tittle


bottom


Search Vietlist.us
Search the Web



Vietnam

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

Vietnam

covang

Trang Thời Sự dùng đăng tải những bài viết những tin tức có tính cách thời sự. Chúng tôi sẽ đăng tải nếu bài viết thích hợp với lập trường của người Việt Quốc Gia. Xin quý vị gởi bài cho chúng tôi qua email: vietlist09@yahoo.com. Kính chúc quý độc giả vui khỏe.

Trang Thời Sự - Vietlist.us

-------------oo0oo---------------

MỤC ĐÍCH CỦA LUẬT VÀ NHỮNG NGÀNH LUẬT VÀ TÒA ÁN CÁC CẤP TẠI TEXAS

Ls, Hoàng Duy Hùng

Khi con người ăn lông ở lỗ, chưa có quy tụ thành xã hội, chưa có va chạm với nhau, con người sống hồn nhiên với thiên nhiên và thú vật, thì luật pháp không phải là một nhu cầu. Nhưng, khi con người phát triển tiến tới thành những tập hợp như bộ tộc, vương quốc, hay một quốc gia, thì những va chạm ngày càng nhiều, càng phức tạp, cần phải có những quy ước chung với mục đích là làm sao mang lại sự công bằng và hài hòa cho mọi người. Luật pháp chính là những quy ước để đáp ứng lại những mục đích nêu trên.

Xã hội con người phát triển bao nhiêu thì luật pháp cũng chạy đua để đáp ứng kịp với sự phát triển đó. Vì vậy, luật pháp cũng có nhiều loại, nhiều cấp bậc, từ thôn, làng, xã, tỉnh, tiểu bang, quốc gia, và ngày hôm nay là Luật Quốc Tế để giải quyết những xung đột của các khu vực hay của các quốc gia.

Khái niệm công bằng (just) cũng rất là mơ hồ vì sự công bằng này tùy thuộc theo quan niệm của tập tục, văn hóa và tín ngưỡng của bộ tộc hoặc quốc gia đó. Thí dụ, người Hồi Giáo cho rằng nhiều vợ đông con là một sự chúc phúc của Thượng Đế, trong khi đó, đa số các nước Tây Phương đều quan niệm đa thê (polygamy) là một sự lỗi luật. Ngược lại, ở Tây Phương, con gái tha hồ tự do luyến ái với người khác trước và sau ngày hôn nhân, ngay cả người cùng tính, thì ai cũng cho rằng điều đó là quyền tự do của cô gái, phải tôn trọng. Ở những quốc gia theo Hồi Giáo, nhất là ở Trung Đông và Trung Phi, thì, hành vi lăng loàn này của cô gái phải bị ném đá đến chết để làm gương.

Chính vì sự khác biệt về văn hóa và tín ngưỡng này, nên, khi người Việt ở nước ngoài, đồng hương phải biết luật của địa phương để tránh không bị xã hội đó quy tội khi mình vô tình tưởng rằng không sao cả mà luật pháp tại đó lại không cho phép.

Ở Hoa Kỳ, các trường đại học luật đều có lớp dạy Jurisprudence để giúp hiểu thêm các cơ cấu pháp luật của những nơi khác ngõ hầu có một ánh nhìn bao quát và cảm thông hơn. Jurisprudence là chữ ghép của Juris và prudence. Juris tức là Luật Pháp (Law), và prudence là sự cẩn trọng. Jurisprudence không dạy về nội dung luật pháp, mà chỉ dạy cấu trúc của các hệ thống luật cũng như những quan niệm về công bằng của các văn hóa để khi va chạm một trường hợp phức tạp, vì am hiểu khá rộng, nên người ta giải quyết vấn đề một cách tế nhị, cẩn trọng, và khôn ngoan hơn để làm cho mọi bên được “hài hòa” có tình nghĩa hơn là “công bằng” một chiều.


Để bảo vệ sự công bằng và hài hòa của xã hội, đa số các quốc gia đều có 2 ngành luật chính: Hình Sự (Criminal Law) và Hộ (Civil Law) hoặc gọi là Luật Dân Sự. Thủ tục tố tụng hình sự thì có Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự, và thủ tục tố tụng dân sự thì có Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự.

Tại Hoa Kỳ và Texas, ngoài 2 ngành luật chính này, còn có những ngành luật khác mà nó ở chính giữa 2 ngành luật này hoặc dẫm chân lên hai ngành luật này như Luật Gia Đình trong đó bao gồm cả thanh thiếu niên phạm pháp. Thêm vào đó, để đáp ứng những phức tạp của xã hội, Liên Bang và Texas ra nhiều đạo luật đi vào từng vấn đề như Luật Bảo Hiểm, Luật Lao Động, Luật Chính Phủ, Luật Hành Nghề Chuyên Môn Như Luật Sư, Bác Sĩ v.v., Luật Bất Động Sản, Luật Môi Sinh, Luật Hàng Hải, Luật Hàng Không, Luật Di Trú, và nhiều bộ luật khác. Riêng về Luật Di Trú, đây là một vùng trời riêng biệt vì đây không phải là để bảo vệ sự công bằng, mà đây là một “ơn huệ” ban phát của chính phủ Hoa Kỳ, nên nếu ai không phải là thường trú nhân hoặc công dân Hoa Kỳ, Luật Di Trú được áp dụng cách khắt khe giống y như bị đưa ra xử trước tòa án quân sự vậy.

