tittle

bottom

Vietnam

VietSu

VietSu

VietSu

VietSu

VietSu

VietSu

VietSu

VietSu

VietSu

VietSu

VietSu

VietSu

VietSu

VietSu

Trong Dong

Trong Dong

Trong Dong

Trong Dong

Trong Dong

Trong Dong

Trong Dong

Trong Dong

Trở Về Trang Gốc Lịch Sử Việt Nam    Trở Về Trang Gốc Vietlist.us

Trận An Lộc 1972 - Phần 3

Trận An Lộc 1972: Phần 1    Phần 2    Phần 3

Tài liệu: http://www.vlink.com/nlvnch/jennifer/anloc1.html

Written by an unknown author, provided by Kim Nguyen, this article is published in memory of general Le Van Hung and all South Vietnamese soldiers and civilian defenders of An Loc in 1972.

-------------------

Trận An Lộc - phần 3

1972 - An Lộc Anh Dũng

Sau chuyến đi thất bại ngày 29/4/72, chúng tôi vẫn trong tình trạng chờ đợi và tiếp tục 1 vài lần "phiêu lưu" nữa không phải bằng trực thăng nhưng bằng con đường máu mệnh danh bằng con dường xui xẻo 13 (quốc lộ 13). Ngày lại ngày, đoạn đường Lai Châu - Chơn Thành trở nên quen thuộc với chúng tôi, nhưng hết tuần lễ này đến tuần lễ khác chúng tôi không có cơ hội để vào An Lộc bằng đường bộ. Địa điểm xa nhất mà chúng tôi đạt tới chỉ là suối Tàu Ô, con suối tử thần đã cầm chân đoàn quân khai thông quốc lộ hơn 2 tháng trời và vẫn còn tiếp tục cho tới sau ngày tôi vào được An Lộc và trở ra.

Trên đọan đường ngắn ngủi này, chúng tôi lại gánh chịu những kỷ niệm đau thương mới, khi theo chân đoàn chiến xa của chi đoàn 1/20 đi khai thông quốc lộ. Đức Tài, biệt danh của ông Đại úy chi đoàn trưởng 1/20, không phải là 1 xa lạ gì với các phóng viên chiến trường. Đức tài từng là anh hùng thiết giáp trên chiến trường Kampuchia. Ngày 24 xuất trận tại Lai Khê, Đức Tài đã ôn lại kỷ niệm cũ với nhóm phóng viên chiến trường và chính anh đã đãi chúng tôi bữa hủ tiếu sau cùng ở câu lạc bộ sư đoàn 5.

Sáng 24, Đức Tài dẫn mấy chục con "cua sắt" đến Chơn Thành để từ đây anh tham gia măt trận Bình Long. Gặp nhau tại Bộ chỉ huy tiền phương trung đoàn 32 ở phía Bắc Chơn Thành, Đức Tài còn đưa 2 gnón tay thành hình chữ V làm dấu hiệu chiến thắng khi leo lên chiếc M113 để dắt đoàn cua sắt M41 tiến và tử địa.

nhaydu

Hai người trong nhóm chúng tôi là Lê Thiệp và Dương Phục định leo lên xe Đức Tài để đi cùng, không hiểu sao lúc đó tôi lại cản và nói: "Đi theo sau tiện hơn." Đức Tài dẫn đoàn xe đi, chúng tôi dồn cục lên 1 chiếc xe Jeep theo sát chiếc M41 sau cùng. Đoàn xe mới chạy chừng 5 phút, chúng tôi nghe những tiếng đạn pháo kích và tiếng súng liên thanh nổ rền. Mỹ voi, điện ảnh viên quân đội, lao vội chiếc xe xuống lề đường, la lớn: "Xuống hết đi tụi bay, đụng rồi".

Hai phut' sau, khi chúng tôi chạy lên chỗ 1 chiếc xe M41 đang nhả đạn 76 ly vào bìa rừng thì người trưởng xa leo lên pháo tháp la thất thanh: "Đức Tài bị rồi, hỏa tiển 122 ly pháo trúng xe." Đoàn chiến xa bị chặn lại tại đây và 1 phi tuần A1 tới thả bom 2 bên bờ rừng. Chúng tôi trở về trung đoàn 32 để nhìn mặt Đức Tài lần cuối. Hai người lính khác cũng hy sinh với Đức Tài.

Cái chết ở mặt trận này đến thật mau lẹ, chỉ mấy phút sau khi làm dấu hiệu chiến thắng hình chữ V, Đức Tài đã vĩnh viễn ra đi trong sự ngơ ngác bi thảm của cả đoàn quân vừa khởi sự tham gia mặt trận Bình Long không đầy nửa tiếng đồng hồ.

An Lộc địa sử ghi chiến tích...

Sau bao nhiêu lần đi, bao nhiêu trắc trở, tôi vẫn định bụng là sẽ phải vào An Lộc để nhìn thấy tận mắt thị trấn anh hùng này, nhìn thấy tận mắt sự tàn phá khủng khiếp vô lý của chiến tranh. Để được thấy, chứ không phải nghe nói về sức chịu đựng và những biểu tượng về tinh thần chiến đấu vô biên của tất cả những người đã giữ vững An Lộc, cho dù thành phố này không còn là 1 thành phố nữa. Ngày 13/6/72, toán phóng viên lại lên đường. Ngoài tôi còn có Đại úy Ngguyễn Văn Quí, sĩ quan báo chí sư đoàn 5. Dương Phục, Đài tiếng nói Quân đội, Anh Thuần của báo Tiền Tuyến, Tam Phong Slao Quắn của sư đoàn 5 và Hébert thuộc hệ thống truyền thanh truyền hình của Canada. Người phóng viên quốc tế này đã bị tử thương ngày 23/7/72 lúc theo dõi chiến trận Quảng Trị sau khi An Lộc được giải tỏa. Tất cả chúng tôi được ngồi chung trên 1 trực thăng UH trong 1 đợt đổ quân của tiểu đoàn 2/31 củ sư đoàn 21 BB tăng viện cho mặt trận An Lộc.

