Search Vietlist.us
Search the Web

Quảng Cáo
Khắp Nơi

 

 

 

 

 

 

- AN TOÀN TRÊN HẾT -
Face Shield, Mặt nạ trong:
Dùng cho Bác sĩ, Nha sĩ,
Học Sinh, Giáo viên,
School District, Offices...
Xin vào website:
SeePPE.com.


 

-------o0o-------

Quảng Cáo Thương Mại San Jose

  1. An Ninh
  2. Bác Sĩ
  3. BS Nha Khoa
  4. BS Nhãn Khoa
  5. Bail Bond
  6. Ban Nhạc
  7. Bàn Ghế Giường
  8. Bán Xe Hơi
  9. Bảo Hiểm
  10. Bói Toán_Phong Thủy
  11. Cây Cá Cảnh
  12. Cần Người_Việc
  13. Cellular Phone
  14. Cà Phê
  15. Chợ, Siêu Thị
  16. Chùa_Nhà Thờ
  17. CơmTháng_Thức Ăn
  18. Computer_Electronics
  19. Chôn Cất, Bia Mộ
  20. Cổ Phiếu-Stock
  21. Dạy Kèm_Giữ Trẻ
  22. Dạy Lái Xe
  23. Dạy Nhạc: Piano...
  24. Dụng cụ Nhà Hàng
  25. Điện_Heat_Air
  26. Đưa Rước
  27. ĐịaỐc_TàiChánh_Tax
  28. Giặt Thảm
  29. Gạch, Thảm, Màn
  30. Giải Trí_Party_TV
  31. Giặt Ủi_Thợ May
  32. Giúp Dọn Nhà
  33. Hoa_Áo Cưới
  34. Khiêu vũ
  35. Làm Vườn_Cắt cỏ
  36. Linh Tinh
  37. Luật Sư_Di Trú
  38. Massage_Relax
  39. Nhà Hàng_Food
  40. Nhập cảng_Xuất cảng
  41. Nhiếp Ảnh_Video
  42. Quà Lưu Niệm_Gift
  43. Sách Báo_In Ấn
  44. Sign_Banner
  45. Sửa Xe_MuaXe
  46. Thẻ Tín Dụng
  47. Thợ Khéo_Ổ Khóa
  48. Thợ Sơn
  49. Tiệm Vàng
  50. Tiệm Bánh
  51. Tìm Thợ_Việc
  52. Tow Xe
  53. Thợ Ống Nước
  54. Thợ May_DryClean
  55. Tiệm Quần Áo
  56. Thuốc Tây
  57. Thuốc Bắc_D.Thảo
  58. Thẩm Mỹ_Tóc_Tay
  59. Võ Thuật
  60. Xây Dựng_Sửa Nhà

Đừng nghe những gì Cộng sản nói. Hãy nhìn những gì Cộng sản làm !
Đừng sợ những gì Cộng sản làm. Hãy làm những gì Cộng sản sợ !

-------------oo0oo--------------

Trang Việt Sử

LacLongAuCo

--------o0o--------

Tiểu Đoàn 3 TQLC - Tái Chiếm Cổ Thành Quảng-Trị Ngày 16-9-72.

MX Văn Tấn Thạch

Mười sáu năm qua, từ ngày tôi đặt chân lên Cổ thành Quảng Trị, mỗi lần nghĩ đến phận mình, vận nước... thì lúc nào trong trí tôi cũng hiện ra hình ảnh oai hùng của các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến đang ào ạt tiến lên Cổ thành, ném những quả lựu đạn đầu tiên vào đám Cộng quân Bắc Việt, để cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa được hãnh diện, để đưa Thủy Quân Lục Chiến được lên hàng đầu trong các đơn vị. Một quyết định đã làm nên lịch sử, để rồi một ngày sau đó 16/9/1972, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tức tốc mở cuộc thăm viếng để làm hăng say tinh thần binh sĩ cũng như để chia vui cùng anh em Thủy Quân Lục Chiến trong chiến thắng lịch sử này. Vài ngày sau đó Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa họp khẩn cấp để thông báo chiến thắng Cổ Thành.

vietlist.us


Có hàng trăm, hàng ngàn điện tín, thư chúc mừng của các vị Tổng thống, Thủ tướng, Quốc trưởng của các quốc gia Đồng minh cũng như của các Tướng lãnh tên tuổi trên thế giới gửi đến chúc mừng và ca ngợi sự chiến thắng to lớn này. Đài phát thanh Sài Gòn lúc nào cũng nói đến chiến thắng, bài hát “Cờ Bay Trên Cổ Thành Quảng Trị” không ngày nào là không phát đi phát lại nhiều lần. Chẳng những lúc ấy mà mãi đến bây giờ, mỗi lần nghe bản nhạc đó tôi vẫn thấy oai hùng biết bao. Nhưng kèm vào đấy là nỗi uất hận dâng tràn... Chiến sĩ ta hùng dũng như thế đó, anh hùng như thế đó, mà tại sao lại phải buông súng đầu hàng? Tại sao lại phải khuất phục trước quân thù ? Để phải chết chóc, để phải đi vào vòng lao lý khổ ải ? Tại sao lại phải bỏ nước ra đi ? Tại sao ? Tại sao ? và Tại sao ?...

Tôi miên man suy nghĩ, và rồi hình ảnh cuộc chiến với các anh em Thủy Quân Lục Chiến trong đêm 14 rạng ngày 15/9/1972 lại ngời sáng trong trí tôi. Ôi làm sao tôi có thể quên được ngày lịch sử đó. Người ta viết về chiến thắng Cổ Thành rất nhiều, riêng tôi Thạch Thảo đã được vinh hạnh làm người sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến đầu tiên cùng anh em đặt chân lên Cổ Thành. Hôm nay tôi viết lại đây như một nhân chứng, kể lại một biến cố trọng đại cho Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam và cũng cho cả chính tôi. Mọi diễn biến không hề thêm thắt, thi vị hoá hay thần thánh hóa, tất cả đều là sự thật. Một sự thật hiển hách cũng có mà phũ phàng cũng có !

Vào khoảng 6 giờ chiều, vừa mới dùng xong bữa cơm với ít đồ hộp và gạo sấy ngâm nước, người lính Truyền tin gọi tôi: “Ông thầy, có Thạch Sanh gọi”. (Thạch Sanh là Đại úy Đại đội trưởng Đại đội 3 cùng tên với tôi). Cầm ống nói trên tay:

- Thạch Thảo tôi nghe đây

Bên kia ống nói không phải Thạch Sanh mà là người lính Truyền tin:

- Trình Thạch Thảo, Thạch Sanh ra lệnh con cái “zulu” gấp.

- O.K

Tôi ra lệnh cho Trung đội sẵn sàng di chuyển trong 1O phút. Trở lại vị trí cuối cùng mà Thủy Quân Lục Chiến đã được bàn giao lại từ Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù. (Cũng tại vị trí này chính tôi đã nhận tuyến từ một sĩ quan trẻ vào ngày 28/7. Thấy tôi đến anh mừng rỡ, bắt tay, chỉ cho tôi những gì cần thiết. Khi nhận ra tôi không có nón sắt và không mặc áo giáp, anh liền bảo: “Ở đây nguy hiểm lắm, anh có thể bị nó bắn bất cứ lúc nào”. Tôi trả lời: “Anh đừng nghĩ rằng chết là dễ, nhiều người muốn chết vẫn không được”. Anh mỉm cười bắt vội tay tôi và lẹ làng theo đơn vị về phía sau). Tôi đến Ban chỉ huy Đại đội, tất cả các sĩ quan đều có mặt, tôi không buồn chào ai cả mà ngồi sà xuống. “Lại chuyện gì nữa đây?” tôi hỏi Thạch Sanh, anh không mấy được vui chỉ trả lời cộc lốc: “ĐM lại ủi nữa”. Anh quay sang tất cả ra lệnh:

- Thôi đủ rồi, chúng ta vào họp. Đêm nay chúng ta có nhiệm vụ tái chiếm Cổ Thành.