Quốc gia Hoa Kỳ được khai sinh bởi những người di dân từ Âu Châu, nhất là từ nước Anh. Do đó, chúng ta không lấy gì làm lạ khi thấy luật pháp của Hoa Kỳ bắt chước luật pháp của nước Anh rất nhiều và còn pha lẫn với một số luật pháp của các quốc gia khác. Nước Anh là nước theo thể chế Common Law. Những quốc gia như nước Pháp theo thể chế Statutory Law. Theo thể chế Common Law, vua ban chiếu chỉ thành luật, tòa án phán quyết luật cắt nghĩa kéo dãn tối đa ý chỉ của vua. Những phán quyết của tòa án trở thành án lệ (một hình thức luật mà tiếng Anh gọi là precedent) cho đến khi nào có một chiếu chỉ mới của vua hoặc cho đến khi nào tối cao pháp viện lật ngược lại án lệ đó. Vì vậy, cho tới ngày hôm nay, có nhiều án lệ đã vài trăm năm rồi vẫn còn có hiệu lực. Hoa Kỳ theo thể chế Common Law, còn tôn trọng nhiều phán quyết xa xưa của nước Anh, thí dụ như họ vẫn tôn trọng Statute of Fraud (đạo luật ngăn chận sự gian lận) và những án lệ của đạo luật này chồng chất lên nhau đã gần 500 rồi nên luật pháp của Hoa Kỳ rất phức tạp.

Thể chế Statutory Law là do các đại biểu của dân chúng ở trong Quốc Hội làm những bộ luật. Hoa Kỳ lại bắt chước những quốc gia như Pháp thông qua những bộ luật quy ước, dung hòa những bộ luật này với common law nên luật pháp đã phức tạp lại càng phức tạp hơn. Chưa hết, Liên Bang có Hiến Pháp và có những bộ luật riêng, các tiểu bang cũng có Hiến Pháp và những bộ luật riêng của họ, nên người dân ở Hoa Kỳ một cổ phải tròng nhiều vòng luật pháp: Luật Liên Bang, tiểu bang, quận hạt, thành phố v.v. Nhiều khi thoát khỏi cái tròng này nhưng rồi lại dính qua cái tròng khác. Chính vì lý do này, bề ngoài nhìn xã hội Hoa Kỳ thấy họ rất tự do, nhưng khi đi sâu vào trong rồi, nhất là khi đã dính líu tới pháp luật, thì đây có lẽ là một mạng nhện điện tử tinh vi và hoàn hảo nhất thế giới để trói buộc con người đến độ nhiều người phải thốt lên đây là “siêu cộng sản.”

Khi đưa hồ sơ ra tòa, luật sư hoặc công tố viện phải cân nhắc rất kỹ nên đưa ra tòa án nào, Liên Bang hay tiểu bang. Mức độ của tòa án Liên Bang trầm trọng hơn, án phí cao hơn, tiêu chuẩn cũng cao hơn, và tiền đòi bồi thường cũng cao hơn, hiện nay phải đòi tiền bồi thường thiệt hại tối thiểu 75 ngàn Mỹ Kim (số tiền tối thiểu thường hay được gia tăng, từ 25 ngàn lên đến 50 ngàn, rồi 75 ngàn, không bao lâu sau sẽ lên đến 100 ngàn) mới được đưa vào tòa án Liên Bang hoặc nếu không đủ tiêu chuẩn này, chỉ được nộp đơn do những biệt lệ mà tòa án Liên Bang cho phép. Ở tiểu bang thì cũng có nhiều cấp bậc tòa án, tòa thấp nhất gọi là Municipal Court và Justice of the Peace, chỉ xử tối đa là 5000 Mỹ Kim, xử những việc nhỏ như lái xe quá tốc độ, trục xuất người thuê nhà ở quá thời hạn v.v. Justice of the Peace là tòa án của quận hạt, chánh án được dân chúng bầu lên, còn Municipal Court là tòa án của thành phố, chánh án do thị trưởng chỉ định. Thí dụ, ở Houston, vài năm nay, chánh án Hàn Bảo Khánh do thị trưởng Lee Brown chỉ định.

Tòa cao hơn ở tại quận gọi là County Court At Law, xử tối đa là 100 ngàn Mỹ Kim hoặc những vụ tiểu hình và chánh án phải được dân chúng bầu. Tòa District Court là tòa án thấp nhất của tiểu bang, xử số tiền không có giới hạn hoặc những tội đại hình. Vì là của tiểu bang, nên phải do dân chúng bầu hoặc trong một vài trường hợp, được thống đốc tiểu bang chỉ định. Ngoài những tòa án này ra, còn có tòa án quân sự và tòa án di trú để xử những trường hợp liên quan đến những vấn đề quân sự hoặc di trú. Các tòa County Court At Law hoặc District Court được gọi là Tòa Sơ Thẩm. Ở California, Massachussetts và một vài tiểu bang khác gọi Tòa Sơ Thẩm là Superior Court. Đôi lúc người Việt lầm lẫn gọi Superior Court làø Tòa Tối Cao, xin quý vị hãy cẩn thận vì đây không phải là Tối Cao Pháp Viện. “Superior” ở đây có nghĩa là “trên các tòa justice of the peace!” Trên Tòa Sơ Thẩm là Tòa Phúc Thẩm (Court of Appeals hay gọi là Appellate Court), và trên tòa Phúc Thẩm là Tòa Thượng Thẩm (Supreme Court) hay gọi là Tòa Án Tối Cao của tiểu bang.

