguyễn Cao Kỳ là Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương tức Thủ Tướng.
Đến khi tình hình đòi hỏi phải có chính phủ dân sự và hiến pháp thời ông Thiệu đã vận động khôn khéo để buộc ông Kỳ đứng làm ứng cử viên Phó Tổng Thống trong liên danh do ông làm thụ ủy. Khi liên danh Thiệu - Kỳ đắc cử nhiệm kỳ 1 (1967-1971), nghĩa là khi ông Thiệu đã có chức vụ Tổng Thống hợp pháp thời ông mới ra tay thâu hồi dần “quyền hành” về cho mình. Rồi từ năm 1971, ứng cử trong tư thế độc diễn với cụ Trần Văn Hương nhiệm kỳ 2 (1971-1975), ông Thiệu mới ra tay cũng cố quyền hành và chức vụ đưa đến tình trạng độc tài quân phiệt. Chỉ giai đoạn sau này, người ta mới thấy xuất hiện vai trò của ông Nguyễn Văn Ngân. Ông Ngân xuất hiện như thế nào? Ông Ngân đã làm gì và vì sao bị cất chức?
Qua bài phỏng vấn, người ta thấy ông Nguyễn Văn Ngân nói về tiểu sử của mình không rõ rệt và có những điều khiến người ta phải nghi ngờ về sự cường điệu hay là cái bệnh tự tôn tự đại mà tiếng Pháp gọi là “maladie de grandeur”. Thí dụ năm 1949-1951 ông mới 14 tuổi đã tham gia vào đơn vị đặc biệt của tướng Nguyễn Sơn ở Liên Khu 4 cùng với nhà thơ Phùng Quán? Trong thời Đệ Nhị Cộng Hòa khi làm việc dưới quyền ông Nguyễn Cao Thăng hồi 1969 ông Ngân không hề nhắc đến. Ông nói rằng ông cộng tác với ông Thiệu từ 1965 đến 1974 tức là ông hơi cường điệu, nếu không phải là ngoa ngôn! Tại sao?
Nhiều người biết rõ ông Nguyễn Văn Ngân học khóa 13 Thủ Đức, lên lon Trung Uý rồi về Bộ Quốc Phòng 1965 thì chưa có cái “nhóm nghiên cứu” như ông nói và thật sự lúc ấy ông Thiệu cũng chẳng biết gì về Trung Úy Nguyễn Văn Ngân cả. Năm 1967 khi Liên danh Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ đắc cử thời quyền hành vẫn còn trong tay Nguyễn Cao Kỳ như đã thỏa thuận. Linh mục Nguyễn Bá Lộc, ở Kinh 1 Cái Sắn là người rất thân với ông Kỳ cho người viết biết “Thỏa thuận là Nguyễn Cao Kỳ bằng lòng đứng phó với điều kiện ông Thiệu đồng ý sẽ sửa đổi hiến pháp để ông Kỳ có thể làm Thủ Tướng. Nhưng trước tiên phải để cho người của ông Kỳ là LS. Nguyễn Văn Lộc làm Thủ Tướng trước đã nhằm tránh dư luận dị nghị”. Lúc ấy, mọi việc liên lạc với Quốc Hội đều do người của phe Nguyễn Cao Kỳ đảm nhiệm là Nguyễn Thiện Nhơn.
Riêng ông Thiệu với chủ trương “lùi một tiến hai” đã cử ông Nguyễn Văn Hướng (Đại Việt) làm Tổng Thư Ký Phủ Tổng Thống. Với cơ chế này, ông Thiệu tìm đủ cách hạ uy tín phe ông Kỳ cho bằng được như xúi Quốc Hội và nhất là Hạ Nghị Viện bất tín nhiệm nội các Nguyễn Văn Lộc vì bất lực. Nội các Nguyễn Văn Lộc từ chức thời ông Thiệu mời Cụ Trần Văn Hương ra lập nội các đồng thời đưa Đại Tướng Trần Thiện Khiêm về làm Tổng Trưởng Nội Vụ và sau lên Phó Thủ Tướng. Chủ ý ông Thiệu chỉ dùng cụ Hương như cái trái độn hay lót đường để thu hồi quyền hành về cho “đảng Kaki” của hai ông “Thiệu-Khiêm”. Dần dần, nội các Trần Văn Hương cũng bị chê là bất lực và từ chức thời lá bài Trần Thiện Khiêm xuất hiện theo đúng chủ trương của ông Thiệu và có thể cũng là của Mỹ (?).
Thời Nguyễn Cao Kỳ - Nguyễn Văn Lộc, việc liên lạc với Quốc Hội do ông Nguyễn Thiện Nhơn. Qua thời cụ Hương thì được ông Thiệu giao cho ông Nguyễn Văn Hướng. Đến khi Đại Tướng Trần Thiện Khiêm lên làm Thủ Tướng thời việc liên lạc Quốc Hội được ông Thiệu giao cho tỷ phú Nguyễn Cao Thăng, một nhân vật giàu có từng làm Dân Biểu thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Cùng lúc ông Thiệu dẹp bỏ Tòa Tổng Thư Ký tại Phủ Tổng Thống cùng chức vụ của ông Nguyễn Văn Hướng. Khi trở lại tham chính làm Phụ Tá Đặc Biệt cho ông Thiệu, tỷ phú Nguyễn Cao Thăng muốn kéo một số nhân viên cũ về làm việc tại văn phòng của mình. Ông Nguyễn Văn Ngân là đồng hương và là một trong số nhân viên Quốc Hội về với ông Thăng. Từ chỗ là nhân viên mà anh em trong Quốc Hội gọi là “xách cặp” hay làm “tà loọc” cho ông Thăng, ông Nguyên Văn Ngân quen công việc liên lạc với Quốc Hội qua các Dân Biểu, Nghị Sĩ mà ông Nguyễn Cao Thăng chỉ định.
