tittle


bottom


Search Vietlist.us
Search the Web



Vietnam

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

Vietnam

covang

Home Page Vietlist.us     Về Trang Gốc Houston


VIETLIST.US dành Trang Cộng Đồng để đăng tải tin tức, thông báo của Cộng Đồng và các Hội Đoàn người Việt Quốc Gia hoàn toàn miễn phí. Xin vui lòng liên lạc với chúng tôi tại: vietlist09@yahoo.com

-------------------------------

Từ Aung San Đến Suu Kyi: Niềm Hãnh Diện và Hy Vọng Của Myanmar

Ls. Hoàng Duy Hùng

Ngày 26/9/2007 và tiếp tục vài ngày sau đó, quân phiệt Myanmar thẳng tay xả súng vào đoàn biểu tình ở Rangoon, các tăng ni và mọi người chạy tán loạn, nhiều vị tăng chạy qua biên giới Thái Lan xin tỵ nạn chính trị. Cuộc Cách Mạng Nâu Sồng đang gặp nhiều trở ngại và có nguy cơ bị chết yểu. Người ta không biết đích xác con số người chết và bị thương trong cuộc biểu tình, bên quân phiệt Myanmar nói chỉ có 10 người còn phe chống đối thì nói khoảng 200. Ký giả Kenji Nagai của Nhật cũng bị bắn chết trong cuộc xả súng này. Quân phiệt Myanmar áp dụng chính sách khủng bố, ngoài việc loan tin có lợi cho chế độ trên các đài truyền hình, phát thanh và báo chí, từ sáng sớm họ cho xe chạy chung quanh thành phố bắc loa loan tin họ có hình ảnh tất cả những ai tham gia cuộc biểu tình, ai mà tham gia sẽ bị bắt và truy tố.

Khi màn đêm buông xuống, quân phiệt Myanmar vào hết nhà này đến nhà khác bắt người hàng loạt, cứ vậy tiếp diễn cả vài tuần, làm cho cả nước Myanmar ăn không ngon ngủ không yên, ai nấy đều hoảng sợ. Thêm vào đó, trên các đường phố, họ dán bích chương và hình ảnh của những người biểu tình bị họ bắt, đánh đập và tra tấn dã man, người dân qua lại ai nấy đều thấy, dầu cho cả thế giới lên án, dân chúng có bất mãn hoặc căm tức và phẫn nộ chăng nữa, nhưng những hình ảnh này lâu dài thâm nhập vào đầu óc của người dân, ám ảnh làm ai nấy đều hãi sợ, sự phản kháng đã bị đè xuống.

Ngày 21/10/07, ký giả Choe Sang-Hun viết trên báo Herald Tribune với tựa đề “A Systematic Silencing of Dissent Has Achieved Its Aim In Myanmar” cho biết chính sách khủng bố bịt miệng người dân của quân phiệt Myanmar đã có hiệu lực. Theo ông, dân Myanmar rất mong muốn có dân chủ, bất mãn tột cùng với chế độ, không muốn làm nô lệ cho quân phiệt, nếu có một lực mạnh đứng dậy thì họ tràn theo làm sập chế độ ngay, nhưng rất tiếc không có một lực nào mạnh khả dĩ đương đầu với nhà cầm quyền có súng ống, có Trung Cộng ở đàng sau hỗ trợ mọi mặt, từ tài chính cho đến huấn luyện kỹ thuật chống biểu tình và tâm lý chiến trấn áp quần chúng.

Ước mơ dân chủ của dân Myanmar tưởng đã nằm trong tầm tay thì nay đang tuột dần ra. Chẳng lẽ Cuộc Cách Mạng Nâu Sồng có một kết quả giống như Biến Cố 8888 mà thôi? Chẳng lẽ lời thề hứa đi đến đoạn đường cùng của mấy trăm ngàn tăng ni sư của Myanmar không làm gì nổi với nhóm quân phiệt kỳ này?

Để có câu trả lời cho những câu hỏi trên, chúng ta cần sơ lược tiểu sử của nhà cách mạng và là cha già dân tộc nước Myanmar hiện đại là ông Aung San và người con gái út của ông là bà Suu Kyi.

I. Aung San (13/2/1915 – 19/7/1947) là con trai của hai ông bà U Pha và Daw Suu ở thị trấn Natmauk, Tỉnh Magwe miền trung nước Myanmar. Ông U Pha là một luật sư nổi tiếng trong vùng vì giòng họ của ông có những người đã từng can đảm đứng lên chống sự xâm lăng của Anh. Học xong trung học ở vùng quê này, năm 1933, Aung San lên Đại Học Rangoon theo đuổi ngành Chính Trị Học và Anh Văn.