Để nộp một hồ sơ tại tòa án, luật sư phải cân nhắc 3 tiêu chuẩn sau đây: Subject-Matter (phạm trù), Jurisdiction (phạm vi), và Venue (nơi chốn). Subject-Matter là nội dung của vụ án để thẩm định phạm trù tòa án có được nhận hồ sơ hay không. Thí dụ, nộp hồ sơ ly dị mà đem ra tòa Liên Bang là không được, vì tòa Liên Bang không có subject-matter, không có thẩm quyền trên phạm trù Luật Gia Đình. Jurisdiction là phạm vi của tòa án. Thí dụ, hai người ký hợp đồng mua bán làm ăn ở Houston, cơm không lành, canh không ngọt, nguyên đơn đi qua California du lịch, hứng chí, nộp đơn tố bị cáo ở California. Tòa án ở California không có jurisdiction vì đã đi ra khỏi phạm vi. Hồ sơ phải đem về tố ở Houston mới được. Venue là xét xem nơi chốn hoặc tòa án nào thì thuận lợi hơn. Thí dụ, tai nạn xảy ra ở Dallas, nhưng nguyên cáo, bị cáo và các nhân chứng thì ở Houston, luật sư có thể nộp hồ sơ ở Houston vì nó thuận lợi cho mọi người.

Sơ lược một cách tổng quát về mục đích luật, các ngành luật và các cấp bộ tòa án tại Texas để quý đồng hương thấy rất rõ luật pháp của Hoa Kỳ rất phức tạp, nên, khi gặp vấn đề liên quan đến luật pháp, đừng ngần ngại tham khảo ý kiến các luật sư để giúp cho quý vị khỏi bị thiệt hại chỉ vì sự thiếu hiểu biết về luật pháp. Xin quý vị hãy nhớ người Hoa Kỳ có câu: “Ignorance of the law is not an excuse.” – “Sự thiếu hiểu biết về luật pháp không phải là một cái cớ để thoát tội.”./.

LUẬT HÌNH VÀ THỦ TỤC TỐ TỤNG HÌNH SỰ TẠI TEXAS

Ls. Hoàng Duy Hùng

Trong phần này, chúng tôi bàn đến những tội phạm do người lớn (adult) từ 17 tuổi trở lên. Những trẻ em dưới 17 tuổi, khi phạm tội, do Luật Gia Đình quyết định và thủ tục tại tòa án gia đình cũng có đôi chút khác biệt. Trong phần Thanh Thiếu Niên Phạm Pháp, Phải Làm Gì?, chúng tôi sẽ bàn sâu hơn vào vấn đề này.

Nói đến chữ “hình” thì ai cũng biết là nói đến “hình phạt” trừng trị người vi phạm luật. Con người chỉ đáng bị “trừng trị” khi con người quá cẩu thả (gross negligence), cố tình (intent), hoặc có ác ý (malice). Trong trường hợp quá cẩu thả, nếu sự vi phạm luật chỉ là lần đầu, thường thường các cơ quan chức năng “cảnh cáo” người vi phạm luật hơn là phạt ngay để cho người kia biết mà tránh không vi phạm về sau. Lần sau tái phạm, rõ ràng người đó một là cố ý, hai là khinh thường những lời cảnh cáo của cơ quan chức năng, thì, trong hai trường hợp đó, trường hợp nào cũng đáng bị phạt cả. Do đó, khi một người phạm tội, nhất là phạm những tội nặng, xã hội gọi đó là “tội ác” (crime) và được chế tài (regulate) bởi Luật Hình (Criminal Law). Như vậy, Luật Hình là hệ thống chế tài của chính phủ đối với người dân với mục đích là bảo vệ sự công bằng, hài hòa, và an ninh của xã hội.


Vernon’s Texas Codes Annotated (V.T.C.S), the Penal Code là bộ luật chính quy định những loại tội hình và những hình phạt dành cho những tội hình này. Từ xưa, Texas đã có luật hình, nhưng theo luật common law, tức là theo luật ở bên nước Anh và những án lệ. Năm 1973, Quốc Hội thứ 63 của Texas thông qua bộ luật Vernon’s Texas Codes Annotated, the Penal Code và có hiệu lực từ này 1 tháng 1 năm 1974. Bộ luật này có nhiều sửa đổi hàng năm, nhưng vào năm 1993, Quốc Hội thứ 73 của Texas duyệt xét lần nữa và biểu quyết thay đổi rất nhiều điều trong bộ luật này, nhất là về vấn đề ngoại tình thì hầu như không còn coi là một tội phạm nữa. Những thay đổi của bộ luật này những năm về sau vẫn còn, nhưng không có quan trọng như năm 1993. Ngoài bộ luật này ra, còn có những bộ luật “liên quan” hoặc là một nửa dân sự, một nửa hình sự như Luật Thương Mại, Luật Gia Đình, Luật Di Trú, v.v. Tất cả những bộ luật kia đều phải dựa trên căn bản của V.T.C.S, Penal Code để xét về vấn đề hình phạt.

Có người thắc mắc, tòa án Liên Bang ở Texas có xử các vụ hình sự hay không? Liên Bang có Bộ Luật Hình hay không, nếu không có, thì làm sao xử được?