Ông còn học được nhiều mánh khóe mà tỷ phú Nguyễn Cao Thăng chỉ dẫn cho là dùng tiền bạc để mua chuộc, khuynh loát. Bất hạnh là tỷ phú Nguyễn Cao Thăng bị bịnh ung thư và qua đời năm 1970 nhưng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cứ để cho ông Ngân làm việc. Nói rõ hơn, ông Thiệu biết ông Ngân từ khi ông Nguyễn Cao Thăng bị ung thư đi Hoa Kỳ chữa bệnh. Riêng ông Nguyễn Cao Thăng biết mình không thể qua cơn bệnh nên đã chuẩn bị đủ thứ, đủ người lo cho gia đình và cơ nghiệp OPV. Tỷ phú Nguyễn Cao Thăng hay hãng nhập cảng thuốc Tây OPV cũng thế vận động cho người của mình vào nội các như Trần Minh Tùng vào làm Tổng Trưởng Y Tế, Hà Xuân Trừng làm Tổng Trưởng Tài Chánh và ông Nguyễn Đức Cường làm Phụ tá cho Tổng Trưởng Kinh Tế Phạm Kim Ngọc. Đây là ba Bộ trong chính phủ cần thiết cho việc nhập cảng thuốc Tây của OPV để chống lại với phe Dược sĩ Bùi Đình Nam. Ông Nguyễn Văn Ngân chính là người làm việc và thừa hưởng những gì tỷ phú Nguyễn Cao Thăng để lại. Nói khác đi, ông Nguyễn Văn Ngân chính thức nhập cuộc và làm việc với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ 1970 chứ không phải là từ năm 1965 như ông tuyên bố. Vậy ông Ngân đã làm được những gì?
Trước hết, quen việc liên lạc Quốc Hội, ông Nguyễn Văn Ngân đã dùng những mánh khóe của tỷ phú Nguyễn Cao Thăng để nắm trọn Quốc Hội cho ông Thiệu. Nhưng ông Ngân đã đi những “bước xa” hơn tỷ phú Nguyễn Cao Thăng đã đi. Bởi vì, ngoài việc dùng tiền bạc, ông Nguyễn Văn Ngân còn xúi các đại diện dân cử thân hành pháp áp dụng thủ thuật bầu Văn Phòng Quốc Hội theo thể thức “liên danh” để nắm trọn mọi chức vụ. Trước đó, Quốc Hội Pháp Nhiệm 1 (1967-1971), cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện đều áp dụng Nội quy bầu các chức vụ Văn Phòng Quốc Hội và các Ủy Ban theo thể thức “đơn danh” nên nhiều nhân vật có uy tín đã xuất hiện và đảm nhận những vai trò đặc biệt như một cựu Chủ Tịch Thượng Nghị Viện Nguyễn Văn Huyền. Nhìn vào chế độ Việt Nam Cộng Hòa thời đó, bộ mặt tương đối sáng sủa và có thế giá dân chủ.
Nhưng từ 1971 khi ông Ngân xúi các Dân Biểu và Nghị Sĩ thân hành pháp sửa đổi Nội Quy bầu Văn Phòng Hạ Viện và Thượng Viện theo thể thức Liên Danh qua chủ trương “lấy thịt đè người” thời Quốc Hội mất nhiều uy tín. Sự kiện cụ Nguyễn Văn Huyền từ chức để phản đối là một “cái tát vào mặt hành pháp” do bàn tay của ông Nguyễn Văn Ngân gây ra. Đúng vậy danh từ “gia nô” xuất hiện vào thời điểm này. Bởi cũng Quốc Hội này, do sự xúi giục của ông Ngân dùng chiêu bài “lấy thịt đè người” làm hỏng cả cơ chế dân chủ. Chính Quốc Hội này đã xé bỏ Hiến Pháp ép Cụ Trần Văn Hương từ chức để trao quyền cho Dương Văn Minh. Còn cái chuyện lũng đoạn của ông Ngân làm sao thì hãy nghe chính các dân biểu thân hành pháp thuật lại.
“Cứ khoảng hai hoặc ba tháng, Nguyễn Văn Ngân gọi từng dân biểu hay nghị sĩ thân hành pháp vào Văn Phòng của ông ta tại Phủ Tổng Thống và trao cho một phong bì gọi là quà của Tổng Thống tặng. Lương tháng có hơn một trăm ngàn lại được Tổng Thống tặng cho ba trăm ngàn thì khỏe quá. Năm 1973, dân biểu Nguyễn Ngọc Liên (đơn vị Bình Định, Khối Độc Lập) nói với người viết: “Thằng Ngân kỳ này nó bậy quá. Khối Cộng Hòa, nó đưa cho 300 ngàn. Còn khối Độc Lập nó chỉ đưa có 200 ngàn.” Lý do là trong khối này có một số dân biểu cứng đầu. Một nghị sĩ tại Thượng Viện nói với người viết: “Ông Ngân nói anh em liệu luân phiên chia nhau chức vụ ra để làm việc. Mẹ kiếp, kỳ này cái thằng Đào Hữu Phan, tên sai vặt của ông Ngân đòi ôm luôn chức Tổng Thư Ký, nhất định không nhường ai”.