Giọng anh trầm xuống, nét mặt hình như rắn rỏi hơn, già thêm vài tuổi. Anh nói tiếp:

- Trên Bộ Tư lệnh cho chúng ta biết chỉ còn 5 ngày nữa là hết thời hạn 3 tháng tái chiếm lãnh thổ do Tổng thống đề ra. Các đơn vị Nhảy Dù cũng như Biệt Động quân đều bị đánh bật ra và bị tổn thất nặng khi họ mon men tới chân thành. Bởi vậy ông Tư lệnh cho chúng ta phải cố gắng tối đa.

- Tụi mình lại mình đồng da sắt nữa sao ? Tôi hỏi đùa.

Sau khi bàn xong mọi kế hoạch, tôi Thạch Thảo nhận nhiệm vụ đi đầu, là đội quân tiền đạo, một trọng trách quá sức nặng nề mà tôi không ngờ ngày hôm nay Trung đội tôi được lệnh phải làm. Tất cả anh em đều ra về, Thạch Sanh nán tôi ở lại để nói vài lời tâm sự. Anh nhắc lại cách đây không lâu, từ ngày tôi và Trung úy Trà về Đại đội 3 với anh, anh vững tin hơn... Nhất là từ lúc phản công địch, vượt sông Mỹ Chánh, Đại đội 3 liên tiếp tạo được nhiều chiến công to lớn. Đặc biệt dọc theo kinh Vĩnh Định, Đại đội 3 đã phải chạm địch ở cấp Trung đoàn, tình thế khá nguy ngập. Trời gần tối, thời điểm mà địch quân có nhiều hy vọng giữ vững được phòng tuyến nhất thì Thạch Thảo được điều động lên. Tôi yêu cầu Thiết giáp bắn tối đa vào các miệng hố, vào các gốc cây; độ 5 phút tôi yêu cầu chuyển hướng tác xạ, vẫn bắn nhưng tầm đạn cao khỏi đầu người. Trung đội đồng loạt xung phong, đứng thẳng người hiên ngang tiến lên. Bọn Cộng sản Bắc Việt đã phải bỏ hầm trú ẩn tháo chạy. Chúng tôi tha hồ bắn giết. Vũ khí tịch thâu được vô số kể. Quả thật không ngờ khi nhìn thấy chúng tôi đồng loạt tiến lên trong tinh thần sắt đá, không biết sợ chết là gì. Tinh thần địch không còn nữa, tay chân bấn loạn nên chúng không thể xử dụng súng đạn được mà đành bỏ chạy. Đêm đó tôi nằm chung với một xác chết và một tên cán binh còn sống dưới hầm. Sáng ra mới phát giác được hắn và bắt giải về Tiểu đoàn. Thật là một sự việc khó tin nhưng có thật !

vietlist.us

Giờ đây Trung đội tôi phải đảm nhận một công việc khó khăn gấp ngàn lần. Có thể chúng tôi cũng sẽ như những chiến sĩ của các đơn vị bạn: sẽ ra đi không bao giờ trở lại, có khác gì Kinh Kha. Và cũng có thể may mắn hơn: bị đánh bật ra khỏi bờ thành với nhiều thương vong... Tôi miên man suy nghĩ trên đường về Trung đội. Tập họp Trung đội phó và các Tiểu đội trưởng lại, tôi cho anh em biết:

- Đêm nay, nhiệm vụ của chúng ta là tái chiếm Cổ Thành, anh em chuẩn bị tinh thần, cho binh sĩ nghỉ ngơi tại chỗ. Khi nào có lệnh xuất quân tôi sẽ cho anh em hay. Nhớ canh gác cẩn thận.

Khoảng 8 giờ tối, một đơn vị thiết giáp M48 được điều động đến ngay tuyến tôi. Tôi đích thân ra gặp vị chỉ huy và yêu cầu anh cho bắn vào những chỗ tôi muốn bắn. Tôi như say với khói súng, tôi chỉ bắn tứ tung, bắn vào những nơi nào tôi nghi ngờ có quân Bắc Việt đang trú ẩn. Gần 1 tiếng đồng hồ cùng với anh em Thiết giáp, tôi nhảy ra khỏi chiếc M48 khi những quả trọng pháo 13O ly của địch bắt đầu bắn vu vơ vào vị trí đóng quân của Thủy Quân Lục Chiến. Tôi yêu cầu quân bạn ngưng tác xạ để tôi cho con cái tiến lên. Tôi báo cáo với Thạch Sanh tôi đang cho con cái “zulu”. Một Tiểu đội hàng ngang theo tổ tam chế, 2 Tiểu đội hàng dọc kèm hai bên cạnh sườn, từ từ vượt tuyến xuất phát.

Vừa rời khỏi tuyến chừng 5O mét, chúng tôi đã phải chạm trán ngay với các tổ tiền đồn của địch quân, chúng ném lựu đạn vào ta. Tôi ra lệnh tất cả chỉ được chống trả bằng lựu đạn, tuyệt đối không được dùng súng cá nhân, cứ từ từ tiến lên. Chuẩn úy Luật, một sĩ quan mới ra trường được vài tháng, đang theo tôi để thực tập, lúc nào anh cũng bám sát tôi. Tôi đổi hệ thống liên lạc, có tần số của Tiểu đoàn để có thể trực tiếp liên lạc với các Đại đội bạn. Tất cả mọi người trong Trung đội đều bò sát đất, từ từ chậm chạp tiến lên, lựu đạn nổ tứ phía... Bọn Cộng sản rất quy quyệt chúng không dùng súng cá nhân, chỉ ném toàn lựu đạn mỗi khi nghe tiếng động hoặc tiếng va chạm vào những cành cây hay mảnh tôn từ những mái nhà sụp xuống. Tôi phải liên tục bò qua bò lại, lúc tới lúc lui để điều động anh em, để quan sát tình hình cũng như để theo dõi và đối phó với mọi biến chuyển. Có tiếng nói nhỏ:

- Ông thầy, chúng ta đã thịt được 1 thằng, bọn còn lại chạy về hướng trước mặt.

- Mặc kệ nó, cứ tiến lên, không được dùng súng.

vietlist.us

Đêm tối quá, không thấy được gì, không rõ được địch. Khốn nỗi tôi không thể yêu cầu soi sáng vì địch sẽ thấy được chúng tôi đang di chuyển. Xa hơn một tí, trên Cổ Thành, Pháo binh 1O5 ly của ta vẫn ì ầm nổ lai rai. Mục đích cho địch tưởng rằng đêm nay cũng như mọi đêm, cũng đột kích và quấy phá lẻ tẻ... Chúng nào ngờ dưới chân thành, đoàn quân Lính Thủy Đánh Bộ đang quyết tâm mở ra một trang sử mới cho Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam.