Thưa, những tội thông thường như giết người (murder), cạy cửa chui hoặc lẻn vào nhà ăn trộm (burglary), ăn cắp (theft), đốt nhà (arsony), xâm nhập gia cư bất hợp pháp (trespass), buôn bán hoặc hút những chất nghiêm cấm (controlled substance) như bạch phiến (heroin), ma túy (cocaine) v.v. thì thuộc phạm trù (subject-matter) của tiểu bang, do tòa án của tiểu bang xử. Như thế, Liên Bang không có Bộ Luật Hình cho những tội thông thường như vừa nêu trên. Khi tội phạm xảy ra trên những cơ sở hoặc những vùng đất của Liên Bang (tiểu bang nào cũng có những vùng đất của Liên Bang như Công Viên Quốc Gia) thì có thể công tố viện đưa ra tòa án Liên Bang để xử, và tòa án Liên Bang dựa theo bộ luật của tiểu bang để xử những vụ này. Có những tội phạm tân thời không thuộc về tiểu bang mà lại do các bộ luật Liên Bang quyết định như ăn cắp thư từ của sở bưu chính, dùng mạng lưới để hăm dọa giết người, dùng mạng lưới để mua bán bất hợp pháp, làm tiền giả, v.v., thì do tòa án Liên Bang thụ lý hồ sơ và họ xử theo các bộ luật của Liên Bang.

Vậy, ở Texas các tội hình có bao nhiêu cấp bộ, hình phạt của những cấp bộ này như thế nào? Thủ tục tố tụng ra sao? Những buổi điều trần và ngày xử như thế nào? Nếu muốn kháng án, phải làm sao? Nếu có án, thụ án như thế nào và có xin giảm án được hay không?

I. Những Cấp Bộ Tội Ác.

Tại Texas, hình sự chia ra làm hai loại: Tiểu hình (Misdemeanor) và đại hình (felony). Theo V.T.C.S, Penal Code 12.03 và 12.04, tiểu hình có 3 cấp: cấp C, B, và A. Đại Hình có 5 cấp: cấp State Jail Felony, cấp 3, cấp 2, cấp 1, và Capital Felony.

A. Các Cấp Bộ Tiểu Hình:

1. Tiểu Hình Cấp C: Tội nhẹ nhất được gọi là tiểu hình cấp C như vi phạm luật giao thông chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ v.v. Tội này, theo V.T.C.S, Penal Code Section 12.23, bị phạt tiền tối đa là 500 Mỹ Kim, không có phạt tù.

2. Tiểu Hình Cấp B: Tội này bị phạt tối đa là 2000 Mỹ Kim hoặc tối đa là 180 ngày trong tù hoặc là vừa bị phạt tiền và phạt ở tù. Những tội như cản trở cảnh sát thi hành công lý (lần đầu), ăn cắp vặt v.v. thuộc cấp bộ này.

3. Tiểu Hình Cấp A: Tội này bị phạt tối đa là 4000 Mỹ Kim hoặc tối đa là 1 năm tù hoặc là vừa bị phạt tiền và phạt ở tù. Những tội như thải hóa chất trong tiệm Dry Clean, Car Wash làm ô nhiễm môi sinh, tội hăm dọa đánh vợ con (không trầm trọng) v.v. thuộc cấp bộ này.

Những tội danh nào được quy định “có thể bị phạt tù lên tới 2 năm” thì theo luật Texas, tội danh đó là đại hình. Thí dụ, một người phạm tội dùng email của mạng lưới (internet) hăm dọa người khác, tội danh đó, theo luật Liên Bang, có thể bị phạt lên tới tối đa là 5 năm tù. Tội danh này không thuộc luật của tiểu bang, nhưng mức phạt của tiểu bang sẽ quy định cấp bộ tội ác. Luật sư biện hộ và công tố viện điều đình, chỉ phạt người ấy ở tù có 3 ngày tù, nhiều người lầm tưởng như thế là tiểu hình. Thưa không phải vậy, tội danh này có thể bị phạt lên tới 5 năm tù thì tức nhiên đây là đại hình cấp 3 trở lên, mặc dầu người ấy ở trong tù chỉ có vài ngày. Hồ sơ sẽ ghi là “kẻ phạm tội đã bị tuyên án tội có thể bị phạt tối đa là 5 năm tù” thì những người hiểu biết luật lập tức biết đây là tội đại hình cấp 3 và như thế, coi như tương lai của người ấy không còn gì nữa. Đặc biệt, nếu người đó chưa có quốc tịch Hoa Kỳ, lập tức Sở Di Trú bắt giam lại, đưa qua trại giam sở di trú để làm thủ tục trục xuất về nguyên quán!!

B. Các Cấp Bộ Đại Hình:

1. State Jail Felony: Cấp đại hình này là một biệt thù của Texas mà có lẽ các tiểu bang khác không có, nếu dịch sát nghĩa, thì gọi đó là “đại hình bị giam trong trại tù của tiểu bang,” và, chúng ta có thể tạm gọi đó là đại hình cấp 4. Tội này bị phạt tối đa là 10,000 Mỹ Kim, hoặc phạt tối đa là 2 năm tù, hay bị phạt cả hai. Hút thuốc phiện (lần đầu), dầu chỉ là một điếu, hoặc uống rượu say lái xe lần thứ 3, thuộc ở cấp bộ tội đại hình này. Về vấn đề uống rượu, xin mở ngoặc đôi chút đó là khi uống rượu say lái xe lần đầu, chỉ là tội tiểu hình, nhưng nếu trong xe có em trẻ dưới vị thành niên, công tố viện sẽ tố hai tội, một tội tiểu hình uống rượu say khi lái xe và một tội đại hình sử dụng xe cách quá bất can (gross negligence) có thể gay án mạng cho trẻ em trong xe. Nếu chưa có quốc tịch mà nghe lời các luật sư biện hộ của chính phủ nhận tội để chịu phạt nhẹ, coi chừng, vì có thể bị Sở Di Trú bắt giam lại đem qua tù di trú làm thủ tục trục xuất về Việt Nam.