Vào khoảng thời gian này, phòng không địch không còn mạnh mẽ như những chuyến đi trước của chúng tôi vào 2 tháng 4 và 5. Các phi công ghi nhận là quân CSBV chỉ còn 1 ổ đại bác 37 ở phía Bắc Tân Khai và 1 số ít đại liên dọc theo các rừng cao su mà thôi. Đoàn trực thăng 5 chiếc "lao" xuống Xa Cam lúc 11 giờ sáng và ngay khi chân vừa chạm đất chúng tôi bắt đầu nghe những tiếng xé gió và những tiếng nổ chát chúa, địch bắt đầu pháo kích theo như thói quen thường lệ, mỗi khi nghe tiếng động cơ trực thăng vọng về. Đã có nhiều kinh nghiệm tại mặt trận này, tất cả chúng tôi, không ai bảo ai chạy túa vào 2 bên rừng cao su và lao mình xuống những hố đạn cũ gần nhất. Địch ngưng pháo sau chừng 15 trái đạn, đây là các ụ súng của ta bị địch chiếm ở phía Đồi Gió, trong những ngày đầu chiến trận.

nhaydu

Dứt tiếng pháo, chúng tôi chạy theo 2 ven rừng cao su; phía trước là các toán quân vừa được trực thăng vận tới, họ di hành theo đội hình hàng dọc, nhiệm vụ của họ là tới An Lộc và từ đó tăng cường các cánh quân tảo thanh địch quân ở vòng đai tỉnh lỵ . Được chừng hơn 100 m, Đại úy Quí bắt đầu kiểm điểm "quân số" trong toán chúng tôi, thiếu mất ông phó nháy Slao Quắn và phóng viên Tiếng nói Quân đội Dương Phục. Chúng tôi quyết định tìm chỗ núp để chờ. Có lẽ Slao Quắn và Dương Phục chạy qua phía rừng bên kia khi Cộng quân pháo bãi đáp. Một lát sau họ bắt kịp chúng tôi tại tấm bảng xi măng "Plantation de Xacam."

Dương Phục thở hổn hển, đất đỏ Bình Long nhuộm mồ hôi tạo cho gương mặt hắn 1 màu kỳ dị. Hắn cho biết trong lúc chạy pháo kích, cái túi đeo của hắn văng mất và sức ép của tiếng nổ lẫn cánh quạt trực thăng đã làm những đồ vật trong túi bay như bươm bướm. Dương Phục mất hết các vật dụng êng của hắn ngoại trừ tìm lại được xác cái máy cassette đã trở thành vô dụng.

Đoạn đường từ Xa Cam vào An Lộc chỉ hơn cây số nhưng tôi đã có cảm tưởng là đã vượt đoạn đường di hành dài mấy chục cây số. Có lúc tôi định quẳng cái ba lô cho nhẹ và cũng để nhảy xuống hố tránh pháo dễ dàng. Tuy nhiên khi nghĩ tới mấy vật dụng cần thiết và mấy túi lương khô, tôi đã cố gắng đeo cái túi càng ngày càng nặng chĩu này để đi "bắt tay" Tướng Hưng.

An Lộc đã vào trong tầm mắt thì vừa lúc chúng tôi nhận ra 1 thương binh mặc quần áo rằn ri, đang rên rỉ bên cạnh xác chiếc T54 cháy nám đã bắt đầu rỉ sét. Máu nhuộm đỏ thân mình, người thương binh dơ cánh tay yếu ớt về phía chúng tôi rồi chỉ vào miệng anh, có lẽ anh đang trải qua cơn hát cháy cổ ủa những người bị thương mất máụ Cùng lúc này địch lại pháo mấy trái đạn, tiếng rít gió nghe lạnh mình, những tiếng nổ chát chúa, tiếng cành cao su gẫy rào rào, trái đạn đã vào trong bờ rừng.

Có tiếng ai gọi lớn :"Chạy mau đi, thoát khỏi chỗ này", tất cả chúng tôi cắm đầu chạy như bay về phía trước, nhiều xác T54 rải rác, 1 chiếc xe be vàng chói đầy vết đạn pháo kích nằm vắt ngang con dốc. Đại úy Quí quay lại nói: "Toàn vết pháo mới, chạy mau đi." Người ta gọi con dốc có chiếc xe be là húc quanh tử thần, vì chỉ riêng tại nơi này hơn 200 thương binh và những người được phép di tản đã chết vì đạn pháo kích trên đường đón trực thăng ở bãi đáp. Hình ảnh người thương binh vẫy tay xin nước ám ảnh tôi suốt hành trình vào An Lộc và có lẽ cả quãng đời còn lại sau này. Toán quân đi trước và cả toán chúng tôi đã không giúp gì được cho anh ta, dù muốn dù không đó cũng là điều "không nên, không phải".

nhaydu

Leo hết con dốc tử thần là bắt đầu vào An Lộc, 1 tấm bảng xanh lỗ chỗ vết đạn với hàng chữ "Chiều bắt buộc cho xe dân sự vào châu thành", đầu đường là 1 bót gác vách đá lố nhố thương binh. Họ đang chờ giờ ra bãi đáp trực thăng, quần áo mọi người nhuộm 1 màu nâu đỏ đặc biệt, đó là màu đất Bình Long.