Gần 3 tiếng đồng hồ, vừa bò, lách, di chuyển trong mọi tư thế, lại vừa đánh địch bằng lựu đạn. Rốt cuộc chúng tôi cũng tới được chân thành, cách bờ thành chừng 1OO mét. Tôi cho anh em tìm chỗ ẩn núp, nằm sát đất, nấp vào các vách tường đổ nát hay những hố bom, không ai gây tiếng động nào. Tôi yêu cầu soi sáng để quan sát địa thế. Trái sáng được bắn lên, bọn Cộng sản Bắc Việt ngồi trên bờ thành canh gác, 3 tên một toán, cứ cách vài mét lại có 3 tên, chúng đang ở trên cầu. Mỗi lần trái sáng bắn lên, bóng đen của chúng chạy dài qua nơi chúng tôi ẩn nấp, tạo thêm cảnh rợn người mang lại cảm tưởng chúng đang đứng ở trên đầu và đang dòm ngó vào chỗ chúng tôi đang núp. Tôi yêu cầu Pháo binh bắn vào thành nhiều hơn, những tràn 1O5 ly vút qua đầu chúng tôi, rớt vào trong thành dường như không làm địch quân khiếp sợ, đa số đều không rớt đúng vào chỗ chúng ở. Mặc cho Pháo binh bắn thế nào chúng vẫn không rời vị trí canh gác. Có lẽ địch quân nghi ngờ sự có mặt của chúng tôi nên tăng cường canh gác cẩn mật hơn.

Thạch Sanh thỉnh thoảng hỏi thăm tôi: đã đến đâu rồi, tình hình thế nào, có thể lên thành được không ? Tôi báo cáo về mọi chi tiết để anh rõ. Quả thật không thể nào làm được một cái gì trong lúc này. Địch canh gác quá kỹ càng, lại đông đảo. Chúng đang ở thế thượng phong, muốn đánh chúng lúc này thật muôn vàn khó khăn, nguy hiểm, chẳng khác nào những con thiêu thân đang cố lao đầu vào đống lửa. Phải kiên nhẫn đợi chờ, phải tính toán kỹ càng chính xác, trước một phút hay sau một phút cũng có thể chuyển thắng thành bại. Nếu địch phát giác được chúng tôi đang ở nơi này thì chỉ trong tích tắc cả thầy lẫn trò tôi đều cuốn gói theo Bác!

Đánh địch là lẽ dĩ nhiên, nhưng làm cách nào đánh chiếm được thành mà anh em binh sĩ không thiệt hại, đó là vấn đề được đặt ra và chính tôi phải tự giải quyết lấy. Thực tế là tôi đang lo cho tất cả anh em và cũng cho chính bản thân mình. Tình thế này có khác gì 2 anh hùng võ lâm đang đấu một mất một còn để tranh dành địa vị độc tôn nhất thiên hạ. Hoặc là phải hy sinh hoặc được làm bá chủ võ lâm. Thiếu úy Luật hỏi tôi:

- Anh nhất định phải lên thành đêm nay sao?

Tôi trả lời Luật:

- Có lẽ anh đã biết tại sao tôi vào Thủy Quân Lục Chiến ?

Tôi chọn Thủy Quân Lục Chiến vì nhìn thấy anh Đại úy sĩ quan tuyển mộ cho Sư đoàn, trẻ măng ánh mắt hào hùng. Tôi nghĩ bụng lính Thủy Quân Lục Chiến oai hùng, đánh giặc có tiếng lên cấp nhanh mỗi lần tạo được chiến công. nên tôi không chút ngại ngùng chọn Thủy Quân Lục Chiến làm cuộc đời binh nghiệp với quyết tâm “một xanh cỏ hai đỏ ngực”.

Tôi nhất định phải lên được Cổ Thành, phải đuổi được bọn chó săn ra khỏi thành. Nhận định sáng suốt, kiên nhẫn đợi chờ cho đúng thời điểm. Đó là điều mà tôi phải có bổn phận chẳng những với anh em mà còn mang theo danh dự của Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến và cho cả Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Tôi quyết tìm một giải pháp, tôi cố gắng quan sát tìm đường để chuẩn bị cho con cái tiến lên. Có ai ở vào vai trò của tôi lúc ấy mới thấy những gì tôi đang làm là khó khăn và nguy hiểm đến chừng nào. Bằng, Trưởng ban 3 Tiểu đoàn cũng sốt ruột hỏi thăm tin tức, tôi cho anh hay mọi sự, cuối cùng tôi kèm theo một câu khôi hài:

- Đại Bàng yên tâm, ngày mai tôi sẽ mang về cho Đại Bàng mấy khẩu K54 xài chơi.

Ông vui vẻ chúc tôi may mắn và tôi cũng không quên cám ơn sự chúc tụng của ông. Tôi yêu cầu Thạc Sanh cho thêm soi sáng và Pháo binh. Mỗi lần xong đợt Pháo, Thạch Sanh lại hỏi tôi:

- Anh thấy thế nào, có thể cho con cái lên được không ?

Tôi trả lời anh:

-Không thể được vào lúc này.

Quả vậy, địch đã tăng cường sự kiểm soát, tên chỉ huy chạy tới chạy lui la lớn:

- Coi chừng tụi Ngụy tấn công.

Bằng giọng Bắc nghe rõ mồn một. Tôi lại phải yêu cầu cho thêm Pháo binh và trái sáng. Tôi nghĩ không thể để Pháo binh bắn vào thành mà không rớt vào đầu bọn chúng, nhưng khổ nỗi nếu rớt vào đầu chúng thì cũng rớt vào đầu chúng tôi luôn ! Phải làm sao đây? Muốn thành công đành phải chịu hy sinh. Không dám vào hang cọp thì làm sao bắt được cọp ? Tôi quyết định lợi dụng Pháo binh để thi hành kế hoạch. Tôi yêu cầu Pháo binh bắn gần hơn 5O mét, những tràng pháo 1O5 ly vút qua đầu chúng tôi, vẫn rớt vào bên trong bờ thành. Không được, cho ngắn lại 25 mét nữa, đạn vẫn nổ ở trong thành. Lần này tôi yêu cầu ngắn thêm 25 mét nữa, những quả đạn rơi đúng phóc bờ thành, mảnh đạn bay tứ phía rớt rào rào trên đầu chúng tôi. Tốt lắm ! Cho thêm một loạt nữa, tiếng gầm thét lại tiếp tục vang lên. Cho thêm soi sáng, qua ánh sáng mờ nhạt, tôi có thể quan sát thấy quân Bắc Việt vội vã chui vào hầm trú ẩn. Nhìn lên tay, đồng hồ chỉ đúng 5 giờ 15 phút. Một trái đạn 1O5 ly rơi ở đàng sau tôi chừng 2O mét.

- Thạch Thảo, anh có sao không ?

Thạch Sanh gọi tôi, tôi trả lời vội trong máy:

- Không sao, cho nó ngừng ngay, tôi sẽ cho con cái tiến lên.

Trời cũng bắt đầu mờ sáng, ở hướng Đông bầu trời trong xanh, ánh ban mai đủ để tôi nhìn thấy bờ thành chạy dài từ đâu tới đâu. Một quyết định chạy nhanh trong đầu tôi: nhân lúc quân Bắc Việt vừa chui vô hầm tránh đạn, tôi cho quân ào lên, chắc chắn chúng sẽ không trở tay kịp. Tôi gọi Trung sĩ Xuân, một Tiểu đội trưởng gan dạ và đầy kinh nghiệm, gấp rút ra lệnh:

- Anh dẫn Tiểu đội lên trước, tôi cùng anh em bám theo sau, âm thầm không gây tiếng động, nhanh lên.