2. Đại Hình Cấp 3: Nếu bị kết án, tội này có thể bị phạt tối đa là 10,000 Mỹ Kim, hoặc bị phạt từ 2 năm cho đến 10 năm tù, hay bị phạt cả hai. Những tội như ngộ sát thuộc cấp bộ này.

3. Đại Hình Cấp 2: Tội này có thể bị phạt tối đa là 10 ngàn Mỹ Kim, hoặc bị phạt từ 2 năm đến 20 năm tù, hay bị phạt cả hai. Những tội như hiếp dâm mà lúc hiếp không có gây thương tích, hoặc cướp có vũ trang nhưng chưa có gây ra án mạng hoặc thiệt hại vật chất thuộc cấp bộ này.

4. Đại Hình Cấp 1: Tội này có thể bị phạt tối đa là 10 ngàn Mỹ Kim, 99 năm tù ở hoặc chung thân, hay có thể bị phạt cả hai. Những tội như cố ý sát nhân thuộc cấp bộ này.

5. Capital Felony: Đây là đại hình nghiêm trọng như phản quốc, giết nhân viên chính quyền, giết người có tính cách đầy ác ý vì do kỳ thị chủng tộc v.v. Nếu bị kết án, một là ở tù chung thân, hai là bị tử hình. Theo V.T.C.S, Penal Code Section 12.31, ngay từ buổi mở đầu phiên tòa, công tố viện phải báo cho bồi thẩm đoàn biết là họ yêu cầu bản án tử hình, nếu không, khi bồi thẩm đoàn kết luận bị can có tội, phạm nhân chỉ được xử bản án chung thân chớ không được xử tử hình. Khi bồi thẩm đoàn kết án bị can rồi, mà sau nhiều ngày vẫn lưỡng lự ở án phạt tử hình hay chung thân, thì tự động, tội nhân được hưởng án chung thân. Tại Hoa Kỳ, có nhiều tiểu bang không có bản án tử hình. Texas là một trong tiểu bang có bản án tử hình cũng như thi hành bản án tử hình nhiều nhất. Trước đây Texas hay thi hành bản án tử hình bằng cách treo cổ, xử bắn, hay lên ghế điện, bây giờ họ xử bằng cách chích thuốc độc (lethal injection) để nhanh chóng và nhân đạo hơn. Nhiều quốc gia đang vận động để trên thế giới không có án tử hình.

II. Thủ Tục Tố Tụng Hình Sự (Criminal Proceeding).

Một người có thể bị cảnh sát hoặc các nhân viên công lực bắt trong 2 trường hợp sau: 1/ Người ấy đang phạm tội hoặc đang làm những hành vi mà các nhân viên công lực nghi ngờ rằng đang phạm tội; 2/ Lệnh của tòa án đi bắt người (warrant for arrest) vì người ấy đã phạm tội kỳ trước mà không ra tòa thí dụ như bị phạt lái xe ẩu mà không chịu ra tòa nên bị tòa ra trát lệnh bắt. Hoặc, vì có một người báo tin (informant) cho cảnh sát biết có những chuyện phi pháp trong nhà hoặc trong khu vực nhà của người đó, cảnh sát xin trát tòa để lục soát (search warrant) và trong lúc lục soát, cảnh sát thấy có những bằng chứng tội phạm như bạch phiến, súng không có giấy phép v.v. Cảnh sát bắt người đó đưa về bót cảnh sát. Sau khi bị bắt, người ấy được gọi là nghi can (suspect), sau đó chuyển qua bên công tố viện thì gọi là bị can (defendant) và chỉ được gọi là phạm nhân (convicted) khi nào có án của tòa. Ở bên dân sự, người nộp hồ sơ tố gọi là nguyên đơn (plaintiff) và người bị tố gọi là bị cáo (defendant). Ở bên tòa ly dị, người nộp đơn gọi là người thỉnh cầu (petitioner) và người bị nộp đơn hay gọi là bị cáo thì tiếng Anh gọi là respondent.

A. Cốp Xe:

Theo luật pháp của Hoa Kỳ, cốp xe (car’s trunk) là một nơi được xem là “quyền của tư nhân” nên cảnh sát muốn xét cốp xe, cảnh sát phải có sự ưng thuận của người lái xe hoặc được trát tòa để khám xét cốp xe, nếu không, tất cả những vật chứng trong xe không được đưa ra trước tòa án để buộc tội. Thí dụ, một người lái xe, ở trong cốp xe có cất dấu thuốc phiện, bao bọc kỹ lưỡng đến độ chó không đánh mùi được (các con chó không đánh được mùi thì cảnh sát không có lý do chính đáng để mở cốp xe). Người lái xe chạy quá tốc độ, cảnh sát chận lại, ghi giấy phạt tội chạy quá tốc độ. Trong lúc ghi giấy phạt, cảnh sát thấy khuôn mặt người lái xe bần thần, run hãi, cảnh sát nghi có gì ở sau cốp, cảnh sát hỏi người lái xe: “Tôi có thể xem cốp xe anh được không.” Người lái xe trả lời: “Không.” Cảnh sát cho các con chó đánh mùi chung quanh cốp, các con chó không có một phản ứng khác thường nào.