Đồng hồ chỉ 11 giờ 20, thế là chúng tôi chạy trong 20 phút từ bãi đáp Xa Cam vào An Lộc. Càng vào sâu, cảnh điêu tàn càng hiện rõ, trên con đường chúng tôi đi không 1 thước vuông đất nào không ghi lại những vết tích của chiến tranh. Từ xa hướng về, không một ngôi nhà nào nguyên vẹn, những mái nhà sụp đổ, thân tường nghiêng ngả lỗ chỗ vết miểng, những cột đèn siêu vẹo, dây điện đứt tứ tung và điểm thể hiện duy nhất cho sự kiện An Lộc hiến đấu cô đơn chính là những cánh dù tiếp tế phủ đầy mặt lộ.

Sừng sững giữa khung cảnh hoang tàn, 1 bức tượng chiến sĩ tiến lên đập ngay vào tầm mắt những ai tiến vào An Lộc. Thật là kỳ lạ, bức tượng này đã đứng vững trong hơn 2 tháng trời An Lộc bị pháo kích tổng cộng gần 200,000 trái đạn.

Tiểu khu ở phía tay mặt con đường, Đại úy Quí đã từng vào An Lộc trong những ngày chiến trận thảm khốc hồi tháng 5. Ông nói :"Các anh cứ đi theo tôi coi chừng lạc". Đi chừng hơn 100 m, chúng tôi trông thấy 1 dinh thự 2 tầng đã sụp đổ phần trên, đó là Tòa hành chánh Bình Long, những hàng chữ bảng xi măng đúc không còn nguyên vẹn.

Mùi xú uế nồng nặc đến lợm giọng. 1 thứ mùi đặc biệt của thịt người và thú vật đã sình thốị Bộ Chỉ huy của Tướng Hưng nằm phía sau Tòa Hành chánh. Những dãy nhà mất mái, đổ tường, hầm của của Tướng Hưng ở phía dưới 1 trong những căn nhà này.

Chúng tôi bước vào 1 lối đi nhỏ hẹp, đó là đường dẫn xuống trung tâm hành quân của Tướng tử thủ Lê Văn Hưng, Tư lịnh mặt trận Bình Long. Căn hầm tù mù, 1 ngọn đèn duy nhất chừng 45 nên chỉ mang lại 1 chút ánh sáng vàng vọt, không đọc nổi 1 bức thư. Sau này, chúng tôi dược biết Tướng Hưng chuẩn bị cho những ngày phong tỏa kéo dài, ông có 3 máy điện riêng nhưng nhất quyết chỉ xử dụng 1 máy, công suất của máy chỉ đủ dùng cho hệ thống siêu tần số và các máy liên lạc, còn thừa lại là ánh đèn khô héo trong hầm chỉ huy. Tướng Hưng tự hạn chế mọi tiện nghi riêng để dành cho sự sống còn của Bình Long. Nếu không còn mạch điện cung cấp cho hệ thống liên lạc thì An Lộc sẽ thất thủ tức khắc. Ngoài căn hầm nhỏ dành riêng cho ông và nơi này chỉ được thắp sáng khi cần, bằng pin Magnésium với bóng đèn xe đạp.

Tướng Hưng chỉ xử dụng 1 máy phát điện, 2 máy còn lại phải phòng hờ trường hợp đán pháo kích làm hư hạị Hơn nữa, mức dự trữ nhiên liệu luôn luôn chỉ đủ cho thời gian 1 tuần lễ. Theo lời yêu cầu của Tướng Hưng, quân đoàn có cho thả dù các phuy xăng nhưng trong 10 thùng khi chạm đất đã phát nổ đến 9. Có những ngày Tướng Hưng phải ra lịnh đi mót xăng từ các xác xe cộ năm rải rác trong thành phố. Nhiều người đã chết trong công tác bề ngoài rất tầm thường này, nhưng thực ra chính là sự hy sinh đầy ý nghĩa cho sự đứng vững của An Lộc trong hơn 2 tháng trời khói lửa.

Trong "TOC" (Trung tâm hành quân) tù mù, Đại úy Quí trình diện "xếp" và giới thiệu từng người trong bọn tôi. Tướng Hưng mặc áo thun xanh và có nụ cười hiền từ, ông bắt tay mọi người và khất đến sau phiên họp hành quân sẽ để chúng tôi phỏng vấn.

nhaydu

Căn hầm của Tướng Hưng rất hẹp so với số người chen chúc làm việc trong đó, kích thước chỉ chừng 4x10 m, tất cả bộ tham mưu của ông làm việc dưới này và không 1 ai có quân phục đàng hoàng, không áo thun thì cũng mình trần. Vào buổi chiều Tướng Hưng ra khỏi hầm để anh em chúng tôi thực hiện 1 "show" dã chiến. Chúng tôi nhận rõ khuôn mặt gầy gò rất có nét của ông. Điểm đặc biệt là làn da ông trắng xanh sau hơn 2 tháng làm việc dưới hầm, tránh các trận địa pháo kinh hoàng của Cộng quân mà có lúc đã lên tới khoảng 7,500 trái trong 1 ngày.