Tiểu đội của Xuân nhanh như cắt, rời vị trí trú ẩn, lội qua giao thông hào trèo lên bờ thành. Cả Trung đội bám gót theo sau. Xuân đã đến nơi rồi, anh em trong Tiểu đội đã ném những quả lựu đạn đầu tiên vào các công sự của địch quân. Tôi nhìn thấy rõ Xuân chạy xông xáo ở trên thành, tôi cho cả Trung đội ào lên. Cầm máy gọi qua hơi thở:

- Thạch Sanh táp-pi, ra lệnh táp-pi.

Tôi giao vội ống máy nói cho người lính Truyền tin rồi cùng anh em tiếp tục ném lựu đạn vào các hầm hố của quân thù. Trong khoảnh khắc, một khu vực khoảng 15O mét đã bị chúng tôi chiếm trọn. Địch bỏ chạy, chúng tôi thừa thắng xông lên... Mười phút sau, Thạch Sanh dẫn cả Đại đội lên tiếp ứng, tiếng xung phong như vũ bão làm cho Cộng quân trong cơn bối rối lại càng bối rối hơn. Không còn cách nào khác hơn, chúng đành phải thi hành câu “tẩu vi thượng sách”. quả thật chúng không bao giờ ngờ rằng vào giờ phút chót này mà Thủy Quân Lục Chiến lại dám tấn công vào thành. Chính điểm bất ngờ này đã đưa đoàn quân của Bác và Đảng đi đến chỗ Thân Bại Danh Liệt. Một thất bại chua cay, hàng trăm tên phải bỏ xác tại chỗ, hàng ngàn tên phải vất súng ống bỏ chạy.

Đoàn quân Bắc Việt lúc này chẳng khác gì đàn vịt bị lùa ra khỏi chuồng, mạnh ai nấy chạy, súng đạn vất tứ tung. Chúng tôi thu được vô số vũ khí và tù binh. Khoảng 3O phút sau, một Đại đội của tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến cũng bắt đầu khai hỏa xung phong ở hướng Tây Nam Cổ Thành. Chỉ trong thời gian ngắn, các chiến sĩ Thần Ưng cũng làm chủ được một phần đất của thành này. Đến đây, coi như Thủy Quân Lục Chiến đã làm chủ hoàn toàn Cổ Thành, việc thanh toán những tên còn sót lại, không đặt thành vấn đề đối với anh em nữa.

Khoảng 7 giờ sáng, Thiếu tá Đệ, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 3 mang lên một chai rượu, ông nói:

- Thạch Thảo uống một hớp đi, chúc mừng Thạch Thảo, tôi mừng anh đã tạo được chiến công. Quả thật anh đã đem vinh dự to lớn về cho Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến và đặc biệt là Tiểu đoàn 3 Sói Biển.

Tôi cầm lấy uống một ngụm, mùi rượu đã làm tôi quên đi những cực nhọc suốt đêm qua.

Những cụm khói Pháo binh 13O ly của Cộng quân Bắc Việt bắn vu vơ vào thành để chận đường truy kích của Thủy Quân Lục Chiến, làm tôi chợt nhớ ra một điều: “Anh em tôi vẫn còn đầy đủ”, tự nhiên nước mắt tôi trào ra và tôi nghe thấy Khúc Nhạc Khải Hoàn văng vẳng đâu đây đang trổi dậy như để đón chào đoàn quân chiến thắng trở về, trong đó có Trung đội tôi, Đại đội tôi, Thạch Sanh và Thạch Thảo... Cờ Việt Nam Cộng Hòa được cắm lên để đánh dấu một chiến tích kiêu hùng mà Thủy Quân Lục Chiến đã tạo được. Nghĩ lại trận đánh chớp nhoáng và hào hùng này chẳng khác nào ta xem cuốn phim thế chiến nào đó. Anh em vui sướng reo hò, phần tôi chưa lần nào được vui như thế.

Sáng ngày 16/9/1972 tôi được lệnh Tiểu đoàn phải ăn mặc chỉnh tề để đón Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Khoảng 1O giờ 3O Tổng thống đáp trực thăng xuống Bộ chỉ huy Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến, ông ôm Thiếu tá Tùng Tiểu đoàn trưởng khen ngợi. Tôi nghĩ thầm, chắc thế nào Tổng thống cũng sẽ đến thăm đơn vị tôi. Nhưng rồi trực thăng đã cất cánh mất dạng ở hướng Nam.

Ít ngày sau, Đại úy Bằng, trưởng phòng 3 cho biết tôi đã được đề nghị thăng thưởng. Tôi nói là toàn bộ Trung đội tôi đáng được tưởng thưởng. Nhưng kết quả, vì lý do này hay lý do khác mà không một ai trong Đại đội, kể cả Thạch Sanh, được gì cả ! Tôi hơi thất vọng cho Trung đội của tôi, nhiều người đã chiến đấu rất dũng cảm trong trận tái chiếm Cổ thành. Sau đó một số đã hy sinh trong những cuộc hành quân kế tiếp. Tình trạng bị lãng quên này lại tiềm ẩn một điều may mắn: Khi Cộng sản chiếm miền Nam vào năm 1975, thời gian người quân nhân Việt Nam Cộng Hòa bị chúng hành hạ trong trại tập trung hầu như tỷ lệ thuận với cấp bậc.

Mặc dầu, Thạch Sanh, Trung đội của tôi và riêng tôi có hơi buồn về những buổi lễ mừng chiến thắng sau đó, nhưng không có điều gì có thể làm chúng tôi quên đi niềm tự hào là một trong những người đầu tiên leo lên Cổ thành và đã giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử. Chúng tôi hãnh diện về thành tích của chúng tôi. Tôi đã hãnh diện và hiện vẫn còn hãnh diện. Sau Quảng Trị, tôi tiếp tục chiến đấu trong những cuộc hành quân kế tiếp. Cuối cùng tôi bị thương và được nghỉ phép, tôi trở về thăm vợ và đứa con trai mới sinh hơn hai tháng mà tôi chưa hề nhìn thấy mặt.

MX Văn Tấn Thạch

+++++++++++++++++++++++++++++

Bẫy và Rọ - Trận Tái Chiếm Quảng Trị

Người viết vừa nhận được quyển Quân Sử của Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) do cựu Thiếu Tá Phạm Cang – nguyên Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 7 TQLC từ Iowa gửi tặng. Cựu Thiếu Tá Phạm Cang – Khóa 20 Võ Bị Đà Lạt là người tù cùng Trại Bình Điền với người viết và hiện nay (2017) ông là đương kim Chủ Tịch của Tổng Hội TQLC/VN tại Hoa Kỳ.
Trần Trung Chính

