tittle

bottom

Vietnam

covang

covang

Trong Dong

Trở Về Trang Gốc Lịch Sử Việt Nam    Trở Về Trang Gốc Vietlist.us

Truyện cổ tích Việt Nam

Thạch Sanh Lý Thông

Ngày xưa có 2 vợ chồng bác tiều phu già mà chưa có con. Hai vợ chồng lo làm điều thiện, và cầu xin Trời Phật cho một người con. Năm sau người vợ có thai, sinh ra một bé trai kháu khỉnh khỏe mạnh. Hai người vui mừng đặt tên con là Thạch Sanh.

Thạch Sanh càng lớn càng đẹp, khỏe mạnh và hiền lành. Chẳng may khi Thạch Sanh được 12 tuổi thì cha mẹ đều qua đời. Thạch Sanh sống một mình hẩm hiu nơi ven rừng. Ngày ngày Thạch Sanh đốn của và săn thú đem ra chợ bán để đổii thức ăn. Đáng lẽ Thạch Sanh được nhiều tiền, nhưng vì tính chàng tốt bụng nên hay giúp đỡ, người già cả, nghèo khổ nên chàng sống nghèo khó, đạm bạc. Khi lớn lên Thạch Sanh trở thành chàng trai lực lưỡng, vẫn sống nơi ven rừng, trong căn chòi, dưới gốc đa cổ thụ. Gia tài quý nhất của Thạch Sanh là một cái búa to và một bộ cung tên rất tốt.

ThachSanhLyThong

Thạch Sanh có một người bạn tên là Lý Thông. Lý Thông là một thương nhân ở làng bên với một người mẹ già. Thỉnh thoảng gánh hàng đi bán ngang nhà Thạch Sanh, Lý Thông ghé lại chơi, uống chung nước trà, khề khà dăm ba câu chuyện. Lý Thông tính tình rất gian xảo, hay lường gạt, nhưng bên ngoài đối xử thân thiện với Thạch Sanh. Đôi khi Lý Thông mời Thạch Sanh qua nhà mình chơi, ăn cơm và ngủ qua đêm. Thạch Sanh cũng quý mến mẹ Lý Thông.

ThachSanhLyThong

Nơi làng Lý Thông ở có một con chằn tinh rất hung dử. Nhà vua đã nhiều lần sai quân lính tới giết nó nhưng không sao giết nổi. Nhà vua đành phải xây cho nó một cái miếu thờ và mỗi năm phải hứa cúng cho nó một người để nó ăn thịt. Được như vậy nó mới không phá phách và để yên cho dân chúng làm ăn. Mỗi năm, dân làng bốc thăm, ai trúng thăm thì bị làm mồi cho chằn tinh ăn thịt. Nhà vua hứa ai giết được chằn tinh sẽ ban thưởng.

Rủi cho Lý Thông, năm nay anh ta bị rút thăm trúng làm người đem cúng cho chằn tinh ăn thịt. Biết Thạch Sanh là người thật thà lại ở ven rừng không biết nhiều tin tức, Lý Thông nghĩ cách gạt người em kết nghĩa của mình.

Một hôm vào ngày rằm trăng tỏ, Lý Thông mời Thạch Sanh về nhà mình chơi. Sau khi ăn cơm tối xong, Lý Thông nói với Thạch Sanh :

- Tối nay đến phiên anh phải canh gác miếu chằn tinh nhưng mẹ anh lại không khoẻ trong người, anh nhờ chú đi thế dùm được không ?

Vì thương mến mẹ con Lý Thông, Thạch Sanh sẵn sàng đi thế. Trăng sáng, Thạch Sanh xách búa, mang trái cây vào miếu chằn tinh để cúng thì nghe một tiếng gầm kinh hồn. Một luồng gió hôi tanh thổi lên, cây cối ngã rào rạo. Thạch Sanh bỗng trông thấy một con chằn tinh to lớn, lông lá, răng nanh trông rất hung dữ tấn công chàng định ăn thịt. Thạch Sanh vội giơ búa lên chém. Dưới ánh trăng Thạch Sanh chiến đấu với chằn tinh liên tiếp 2 giờ.