Aung San nhanh chóng chứng tỏ sự năng nổ và khả năng lãnh đạo của mình. Ông được bầu vào Ban Chấp Hành của sinh viên và làm chủ bút báo Oway (Tiếng Gọi Của Con Công). Năm 1936, tờ báo của sinh viên đăng bài Hoả Ngục Xổ Chuồng với nội dung chỉ trích một số viên chức thủ cựu đang nắm quyền trong đại học. Trường buộc ông Aung San và ông U Nu phải tiết lộ danh tánh tác giả của bài viết không thì sẽ bị trục xuất khỏi trường. Hai ông bất tuân lệnh này của nhà trường, họ tổ chức những cuộc biểu tình phản đối, cuối cùng nhà trường phải nhượng bộ.

Năm 1938, vài tháng trước khi ông ra trường, Aung San được bầu làm chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Toàn Quốc. Chính phủ cũng chỉ định ông là đại biểu chính thức của sinh viên của Đại Học Rangoon. Sau khi ra trường, tháng 10 năm 1938, Aung San chính thức lao mình vào trong các hoạt động chính trị và cách mạng chống lại sự cai trị của người Anh. Để tìm đường cứu nước, ông tham gia nhiều tổ chức với hy vọng tìm một tổ chức hoạt động hữu hiệu. Lúc đầu, ông tham gia tổ chức Dobama Asiayone, và năm 1940, ông là Tổng Thư Ký của tổ chức này. Là thành viên của Dobama Asiayone, ông đã phối hợp tổ chức những cuộc đình công tại Myanmar mà sau này người ta gọi là Cách Mạng 1300. Con số 1300 ở đây là lịch lập quốc của Myanmar. Trong lúc là thành viên và là người lãnh đạo của Dobama Asiayone, Aung San còn tham gia vô Đảng Cộng Sản Burma và tháng 8 năm 1939, ông là Tổng Bí Thư của đảng này.

Tháng 3 năm 1940, ông qua thành phố Ramgarh của Ấn Độ tham gia Đại Hội Đảng Quốc Đại của Ấn. Nước Anh ra trát truy lùng bắt ông về những hoạt động chống phá thực dân Anh tại Myanmar, nghe được tin này, ông lập tức bỏ trốn sang Trung Quốc, hy vọng tìm sự bao che và giúp đỡ của Đảng Cộng Sản của quốc gia to lớn này. Trên đường đào tẩu, ông bị đoàn quân của Nhật bắt ở Amoy. Khi ấy, Nhật cổ súy chính sách Đại Đông Á và muốn chiêu dụ người bản xứ để thi hành chính sách này, họ thuyết phục ông Aung San, ông Aung San nhận lời và thay vì đi Trung Quốc, ông qua Nhật để được huấn luyện.

Qua tới Nhật, ông được Thủ Tướng Fumimaro Konoe đón tiếp và giúp đỡ. Tháng 2 năm 1941, Aung San trở về nước, thu nhận “đồng chí” và năm đó ông gởi “Ba Mươi Đồng Chí” sang Nhật để được huấn luyện. Tháng 12 năm 1941, với sự giúp đỡ của tình báo quân đội Nhật, ông qua Thái Lan và tại Bangkok ông thành lập Quân Đội Burma Độc Lập. Ông là chỉ huy trưởng của quân đội này. Tháng 3 năm 1942, Thủ Đô Rangoon thất thủ vào tay Nhật. Ông Aung San được đưa về Nhật tiếp kiến Nhật Hoàng và tháng 3 năm 1943, ông được nước Nhật phong làm Thiếu Tướng. Ngày 1 tháng 8 năm 1943, Nhật tuyên bố Burma là một nước độc lập, nước nhật phong Aung San làm Bộ Trưởng Bộ Chiến Tranh và Tổng Tư Lệnh Quân Đội Quốc Gia Burma và họ đưa ông Aung San về Rangoon.