Trong bài viết này, người viết chú trọng đến phần chiến công của Sư Đoàn TQLC trong chiến dịch tái chiếm Quảng Trị vào năm 1972 để ghi nhận tài điều binh của các sĩ quan các cấp trong Sư Đoàn TQLC cũng như sự dũng cảm và hy sinh vô bờ bến của các quân nhân tham dự chiến dịch này. Nhưng quả là thiếu sót lớn nếu không đề cập đến các chiến công và nỗ lực cũng như hy sinh của các quân nhân các cấp trực thuộc các đơn vị khác như Sư Đoàn 3 Bộ Binh (BB), Sư Đoàn 1 BB, các Liên Đoàn Biệt Động Quân, các Lữ Đoàn Dù, các Lữ Đoàn TQLC, các tiểu đoàn Pháo Binh, các chi đoàn chiến xa M41 và M48, Tiểu Khu Quảng Trị, các Cảnh Sát Quốc Gia (CSQG) thuộc Ty Cảnh Sát Thừa Thiên và Quảng Trị, các đơn vị Lôi Hổ và Lực Lượng Đặc Biệt, các chiến sĩ Không Quân và Hải Quân của QLVNCH…v…v…

Tài liệu của sĩ quan Lê Văn Trạch (Phòng 2 Sư Đoàn 3 BB) tiết lộ rằng Bộ Tổng Tham Mưu tại Sài Gòn cũng như Phòng 2 của Sư Đoàn 3 BB và Phòng 2 của Quân Đoàn 1 bị quân đội Cộng sản Bắc Việt đánh lừa bằng cách tạo ra những mật lệnh truyền tin cũng như mở ra những cuộc tấn công hạn chế tại Quân Khu 2 khiến Tướng Vũ Văn Giai ra lệnh đổi quân vào đúng ngày 30 tháng 3 năm 1972 - là ngày cộng quân Bắc Việt mở cuộc tổng tấn công toàn diện tại Quảng Trị. Lệnh đổi quân sẽ hoàn tất vào 6 giờ chiều cùng ngày, nhưng từ 12 giờ trưa, Tướng Vũ Văn Giai và Đại Tá Cố Vấn sẽ bay về Sài Gòn nghỉ lễ Phục Sinh cuối tuần (theo sách Easter Offensive của Đại Tá H. Turley).

Chiến trận Quảng Trị đã trôi qua 45 năm, nhiều tài liệu của 2 bên lâm chiến đã được công bố, nhưng những điều đã được công bố (có cả hình ảnh và thủ bút của những người tham dự chiến trận) thì không phải là những điều được người viết trình bày tại bài viết này. Cũng có thể độc giả đòi hỏi người viết phải trưng ra tài liệu để minh họa cho lập luận trình bày, xin trả lời là cá nhân người viết không có những tài liệu đó, vấn đề được trình bày ở đây thuộc về nhận xét riêng của người viết. Cũng không có vấn đề “ĐÚNG, SAI” đặt ra ở đây vì mục đích của bài viết là để chúng ta nên nhìn trận chiến Việt Nam qua nhiều vị trí quan sát khác nhau để thế hệ kế tiếp có dịp ngó lại các sự kiện lịch sử gần giống với thực tế đã từng xảy ra trước đó!

Trước tiên, hãy cùng ôn lại chút chuyện đầu thời Chiến Quốc. Khi đó, Tôn Tẫn, tương truyền là cháu của Tôn Tử - tác giả của Binh Pháp Tôn Tử, đã dùng diệu kế để giúp Đại Tướng Điền Kỵ của nước Tề thắng Tề Vương trong cuộc đua ngựa, với ba loại Giỏi, Thường, và Kém. Vòng đầu cuộc đua, Tôn Tẫn đã cố vấn Điền Kỵ đưa ngựa kém ra đua với ngựa giỏi của Tề Vương. Kết quả: 0-1, phần thua về Điền Kỵ. Vòng hai, Điền Kỵ lấy ngựa giỏi ra đua với ngựa thường của Tề Vương: Kết quả: 1-1. Vòng ba, Điền Kỵ lấy ngựa thường ra đua với ngựa kém của Tề Vương. Sau 3 vòng đua, Điền Kỵ thắng Tề Vương với tỷ số 2-1.

Trở lại với chiến trận Quảng Trị, trái với nhận định của sĩ quan Lê Văn Trạch (phòng 2 của Sư Đoàn 3 BB), người viết cho rằng chính lực lượng xâm lăng của Cộng quân bị lừa vào BẪY và RỌ ngay tại vùng Quảng Trị giới tuyến để rồi chịu nhận một tổn thất sinh mạng quá lớn lao.

Diễn trình lọt vào BẪY và RỌ của quân Bắc Việt gần giống với cuộc đua ngựa do Tôn Tẫn bày mưu sắp xếp:

Chỉ trong 48 giờ chiến đấu, Trung Tá Phạm Văn Đính của Trung Đoàn 56, Sư Đoàn 3 BB kéo cờ trắng đầu hàng quân Bắc Việt vào lúc 14:30 ngày 2 tháng 4 năm 1972. Gần một tháng sau, Tướng Vũ Văn Giai hạ lệnh Sư Đoàn 3 BB rút khỏi Quảng Trị, đó là ngày 1 tháng 5 năm 1972. Kết quả 1-0, phần thắng nghiêng về phía quân cộng sản.

Đến 14:30 ngày 1 tháng 5 năm 1972, Lữ Đoàn 147 TQLC và Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh rút khỏi thành phố Quảng Trị. Tới ngày 2 tháng 5 năm 1972, phòng tuyến cuối cùng của QL/VNCH là sông Mỹ Chánh do 2 Lữ Đoàn TQLC, Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù và 01 Liên Đoàn Biệt Động Quân trấn giữ và Cộng quân cũng bị chận đứng tại đây, không tiến thêm được bất cứ tấc đất nào nữa. Kết quả 1-1.

Ngày 1 tháng 5 năm 1972, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đảm nhận chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn 1 và Quân Khu 1. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn tỉnh Thừa Thiên và đưa ra 2 nhiệm vụ phải khẩn cấp thực hiện là phòng thủ Huế và tái chiếm Quảng Trị. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chấp nhận kế hoạch tái chiếm Quảng Trị khởi đầu từ ngày 19 tháng 6 năm 1972 cho đến 19 tháng 9 năm 1972 (thời hạn 3 tháng). Tiểu Đoàn 5 TQLC do Thiếu Tá Phạm Văn Tiền chỉ huy đã cắm cờ VNCH tại Cổ Thành Quảng Trị vào ngày 16 tháng 9 năm 1972 – trước thời hạn ấn định 3 ngày. Kết quả 2-1 chung cuộc cho chiến trường Trị Thiên vào năm 1972, phần thắng nghiêng về phía VNCH.


Ghi chú của người viết:

Từ điển VN định nghĩa như sau:

BẪY: (Danh từ):

Dụng cụ thô sơ để lừa bắt, giết loài vật hoặc kẻ địch; thí dụ: bẫy chông, chim sa vào bẫy.
Cái bố trí sẵn để lừa cho người ta mắc vào.
(Động từ):
Bắt hoặc tiêu diệt bằng bẫy.
Lừa cho mắc mưu để làm hại, thí dụ: bẫy người vào tròng.

RỌ (Danh từ):

Đồ dùng đan bằng tre nứa, hình thuôn dài dùng để nhốt súc vật khi vận chuyển.


Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai sau khi họp Bộ Tham Mưu Sư Đoàn 3 BB cùng các sĩ quan chỉ huy các lực lượng yểm trợ cho chiến trường Quảng Trị, đã tuyên bố rút quân khỏi Quảng Trị vào khoảng 3-4 giờ sáng ngày 01 tháng 5 năm 1972. Các đơn vị đồn trú trong Cổ Thành Quảng Trị di chuyển theo hướng Tri Bưu, Quy Thiện, Hải Lăng; nhưng mãi đến trưa 3 chiếc trực thăng CH-54 mới bốc Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai và các cố vấn Mỹ bay vào Huế.