Cảnh sát vẫn nghi ngờ có gì dấu diếm trong cốp, bực mình quá, chưa có đi xin trát tòa án, cảnh sát thò tay vào bấm nút mở cốp xe và thấy có thuốc phiện trong đó. Cảnh sát bắt người tài xế và đưa cho công tố viện tố về tội tàng trữ các vật liệu nghiêm cấm (possession of controlled substances) với tội đại hình. Luật sư của bị cáo phải trưng dẫn luật pháp và các án lệ xin hủy bỏ các tang chứng (Motion to Suppress the Evidence) này ngay vì việc xét cốp xe không có hợp pháp, và vì không có hợp pháp nên các vật chứng đều bị xú uế (tainted) không thể sử dụng để cáo buộc. Cảnh sát cũng không được ra làm chứng (testify as a witness) là đã tịch thâu được thuốc phiện vì lời chứng của cảnh sát cũng bị xú uế luôn do hành phi biết luật mà phạm luật của cảnh sát. Không có cảnh sát làm chứng, không có tang chứng là thuốc phiện thì buộc lòng công tố viện phải hủy bỏ hồ sơ hay bãi nại mà tiếng Anh gọi là “dismiss.”

B. Những Sự Khác Biệt Giữa Dismiss, Not Guilty, No Lo Contendre, Innocent.

Nơi đây, tôi xin mở ngoặc thêm về một số từ ngữ đó là dismiss, not guilty, no lo contendre, và innocent.
“Dismiss” nghĩa là hủy bỏ hồ sơ hay bãi nại vì không có đủ nhân chứng và tang chứng, còn việc vô tội hay có tội là chuyện khác. Thí dụ, một người lái xe quá tốc độ, khi ra tòa, không có cảnh sát, tòa “dismiss” không có nghĩa là người ấy đã không chạy quá tốc độ. Một thí dụ khác, một người lái xe chạy đúng tốc độ, cảnh sát chận lại cho người ấy giấy phạt (ticket) chạy quá tốc độ vì cảnh sát coi lầm con số, hôm ra tòa, cảnh sát vắng mặt, tòa “dismiss” hồ sơ. Trường hợp này và trường hợp trước đều “dismiss” cả, nhưng vô tội hay có tội thì tùy người lái xe biết.

Còn “vô tội” (not guilty) là do phán quyết của tòa. Thí dụ, một người lái xe chạy đúng tốc độ, cảnh sát ghét người lái xe, ghi giấy phạt, khi ra tòa, cảnh sát dấu đầu hở đuôi làm cho tòa thấy cảnh sát có một cái gì đó không phải với người lái xe, tòa phán người lái xe “not guilty.”

“Vô tội” có đôi sự khác biệt với “trong trắng” (innocent). Innocent cũng là vô tội, nhưng là vô tội do bản chất, không phải do ngoại cảnh. Thí dụ, một người lái xe quá tốc độ, cảnh sát cho giấy phạt, hôm ra tòa, cảnh sát làm chứng, luật sư biện hộ hay, cảnh sát hôm ấy bị vợ càu nhàu mắng nhiếc làm cho mất tinh thần nên đâm ra ú ớ không trả lời cách trôi chảy những vặn hỏi của luật sư, tòa phán quyết người lái xe “not guilty” không có nghĩa là người ấy không có làm điều sai quấy. Trường hợp khác, một người lái xe đúng tốc độ, cảnh sát cho giấy phạt, lúc ra tòa, người ấy được tòa phán quyết “guilty” nhưng thật ra người ấy là “innocent.”

Hoa Kỳ còn mượn tiếng Tây Ban Nha No lo contendre áp dụng vào luật. No lo contendre nghĩa là “I do not protest it” hay là “tôi không phản đối nó,” một hình thức nói với tòa tôi chấp nhận phán quyết của tòa. “Nó” đây tức là phán quyết của tòa. Thí dụ, một người lái xe đúng tốc độ, cảnh sát ghi giấy phạt, nhưng, để tránh mất thời giờ, người ấy chấp nhận đóng tiền phạt. Nếu ghi là “có tội” thì không được, mà ghi là “không bị kết tội” cũng không được vì “không bị kết tội” thì phải ra tòa. Người ấy điền vào chỗ No lo contendre để tòa xét sao cũng được.
Về vấn đề “có tội” (guilty) thì nhiều khi trước pháp luật con người, đó là tội, còn trước lương tâm hoặc trước Thượng Đế, lại không phải là tội. Thí dụ, người nhà đang đau nặng, người lái xe chạy quá tốc độ, bị cảnh sát và tòa tuyên phạt có tội, nhưng trước mặt Thượng Đế và lương tâm người ấy không có tội vì phải lo về đưa người thân vào nhà thương cấp cứu!

Đôi lúc tòa tuyên án người ta có tội, nhưng thật ra họ bị oan vì bị các thế lực kéo bè với nhau trù dập. Trong tiếng Anh, không có từ ngữ tương đương cho danh từ “oan,” chỉ có chữ “innocent” tức là “vô tội, trong trắng.” Nhiều cảnh sát hay ăn rơ với nhau, bắt nạt dân lành, làm chứng gian cho nhau để bênh vực lẫn nhau. Đó là lý do tại sao cần có thám tử tư (private investigator), có các cơ quan truyền thông độc lập (independent news media) để khui ra những chuyện mờ ám này. Khi người ta bị oan vì bị gài bẫy thì đó là “innocent because of set up or entrapment.” Khi người ta bị hàm oan do hiểu lầm, thì đó là “innocent because of misunderstanding.”