Thật ra trong thâm tâm của Aung San chỉ muốn mượn lực của nước Nhật để tranh đấu độc lập cho nước nhà. Hơn nữa, ngay từ đầu ông đã nhận diện được dã tâm và tham vọng của nước Nhật là muốn làm bá chủ cả châu Á, ông đã sử dụng khổ nhục kế để nuơng tựa vào Nhật. Về tới Rangoon như cọp về rừng, ông âm thầm liên lạc với các lãnh tụ Cộng Sản đã một thời là đồng chí của ông đang còn lưu vong tại Ấn, bí mật bắt tay với người Anh để chuẩn bị ngày quật khởi đuổi Nhật ra khỏi Myanmar. Việc làm này rất nguy hiểm, chỉ cần sơ xẩy một chút thôi thì ông bị mất mạng như chơi.

Ngày 27/3/1945, vài tháng trước khi Nhật bị Hoa Kỳ bỏ hai quả bom nguyên tử và tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, ông Aung San cùng với đoàn quân của ông nổi dậy, và vì yếu tố bất ngờ quân đội Nhật không chuẩn bị nên Nhật đã bị đánh bật ra khỏi Myanmar. Quân Anh từ bên Ấn Độ tiến vào Myanmar hỗ trợ cho Aung San cũng như để ngăn chận không cho quân Nhật trở lại nước này. Ngày 27/3 được gọi là Ngày Quật Khởi và sau này quân phiệt Myanmar gọi là Ngày Quân Lực.

Trong lúc giao thời, thực dân Anh chia quyền cho mọi phe nhóm, trong đó có cả Đảng Cộng Sản Burma, nhưng phải nói Aung San là người được ưu thế hơn hết vì ông có công trạng lớn và vì ông có quân đội độc lập. Ông được làm Thủ Tướng, nhưng rất tiếc, ngày 19/7/1947 ông bị đối thủ chính trị là ông U Saw thuê người ám sát ông chết. Ông U Saw sau đó cũng bị án tử hình treo cổ. Về sau, có những tài liệu nói rằng thực dân Anh ám sát ông Aung San nhưng lại đổ vấy cho ông U Saw để tạo sự khủng hoảng chính trị tại nước này. Hư thực ra về vần đề này thì lịch sử hiện nay chưa làm sáng tỏ.

Năm 1942, ông Aung San lập gia đình với bà Daw Khin Kyi. Cũng năm đó, em gái bà Daw Khin Kyi lập gia đình với lãnh tụ Đảng Cộng Sản Burma là ông Thakin Than Tun. Như thế, ông Aung San là anh em cột chèo với lãnh tụ Cộng Sản. Aung San có 3 người con với Daw Khin Kyi: Aung San Oo, Aung San Lin (bị chết đuối lúc 9 tuổi), và Aung San Suu Kyi. Bà Daw Khin Kyi qua đời ngày 27/12/1988, vài tháng sau khi có biến cố chấn động 8888.

II. Aung San Suu Kyi (19/6/1945) là người con thứ 3, con út, của ông Aung San và Daw Khin Kyi. Khi bà bập bẹ biết đi thì ông Aung San bị ám sát chết. Cái chết của ông Aung San để lại một vết thương không bao giờ phai trong lòng Daw Khin Kyi, bà khuyên nhủ các con lớn lên sau này chớ tham gia vào chính trị vì chính trường là nơi gió tanh mưa máu, lạnh lùng và tàn bạo vô cùng. Đó là lý do tại sao ông Aung San Oo, con trai đầu lòng của ông Aung San, sống cuộc sống thầm lặng của một kỹ sư tại Hoa Kỳ, không bao giờ tham gia một sinh hoạt nào của người Myanmar, và ông còn lên tiếng phản đối cực lực bà Suu Kyi vì ông cho rằng bà Suu Kyi không chịu nghe theo lời trối trăng của mẹ.

Năm 2000, ông Aung San Oo nộp đơn kiện bà Suu Kyi ở tòa án Tối Cao Myanmar, yêu cầu Suu Kyi phải chia đôi tài sản cha mẹ để lại, nhất là căn nhà mà bà Suu Kyi đang bị giam giữ. Rõ ràng Aung San Oo theo phe quân phiệt Myanmar làm khó dễ cô em gái của mình. Người ta ngỡ rằng tòa sẽ phán quyết có lợi cho Aung San Oo, nhưng cuối cùng tòa không phán quyết theo chiều hướng đó, vẫn để nguyên tài sản cho bà Suu Kyi. Theo luật Burma (giống như CSVN), công dân nước ngoài không thể đứng tên làm chủ đất đai mà ông Aung San Oo lại là một công dân Hoa Kỳ.