Tại Huế, Thiếu Tá Liên Thành, Trưởng Ty Cảnh Sát Huế - Thừa Thiên, hay tin Sư Đoàn 3 BB rút bỏ Quảng Trị từ 4 giờ sáng ngày 1 tháng 5 năm 1972; tin này do cố vấn trưởng của CSQG loan báo (ông này được người bạn đang là cố vấn trưởng cho Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai ngay tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 3 BB loan báo). Thiếu Tá Liên Thành liền thông báo ngay cho Thiếu Tá Hóa, lúc đó đang là tùy viên của Thiếu Tướng Phạm Văn Phú - Tư Lệnh Sư Đoàn 1 BB. Thiếu Tá Hóa chưa hay biết gì cả, nhưng Thiếu Tá Liên Thành cho hay đây không phải là tin tình báo mà do chính cố vấn trưởng của CSQG sau khi nói chuyện qua điện thoại với cố vấn trưởng của Chuẩn Tướng Giai. Thiếu Tá Hóa nói sẽ gọi lại sau khi kiểm chứng.

Tới 6 giờ sáng, Thiếu Tá Hóa cho hay nguồn tin trên là đúng và xác nhận một số quân nhân và dân chúng Quảng Trị đã vào địa phận tỉnh Thừa Thiên. Ngay sau đó, Thiếu Tá Liên Thành phát động cuộc hành quân Cảnh Sát, bắt giữ toàn thể các phần tử thân Cộng và hoạt động cho Việt Cộng mà Ty CSQG Thừa Thiên đã thành lập danh sách đen từ trước. Con số bị bắt vượt quá 2,000 người chỉ trong 48 giờ thực hiện (đa số là các phật tử dưới trướng của nhà sư Thích Trí Quang và Giáo Hội Ấn Quang). Ông báo cáo thành quả này cho Tướng Nguyễn Khắc Bình và yêu cầu Bộ Tư Lệnh giúp đỡ. Chưa tới 10 ngày sau, Tướng Nguyễn Khắc Bình gửi ra Huế một chiếc hải vận hạm của Cục Quân Vận để chuyên chở hơn 2,000 người này ra đảo Côn Sơn, chịu trách nhiệm an ninh là Thiếu Tá Nguyễn Hữu Hải của ngành Cảnh Sát Đặc Biệt. Tướng Nguyễn Khắc Bình nói đây là kế hoạch “bịt tai, bịt mắt, trói chân, trói tay“ của CSQG nhằm tránh thành phố Huế bị “nội công - ngoại kích“ của Việt Cộng.

Điều đáng nói ở đây là Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Quân Đoàn 1 và Quân Khu 1 từ trong Đà Nẵng không hay biết gì cả, chả thế mà từ trung tuần tháng 4 năm 1972, tiếng nói của ông được phát thanh trên Đài Phát Thanh Huế có đoạn: “Quảng Trị vững như bàn thạch…”. Thiếu Tá Liên Thành nói với người viết: không ai cười Tướng Lãm về chuyện này cả vì công chức và dân chúng thì bận lo di tản vô Đà Nẵng, còn lính tráng và cảnh sát thì lo chống giữ quân Bắc Việt để chờ Sài Gòn… tiếp viện.

Hồ sơ trận liệt của Phòng 2, Sư Đoàn 3 BB cho hay trận chiến Quảng Trị năm 1972 rất quan trọng. Cho nên Quân Ủy Trung Ương Quân Đội Bắc Việt đã cho thành lập Đảng Ủy và Bộ Tư Lệnh Chiến Dịch Trị Thiên do Tướng Lê Trọng Tấn, phó Tổng Tham Mưu Trưởng, làm Tư Lệnh, Tướng Lê Quang Đạo, phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị làm Chính Ủy kiêm Bí Thư Đảng Ủy. Các Tướng Cao Văn Khánh, Giáp Văn Cương, Doãn Quế, Hồng Sơn, Lương Đệ, Anh Nhân làm Phó Tư Lệnh Chiến Dịch. Ngay cả Bí Thư Tỉnh Ủy Quảng Trị là Hồ Sĩ Thản cũng được tham gia vào Đảng Ủy Bộ Tư Lệnh Chiến Dịch. Sau chót, Thượng Tướng Văn Tiến Dũng, Ủy Viên Bộ Chính Trị, lúc bấy giờ là đương kim Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Bắc Việt, được cử làm đại diện của Quân Ủy Trung Ương trực tiếp chỉ đạo hướng chiến lược của Chiến Dịch quan trọng này.

Người viết không nêu chi tiết các đại đơn vị của Quân Đội Bắc Việt (độc giả nào cần biết chi tiết xin xem báo KBC Hải Ngoại cũng như các hồi ký của các vị chỉ huy của VNCH viết về trận chiến này). Về mặt tổng quát quân Bắc Việt có 6 Sư Đoàn BB chủ lực, 1 trung đoàn độc lập, 5 tiểu đoàn độc lập, 4 tiểu đoàn đặc công, 5 tiểu đoàn địa phương của Quảng Trị và Quảng Bình, 4 trung đoàn pháo binh, 4 trung đoàn cao xạ phòng không, 1 trung đoàn hỏa tiễn SAM, 2 trung đoàn thiết giáp, 2 trung đoàn công binh.

Phần trước người viết đã nhắc sơ về lực lượng trấn giữ chiến trường Quảng Trị, nhưng nếu so sánh với lực lượng Bắc Việt thì quyết định của Tướng Vũ Văn Giai rút quân ra khỏi Quảng Trị vào ngày 01 tháng 5 năm 1972 là quá hợp tình hợp lý. Hồ sơ trận liệt của Phòng 2 Sư Đoàn 3 BB được chuẩn bị kỹ càng như đã nêu, chả lẽ Bộ Tổng Tham Mưu tại Sài Gòn không có kế hoạch đối phó? Theo nhận xét của người viết, Bộ Tổng Tham Mưu tại Sài Gòn đã tham khảo với Ban Tham Mưu của Đại Tướng Creighton Abrams để giăng BẪY chiêu dụ đại quân của Bắc Việt sập bẫy tiến vào Quảng Trị.

Phía tình báo của quân Bắc Việt đã đánh giá thấp khả năng của Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai và khả năng tác chiến của Sư Đoàn 3 BB qua các dữ kiện thu thập từ thực tế như sau:

Đại Tá Vũ Văn Giai là sĩ quan xuất sắc cấp Trung Đoàn, ông được vinh thăng Chuẩn Tướng (sau chiến dịch Lam Sơn 719 – tháng 2/ 1971) được đề cử làm Tư Lệnh Sư Đoàn 3 BB tân lập vào ngày 01 tháng 10 năm 1971, tuy nhiên ông chưa có thì giờ để được đi học Khóa Tham Mưu Cao Cấp điều binh cấp Sư Đoàn. Được tiếng là Tư Lệnh Chiến Trường Quảng Trị, nhưng ông không điều khiển được các Lữ Đoàn TQLC, các Lữ Đoàn Nhảy Dù, các Liên Đoàn Biệt Động Quân, các Thiết Đoàn Kỵ Binh... bởi vì các đơn vị tăng phái cho ông đều tuân lệnh từ các cấp chỉ huy hàng dọc của đơn vị họ.