C. Miranda.

Trong lúc bắt bị can, theo Hiến Pháp Hoa Kỳ và theo án lệ Miranda vs. Arizona, 384 U.S. 436, 86 S.Ct. 1602 (1966) đã có từ năm 1966, các nhân viên công lực phải báo cho nghi can biết họ có quyền thinh lặng, những gì người ấy nói có thể bị sử dụng để tố người ấy trước tòa đưa đến việc kết án. Hiến Pháp của Texas, và đặc biệt là Texas Code of Criminal Procedure Section 38.21 ngăn cấm cảnh sát không được ép nghi can phải trả lời. Đa số người Việt, sau khi bị bắt, vì hoảng sợ, hay trả lời tất cả những câu hỏi của cảnh sát. Chính những câu trả lời này tự trói buộc họ nên các luật sư biện hộ rất là vất vả. Người khôn ngoan, sau khi bị bắt, thinh lặng hoàn toàn cho đến khi nào có luật sư.

Tại quận Harris, sau khi bị bắt về bót cảnh sát, thường thường cơ quan Pre-trial Services (Những Dịch Vụ Trước Khi Có Phiên Tòa) của quận cử một cảnh sát viên hoặc một người trong nhiệm sở của họ đến hỏi nghi can những chi tiết như tên tuổi, ngày sinh, số an sinh xã hội, bằng lái xe, những tiền án v.v. để đánh giá khuynh hướng phạm tội hoặc để giúp cho các luật sư thi hành chức năng của họ một cách dễ dàng hơn. Những chi tiết căn bản này chưa có đi sâu vào nội dung tội phạm, nên nghi can cung cấp các chi tiết này cũng được, mà thinh lặng hoàn toàn cũng không sao. Thiển ý của tôi, nên thinh lặng. Đương nhiên sau đó cảnh sát sẽ cố gắng lần nữa để lấy lời khai của người bị bắt, và nghi can phải biết rằng bất cứ lời gì họ nói có thể đều được sử dụng để buộc tội họ trước pháp luật, nên, tốt nhất là không trả lời.

D. Lý Do Chính Đáng (Probable Cause) và Writs of Habeus Corpus.

Trong vòng 72 tiếng bị bắt, cảnh sát phải giao hồ sơ cho một magistrate (quan tòa) để quan tòa xét hồ sợ, hoặc nếu cần, quan tòa trực tiếp thẩm vấn nghi can để xác định có lý do chính đáng mà tiếng Anh gọi probable cause để bắt người đó hay không. Nếu không tìm thấy lý do chính đáng, phải thả người bị bắt ngay. Nếu không có lý do chính đáng mà vẫn giam giữ người, luật sư đại diện phải làm một đơn tiếng Anh gọi là Writs of Habeus Corpus và xin một buổi điều trần (hearing) về tờ đơn này để buộc tòa án phải thả người. “Writ” là “tờ đơn,” còn “Habeus Corpus” là tiếng La Tinh, nghĩa là “you have the body” – “ông có thân thể người ấy” - hàm ý nói rằng tòa án đang giam giữ người mà không có lý do chính đáng.

E. Những Khác Biệt Giữa Hearing, Arraignment, Trial.

Nơi đây, tôi xin mở ngoặc nói về sự khác biệt giữa hearing, arraignment, và trial. Người Việt Nam hay lẫn lộn buổi điều trần, buổi gặp mặt quan tòa để sắp xếp chương trình ngày giờ của phiên tòa cũng như chính phiên tòa. Cứ thấy đến tòa án, không cần biết đó là điều trần hay là một phiên tòa, người Việt Nam gọi ráo là “ra tòa.” Buổi điều trần, buổi sắp xếp chương trình với tòa, và phiên tòa khác biệt nhau rất nhiều. Hearing – buổi điều trần - là giữa các luật sư và chánh án để bàn thảo và giải quyết những vấn đề khúc mắc liên quan đến luật pháp. Arraignment – buổi gặp tòa án để sắp xếp chương trình – là ngày mà bị can nhận tội hay không nhận tội. Nếu bị can nhận tội rồi thì thôi, không cần phải sắp chương trình ra tòa. Nếu bị can không nhận tội, tòa nhận diện được bị can và sắp xếp chương trình cho những buổi điều trần hay ngày giờ của phiên tòa. Trial – phiên tòa – là giai đoạn chót, có bồi thẩm đoàn để thẩm định thật hay giả của các sự kiện. Nếu phân biệt được những từ ngữ này, quý vị không bị lầm lẫn khi người ta nói “ra tòa.” Trong hồ sơ tòa án, nhiều người Việt Nam ra điều trần mà cứ thưa với quan tòa là đã đi “trial” làm chính quan tòa bị lẫn lộn và thắc mắc hoài.

F. Những Loại Thế Chân (Bond) và Cách Chuộc Người (Bail).

Nếu thấy có lý do chính đáng để bắt nghi can, quan tòa có thể xét đến mức độ của tội phạm để định sự thế chân (bond) và đưa cho công tố viện truy tố người ấy. Từ giây phút này, nghi can (suspect) trở thành bị can (defendant). Người bị bắt hoặc thân nhân dùng uy tín bảo lãnh hoặc trả tiền thế chân để chuộc (bail) bị can ra khỏi tù, tại ngoại hầu tra. Quý vị thường nghe danh từ “bail-bond” nghĩa là như vậy đó.