ThachSanhLyThong

Cuối cùng Thạch Sanh chiến thắng, giết được chằn tinh. Thạch Sanh cắt đầu chằn tinh vác về nhà Lý Thông. Lý Thông và mẹ nghe tiếng Thạch Sanh kêu cửa sợ quá tưởng Thạch Sanh đã bị ăn thịt, giờ làm ma hiện về. Lý Thông và mẹ quỳ xuống vái rằng:

- Xin chú hãy tha tội cho tôi. Mẹ con tôi hứa sẽ làm lễ cầu siêu và mỗi năm cúng giỗ cho chú.

Thạch Sanh nghe vậy, biết là Lý Thông gạt mình. Nhưng vốn tốt bụng, Thạch Sanh không giận, nói:

- Em vẫn còn sống đây mà . Chằn tinh đã bị em giết chết đem đầu về đây, anh mở cửa ra mà xem.

Lý Thông thấy Thạch Sanh không có vẻ giận, hé cửa xem rồi mở cửa cho Thạch Sanh vào. Nhìn thấy cái đầu chằn tinh quá lớn và ghê gớm mẹ con Lý Thông té xỉu. Qua cơn hoảng sợ, Lý Thông nghĩ ngay ra được cách gạt Thạch Sanh. Anh ta làm ra vẻ sợ hãi, lo lắng:

- Con chằn tinh này là của vua nuôi, sao chú dám giết nó. Chú có tội to lắm rồi, phải trốn ngay đi.

Thạch Sanh tưởng thật, trở về rừng, ở trong căn lều của mình. Còn Lý Thông lên kinh đô báo tin cho vua biết chính mình đã giết được chằn tinh. Nhà vua mừng rỡ, cho lính về làng mang đầu chằn tinh lên kinh đô. Phải cần đến 4 người lính mới khiêng nổi cái đầu chằn tinh. Vua ban thưởng cho mẹ con Lý thông nhiều vàng bạc và phong cho hắn chức lãnh binh, chuyên huấn luyện lính trong cung vua.

Nhà vua có một cô con gái đã lớn, rất đẹp. Vua cũng đang tìm phò mã cho con. Một hôm công chúa đi dạo vườn hoa, bỗng có con Ðại bàng tinh sà xuống cắp công chúa bay đi. Tình cờ đại bàng bay ngang trên cây đa có căn lều của Thạch Sanh. Nghe tiếng công chúa kêu cứu, Thạch Sanh nhìn lên. Thấy đại bàng bắt người, liền giương cung bắn một phát trúng ngay vào cánh. Đại bàng trúng tên đau lắm nhưng tiếp tục bay đi. Thạch Sanh chạy theo một đỗi thì thấy đại bàng bay về hướng núi, phía có 1 cái hang động. Thấy không làm gì được, Thạch Sanh nhớ hướng chim bay rồi trở về nhà.

Khi nghe tin công chúa bị yêu quái cắp đi mất tích nhà vua đau lòng xót ruột, truyền cho lý Thông đi tìm, hứa tìm được sẽ gả công chúa cho. Lý Thông vừa mừng vừa lo. Lý Thông lo vì mình bất tài khó tìm được công chúa. Cuối cùng Lý Thông nhớ Thạch Sanh bèn mang quân đi tìm Thạch Sanh và kể chuyện công chúa bị Ðại bàng tinh bắt mất cho Thạch Sanh nghe. Thạch Sanh thật thà mà kể lại về việc bắn trúng cánh chim. Lý Thông mừng lắm, lập tức nhờ Thạch Sanh dẫn đường, mang lính đến nơi sào huyệt của yêu quái. Thạch Sanh tình nguyện xuống hang tìm công chúa.