Vì thành lập quá gấp gáp để đáp ứng cho nhu cầu chiến trường Quảng Trị, một số quân nhân của Sư Đoàn 3 BB được ân xá từ nhóm quân phạm và nhất là Lực Lượng Biên Phòng bị giải tán rồi chuyển qua Sư Đoàn 3 BB nên thiếu thành phần hạ sĩ quan và sĩ quan cấp trung đội và đại đội thiện chiến (trước đó họ quen việc trấn đóng phòng thủ tiền đồn biên giới nên chưa quen với công việc chiến đấu di động như các đơn vị bộ binh thuần túy).

Người viết cho rằng sự yếu kém của Sư Đoàn 3 BB khi trấn giữ mặt trận Quảng Trị là điều thực tế. Nhưng vai trò của Sư Đoàn 3 BB vào thời điểm tháng 4/1972 là miếng mồi để dụ quân Bắc Việt tiến vào Quảng Trị (xin xem tiêu lệnh phân công và nhiệm vụ do chính Tướng Lê Trọng Tấn soạn thảo qua tài liệu được tìm thấy trong sổ tay của một số Tiểu Đoàn Trưởng quân Bắc Việt tử trận, và phòng 2 Sư Đoàn 3 BB và phòng 2 của Sư Đoàn TQLC cũng lưu giữ tài liệu này). Vì vậy khi thấy Sư Đoàn 3 BB không được tăng viện tương xứng, Trung Tá Phạm Văn Đính – Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 56 đã ra đầu hàng quân Bắc Việt: Trung Tá Đính không nghĩ tới trường hợp Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai được mật lệnh sẽ rút quân ra khỏi Quảng Trị để tránh bị tổn thất nhân mạng cho binh sĩ các cấp.

Tất cả những đơn vị rút lui ra khỏi Quảng Trị vào tháng 5/1972 đều được chỉnh đốn hàng ngũ, tái trang bị quân trang quân dụng để chờ ngày xuất phát tái chiếm Quảng Trị. Nhưng riêng Sư Đoàn 3 BB thì không, sau khi tập trung tái bổ xung nhân sự và quân trang vũ khí tại Trung Tâm Huấn Luyện Đống Đa, toàn thể Sư Đoàn 3 BB được vận chuyển vào Quảng Nam để nhận vùng trách nhiệm mới. Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh (gốc Pháo Binh) được bổ nhiệm làm tân Tư Lệnh, dĩ nhiên phải thay đổi huy hiệu của Sư Đoàn vì khi trấn đóng tại Quảng Trị, huy hiệu cũ có 2 chữ BẾN HẢI. Để thay thế Sư Đoàn 3 BB, toàn thể Sư Đoàn TQLC cũng được chuyển ra Quảng Trị (ngoại trừ Trung Tâm Huấn Luyện Sóng Thần và Quân Y Viện Lê Hữu Sanh vẫn còn nằm lại Thủ Đức – Gia Định). Điều đó củng cố cho ý nghĩ của người viết là kế hoạch di tản Sư Đoàn 3 BB ra khỏi Quảng Trị cũng như tái phối trí và hoán chuyển 2 Sư Đoàn vừa nói trên đều nằm trong kế hoạch dự trù từ trước của Bộ Tổng Tham Mưu tại Sài Gòn.

Sĩ quan Lê Văn Trạch của Phòng 2 Sư Đoàn 3 BB viết: “… Trước tình hình khẩn trương, có nguy cơ quân đội BV sẽ tấn công vào Thừa Thiên – Huế, trong khi Tướng Hoàng Xuân Lãm và Bộ Tham Mưu của ông không còn khả năng và uy tín để chỉ huy những đại đơn vị thuộc quyền và ứng phó với một chiến trường quá cỡ.“ (Hết trích)

Đại Tá Ngô Quang Trưởng khi đang là Lữ Đoàn Trưởng cuả Nhảy Dù đang hành quân tại vùng giáp ranh Quảng Trị - Thừa Thiên, tháng 6/1966 nhận được lệnh của Trung Tướng Nguyễn Hữu Có – Tổng Tham Mưu Trưởng QL/VNCH vào thành Mang Cá đảm nhận chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 BB thay thế Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận. Tướng Nhuận bị cất chức và chuyển giao vào Sài Gòn để ra Tòa Án Quân Sự vì dính dáng đến biến cố Bạo Loạn Miền Trung 1966.

Năm 1967, Đại Tá Ngô Quang Trưởng được thăng chức Chuẩn Tướng và nắm giữ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 BB. Trong vòng 4 năm từ 1966 đến 1970, ông cũng được thăng cấp Thiếu Tướng trong thời gian làm Tư Lệnh Sư Đoàn 1 BB. Khoảng cuối năm 1970 ông về nắm giữ Tư Lệnh Quân Đoàn 4 và Quân Khu 4, ông được vinh thăng Trung Tướng trước khi trở ra miền Trung làm Tư Lệnh vùng 1.

Điều chắc chắn không ai chối cãi là ông quá quen thuộc với địa hình vùng Quảng Trị - Thừa Thiên nhiều hơn Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai. Và cá nhân người viết còn đoan chắc là Tướng Ngô Quang Trưởng đã tham dự nhiều khóa huấn luyện của Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp Liên Quân của Quân Lực Hoa Kỳ tại Fort Lavenworth. Sự thăng tiến trong kỹ thuật tác chiến của Tướng Trưởng nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan tình báo Bắc Việt, nên quân Bắc Việt đã phải trả giá rất đắt về nhân mạng trong chiến dịch tái chiếm Quảng Trị 1972. Tướng Trưởng cũng đã tốt nghiệp với ưu hạng của Văn Bằng Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp Liên Quân Đồng Minh.

Tướng Ngô Quang Trưởng là "vị chỉ huy chiến thuật xuất sắc nhất mà tôi đã từng được biết."
Đại Tướng Norman Schwarzkopf

Cả đến hai mươi năm sau, trong quyển tiểu sử tự viết (autobiography) vào năm 1992, Đại Tướng Norman Schwarzkopf, Tư Lệnh Lực Lượng Đồng Minh trong Chiến Tranh Vùng Vịnh - Gulf War, đã gọi Tướng Ngô Quang Trưởng là "vị chỉ huy chiến thuật xuất sắc nhất mà tôi đã từng được biết." Sự ngưỡng mộ hết mực của Đại Tướng Schwarzkopf dành cho Tướng Ngô Quang Trưởng chính là vì ông đã chứng kiến tài phối hợp điều binh Liên Quân Đồng Minh của Tướng Trưởng trong chiến dịch tái chiếm Quảng Trị năm 1972 mà nhiều người đã lầm tưởng Đại Úy Schwarzkopf ngưỡng mộ Thiếu Tá Trưởng trong trận đánh tại Ia Drang vào năm 1965 khi Thiếu Tá Trưởng làm Tiểu Đoàn Trưởng của Tiểu Đoàn 5 Nhẩy Dù.

Ngay khi ra vùng 1, Tướng Trưởng đã cho thiết lập Trung Tâm Truyền Tin để ông có thể ra lệnh trực tiếp cho các giới chức quân sự cao cấp như Bộ Tư Lệnh Không Quân Chiến Lược B-52 tại căn cứ Utapao bên Thái Lan, Bộ Tư Lệnh Hải Đội của Hoa Kỳ tại vùng biển VN, các đơn vị Không Quân của Hải Quân đóng trên các Hàng Không Mẫu Hạm, Sư Đoàn TQLC/VN, Sư Đoàn Nhẩy Dù, các Liên Đoàn Biệt Động Quân, Lữ Đoàn 1 Thiết Kỵ, các tiểu đoàn Pháo Binh Diện Địa cũng như Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 101 của Pháo Binh 175 ly. (Chú thích của người viết: liệt kê dài dòng như vậy để cho thấy Trung Tướng Trưởng đang điều quân cấp liên Quân Đoàn của Liên Quân Đồng Minh).