Qua hai sự kiện áp dụng thể thức liên danh và chia chác quyền lợi và chức vụ, ông Nguyễn Văn Ngân đã làm hỏng cơ chế Dân Chủ và góp phần vào việc khai tử chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Ông Ngân cho rằng “nạn tham nhũng trầm trọng và sự phân hóa trong hàng ngũ quốc gia đã tiếp tay cho sự sụp đổ”. Không biết khi nói câu này ông Ngân có ám chỉ cả hành động thao túng Quốc Hội của mình không? Nên nhớ đây là cơ chế thượng tầng của Quốc Gia, trong đó ông Ngân đóng vai trò “Phụ Tá Chính Trị” cho Tổng Thống. Vậy mà ông Ngân đã dùng tiền bạc và chức tước để mua chuộc thì chế độ Cộng Hòa này sẽ đi về đâu? Rõ ràng là hành động thao túng của ông Nguyễn Văn Ngân đã làm phân tán hàng ngũ quốc gia.
Bởi vì những người muốn có chức vụ để làm việc phải là phe của hành pháp, nghĩa là biết phục tùng và nhận tiền đút lót, dù dưới hình thức Tổng Thống tặng quà bằng phong bì! Còn những nhân vật có tư cách như các Luật sư Nguyễn Văn Huyền, Trần Văn Tuyên, Nguyễn Văn Chức... thì cứ việc ngồi chơi xơi nước! Thật ra, trong số những Dân Biểu Nghị Sĩ thân hành pháp có rất nhiều người tốt, nhưng ở thế kẹt khó lên tiếng chống lại những mưu toan của ông Ngân. Tuy bề ngoài họ không công khai nói ra nhưng người viết thấy nhiều người coi thường khả năng và tư cách của ông Ngân. Họ ngại vì Ngân có nghĩa là “Tiền” - cầm tiền của Tổng Thống hay của tỷ phú Nguyễn Cao Thăng, sẽ trả thù nếu có ý định chống lại.
Với Đảng Dân Chủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thì như ông Ngân nói xem ra có vẻ bề thế lắm và đó là công lao xây dựng của ông. Nhưng khi quan sát kỹ việc làm của Tổng Thống Thiệu, người ta thấy ông thành lập Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội (1970) hay ra lệnh cho ông Ngân thành lập Đảng Dân Chủ (1972) không phải theo chủ trương cách mạng để diệt Cộng mà chỉ nhằm củng cố địa vị hay cái ghế Tổng Thống của ông thôi. Đó là sự thực. Bởi vì trong đầu ông Thiệu không có tư tưởng hay lý luận cách mạng. Cứ nghe ông Thiệu nói về cờ của Đảng Dân Chủ thì đủ rõ: “Nó cờ đỏ sao vàng thì ta cờ vàng sao đỏ.” Khi ông Thiệu thành lập Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội quy tụ 6 chính Đảng của Việt Nam thì đài Việt Cộng la hoảng bởi chúng tưởng ông Thiệu cũng biết tổ chức Đảng Cách Mạng kiểu Lênin là thầy của chúng. Nào ngờ chỉ mấy tháng trong cảnh “đồng sàng dị mộng”. Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội tan rã khiến Việt Cộng thở phào nhẹ nhõm.
Rồi khi chỉ thị ông Ngân lập đảng Dân Chủ, ông Thiệu cũng chỉ muốn nó như một thứ Phòng Trào Cách Mạng Quốc Gia thời Cụ Diệm. Ông Thiệu dán cho ông Ngân một “nhãn hiệu” như ngầm dặn các Tỉnh, Thị Trưởng khi thấy “nhãn hiệu” này thì phải tuân hành. Các Tỉnh, Thị Trưởng hầu hết là quân nhân vô Đảng Dân Chủ là để bảo vệ địa vị cá nhân cũng như là chấp hành lệnh của ông Thiệu, đơn giản thế thôi. Chính ông Nguyễn Văn Ngân cũng chẳng có tư tưởng về Đảng Cách Mạng để hành động. Bằng chứng là ông Ngân viết ít tư tưởng lặt vặt và nhờ người nghiên cứu giùm. Dương Hồng Duyệt, chuyên viên Văn Phòng Liên Hiệp Nghị Sĩ Á Châu hỏi ý kiến người viết. Người viết có đọc qua thấy tư tưởng của ông Ngân vụn vặt và không trả lời. Riêng Đảng Dân Chủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu do ông Ngân xây dựng quả là một thứ Đảng ô hợp, không có phẩm chất cách mạng và còn thua xa Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Người ta vào Đảng chỉ để bảo vệ cái nồi cơm và chức vụ chứ chẳng vì lý tưởng cách mạng gì cả. Cứ xem hàng ngũ lãnh đạo thì đủ rõ: Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, Trần Trung Dung,Trần Minh Tùng, Nguyễn Bá Cẩn, Nguyễn Văn Ngân... Bộ phận lãnh đạo “đồng sàng dị mộng” này thì cỡ như Nguyễn Văn Ngân có được làm Tổng Bí Thư kiêm Trưởng Ban Tổ Chức Đảng cũng khômg đủ ký lô mà chỉ huy. Ấy là chưa nói đến hậu quả tai hại của nó là khi Việt Cộng tấn chiếm trọn miền Nam sau 30.04.1975, các đảng viên thật vô cùng khốn khổ vì ba chữ “Đảng Dân Chủ” của Nguyễn Văn Thiệu.