Sau cái chết của Aung San, cả Myanmar thương mến và coi ông như thần tượng, do đó, dầu Daw Khin Kyi không muốn tham gia chính trị, nhưng chính trị vẫn xoáy vần cuộc đời của bà, người ta đến đón và bẩm thưa với bà vô số chuyện. Năm 1960, bà nhận lời chính phủ làm đại sứ ở Ấn Độ. Một trong những lý do bà muốn đi Ấn Độ là vì bà muốn lòng vơi bớt nỗi nhớ thương chồng lẫn vụ chết đuối của đứa con thứ hai. Suu Kyi theo mẹ qua Ấn Độ và học tại một trường tư Công Giáo ở New Delhi. Sau khi học xong trung học năm 1964, Suu Kyi được mẹ cho đi sang nước Anh du học. Bà ghi danh học ở St Hugh’s College, Oxford, và năm 1969 bà lấy Cử Nhân Triêát, Chính Trị, và Kinh Tế. Bà gặp Tiến Sĩ Michael Aris, một người Anh sống tại Bhutan, chuyên gia về văn hóa Tây Tạng, và năm 1972, bà lập gia đình với ông. Năm 1973, bà sinh con đầu lòng, Alexander, và năm 1977, bà sinh người con trai thứ hai, Kim. Ông Michael Aris bị ung thư nhiếp hộ tuyến (prostate cancer) và qua đời tháng 3 năm 1999 trong khi bà Suu Kyi bị quân phiệt Myanmar giam giữ tại gia ở Rangoon.

Cuộc đời của bà Suu Kyi đang êm đềm hạnh phúc bên cạnh chồng và hai con thì năm 1988, bà nhận được tin mẹ của bà bị bệnh nặng ở Rangoon, bà phải về gấp chăm sóc cho mẹ để làm tròn chữ Hiếu. Vài tháng sau khi bà trở về Rangoon thì biến cố 8888 xảy ra, và xót xa cho vài ngàn người dân vô tội bị quân phiệt Myanmar sát hại cũng như nỗi đau quằn quại của dân tộc trong chế độ độc tài, bà nhập cuộc đấu tranh. Ngày 27/9/1988, bà thành lập Liên Hiệp Quốc Gia Cho Dân Chủ (National League For Democracy). Sau khi mẹ bà qua đời ngày 27/12/1988, bà có nhiều thời giờ hơn để hoạt động. E ngại uy tín của bà là con của cố lãnh tụ Aung San, ngày 20/7/1989, quân phiệt Myanmar ra lệnh giam bà tại gia. Nhà cầm quyền hứa sẽ trả tự do cho bà nếu bà chịu rời khỏi Myanmar nhưng bà nhất quyết không chịu.

Năm 1990, nhà cầm quyền quân phiệt Myanmar tổ chức tổng tuyển cử, Liên Hiệp Quốc Gia Cho Dân Chủ của bà Suu Kyi được 392 ghế trên tổng số 489, đáng lẽ bà phải lên làm Thủ Tướng, nhưng quân phiệt Myanmar không chịu trao quyền cho bà, ngược lại, họ còn bắt giam bà ở trong tù cũng như tại gia cho tới ngày hôm nay. Từ đó tới nay, bà không gặp mặt được hai con trai, và lúc chồng bà qua đời năm 1999, bà cũng không có mặt để đưa tang.

Năm 1990, bà được Giải Nobel Hòa Bình, bà không đi Stockholm để nhận giải được, hai người con trai của bà là Alexander và Kim thay thế bà đi nhận giải. Tiền thưởng 1.3 triệu Mỹ Kim, bà dùng để giúp phát triển y tế và giáo dục cho những người dân Myanmar nghèo khổ.

Từ đó tới nay, rất nhiều nhà lãnh đạo tinh thần trên thế giới, nhiều quốc gia, nhiều tổ chức thiện nguyện, nhiều văn thi sĩ làm áp lực yêu cầu quân phiệt Myanmar trả tự do cho bà Suu Kyi, nhưng họ vẫn làm ngơ trước áp lực đó. III. Nhận Định: Cuộc Cách Mạng Nâu Sồng diễn ra vào tháng 9 năm 2007, quân phiệt Myanmar dùng vũ lực trấn áp, sau đó liên tục khủng bố quần chúng bằng nhiều hình thức, nhưng, ai cũng nhận ra họ e sợ sức mạnh của quần chúng vì quần chúng hướng về bà Aung San Suu Kyi như vị lãnh đạo của họ. Đặc sứ của Liên Hiệp Quốc là ông Imbrahim Gambari (sinh ngày 24/11/1944), người Nigeria, đã đến Myanmar tiếp xúc với lãnh đạo quân phiệt là Tướng Than Shwe để tìm một giải pháp cho Myanmar.

