tittle

bottom


Search Vietlist.us
Search the Web



Vietnam

covang

covang

covang

Home Page Vietlist.us

------------oo0oo--------------

Trang Sưu tầm dùng đăng tải những bài viết của bạn đọc gởi về cho chúng tôi. Vietlist chấp nhận mọi thể loại mọi đề tài, từ khoa học, kỹ thuật cho tới văn thơ, nữ công, gia chánh... Chúng tôi sẽ đăng tải nếu bài viết thích hợp với lập trường của người Việt Quốc Gia. Xin quý vị gởi bài cho chúng tôi qua email: vietlist09@yahoo.com. Kính chúc quý đọc giả vui khỏe.

Trang Bạn Đọc Sưu Tầm - Vietlist.us

-------------oo0oo--------------

Cha giàu bậc nhất Việt Nam, con trai sống đời cơ cực

Nổi tiếng giàu có bậc nhất Việt Nam và cũng khét tiếng ăn chơi đến mức những trò ngông đã đi vào câu ca "nghe tin Công tử Bạc Liêu đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu", ông Trần Trinh Huy (còn có tên là Ba Huy, Công tử Bạc Liêu) là 1 trong những người giàu có bậc nhất ở Việt Nam những năm 1930 thế kỉ trước. Thế nhưng "ai giàu 3 họ, ai khó 3 đời", những ngày giữa năm 2010 này, người dân ở Bạc Liêu thấy ông Trần Trinh Đức, con trai của người từng giàu nhất Việt Nam đưa vợ con về quê sau hàng chục năm lang bạt khắp nơi làm thuê kiếm sống qua ngày. Trở về quê, con trai Công tử Bạc Liêu ở nhờ trong 1 căn nhà tạm, đang tính đậu xe trước cửa dinh thự cũ của cha làm nghề xe ôm kiếm miếng ăn qua ngày.

khachsanCTBL
Nhà công tử Bạc Liêu (nay là khách sạn Công tử Bạc Liêu)

Giàu sang lụi tàn

Tôi gặp con trai Công tử Bạc Liêu trong khuôn viên của dinh thự công tử Bạc Liêu xưa (hiện nay là Nhà hàng Công tử Bạc Liêu) một sáng cuối tháng 7. Gợi lại những câu chuyện về dòng họ Trần nổi tiếng giàu sang ăn chơi, coi tiền như nước của cha ông ngày xưa, ông Đức thẫn thờ: "Thôi đừng gợi lại làm gì cậu ạ. Đó là những kỷ niệm buồn". Hiện tại, gia đình ông đang rất túng quẫn và chỉ biết hy vọng, trông đợi vào sự giúp đỡ của chính quyền cũng như các nhà hảo tâm.

Ông Đức cho biết, cha ông có đến 4 bà vợ chính thức. Mẹ ông, bà Nguyễn Thị Hai là vợ thứ 2, trước ông Đức bà còn sinh được 2 người con là Trần Thị Thảo và Trần Trinh Nhơn. Đáng lý ông còn một người em song sinh, nhưng do ca sinh khó, mẹ ông đã qua đời cùng với người em trai chưa chào đời. Cha ông còn nhiều người con khác với nhiều người vợ, nhưng hiện nay tất cả đều sống tứ tán, người ở nước ngoài, người ở Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu... Người vợ sau cùng của cha ông là bà Bùi Thị Ba có 4 người con có tên sắp vần lại sẽ ra 1 câu rất ngộ nghĩnh: "Hoàn, Toàn, Trinh, Nữ". Bà vợ cuối này của Công tử Bạc Liêu mới mất vào ngày 21.7.2010 tại Vũng Tàu, thọ 72 tuổi.

Do quê quán, gia tộc và tài sản gia đình phần lớn ở Bạc Liêu, nên cha ông thường đưa ông về thăm. Ông Đức cũng có thời gian 4 năm được cha gửi về sống tại chính dinh thự này, từ năm 7 tuổi đến năm 11 tuổi. Còn ở Sài Gòn, ông sống cùng cha tại biệt thự số 117 Nguyễn Du, về sau chuyển qua ở biệt thự trên đường Nhất Linh (nay là đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Gò Vấp). Ông Đức nhớ rõ chuyện cha mình từng có máy bay riêng nhưng không rõ mua vào thời điểm nào. Thông thường, những khi cha cho về quê hay đi chơi, anh em ông thường được tài xế riêng đưa đón trên chiếc Ford - Mercury, loại xe vốn dành riêng cho giới thượng lưu trên thế giới thời đó.

Ông Đức cho biết, không biết có phải ảnh hưởng tính phong lưu của cha hay không mà tính của ông cũng rất ham vui. "Thời ấy, không chỗ vui chơi nào ở Sài Gòn mà tôi không biết đến. Ngày nào tôi cũng đi nhảy đầm thâu đêm suốt sáng", ông Đức nhớ lại.

Năm 1973 Công tử Bạc Liêu qua đời. Đại gia đình ông bắt đầu gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Các anh em trong nhà bán căn nhà ở đường Nhất Linh và chia mỗi người một phần. Riêng ông thì chuyển về ở nhờ nhà vợ tại đường Huỳnh Tịnh Của (Quận 3), sinh sống bằng nghề buôn bán vặt.