Thật ra trong chính quyền thời Đệ Nhị Cộng Hòa có hai thế lực tương đương bám lấy nhau để tồn tại là hai ông Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm. Ông Thiệu tham quá, muốn ngồi dai quên đi những gì hứa với ông Khiêm cũng như từng hứa với ông Kỳ. Bởi thế mà ông ra lệnh cho ông Ngân vận động Quốc Hội sửa đổi Hiến Pháp để ông có thể ứng cử một lần nữa (nhiệm kỳ 3). Tham và ngồi dai nhưng chẳng làm được việc gì cả. Nhìn lại quãng thời gian 12 năm cầm quyền của ông Thiệu, người ta thấy ông có nhiều cơ hội thuận lợi để làm cách mạng cứu nước, nhưng ông đã bỏ lỡ, hoặc vì không biết hoặc vì không dám dùng người tài, sợ họ vượt mình. Thật vậy sau vụ Tết Mậu Thân 1968 và 2 năm sau đó, uy tín ông Thiệu lên cao, trong khi Việt Cộng bị thảm bại. Giá như ông biết dùng người tài thì tình hình an ninh được vãn hồi thỏa đáng và đất nước đã có cơ thoát cơn nguy biến.
Cứ xem tương quan lực lượng Quốc Cộng lúc ấy, Việt Nam Cộng Hòa có 1 triệu 100 ngàn quan, 100 ngàn Cảnh sát, 200 ngàn cán bộ quốc gia, 2 triệu 500 ngàn đoàn viên Nhân Dân Tự Vệ với 800 ngàn vũ khí cá nhân, 100 ngàn quân đồng minh (Phi, Đại Hàn, Úc, Tân Tây Lan), 524 ngàn quân sĩ Hoa Kỳ với đủ phương tiện hải, lục, không quân, B52... vậy mà thua Việt Cộng là tại sao? Chắc chắn không phải vì thiếu phương tiện, nhưng là thiếu lãnh đạo và tổ chức, đặc biệt về công tác quần chúng. Thiếu lãnh đạo hay lãnh đạo dở cũng thế thôi. Thử hỏi Lực Lượng Nhân Dân Tự Vệ toàn quốc với 2 triệu rưỡi đoàn viên giao cho Thiếu Tướng Võ Văn Cảnh làm Tổng Giám Đốc; Bộ Xây Dựng Nông Thôn sau đổi là Bộ Phát Triển Nông Thôn giao cho ông Nguyễn Văn Ngải, rồi ông Cao Văn Thân thì làm sao công tác vận dụng quần chúng đấu tranh khá được?
Cũng với công tác vận dụng quần chúng, khi xẩy ra trường hợp Linh mục Trần Hữu Thanh, ông Thiệu đã bỏ lỡ một cơ hội lớn. Bởi vì trước khi công bố Bản Cáo Trạng số 1 về nạn tham nhũng, cha Thanh đã gửi cho ông Thiệu một bức tâm thư mang hơn 500 chữ ký của các Linh Mục thuộc Tổng Giáo Khu Sài Gòn yêu cầu ông Thiệu bài trừ tham nhũng để cứu nước. Ông Thiệu không ngó ngàng gì tới, coi tiếng nói chân thành ấy như không, thế nên ông Thiệu mới lãnh đủ. Giá như ông Thiệu biết khai thác yếu tố nhân dân thời ông đã tạo lại được uy tín. Tiếc rằng ông chủ trương “chống Cộng xong rồi mới diệt tham nhũng” như Nguyễn Tiến Hưng đã viết trong Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập. Dung duỡng tham nhũng thời chính tham nhũng hại lại mình, thật đáng tiếc.
Rõ ràng là ông Nguyễn Văn Thiệu và các nhân vật thời đó chẳng ai có uy tín, đạo đức và tài năng như Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông cố vấn Ngô Đình Nhu. Trong cuốn The Year of The Hare của giáo sư Francis X. Winters cho biết khi chính quyền Kennedy bàn về vấn đề đảo chánh thay hai ông Diệm Nhu, đại sứ Frederick Nolting cũng như cơ quan tình báo CIA đều phản đối vì họ nhận thấy chẳng có khuôn mặt nào sáng giá và uy tín để thay ông Diệm cả. Hăng hái nhất như Averell Harimann trong vụ đảo chính lại là người hối hận đầu tiên. Còn kiêu căng phách lối như Cabot Lodge cũng không dám tỏ thái độ hỗn hào với Tổng Thống Ngô Đình Diệm như Kissinger đối với Tổng Thống Thiệu. Chỉ sau mấy tháng thử thách với cái gọi là Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng của Dương Văn Minh, cả bọn âm mưu đảo chánh từ tòa Bạch Ốc sang đến Bộ Ngoại Giao đều ngậm tăm cúi đầu. Phó Tổng Thống Lyndon B. Johnson khi hay tin Kennedy bị ám sát còn thốt ra: “Mình gây đổ máu cho người ta thời bây giờ mình lãnh đủ.”