Lần đầu tiên tướng Than Shwe chấp thuận gặp mặt bà Suu Kyi nhưng lại đặt ra những điều kiện mà nhiều người cho rằng không thể thi hành được. Đó là lý do tại sao cho tới nay vẫn chưa có sự gặp gỡ giữa hai người. Thời đại này là thời đại toàn cầu hóa, dầu quân phiệt Myanmar được Trung Cộng ở đàng sau hỗ trợ, họ không thể cô lập họ với cả thế giới. Nhiều nước trên thế giới trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Mã Lai, và Âu Châu đã tuyên bố sẽ trừng phạt quân phiệt Myanmar nếu họ không chịu đối thoại với bà Suu Kyi. Tổng Thống George W. Bush và nội các của ông áp dụng chiến thuật xiết tài sản và triệt hạ các dịch vụ thương mại của những đại tư bản (tycoons) Myanmar. Một trong những đại tư bản Myanmar bị “chiếu” nặng nhất là Tay Za (sinh ngày 18/7/1967) vì ông này có liên hệ chặt chẽ và làm ăn khắn khít với các tướng quân phiệt.

Các tướng quân phiệt đều có cổ phần trong các công ty của ông Tay Za. Họ làm ăn từ buôn bán gỗ, đá quý, hột xoàn, kỹ nghệ máy bay v.v. Đây là đòn rất nặng đối với các tướng quân phiệt vì họ bị thiệt hại tài chánh một cách trực tiếp và nặng nề. Tên tuổi của ông Aung San và bà Suu Kyi đã là một dấu ấn trên não trạng của người dân Myanmar và trên chính trường quốc tế, quân phiệt Myanmar không thể nào tẩy trừ được. Họ phải tìm một giải pháp chính trị chung để giải toả những bế tắc hiện nay.

Nhưng, bà Suu Kyi chưa có kinh nghiệm nắm quyền trong chính trường, và, ở một quốc gia mà chung quanh có quá nhiều kẻ thù (nhiều trăm năm) như Thái Lan và Ấn Độ, Myanmar cần có một quân đội hùng mạnh. Nếu bà Suu Kyi lên nắm quyền mà bà không có kinh nghiệm của một tổng tư lệnh quân đội hoặc không có sự thần phục ngoan ngoãn của quân đội, chắc chắn bà sẽ gặp rất nhiều khó khăn để ổn định và đưa quốc gia này đi lên.

Nhận định được điều này nên các lãnh tụ chính trị kinh nghiệm của Myanmar và các nhà lãnh đạo trên thế giới khuyến khích có một giải pháp chính trị cho cả hai hơn là một sự đối đầu một sống một còn như hiện nay.

Lời Kết: Ông Aung San đã là niềm hy vọng và sự hãnh diện của Myanmar giúp cho nước này được độc lập, và rõ ràng hiện nay người con gái của ông, bà Suu Kyi, là điểm tựa tinh thần cho người dân xứ này có hứng khởi để tranh đấu cho quyền sống và quyền làm người của họ. Nhưng trong đấu tranh không hề có một phương trình cố định, (thí dụ ông Aung San lúc đầu dựa vào thế lực của Nhật để xây lực cho chính mình, sau đó lại dùng lực của người Anh để đẩy lùi quân Nhật), phải uyển chuyển để hợp tình thế thì mới đạt được hiệu quả, thì chúng ta thấy trong những ngày tháng tới, Myanmar có thể sẽ có một giải pháp chính trị giữa bà Suu Kyi và quân phiệt. Mong rằng người dân Myanmar vì tương lai của dân tộc họ sẽ tìm được một sự đồng thuận để dân Myanmar được sống trong cảnh thái bình và hạnh phúc chớ không phải sống trong sự đói nghèo và nô dịch như hiện nay./.

Houston ngày 25 tháng 10 năm 2007

----------------------------------


Vinh Danh Cờ Vàng của Dân Tộc Việt Nam


Vinh Danh Cờ Vàng của Dân Tộc Việt Nam



Về Trang Gốc Vietlist     Về Trang Gốc Houston


bottom