Trong cuộc phỏng vấn, Tướng Hưng thay vì nói về mình đã chỉ đặc biệt đề cao tinh thần chiến đấu của tất cả các chiến sĩ thuộc mọi quân binh chủng đã giữ vững An Lộc và tình cảnh bi đát của cả chục ngàn đồng bào kẹt giữa vùng lửa đạn Bình Long. Tướng Hưng ca ngợi tất cả các lực lượng chiến đấu không riêng gì sư đoàn 5, lực lượng Địa Phương Quân, Nghĩa Quân dưới sự điều khiển của Đại tá Nhật, tiểu khu trưởng Bình Long, anh em lữ đoàn 1 Nhảy Dù dưới quyền Đại tá Lê Quang Lưỡng, các chiến hữu liên đoàn 81 Biệt Cách Dù thuộc quyền Trung tá Huấn (sau này là Đại tá), anh em Biệt Động Quân và 1 số lực lượng tăng phái thuộc các sư đoàn 21, 9 và 18.

Sau cuộc phỏng vấn, Đại úy Quí đi lãnh mấy chục túi gạo sấy và thịt "menu à la carte" của An Lộc. Cùng lúc này chúng tôi gặp lại tất cả các anh em phóng viên chiến trường đi lẻ tẻ vào An Lộc. Nhóm này gồm có Cầu, Mỹ Voi, Hoàng và Lộc thuộc điện ảnh truyền hình quân đội. Hoàng bị thương "sứt mũi" nên ngày chiều 13/6/72 đã theo 1 trực thăng tản thương về Lai Khê.

Dỗ Văn Mỹ tục danh Mỹ Voi vì anh to và khoẻ như voị Mỹ Voi được tất cả anh em quí mến vì hắn luôn luôn coi trọng bạn bè hơn bản thân. Hắn thường xuyên lo lắn cho anh em từ chiếc chiếu ngủ đến cả bữa cơm gạo sấy thịt hộp.

Trong chuyến "phiêu lưu" vào An Lộc, Mỹ Voi gặp nhiều may mắn đã tìm được thi hài đồng nghiệp Nguyễn Ngọc Bình, tự tay hốt cốt bạn gởi về Saigon. Điện ảnh viên Nguyễn Ngọc Bình bị nổ phi cơ hôm 1/5/72 trên đường vào An Lộc; 11 người trên chiếc trực thăng này đều thiệt mạng. Ngày 11/6/72, Mỹ Voi theo chân trung đoàn 15 hành quân trực thăng vận vùng Tân Khai và từ đó anh đã đi bộ 15 km đường rừng để vào An Lộc. Trên đường hành quân, Mỹ Voi bắt gặp xác chiếc trực thăng bị bắn hạ và di thể 11 người trên phi cơ, hắn nhìn được xác Nguyễ Ngọc Bình đã rữa nát nhờ chiếc máy quay phim và các "reel" phim trên ngực.

Tất cả 11 di thể những người chết không một ai còn thẻ bài và Mỹ Voi tin chắc là đã tìm được xác Bình nhờ 1 mớ tóc bạc trên xương sọ. Mỹ Voi đã xin 2 thùng đạn "moọc chê" để hốt cốt Bình và năn nỉ Trung tá Trung đoàn trưởng 15 giúp gởi trực thăng tản thương về Saigon. Sau này khi nhận cốt chồng, quả phụ Nguyễn Ngọc Bình xác nhận đó là những phần còn lại của Bình nhờ 1 vết riêng ở răng của anh.

Kéo dài với những tháng ngày phong tỏa, chiến binh tử thủ An Lộc và số đồng bào còn kẹt trong vùng lửa đạn nhiều khi đã chia xẻ với nhau tất cả những thứ gì có thể ăn, để mà tiếp tục sống. 1 túi cơm sấy cũng phải chia làm nhiều phần để cùng nhau tiếp tục...chờ pháo kích và chiến đấu. Có những khoảng thời gian người "tử thủ" trông mong những cánh dù tiếp tế như những chứng tích duy nhất cho sự liên lạc giữa hậu phương và mặt trận. "Hàng" đến, có khi là 1 bao gạo, 1 con heo quay, 1 thùng thuốc lá, mấy chục ký bánh mì hay có khi là những thùng đạn khẩn thiết cho sự đứng vững của thị trấn này .

nhaydu

Thực phẩm tươi và rau cỏ hầu như không được tìm thấy tại An Lộc trong suốt 2 tháng trời tử thủ ban đầu. Lúc đầu người ta còn chia xẻ với nhau 1 số thịt tươi của 1 vài trại gà, mấy con bò bị đạn pháo kích chết. Nhưng tất cả nguồn cung cấp này chỉ có thể kéo dài trong 2 tuần lễ là nhiều. Những ruộng rau muống ở một vài khu vực trong thành phố khô cằn vì các cơn nắng cháy Bình Long, mùa mưa khởi sự vào đầu tháng 5 đem đến 1 chút sinh khí cho thành phố này trong những ngày tử thủ thứ 40 trở đi. Nước mưa làm rau muống đâm chồi trên các vũng lầy ở quanh thành phố. Nhưng rau muống cũng là 1 trong các đầu mối bắt nguồn cho sự bi thảm. Ở An Lộc chết có đủ kiểu, đủ cách và tử thần rình rập ở mọi khoảng không gian lẫn thời gian. Có những người đã chết khi đi hái rau, người ta đã hái rau từ những ao đầy xác người chết vì chiến trận.

Xác quân CSBV tùng thiết (bộ binh theo bảo vệ chiến xa), xác thường dân chết vì pháo kích và xác chiến binh VNCH tử thủ đã ngã gục cho sự đứng vững của An Lộc. Ao rau muốn Ấp Thánh Mẫu là 1 điển hình; rau mọc kín tới bờ ao, lẫn lộn với xác người đã sình thối, cũng chỉ đủ cung cấp cho binh sĩ trong vài ngày là đã cạn nguồn.