Đại Tá Dư Quốc Đống giữ chức Tư Lệnh Nhảy Dù thay thế Thiếu Tướng Cao Văn Viên để giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn 3 từ 1965, ông thăng chức Chuẩn Tướng vào năm 1966 (khi đó Đại Tá Ngô Quang Trưởng còn giữ chức Lữ Đoàn Trưởng của Nhẩy Dù). Ngay từ 19-6-1965, Tướng Lê Nguyên Khang đã nắm giữ Tư Lệnh Quân Đoàn kiêm nhiệm Tư Lệnh TQLC. Vì vậy khi ra miền Trung nắm giữ Tư Lệnh Quân Đoàn 1, Bộ Tổng Tham Mưu đã thay thế 2 ông Tướng có thâm niên công vụ cao hơn Tướng Trưởng để ông dễ chỉ huy 2 đại đơn vị Nhẩy Dù và TQLC. Sự thay thế đó là Đại Tá Lê Quang Lưỡng giữ chức Tư Lệnh Sư Đoàn Dù và Đại Tá Bùi Thế Lân giữ chức Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC, cả 2 ông Tư Lệnh mới này đều tốt nghiệp Khóa 4 Trường Bộ Binh Thủ Đức và chưa có thâm niên công vụ cấp Tướng Lãnh.

Quyển sách Quân Sử của TQLC/VNCH cũng đề cập đến khả năng ghê gớm và hiệu quả của hải pháo đặt trên các tàu chiến tiếp cận bờ biển Quảng Trị đã bắn yểm trợ TQLC/VNCH. Đây là loại vũ khí mà các tướng lãnh của Bắc Việt không biết tới. Họ đã điều động nhiều súng phòng không để kiềm chế các máy bay của Không quân, nhiều đơn vị mang hỏa tiễn AT-3 để khống chế chiến xa của ta, dùng đại bác 130 ly tầm xa 32 km bắn cường tập vào mục tiêu để đè bẹp pháo binh ta. Nhưng không có đơn vị nào trang bị hỏa tiễn ĐỊA đối HẢI để đẩy lui các chiến hạm của Hoa Kỳ ngày đêm pháo kích vào các căn cứ của Cộng quân! Điều này cũng dễ hiểu vì quân đội Liên Xô và Trung Cộng không có kinh nghiệm nào về hải pháo và cũng chưa bao giờ tham chiến với mô thức chiến trận này. Suy ra, nếu có tác chiến trực tiếp với Hoa Kỳ thì bộ binh Trung Cộng hay bộ binh Liên Xô cũng sẽ chịu tổn thất nặng nề y như quân đội Bắc Việt vậy thôi.

Người viết gọi Cổ Thành Quảng Trị là cái RỌ, vì chiều tối 01 đại đội quân Bắc Việt vượt sông chui vào tăng cường cho quân trú phòng, nhưng không chịu nổi hỏa lực của hải pháo, nên sáng hôm sau phải rút ra. Làm một bài tính, khi vào khoảng hơn 100 người mà khi rút ra, đại đội chỉ còn khoảng 7-8. Nhà báo Huy Đức trong quyển Bên Thắng Cuộc tính nhẩm đã có hơn 10,000 chiến binh Bắc Việt bỏ mạng, bỏ xác tại Cổ Thành (thành phần này đa số là sinh viên học sinh của thành phố Hà Nội).

Chính phủ Nixon giúp chúng ta chiến thắng trận Quảng Trị năm 1972 là để “mua thời gian” không cho cộng quân chiếm VNCH trong năm 1972. Hoa Kỳ là một quốc gia lớn, có nhiều việc cần phải làm, Hoa Kỳ không thể bị sa lầy tại Việt Nam cho nên bỏ rơi VNCH cũng là cách làm cho chiến tranh Việt Nam phải chấm dứt.

Nhiều người VN, kể cả người viết bài, đều không hiểu đấu pháp của Tổng Thống Nixon. Và cũng vì vậy phía bên cộng sản VN đã chịu tổn thất nhân mạng lên tới 3 triệu tinh binh. Tháng 11/1968, cá nhân người viết cùng với người bạn chạy lên Tòa Đại Sứ Mỹ ở đường Thống Nhất xem diễn biến bầu cử giữa 2 ứng cử viên Humphrey của Đảng Dân Chủ và Nixon của Đảng Cộng Hòa. Chúng tôi thở phào khi ứng cử viên Nixon chiến thắng và lầm tưởng Chính Phủ Nixon sẽ yểm trợ VNCH chiến thắng Bắc Việt. Đó là một sự lầm lẫn to lớn vì sau này mới hiểu ra là Nixon cần chiến thắng ngôi vị Tổng Thống Hoa Kỳ để “rút quân về nước”.

Nixon ra lệnh cho Melvin Laird – Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng lập kế hoạch rút quân dưới cái tên Việt Nam Hóa Chiến Tranh. Cuối năm 1971, toàn thể Lục Quân Hoa Kỳ trú đóng tại phần đất VNCH đã lên đường về nước. Cấp lãnh đạo Bắc Việt tưởng là ngon ăn nên phát động 3 mặt trận Trị - Thiên, Kontum và Bình Long - An Lộc nhưng thất bại cả 3 mặt trận. Lãnh đạo VC tưởng rằng nhân dân Hoa Kỳ sẽ không bỏ phiếu cho Nixon vì Kế Hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh thất bại. Thực tế, trong cuộc bầu cử 1972, Tổng Thống Nixon đạt được thắng lợi trên 49 tiểu bang vì ông chủ trương rút quân từ từ chứ ông không “bỏ chạy” như ứng cử viên Đảng Dân Chủ là Thượng Nghị Sĩ Mc Govern chủ trương.

Người viết không có bất cứ lời than phiền nào đến các vị lãnh đạo của VNCH vì chúng ta bị Bắc Việt xâm lăng, chúng ta bắt buộc phải chiến đấu để bảo vệ đất nước của chúng ta, bảo vệ nhân dân và gia đình thân thuộc của chúng ta. Chính phủ Nixon giúp chúng ta chiến thắng trận Quảng Trị năm 1972 là để “mua thời gian” không cho cộng quân chiếm VNCH trong năm 1972. Hoa Kỳ là một quốc gia lớn, có nhiều việc cần phải làm, Hoa Kỳ không thể bị sa lầy tại Việt Nam cho nên bỏ rơi VNCH cũng là cách làm cho chiến tranh Việt Nam phải chấm dứt.

Viết xong tại San José, ngày chủ nhật 12 tháng 2 năm 2017
Trần Trung Chính



MX Văn Tấn Thạch

-------oo0oo-------

lacomau
Việt Cộng đối ngoại thì nhu nhược, bán nước,
đối nội thì tàn ác và hà khắc với nhân dân.


Những hình ảnh đẹp của Cộng Đồng Việt Nam

ucchau
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

Covang

CoVang

ucchau
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

congdong

congdong

congdong

congdong

congdong

covang
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

covang
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

 

Home Page Vietlist.us