Dĩ nhiên là phải thông cảm cho ông Thiệu trong hoàn cảnh mới. Cái đáng trách không phải vì ông Thiệu thua tài, kém đức, nhưng vì ông Thiệu không dám dùng người tài, người có đức sợ họ sẽ vượt ông. Chính cái đó làm hại ông và hại đất nước. Rồi những việc làm của ông Nguyễn Văn Ngân đối với Quốc Hội và Đảng Dân Chủ nhằm củng cố vị thế cho ông Thiệu cũng thế, thực chất chỉ là những hành động phá hoại hơn là xây dựng. Ông Nguyễn Văn Ngân được ông Thiệu tin dùng nhưng ông Ngân quá chủ quan cho đó là quyền lực của mình y như cảnh “con khỉ đi bên con cọp đặng hù dọa các con vật khác”. Các con vật khác sợ con cọp chứ có sợ gì con khỉ đâu. Bởi thế, nhiều người nhận định rằng khi ông Ngân xúi mấy ông dân biểu nghị sĩ nhân dịp chúc tết Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã “đập thẳng tay không thương tiếc” Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm là ông Ngân đã làm một việc hết sức sai lầm vì không lượng sức mình. Ông “mó dái ngựa thì ngựa nó đá cho” là cái chắc. Ở thế bắt buộc, ông Khiêm phải đặt vấn đề với ông Thiệu: “Anh dùng nó để chơi tôi à? Anh muốn tôi phản ứng sao đây?” Dĩ nhiên là ông Thiệu phải cất chức ông Ngân thôi. Chanh hết nước rồi thì vất bỏ. Lúc ấy, một Nghị Sĩ có nói với người viết: “Ông Ngân bảo: mình làm sai mất rồi.” (?)
Sự thực ấy đáng lý ra ông Ngân nên bình tĩnh xét lại. Nhưng qua những lời tuyên bố trong bài phỏng vấn, người đọc không thấy ông Ngân xét lại mà chỉ thấy ông dùng nó như cái cớ để ca tụng ông Thiệu và hạ ông Khiêm. Hai điều ông Ngân khen tặng ông Thiệu thật đáng chú ý:
- Thứ nhất: Ông Nguyễn Văn Thiệu là người khéo thỏa hiệp. Nguyên văn lời ông Ngân: “Nếu định nghĩa chính trị là nghệ thuật của thỏa hiệp, thì ông Thiệu là người làm chính trị giỏi. Nhưng ông đã phải trả giá đắt cho sự “thỏa hiệp”. Đó là việc lệ thuộc vào một số tướng lãnh tham nhũng và người Mỹ.” Thoạt nghe, người đọc có cảm tưởng như ông Thiệu ở vào tư thế rất khó khăn để thỏa hiệp nhằm có cơ cứu nước. Thực chất ông Thiệu thỏa hiệp để chỉ bảo vệ cái ghế mà không biết dùng cơ hội để cứu nước. Cái gọi là “thỏa hiệp” của ông Thiệu có chăng chỉ là mánh khóe hay thủ thuật nhằm bảo vệ cái ghế Tổng Thống của ông thôi. Đó là “chính sách nhân sự dùng những thành phần bẩn (tham nhũng, ham gái) và dễ sai bảo (ngu dốt, chấp hành, không có ý kiến).
Còn những người tài thì ông Thiệu không dám dùng mà lại còn cho người theo dõi từng bước đi. Có như vậy, cái ghế Tổng Thống của ông mới không bị nhòm ngó. Cái lối dùng người như thế cũng giống như hành động lũng đoạn Quốc Hội của ông Ngân bằng tiền bạc và chức vụ. Trong hoàn cảnh đó làm sao có nhân tài phục vụ đất nước. Bởi chỉ có những thành phần bẩn và ngu mới phục tùng ông Ngân. Còn những người có tư cách và uy tín như Cụ Nguyễn Văn Huyền hay Luật sư Trần Văn Tuyên thì cỡ như Nguyễn Văn Ngân làm sao thuyết phục hay mua chuộc được họ.
- Thứ hai: Ông Thiệu là người yêu nước. Nguyên văn lời ông Ngân: “Tổng Thống Thiệu theo tôi là người yêu nước, có lập trường quốc gia vững chắc, có khả năng, nhưng gặp hoàn cảnh khó khăn gần như không thể nào xoay xở được.” Người viết và có lẽ rất đông người không đồng ý với nhận định hay lời khen của ông Ngân về ông xếp của mình. Ông Thiệu yêu nước thật không? Hãy nghe ông Thiệu nói trong ngày 22.04.1975 khi từ chức: “Đồng bào và các chiến hữu thân mến. Nếu như không có Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, thì còn Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu. Mà nếu như không có Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu thì còn có chiến sĩ Nguyễn Văn Thiệu...” Người viết nhớ đại khái là như vậy. Nhưng chỉ hai ngày sau, đêm 24.04.1975 ông Thiệu đã cùng gia đình leo lên máy bay chạy vọt sang Đài Loan. Nhưng chưa hết, suốt thời gian 26 năm qua, trong khi cả nước khốn khổ vì sự đàn áp của Cộng sản thì ông Thiệu chẳng ngó ngàng gì tới. Đau thương nhất là những đồng bào tị nạn với hàng triệu người đã phải bỏ nước ra đi. Có cả nửa triệu người đã làm mồi cho tôm cá và hải tặc. Vậy mà ông Thiệu chưa nhỏ một giọt nước mắt để cảm thương. Ký giả báo Time ở London năm 1981 hỏi ông Thiệu nghĩ gì về đồng bào tị nạn, thì ông Thiệu trả lời rằng: “Tôi đâu có mắc mớ gì đến họ?” (Nguyên văn: I have nothing to do with them).