Đêm 13/6/72, chúng tôi ngủ nhờ hầm Tướng Hưng. Đây là 1 căn hầm khác có lối đi thông qua hầm trung tâm hành quân. Tướng Hưng ít khi nào ngủ tại hầm riêng; ông hầu như làm việc 20 giờ 1 ngày với các bản đồ hành quân và một dọc máy truyền tin chằng chịt. Ông "lên máy" hầu như vào mọi lúc.

Ông liên lạc với từ cấp trung đội trưởng trở lên để biết rõ tình hình và từng vị trí một, nhất là những khi có chiến xa CSBV xuất hiện trong thành phố.

Đôi lúc ông tướng này thiếp đi ngay trên bàn làm việc, nếu không, ghế bố tại TOC sẽ là nơi ông chợp mắt trong khoảng vài tiếng đồng hồ 1 ngày. Cả 1 ngày mệt mỏi với những giây phút căng thẳng chạy đua với thần chết, đêm xuống tất cả chúng tôi ngủ mê man bỏ quên mọi chuyện, quên những tiếng đạn nổ từng chập và đàn muỗi đói vo ve như sáo thổi dưới căn hầm hỏa lò.

Đã từng được nghe nói trước khi vào An Lộc, thức giấc lúc 7 giờ sáng, chúng tôi hỏi Đại úy Quí, "Ở đây không có đánh răng rửa mặt gì hết, phải không ?." Ông trả lời 1 cách ỡm ờ: "Chắc vậỵ" Ấy thế mà 2 ông Dương Phục, Anh Thuần vẫn xin đâu được 1 ca nước nhỏ thường thì chưa đủ cho 1 người súc miệng, 3 chúng tôi rửa mặt chung bằng số lượng nước quí giá này. Mấy người lính tử thủ nói với chúng tôi: "Bây giờ là thần tiên rồị Hồi tháng 4, tháng 5 nước uống khiếm không ra, nói chi cái công tác vệ sinh cá nhân xa xỉ."

Nguồn cung cấp nước ở An Lộc là mấy cái giếng ở khu phố chợ và con suối ở ngoại ô thành phố. Lính tử thủ hàng ngày xách các can xăng đi tìm nước cho mình và cho đồng đội. Có lần 1 sĩ quan tham mưu của Tướng Hưng chết trong khi đi tìm đường suối tắm, Tướng Hưng đã "cạo" mấy ông sĩ quan thuộc Bộ Tư lịnh suốt ngày :"Ai cho mấy ông đi tắm, không tắm đâu có chết, mấy chục ngày rồi tôi có tắm lần nào đâu, đâu có sao".

14/6/72, 1 ngày tử thủ mới lại bắt đầu. Sự yên lặng kỳ lạ của 1 thành phố chết vây kín khoảng không gian nhỏ bé đã khiến cả vạn con người uổng tử.

nhaydu

Sự yên tĩnh thê lương không kéo dài lâu, chúng tôi đang đứng ở phòng khách trống mái của Tướng Hưng, mấy người lính đang "chế" cơm chiên Dương Châu bằng gạo sấy và thịt hộp. Những tiếng xé gió vụt ngang và những tiếng nổ ầm ầm liên tiếp. Không còn ai ở ngoài, trong khoảnh khắc mọi người biến hết vào trong các hầm chìm hầm nổi.

Dứt 1 loạt tiếng nổ, chúng tôi theo chân mấy anh em sư đoàn 5 ra khỏi hầm; họ cười nói huyên thuyên chẳng màng gì tới đợt pháo vừa nổ, có lẽ sự chịu đựng lâu ngày tạo cho họ thêm nhiều thói quen mới.

Tôi hỏi người lính đang luôn tay đảo cơm trong cái chảo gang :

- 82 hay 107?

- Hoả tiển đấy. Trúng hầm thì cũng tiêu luôn. Tụi nó có thứ đầu đạn xuyên hầm nổ chậm, ngoài sân nhiều lỗ lắm, lúc nào ra coi.

Người lính trả lời nhưng mắt vẫn không rời chảo cơm thơm phức.

Câu chuyện chưa dứt, Đại úy Quí xuất hiện với nón sắt áo giáo nhưng cởi trần, 2 tay ông truyền nhau 1 vật gì trông không rõ. Ông nói: "Miểng văng tới tận đây còn nóng hổi, các anh coi".

Sau đợt pháo chào buổi sáng của quân CSBV, chúng tôi sửa soạn xuống phố chợ để thăm 2 đơn vị anh hùng trung đoàn 8 BB và liên đoàn 81 Biệt Cách Dù. Quí dặn dò: "Áo giáp nón sắt, ba lô để lại để chạy pháo cho lẹ." Anh em chúng tôi băng qua mấy dãy nhà đổ nát, bắt đầu vào con dường đất đỏ Hàm Nghi, đã trông thấy khu phố chợ, cũng vẫn là 1 cảnh hoang tàn đổ nát. Y viện An Lộc đây rồi, không ai còn có thể nhận ra nơi đây đã từng là 1 bệnh viện nếu không có tấm bảng lỗ chỗ vết đạn treo lủng lẳng từ trên 1 đầu trụ xi măng có hàng chữ "Phòng nhận bệnh.."

Anh em tử thủ kể lại cho chúng tôi rằng trong những ngày máu lửa của Bình Long có đến 600 người đã chết tại bệnh viện này, kể cả thương binh, đồng bào bị thương đang được chữa trị cũng như những người lánh nạn tìm sự an toàn ở dấu hiệu quốc tế hồng thập tự. Cộng quân pháo kich dã man vào khu nhà thờ và nhà thương với mục đích rõ rệt, giết hại thật nhiều người để An Lộc hỗn loạn, binh sĩ mất tinh thần hầu chúng có thể dứt điểm An Lộc một cách mau chóng.