ThachSanhLyThong

Lý Thông sai quân cột dây rồi thòng cho Thạch Sanh xuống hang. Thạch Sanh mang theo cái búa xuống tới đáy hang, dò tìm theo dấu máu khô tới một căn phòng Thạch Sanh trông thấy một cô gái đang ngồi chụm thuốc vừa khóc thút thít. Đoán chừng là công chúa, Thạch Sanh kêu nhỏ :

- Xin công chúa đừng sợ. Tôi là Thạch Sanh được lịnh vua đi tìm công chúa đây.

Công chúa cho Thạch Sanh biết Đại Bàng có tài biến hóa thành người và rất hung dữ. Nó bị mũi tên của Thạch Sanh bắn trúng, bị thương nặng, hiện thành một người đàn ông đang nằm trong phòng. Công chúa phải nấu thuốc cho nó uống.

Thạch Sanh kêu công chúa giả bộ bưng thuốc vào cho nó uống. Còn chàng nhẹ nhàng theo sau. Khi cửa phòng Ðại bàng tinh mở ra, Thạch Sanh xông vào trước chém Ðại bàng tinh. Ðại bàng tinh rất khỏe, nhưng vì bị thương nên không thể địch lại Thạch Sanh. Đánh nhau một lúc, Ðại bàng tinh bị Thạch Sanh chém chết, hiện nguyên hình là một con chim đại bàng to lớn dị thường.

Công chúa mừng rỡ cám ơn Thạch Sanh. Thạch Sanh dẫn công chúa ra đặt vào cái bội ra dấu cho Lý Thông kéo lên. Công chúa nhìn Thạch Sanh lưu luyến muốn Thạch Sanh cùng đi, nhưng Thạch Sanh từ chối viện cớ là cái bội nhỏ chỉ mang đủ một người, xin công chúa lên trước rồi mình sẽ lên sau.

Không ngờ Lý Thông thấy đã cứu được công chúa bèn thu dây lại, không thả xuống cho Thạch Sanh lên nữa. Lý Thông lại sai lính khiêng đá to lấp cửa hang luôn. Lý Thông muốn giết chết Thạch Sanh để chiếm công cứu công chúa. công chúa thấy Lý Thông tàn ác nên sợ quá, trở thành câm không nói ra tiếng được.

Thạch Sanh chờ mãi không thấy Lý Thông thả dây xuống mà chỉ nghe tiếng ầm ầm rồi thấy đá đổ xuống lấp cửa hang. Thạch Sanh không hiểu chuyện gì xảy ra, chàng buồn rầu đi sâu vào trong hang dò dẩm tìm lối ra.

Bổng Thạch Sanh nghe tiếng khóc của con gái. Chàng theo tiếng khóc đi đến một căn phòng nhỏ thì thấy 2 cô gái đang bị Ðại bàng tinh nhốt trong phòng. Thạch Sanh phá cửa phòng giam cứu 2 cô gái. Thì ra đây là 2 cô Công chúa con của vua Thủy Tề dưới biển Đông, bị đại bàng tinh bắt giam từ mấy tháng nay. Hai công chúa có thể bơi lội dưới nước như những nàng tiên cá hay lên bờ đi bộ như người thường. Vì cửa động đã bị lấp, 2 nàng dẫn Thạch Sanh đi vào trong, đến 1 cái hồ nhỏ ăn thông ra biển Đông. Hai nàng bơi trước, giúp Thạch Sanh bơi theo dưới nước mà không bị trở ngại.

Về đến thủy cung, 2 nàng công chúa tâu với vua Thủy Tề về việc được Thạch Sanh cứu giúp. Vua giữ Thạch Sanh ở lại chơi một tuần để cám ơn. Khi ra về vua Thủy Tề tặng Thạch Sanh một cây đàn và 1 cái nồi nhỏ, bảo rằng khi gặp nguy cấp có thể lấy ra xài, nó sẽ giúp chàng qua cơn khốn khó.