Con gái điên, nợ ngập đầu, cả nhà trốn nợ

Sau khi được kế thừa một phần tài sản của cha, cuộc sống gia đình ông Đức cũng rất khá giả, có thời gian ông còn mở cả nhà hàng. Nhưng rồi đứa con gái duy nhất của ông sa vào bài bạc và mắc nợ. Tất cả tài sản trong nhà đều lần lượt "đội nón ra đi" nhưng vẫn không đủ trả hết các khoản nợ do cô con gái rượu của ông vay mượn. Cộng thêm việc bị lừa tình, lừa tiền, cô con gái của ông bỗng đâm ra ngớ ngẩn và mắc bệnh tâm thần phân liệt phải chạy thuốc thang mỗi ngày. Năm 1998, ông dắt díu vợ con chạy sang tận Campuchia để lánh nợ.
Ở nơi đất khách quê người, ông phải làm đủ nghề để kiếm sống, nhưng lâu nhất là bán giày da cũ. "Mỗi ngày tôi thu mua giày cũ về tân trang lại bán ở chợ Nam Vang (Phnom Penh), ban đầu còn tạm được nhưng về sau không thể sống nổi, một phần do vật giá leo thang và bán ế ẩm, một phần do nhớ quê da diết nên phải kéo nhau về lại Sài Gòn". Thời gian ông bươn chải tại Campuchia tính ra cũng được 2 năm.

Về lại Sài Gòn, không chốn nương thân, không đồng vốn buôn bán, cùng đường nên ông quay ra hành nghề chạy xe ôm. Ông thường đứng đón khách ngay tại ngã tư đường Pasteur - Điện Biên Phủ. Ở tuổi lục tuần, nhưng ông lại là lao động chính nuôi 3 miệng ăn với thu nhập bấp bênh từ nghề chạy xe ôm. Ông Đức ngao ngán: "Ngoài tiền điện nước, tiền ăn còn thêm tiền thuốc thang. Chuyện tiền nong thiếu trước hụt sau là chuyện xảy ra từng bữa".

Ông còn người con trai cũng không nghề nghiệp ổn định nhưng ở trọ riêng. Ông Đức bảo: "Giờ chạy xe của tôi từ 5h sáng đến 12h trưa, rồi từ 3h chiều đến tận 12h khuya. Mải chạy ăn không có cả thời gian thăm con, dù biết nó trọ cũng đâu gần đây". Khi hỏi về những người anh em cùng cha với ông, ông Đức lắc đầu: "Cũng không rõ nữa vì mỗi người mỗi nơi". Ông cho biết anh em của ông thuộc nhiều dòng mẹ nên cũng không được thuận hòa lắm, còn đến giỗ cha thì mỗi người cúng riêng.

khachsanCTBL
Chân dung con trai Công tử Bạc Liêu - ông Trần Trinh Đức.

Con trai người giàu không có nơi giỗ cha

Ông Đức ngậm ngùi: "Trong bao năm phiêu bạt nơi đất khách quê người, lúc nào tôi cũng đau đáu trong lòng muốn có 1 nơi thờ tự ông bà cha mẹ ngay trên chính quê hương mình. Nhưng do cuộc sống quá nghèo khó nên mơ ước chẳng thành hiện thực. Có lẽ con người khi càng lớn tuổi thì càng muốn gần gũi quê hương".

Tháng 12.2009, trong 1 lần chạy xe ôm chở khách, người khách tình cờ biết được ông Đức chính là hậu duệ của Công tử Bạc Liêu. Nghe tâm sự của ông Đức, người khách này hướng dẫn nếu thực sự tha thiết thì ông có thể làm đơn gửi chính quyền tỉnh Bạc Liêu xin cấp nhà. Được người này hướng dẫn, chỉ sau đó vài ngày ông Đức bắt xe đò về quê, nộp đơn trình bày nguyện vọng.

Nói đến việc cấp nhà, ông Đức lại lặng buồn. Mặc dù gia đình ông đã chuyển về Bạc Liêu được gần 1 tháng nhưng hiện tại vẫn chưa có chỗ ở ổn định. Hiện tại gia đình 3 người của ông phải ở tạm một căn nhà nhỏ do Công ty cổ phần địa ốc Bạc Liêu cho mượn. Còn chuyện lô đất 300m2 và ngôi nhà ba gian dành làm nơi thờ tự trong khu địa ốc như lời cơ quan chức năng Bạc Liêu và Công ty địa ốc hứa thì vẫn chưa biết khi nào ông được nhận.

Trả lời PV về vấn đề vì sao chưa thực hiện lời hứa với ông Đức, ông Nguyễn Chí Luận, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Bạc Liêu xác nhận công ty có nhã ý tặng một lô "đất vàng" trong khu du lịch Hồ Nam tại thị xã Bạc Liêu. Hiện phía công ty địa ốc và Hội nhà báo tỉnh Bạc Liêu vẫn đang vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp để mua ngôi nhà ba gian trị giá trên 200 triệu đồng làm nơi thờ tự dòng họ Trần, kết hợp với việc quảng bá để làm du lịch.

"Dự tính thì đã có nhưng việc thực hiện đến nay vẫn chưa thể hoàn thành do nhiều nguyên nhân khác nhau", ông Luận nói.


Dự định về tương lai và cuộc sống của gia đình trong những ngày sắp tới, ông Đức cho biết có lẽ sẽ lại hành nghề chạy xe ôm ngay trước khách sạn công tử Bạc Liêu để kiếm tiền xoay sở trong khi chờ được cấp nhà. "Nếu được cho nhà như lời mọi người đã hứa, tôi sẽ mở một quán cà phê để phục vụ cho những khách đến tham quan kể lại câu chuyện về một dòng họ danh gia vọng tộc từng lẫy lừng nay đã lụi tàn như thế nào", ông Đức nói.

Khang Thiên
PLX

source: email from readers.

 

 

-------------oo0oo---------------

Những hình ảnh đẹp của Cộng Đồng Việt Nam

Covang

Covang

Covang

Covang
Vinh Danh Cờ Vàng của Dân Tộc Việt Nam

Covang
Vinh Danh Cờ Vàng của Dân Tộc Việt Nam

Home Page Vietlist.us

 


bottom