Bộ chỉ huy trung doàn 8 BB đặt tại 1 trong các cao ốc đang xây dở trên đại lộ Hoàng Hôn hay đường Trần Hưng Đạo cũng vậy, chúng tôi đến thăm nơi này giữa lúc Đại tá Mạch Văn Trường đang gắn lon Đại úy đặc cách mặt trận cho Trung úy Đào Lâm Tòng, 1 đại dội trưởng xuất sắc của tiểu đoàn 3/8.

nhaydu

Trung úy Tòng sáng 14/6/72 đã giải tỏa đồi 100 phía Đông Bắc An Lộc và cắm hiệy kỳ tiểu đoàn 3/8 trên đồi này.

Ngày 13/6, Biệt Cách Dù giải tỏa đồi Đồng Long ở vòng đai Bắc An Lộc và lá quốc kỳ VNCH phất phới tung bay trong nắng sớm sau 68 ngày Cộng quân chiếm cứ cao điểm 148 m này. Cũng vào ngày 13/6 các chiến sĩ Biệt Động Quân gan dạ đã giải tỏa sân bay L.19 ở Tây Bắc An Lộc. Những chiến tích này khiến cho tất cả địch quân bị đẩy lui ra xa thành phố An Lộc và là 1 khởi điểm vàng son cho sự đứng vững của thành phố này

Đại tá Mạch Văn Trường, Trung đoàn trưởng trung đoàn 8 (sau này là Tư lệnh phó sư đoàn 5 BB) và Thiếu tá Hoàng Trung Liêm, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 52 pháo binh đã tiếp đón chúng tôi thật ân cần; họ xúc động vì sự có mặt của chúng tôi tại An Lộc. Đại tá Trường và Thiếu tá Liêm hướng dẫn chúng tôi đi quanh khu vực Bộ chỉ huy trung đoàn, từ 4 con đường xung quanh rải rác 15 chiếc T54 và PT76, cái thì đứt xích, lật nghiêng, cái thì văng cả pháo tháp nằm ngang ngửa trên mặt lộ. Duy có 1 điểm giống nhau, tất cả cùng nám đen và bắt đầu hoen rỉ.

Lâu ngày chưa có ai để tâm sự, Đại tá Trường miên man kể chuyện chiến trận cam go từ khi trung đoàn được trực thăng vận vào An Lộc ngày 11/4/72 và chịu đựng 4 trận tấn công biển người với chiến xa yểm trợ. Đại tá Trường "thú thật" cả đời đánh giặc chưa khi nào dự trận nào khủng khiếp như trận này và đây cũng là lần đầu tiên phải đương đầu với chiến xa địch. Trung đoàn từ Tri Tâm lên An Lộc ngày 1/4/72 nhận chuyên trách nhiệm phía Bắc An Lộc, lo luôn "tổng tiền đồn" cho sư đoàn 5. Không đầy 48 giờ sau, quân BV mở cuộc tấn công biển người đầu tiên vào An Lộc với từng đoàn chiến xa tiến nhanh như vũ bão vào thành phố. Trước cuộc tấn công đầu, địch bắt đầu "pháo tập" (trận địa pháo) vào thành phố từ 7/4 và kéo dài liên miên trong những ngày sau đó.

Trận đánh ngày 13/4, lần đầu tiên chạm chiến xa địch và đương đầu với quân số đông đảo của địch quân, binh sĩ mất tinh thần thấy rõ. 20 phút sau đứt liên lạc với bộ chỉ huy là xe tăng BV xuất hiện. Biệt Động Quân và Địa Phương Quân chịu không nổi cũng rút luôn vào thành phố.

Tất cả mọi người chiến đấu được đều ra tuyến, M72 được xử dụng tối đa, cối 81 chần từng thước vuông một trên đường tiến quân địch, tùng thiết địch bỏ chạy, bộ binh BV phía sau không tiến lên được, xe tăng BV chỉ còn cách đậy nắp tiến một mình và làm bia nhắm cho M72 hủy diệt. Trận tấn công đầu thất bại, địch lui binh và tiếp tục trận địa pháo vào thành phố.

Đại tá Trường, xuất thân khóa 12 Võ bị Đà Lạt, tốt nghiệp tham mưu cao cấp, bởi vậy ông rất tôn trọng nguyên tắc chỉ huy tham mưu khi cầm quân.

Sau trận đánh 13/4, lính chết và bị thương được đưa lui về phía sau để đại đội 52 quân y đảm trách và khỏi làm xuống tinh thần binh sĩ. Tuy vậy, ông cho biết là sau trận tấn công thứ hai ngày 15/4 ông không còn áp dụng "cẩm nang" này nữa, An Lộc chỗ nào cũng bị pháo, người đưa về quân y cũng không săn sóc được có khi lại gia tăng tổn thất khi di chuyển. Bởi vậy ông ra lịnh đơn vị nào lo cho đơn vị ấy băng bó lấy và chôn cất tại chỗ.

nhaydu

Qua trận 13/4/72, cấp chỉ huy cũng như binh lính có thêm kinh nghiệm đánh chiến xa và không còn "khớp" như trước. Đại tá Trường và các sĩ quan của ông thấy rõ là sẽ diệt hết chiến xa địch nếu phân tán được chiến xa và bộ binh địch, cứ mỗi đại đội bộ binh thì có 4 chiến xa địch đi kèm. Làm tan rã bộ binh, xe tăng địch sẽ dễ dàng bị hủy diệt.