Người xưa vẫn nói: “Yêu nước là yêu dân”. Dân không yêu thì làm sao yêu nước được. Qua câu trả lời của ông Thiệu, không biết ông Ngân nghĩ sao? Ông Thiệu là người yêu nước theo cái nhìn của ông Ngân phải không? Nếu quả tình như thế thì người viết cũng có thể nói: “Theo tôi thì ông Thiệu yêu ghế trước, yêu nước sau.” Có làm Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa thì ông Thiệu mới có thể thực hiện được lòng yêu nước. Còn không làm Tổng Thống thì ông không yêu nước được. Thảo nào mới đây có người cho người viết biết rằng ông Thiệu vẫn hay đi coi bói và tử vi hỏi xem ông và con ông có thể trở về Việt Nam làm Tổng Thống được nữa không? Tiếc rằng thầy bói đã trả lời: “Số ông hết rồi và con ông cũng vậy, đừng mơ tưởng gì cả.” Một nhân vật khác còn nói với người viết: “Thằng chả câu cá không có mồi thì lãnh đạo thế nào được?” Một nhân vật khác nữa nói thêm: “Moa bảo lủy rằng: cái gì ông cũng có, Tổng Thống nè, Trung Tướng nè, tiền bạc nè, vợ đẹp con khôn nè. Ông chỉ còn thiếu hai chữ anh hùng thôi”, nhưng mà lủy không biết nghe.”
Ông Ngân bảo ông Thiệu có lập trường quốc gia vững chắc, vậy thì bản Hiệp Định Paris 27.01.1973 là cái gì đó? Giá ông Thiệu đừng ký vào cái hiệp định bán nước này và “Xáng cho Kissinger một bạt tai” như ông Thiệu nói với ông Ngân thì ông Thiệu là anh hùng bất tử. Ông có bị nó giết thì cả dân Việt Nam sẽ tôn thờ. Nhưng ông Thiệu “dễ bảo” quá. Ông đã chỉ thị cho phái đoàn ngoại giao VNCH ký vào bản Hiệp Định tức thì lập trường “bốn không” của ông trở thành “bốn có”. “Đi vào chỗ chết để lấy cái sống!” Ông Thiệu đã không có cái gan của một người làm tướng như lời Tôn Tử dạy nên danh ông bị tiêu tùng.
Đọc kỹ lại những lời khen tặng của ông Nguyễn Văn Ngân đối với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, một người dân bình thường có lẽ cũng lấy làm quá đáng. Nếu ông Thiệu đọc được bài phỏng vấn, có lẽ cũng phải giật mình, y như chuyện một viên quan nịnh thần kia lúc nào cũng tìm dịp khen nhà Vua. Trong một phiên chầu ở triều đình, nhà vua chẳng may lỡ đánh “ủm” một cái. Ông quan liền lên tiếng khen rằng: “Rắm hoàng thượng thơm quá!” Nhà vua lấy làm lạ mới hỏi lại: “Trẫm nghe thầy thuốc nói bình thường rắm phải thúi. Chứ rắm mà thơm là e có chuyện không lành.” Nghe thế viên quan mới giật mình, liền chống chế ngay: “Dạ tâu hoàng thượng, lúc nãy rắm thơm, nhưng bây giờ nó lại thúi rồi ạ!”
Còn những lời ông Nguyễn Văn Ngân nói về ông Trần Thiện Khiêm thì sao? Qua bài phỏng vấn, ông Ngân chê ông Khiêm là người của CIA, hai lòng, phản bội, tham nhũng, ngâm miệng ăn tiền và tham vọng, vân vân. Nhiều, nhiều lắm. Dưới mắt của ông Nguyễn Văn Ngân thời Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm là một người rất tồi, rất xấu, khác hẳn với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là người rất tốt, yêu nước, lập trường quốc gia vững chắc. Nói khác đi, ông Ngân khen ông Thiệu bao nhiêu thời ông mạt sát và chê bai ông Khiêm bấy nhiêu. Dưới mắt ông Ngân, Đại Tướng Trần Thiện Khiêm chẳng có điểm nào tốt cả. Thứ người như vậy, cất chức tống cổ đi ngoại quốc là vừa. Bởi đó khi mà lũng đoạn được Quốc Hội rồi, ông Ngân đã dùng cơ quan lập pháp này chơi ông Khiêm xả láng qua những buổi điều trần; rồi tìm cách đem người của mình vào nội các như đưa Nguyễn Văn Ngải về Bộ Phát Triển Nông Thôn trong khi ông Ngải chẳng có khả năng gì ngoài khả năng điếu đóm luồn cúi ông Ngân; cúp ngân sách Khẩn Hoang Lập Ấp của Quốc Vụ Khanh Phan Quang Đán khiến ông Đán phải chạy túi bụi, may mà được về kiêm nhiệm Bộ Xã Hội; xúi các Dân Biểu Nghị Sĩ “hạ nhục” ông Khiêm tại Dinh Độc Lập như đã nói trên khiến ông Khiêm phải phản ứng về hành động “mó dái ngựa” của ông Ngân khiến ông bay chức Phụ Tá Đặc Biệt.