Sau đó 2 nàng công chúa lại đưa Thạch Sanh về lại mặt đất, chàng lại sống trong căn chòi nhỏ như xưa.

Nói về Lý Thông, sau khi cứu công chúa về được vua khen thưởng, nhưng vua chưa thể gả công chúa cho Lý Thông vì công chúa bị câm, suốt ngày buồn rầu. Lý Thông cũng hiểu rằng công chúa còn nhớ Thạch Sanh là ân nhân đã cứu mình nên vẫn để tâm theo dõi. Ít lâu sau, Lý Thông nghe tin Thạch Sanh đã trở về sống trong căn chòi cũ. Lý Thông cho lính đến vu cáo là Thạch Sanh ăn cắp, rồi bắt giam Thạch Sanh trong ngục lớn trong triều đình, chờ ngày hại Thạch Sanh.

Thạch Sanh bị bắt giam vô cớ, chưa rõ nguyên nhân. Một hôm thấy buồn, Thạch Sanh lấy cây đàn của vua Thủy Tề ra đàn chơi giải sầu. Cây đàn có tiếng kêu bình thường, bổng nhiên từ từ kêu lớn dần và ra thành lời ca:

" Đàn kêu tích tịch tình tang,
Ai đem công chúa lên hang mà về..."

công chúa đang ngồi buồn rầu bổng nghe tiếng đàn thần, nàng ú ớ rồi nói ra thành tiếng. công chúa đến gặp vua cha, quỳ tâu rõ nàng được cứu ra khỏi hang như thế nào, và nàng kể rõ Lý Thông đã gian ác, truyền lắp cửa hang rồi cướp công của Thạch Sanh như thế nào. Nàng cũng xin vua cho mời người đánh đàn.

Sau khi vua truyền Thạch Sanh đến gặp vua và công chúa. Nhà vua biết rõ mọi sự cũng như sự gian ác của Lý Thông. Vua nổi giận cho bắt Lý Thông cùng bà mẹ đến. Cả 2 quỳ xuống chịu tội. Vua muốn xử chém đầu nhưng Thạch Sanh xin vua tha cho họ vì họ là bạn của Thạch Sanh. Vua đuổi cả 2 người về lại làm dân. Trên đường dẫn nhau về quê cũ, hai mẹ con Lý Thông đã bị trời đánh chết.

Về phần Thạch Sanh, chàng được vua gà công chúa và phong cho chàng làm chức Lãnh binh coi sóc binh lính phòng vệ triều đình.

Ít năm sau, có giặc nước ngoài xâm lấn, vua sai Thạch Sanh ra đánh giặc. Thạch Sanh ra đánh giặc, vì giặc quá đông quân đội Thạch Sanh bị vây trong một vùng núi, không có đủ lương thực. Thạch Sanh vẫn bình tĩnh tổ chức phòng thủ đề phòng địch tấn công. Thạch Sanh nhớ lời dặn của vua Thủy Tề, đem cái nồi vua Thủy Tề tặng ra nấu cơm. Lạ thay, nồi cơm tuy nhỏ, nhưng cơm được múc ra nồi vẫn còn đầy, không bao giờ hết. Nhờ thế lính của chàng được no bụng.

Với trí thông mình, lòng kiên nhẫn và sức mạnh vô địch, Thạch Sanh tổ chức phản công và từ từ chiến thắng quân giặc. Thạch Sanh kéo quân chiến thắng trở về.

Sau đó vua cha đến tuổi già nên nhường ngôi vua lại cho Thạch Sanh. Thạch Sanh cùng công chúa chăm sóc dân và việc nước rất chu đáo, nhân hậu. Mọi người trong nước sống trong cảnh thái bình, yên vui./.

 

Trở Về Trang Gốc Lịch Sử Việt Nam    Trở Về Trang Gốc Vietlist.us


bottom