Bởi thế ông pháo binh "nhà nghề" Hoàng Trung Liêm được giao phó dọn 1 bãi pháo binh trên con đường địch sẽ đi qua để vào tuyến trung đoàn 8. Sau nhiều giờ nghiên cứu, Thiếu tá Liêm chọn chỗ, tập trung hỏa lực súng cối và chờ đợi.

Ngày 15/4/72, CSBV lại tiến vào An Lộc như lần trước với bộ binh và chiến xa, không may mắn cho họ là đã đi vào đúng "bãi pháo", bộ binh dịch chạy tán loạn và chiến xa không còn ai "tùng thiết." Xe tăng địch lại làm nước liều đậy nắp tiến lừng lững vào trung tâm thành phố, binh sĩ VNCH từ dưới hố nhảy lên phóng M72 từ sau đích xe tăng và biến cả khối thép khổng lồ thành những con "cua rang muối".

Cũng từ trận này, 1 số binh sĩ được Đại tá Trường cho xử dụng súng chống chiến xa B40, B41 tịch thu được của quân BV, chỉ cần 1 phát là chiến xa địch cháy phừng phừng, lính CSBV nhảy từ trong xe ra, da thịt cháy vàng như bị thui.

Đại tá Trường nói tiếp: "Nếu bộ binh và chiến xa của tụi nó phối hợp được với nhau, An Lộc này chắc chắn đã thất thủ. Tại mặt trận này chúng tôi không có 1 xe tăng nào cả, chỉ có lèo tèo vài chiếc commando-car V100, nội pháo kích không cũng bị hư hại".

nhaydu

Kể từ trận tấn công thứ hai, 600 Biệt Cách Dù của liên đoàn 81 đã có mặt bên cạnh trung đoàn 8 ở tuyến Bắc An Lộc nên Đại tá Trường cũng nhẹ gánh phần nào. Ông hết sức ca ngợi các chiến sĩ Biệt Cách Dù qua lời tuyên bố: "Biệt Cách Dù, cá nhân chiến đấu thuộc vào loại siêu đẳng trong quân lực ta". Đại tá Trường run giọng khi nói đến những chiến hữu thuộc quyền ông đã vĩnh viễn ra di cho sự đứng vững của An Lộc: "Lúc đầu tôi để ý những người có công trạng, bắn hủy xe tăng địch, tôi ghi tên trong sổ tay, dần dà những người này đều tử trận, cuốn sổ chi chít tên những anh hùng hạ tăng địch, dần dà cũng dày đặc những hàng gạch đỏ xóa tên. Tôi có thằng tà lọt tên Sơn, lao công đào binh, cựu trung sĩ Nhảy Dù, theo lẽ thường thì lao công đào binh không được võ trang nhưng vì tình hình quá cấp bách, tôi cho nó M16 và rồi cả M72. Thằng Sơn chiến đấu gan dạ và bắn vào hạng lẫy lừng, một mình nó hạ mấy xe tăng địch, nhưng rồi nó cũng tử trận."

Đại tá Trường cũng ca ngợi lữ đoàn 1 Nhảy Dù, cánh quân trấn giữ mặt Nam An Lộc, nhất là cú "bắt tay" thần sầu của tiểu đoàn 6 và 8 Dù ngày 8/6.

Đại tá Trường tâm sự: "Đại tá Lưỡng, Lữ đoàn trưởng lữ đoàn 1 Nhảy Dù tấn mặt Nam, tôi mặt Bắc, môi hở thì răng lạnh, hôm tôi bị thương ông Lưỡng tới thăm và nói lúc này mà bị thương thì chết rồi. Tôi kể chuyện bị địch đánh rát quá, ông Lưỡng khuyên nên biến chế mìn để chặn đường chiến xa địch. Nghe lời ông Lưỡng tôi cho chế cứ 2 đầu đạn 155 ly với ngòi nổ thành 1 quả mìn, mấy đợt tấn công sau này xe tăng CSBV bị lủng lườn hết vì mìn biến chế này".

nhaydu

Rời trung đoàn 8 BB, chúng tôi xuống 1 con dốc, chợ An Lộc ở dưới kia, đạn pháo kích đã làm nhà lồng chợ trơ trọi những khuôn sắt cháy nám, cả 1 vùng chung quanh chợ chỉ còn những đống gạch đổ nát. Trung đoàn 8 và liên đoàn 81 Biệt Cách Dù đóng cách nhau có 1 con đường nhỏ. Từ trên 1 vọng gác của trung đoàn 8, chúng tôi trông thấy những ngôi mộ mới được sắp xếp có hàng lối ở bên cạnh ngôi chợ hiu quanh và tan tành của An Lộc, đó là nghĩa trang Biệt Cách.

Địch vẫn chưa ngưng tiếng pháo, tuy vậy mấy người lính mũ xanh vẫn tiếp tục đi lượm gạch và xây vòng rào chung quanh nghĩa trang dành riêng cho anh em họ. Những người khác lúi húi dựng 1 đài kỷ niệm trước lối vào nghĩa trang. Giữa không khí kỳ quặc của thành phố chết, giữa những tiếng pháo nổ chát chúa, những hình ảnh chan chưá tình người này làm chúng tôi xúc động, và chúng tôi đã có mặt ở nghĩa trang Biệt Cách. Đài kỷ niệm cao hơn đầu người và có khắc 2 câu thơ mà sau này chúng tôi được biết là của 1 người con gái Bình Long đặt ra đề tặng các anh hùng Biệt Cách :

An Lộc địa, sử ghi chiến tích,
Biệt Cách Dù vị quốc vong thân.