Tại sao ông Thiệu có phản ứng mạnh như vậy đối với ông Ngân? Thưa tại vì những hành động của ông Ngân làm hại ông Thiệu. Giống như con khỉ đi bên cạnh con cọp, ông Ngân tưởng rằng có thể dùng ảnh hưởng và uy tín của mình có thể sai khiến cả ông Thiệu. Ông Thiệu đa nghi và rất bén nhậy trọng hành động cá nhân đầy tham vọng của ông Ngân nên mới cất chức. Bởi đó, ông Ngân nói rằng không có tham vọng là nói dối! Chỉ có điều ông Ngân đi sớm quá và cứ tưởng mình là con cọp mà không biết mình chỉ là một con khỉ!
Còn sự việc ông Ngân chê ông Khiêm là CIA, là người của Mỹ, vậy thì ông Thiệu của ai? Một Dân biểu có thời làm Tổng Thư Ký Hạ Viện nói với người viết trong văn phòng làm việc rằng: “Anh tìm cho tôi một nhân vật hơn ông Thiệu đi, tôi sẽ bỏ ông ta và theo liền. Nói thật anh, ông Thiệu vững là vì Mỹ bảo làm mười, ông chỉ làm tám, còn xin lại hai để giữ thể diện.”
Điều rất lạ là trong khi chê Trần Thiện Khiêm là tham nhũng, bất lực thì ông Ngân lại khen Trần Văn Đôn. Chính điểm này cho thấy khả năng nhận thức và tư cách của của ông Ngân. Đa phần người ta cho rằng ông Ngân khen ông Thiệu, dù quá đáng cũng còn nghe được. Chứ ông Ngân khen Trần Văn Đôn là người trong sạch và trung thành thời thật khó ngửi vô cùng! Hãy nhìn vào thẳng con người Trần Văn Đôn. Năm 1963, làm tay sai cho Cabot Lodge và Lucien Conein phản bội Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Năm 1970, bị văng khỏi Thượng Nghị Viên khi bốc thăm, đã luồn cúi Thích Trí Quang để ra ứng cử Dân Biểu ở Quảng Ngãi. Đắc cử Dân Biểu Hạ Nghị Viện, được Thiệu “mua” bằng chức Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng, tức thì Trần Văn Đôn “đá” ngay cho Thích Trí Quang một vố! Còn con người Trần Văn Đôn trong sạch ư? Vậy thì số tiền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm do cha Toán giữ mà Trần Văn Đôn cho người qua lấy thì Đôn để ở đâu? Ở trong túi Trần Văn Đôn! Vẫn chưa hết, xin đọc hồi ký Việt Nam Nhân Chứng của Trần Văn Đôn để biết con người thật của Trần Văn Đôn. Về cái chết của Tổng Thống Diệm, Đôn viết: “Tuy lúc đó tôi không nghĩ đến chuyện giết hai ông Diệm Nhu, sau này nhìn lại các sự kiện tôi cho rằng “người nào đó” ra lệnh giết nầy là một người thấy xa, ông ta không phải ngu dại làm chuyện đó” (tức Đôn cũng là đứa phản chủ, đổng lõa giết chủ).
Còn về ngày 30.04.1975, Trần Văn Đôn viết: “Ai cứu dân Sài gòn khỏi đổ máu? Không phải Kissinger. Không phải đại sứ Mỹ. Không phải đại sứ Pháp. Sài gòn không đổ máu là nhờ Dương Văn Minh. Những ngày cuối tháng tư, tôi nghĩ ông Minh biết không hy vọng gì ở giải pháp thương thuyết. Ngày 24.04, tôi thấy cô Mai, con gái ông Minh đến tòa đại sứ Pháp xin laisser-passer (do ông cố vấn chính trị Brossard trao lại) để ra khỏi nước. Ông Minh có thể ra đi lúc đó, lúc chưa nhận vai trò Tổng Thống, hoặc có thể đi ngày 29 tháng 04 với Hải Quân, nhưng ông can đảm ở lại. Nếu tất cà đi hết thì Sài gòn sẽ hỗn loạn. Không có chính quyền sẽ không có an ninh, du đãng sẽ lộng hành cướp giật, giết nhau ví oán thù v.v... Còn nếu ông Minh ra lệnh chiến đấu thì mấy ai còn gan dạ cầm súng. Thua là điều không tránh khỏi chi gây thêm đổ máu mà thôi.”
”Chiến tranh kéo dài 30 năm, hai bên đều thương vong quá cao. Tài sản quốc gia bị hư hao quá nhiều. Chiến tranh Việt Nam kéo dài vì bàn tay ngoại bang nhúng vào...” (Việt Nam Nhân Chứng, trang 486).
Người viết buộc lòng phải trích dẫn những lời trên đây để nhắc cho ông Ngân biết về con người Trần Văn Đôn mà một lần người viết đã đề cập đến trong bài viết về “Những Hồi Ký Chiến Tranh Việt Nam...” đã được phổ biến trên báo chí nhân tưởng niệm biến cố 30 tháng 4. Con người có tâm địa ác ôn như thế đối với cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, phản bội đủ mọi người, chạy theo danh lợi và quyền lực, đổi trắng thay đen, không một lời xám hối về những hành động tồi bại của mình, tâng bốc hành động ngu đần của Dương Văn Minh ngày 30 tháng 04 v.v... vậy mà ông Nguyễn Văn Ngân lại khen đứt lưỡi kể cũng lạ! Hay Trần Văn Đôn có những điểm đồng với ông Nguyễn Văn Ngân? Còn Dương Văn Minh ư? Phải là tên ngu đần lắm mới đâm đầu làm tay sai cho Cộng sản như hồi 30 tháng 4 năm 1975! Nhưng chuyện ấy bỏ qua, chỉ cần bấy nhiêu để có thể nhận định khả năng của Phụ Tá Nguyễn Văn Ngân về vấn đề nhân sự lãnh đạo hoàn toàn trật lất. Thay một người nguy hiểm bằng một tên điếm, có gì bảo đảm cho guồng máy quốc gia được cải thiện, quân đội được trong sạch nhất là người đó lại là Trần Văn Đôn? Ấy là chưa kể những phán xét của ông Ngân đối với những nhân vật khác đều bị ông chê là dở? Vậy còn Trung Uý Nguyễn Văn Ngân thì sao? Trung Uý mà còn làm được Phụ Tá Tổng Thống thì người có tài đức gặp thời cũng có thể đảm nhiệm những chức vụ tương đương hay lớn hơn chức vụ Phụ Tá Tổng Thống. Chuyện đó rất bình thường và trong lịch sử không thiếu gì dẫn chứng.