nhaydu

Người thiếu nữ đó là Pha. Cô chẳng còn ai thân thích sau những ngày máu lửa ở An Lộc. Chính Pha cũng bị miểng đạn đại bác ghim vào chân. Các chiến sĩ Biệt Cách Dù đã tìm thấy cô và đưa về cho bác sĩ chữa trị ở khu phố chợ. Những buổi chiều im tiếng pháo, Pha đòi các anh em Biệt Cách Dù khiêng ra ngoài hè để nhìn cảnh Bình Long đổ nát. Những buổi chiều tiếp nốị... đến một hôm Pha bật khóc khi nghe mấy người lính mũ xanh kẻ tên các chiến hữu trên mộ bia ở nghĩa trang Biệt Cách. Tưởng rằng các dòng nước mắt đã khô cạn sau những ngày ròng rã bị "pháo tập" của CSBV, nhưng chính chiều hôm đó cô đã bật khóc và cảm đề 2 câu thơ trên chứa đựng biết bao đau thương tại An Lộc.

Trong trận chiến tháng 4/72, sự thất bại về quân sự của CSBV chắc hẳn không làm Hà Nội điên đầu cho bằng sự kiện quân "giải phóng" đi tới đâu là đồng bào ùn ùn bỏ chạy tới đó. Ghê tởm bằng kinh nghiệm của Tết Mậu Thân năm 1968 với cả ngàn thường dân bị chôn sống tại Huế, đồng bào Bình Long chạy tháo thân từ Lộc Ninh về An Lộc. Mọi người vượt lửa đạn bỏ hết tài sản, của cải tiến vào trong cõi chết để tìm sự sống, tình quân dân thắm thiết được tìm thấy ở An Lộc, không phải chỉ là sáo ngữ nhưng là sự thật. Đồng bào nuôi chiến sĩ, chến sĩ nuôi đồng bào. Tướng Hưng thì diễn tả rõ hơn :"Lúc thì chiến sĩ đi chôn đồng bào, lúc thì đồng bào đi chôn chiến sĩ".

Có 1 số người lưu lại An Lộc cho đến những giai đoạn sau cùng của cuộc chiến, có những người không chịu nổi những trận "pháo tập" kinh hoàng đã bồng bế dắt díu nhau hướng về phương Nam, vô số người bỏ mạng dọc hành lang máu từ An Lộc về Tân Khai qua Suối Tàu Ô tới Chơn Thành. CSBV cố công ngăn chặn đám dân chạy loạn này hầu bắt lính bổ sung các đơn vị kiệt quệ của chúng và đồng thời lưu giữ đàn bà trẻ em vì chúng biết chắc chiến sĩ VNCH không khi nào dám xả súng bắn vào đám thường dân ruột thịt dù trong đó lẫn lộn các đơn vị chính qui CSBV.

nhaydu

Có những ngày khoảng 3000 người chạy qua Tàu Ô về tới Chơn Thành chỉ còn lại 500. Thảm kịch không ngôn ngữ nào diễn tả được, không gia đình nào toàn vẹn khi vượt qua lưới đạn ác nghiệt của CSBV để về vùng quốc gia.

Chuyến đi vĩ đại nhất diễn ra vào ngày 12/6/72. Khoảng 12,000 đồng bào từ An Lộc tiến về hướng Nam qua Xa Cam, Xa Cát, Xa Trạch đến Tân Khai. Cộng quân đã chận bắn xối xả vào họ và có chừng 2,000 người đã bỏ mạng. Tuy vậy hàng ngàn người còn lại đã tìm thấy ánh sáng của tự do ở Chơn Thành.

Trước khi đồng bào lên đường lúc hừng đông ở An Lộc, Đại tá Nhật,Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Bình Long đã rưng rưng nước mắt tặng mỗi người 1 túi cơm sấy đủ ăn 1 ngày .

Chính quyền địa phương cũng như đồng bào đều hiểu rõ những nguy hiểm chờ sẵn trên "hành lang máu" đó, nhưng biết làm cách nào khác. Khi An Lộc không còn đủ thuốc men, lương thực, và quân CSBV vẫn có thể mở các trận đánh mới gây tổn thất thảm khốc cho số thường dân đông đảo này.

Trong số hơn trăm đồng bào lưu lại An Lộc cho đến hoàng hôn của cuộc chiến, bà Ngô Văn Xuyến, nhủ danh Văn Thị Ngôn, đã trở thành người nổi tiếng khi những cảm xúc chân thành của bà được phát thanh trên hệ thống truyền thanh quốc gia ngày trong những ngay trong những ngày An Lộc còn bị phong tỏa. TT Thiệu, trong chuyến viếng thăm An Lộc ngày 7/7/72 cũng đã tìm gặp bà để bày tỏ sự cảm phục của ông.

Bà Ngôn đã diễn tả sự đùm bọc giữa lính và dân một cách mộc mạc, nhưng lại làm se sắt lòng người hơn bất cứ 1 bài văn nào diễn tả những tình cảnh ở An Lộc.

Ở An Lộc chắc hẳn có đến muôn ngàn câu chuyện bi thương, nhưng gương chiến đấu bền bĩ, sự chịu đựng đến tận cùng sức chịu đựng của con người.

Người viết dù đã thực hiện được mộng ước lớn nhất trong đời phóng viên chiến trường là vào An Lộc để tỏ sự kính phục với tất cả những người đã giữ vững thành phố này, nhưng có lẽ đã chỉ được nhìn An Lộc dưới 1 góc cạnh đầy khiếm khuyết. Tuy vậy, điều chắc chắn và rõ ràng vẫn là An Lộc anh hùng - Bình Long anh dũng.

nhaydu


Trận An Lộc 1972: Phần 1    Phần 2    Phần 3



Trở Về Trang Gốc Vietlist.us


bottom