Để kết thúc, người viết có mấy nhận xét:
- Qua bài phỏng vấn, người đọc thấy ông Ngân khen Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và chê không tiếc lời Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm. Điều này rất dễ hiểu vì ông thâm thù với ông Trần Thiện Khiêm. Nhưng cái đó chỉ là diện. Nếu tinh ý người ta sẽ thấy thực chất ông Nguyễn Văn Ngân khen ông Thiệu là gián tiếp tự khen mình đấy thôi. Trước đây nghe nói về ông Ngân hình như người ta dễ dàng tưởng tượng ra một ông Phụ Tá Tổng Thống nhiều quyền hành và có những hành động ghê gớm lắm. Nhờ bài phỏng vấn, độc giả nhìn rõ ông Ngân hơn. Ông cũng chỉ là con người với tất cả Tham, Sân, Si, chẳng có gì lạ. Trước đây ông Ngân hay tuyên bố vung vít là ông “nặn” ra nhân vật này, nhân vật kia, gián tiếp ông muốn nói rằng sự nghiệp của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng là do ông nặn ra nốt. Bởi ông tự tôn tự đại và đi sớm quá nên bị ông Thiệu cất chức!
- Phần đầu người viết có khen ông Nguyễn Văn Ngân là người “ăn cây nào rào cây ấy”. Thật ra ông chỉ rào khi cần. Khi có chức, có quyền và có tiền thì ông rào. Nhưng khi mất chức, mất quyền thì ông phá rào. Đúng vậy? Hồi 1970, khi mới đảm nhiệm vai trò Phụ Tá, ông Ngân chịu khó rào, nhưng tham lam và rào kỹ quá hóa ra bị đá văng khỏi chức Phụ Tá sau mấy năm phục vụ. Đầu năm 1975, ông Ngân được ông Thiệu cho về nước và đầu tháng 4.1975 bị bắt trở lại vì âm mưu xúi một số Nghị Sĩ ra quyết nghị lật đổ ông Thiệu đồng thời liên lạc âm mưu với phe nhóm muốn đảo chánh (Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Trân, Nguyễn Thiện Nhơn...). Thật ra đảo chánh ông Thiệu cũng không hẳn là dễ như ông Ngân nói, nhất là lúc ông Ngân chẳng còn chức còn quyền gì, lại cũng chẳng có quân. Ông Thiệu luôn luôn ám ảnh về chuyện đảo chánh nên có những đề phòng đặc biệt, như Nguyễn Tiến Hưng viết trong Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập. Cho nên tự khen mình là “nhân vật nguy hiểm số một” thì thật là lố bịch và buồn cười!
- Bài phỏng vấn ông Ngân cũng là hình thức chạy tội cho ông Thiệu, nhưng trắng trợn quá, hơn cả Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập của Nguyễn Tiến Hưng nên phản tác dụng. Nó tố cáo cả ông Thiệu lẫn ông Ngân là những người không bao giờ biết phục thiện, không bao giờ biết nhận lỗi, không bao giờ biết xám hối. Đã vậy vẫn còn tham lam và nuôi mộng ăn trên ngồi trốc làm cha thiên hạ. Hãy nghe ông Ngân nói: “Hiện còn nhiều việc chưa sáng tỏ, nhiều tài liệu chưa giải mật. Về phương diện trách nhiệm thì người lãnh đạo cũng như thuyền trưởng, tàu chìm do lỗi của tài công hay thợ máy...” Ý ông muốn nói về vai trò Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, trong đó có ông là viên Phụ Tá tài ba đã “nặn ra” (chữ ông Ngân hay dùng) biết bao nhân vật là người lãnh đạo có tài, có trách nhiệm và trong sạch. Nếu thế thì người viết yêu cầu ông Nguyễn Văn Ngân trong chỗ thân tình với ông Thiệu đề nghị ông Thiệu nên viết một cuốn hồi ký để cho người đương thời và các thế hệ mai sau biết hoàn cảnh khó khăn của Việt Nam trong giai đoạn ông cầm quyền. Ông Thiệu già rồi, nếu có kẻ nào dọa giết cũng chẳng đáng sợ đâu. Cứ viết thật đi, đừng giấu giếm, đừng sợ gì cả. Và nếu có thể, cả ông Nguyễn Văn Ngân nữa, cũng nên viết hồi ký để làm sáng tỏ những vấn đề còn ẩn khuất khó hiểu trong thời gian ông làm Phụ Tá Đặc Biệt cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
San Jose ngày 10 tháng 06 năm 2001
Phạm Quang Trình
-------oo0oo-------