Về vấn đề bond, chúng ta thường thấy có 3 loại như sau: Personal Bond, Cash Bond, và Commercial Bond.
a/ Personal Bond là sự thế chân do một cá nhân có uy tín bảo lãnh. Thí dụ, một người bị bắt, tòa bắt tiền thế chân là 10 ngàn Mỹ Kim, người ấy và gia đình không có tiền, nhưng có quen một vị dân biểu, vị dân biểu đó vào tòa xin dùng uy tín để bảo lãnh người đó ra, nếu sau này người đó trốn hoặc không chịu ra tòa, vị dân biểu đó chịu trách nhiệm, chịu tiền phạt và mất uy tín. Hồi xưa, các luật sư cũng hay dùng uy tín của mình để bảo lãnh thân chủ ra khỏi tòa, nhưng về sau này, đã nhiều trường hợp các thân chủ không giữ lời hứa làm cho các luật sư bị liểng xiểng nên hiện nay rất ít luật sư nào dám mạo hiểm trong lãnh vực này. Trường hợp đó cũng áp dụng cho những người khác có uy tín trong cộng đồng hoặc trong chính quyền, nên bây giờ chúng ta rất ít thấy mấy ai dùng uy tín của họ để bảo lãnh một người ở trong tù ra ngoài đợi ngày hầu tòa. Personal bond cũng có nghĩa là người bị bắt có uy tín quá, tòa chấp thuận dùng chính uy tín của người bị bắt như một hình thức thế chân. Thí dụ, ông thị trưởng thành phố bị nghi ngờ có hành vi phạm tội, bị bắt.

Ai cũng biết ông thị trưởng, nên ông thị trưởng dùng ngay chính uy tín của ông để ký giấy xác nhận sẽ ra tòa. Ông được tòa cho tại ngoại hầu tra. Một thí dụ khác, một cụ ông uống rượu lỡ tay đánh đứa cháu bầm tím, cụ ông bị bắt, không có tiền. Cụ ông ở trong tù không kham vì bệnh tật của tuổi tác. Tòa biết cụ ông chẳng dám bỏ chạy, tòa chấp thuận cho cụ ông ký giấy xác nhận hứa sẽ ra tòa thì tòa cho cụ ông tại ngoại hầu tra để đỡ gánh nặng cho chính phủ.

b/ Cash Bond là đóng tiền mặt thế chân ngay tại tòa hoặc tại bót của quận. Thí dụ, một người bị bắt, tòa ra giá tiền bond là $10,000. Người ấy có tiền, người ấy kêu người nhà lên đóng tiền thế chân và ra ngoài. Khoảng 2 tháng sau khi vụ án kết thúc, tòa sẽ trả lại tiền cho người đi đóng tiền thế chân.

c/ Commercial Bond là dịch vụ thương mại về thế chân. Người hành nghề này phải có môn bài (license) của tiểu bang. Luật sư đang hành nghề không được phép kiêm nhiệm làm Commercial Bond. Văn phòng luật sư và văn phòng bond không thể nào cùng chung một chỗ. Một người bị bắt, tòa ra giá tiền thế chân, người này không có ai uy tín để bảo lãnh, không có tiền mặt để đóng cho tòa, buộc lòng phải nhờ đến một công ty lo dịch vụ thế chân. Công ty lo dịch vụ lo về thế chân làm thương mại, nên họ phải tính toán rất kỹ. Họ phải xem tội trạng, tính tình, tài sản của người đến nhờ cậy họ để quyết định nhận dịch vụ hay không vì nếu bị can không ra tòa hoặc chỉ trễ giờ ra tòa, tiền thế chân bị tịch thu (forfeited) thì họ bị lỗ liền. Bởi vậy, để bảo vệ quyền lợi của họ, các công ty lo về thế chân đòi buộc phải có tài sản thế chấp (collateral) lỡ mà bị can không ra tòa. Những tài sản thế chấp gồm có giấy chủ quyền nhà cửa, xe cộ, tiệm, nữ trang, thẻ tín dụng v.v. Nếu lần đầu phạm tội, thường thường các công ty lo dịch vụ thế chân lấy 10% trên tổng số tiền thế chân, thí dụ, tiền thế chân là $10,000, bị cáo phải trả cho công ty lo dịch vụ thế chân là $1000.

Công ty lo dịch vụ thế chân sẽ bù thêm $9000 để đủ $10,000 hoặc dùng uy tín của công ty để bảo lãnh cho bị can! Phạm tội lần thứ hai hoặc nhiều lần về sau, hoặc đã từng để cho tiền thế chân bị tịch thu, chắc chắn tiền dịch vụ sẽ tăng lên cao hơn, từ 30% cho đến 50% tiền thế chân do tòa ấn định. Thí dụ, một người đã từng phạm tội và đã từng làm cho tiền thế chân bị tịch thu, tòa ấn định tiền thế chân lần này là 10,000 Mỹ Kim, chắc chắn công ty lo về dịch vụ thế chân kỳ này đòi tiền từ $3,000 cho tới $5,000.

Có người hỏi, nên đi công ty lo dịch vụ thế chân của người Mỹ hay của người Việt Nam. Kinh nghiệm của chúng tôi đó là các công ty Mỹ lo các dịch vụ với giá cả cao hơn, đòi hỏi nhiều tài sản thế chấp hơn, và không lo lắng chu đáo lắm vì họ nói với tòa là “thiếu sự thông tin do ngôn ngữ bất đồng.” Tôi thấy các dịch vụ của người Việt dễ dãi hơn, giúp đỡ nhiều hơn vì sự trao đổi cùng sinh ngữ rất dễ cảm thông hơn. Đề nghị của tôi đó là “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.”

Một câu hỏi khác, khi quan tòa ra giá tiền thế chân, có cách nào để xin giảm giá không? Xin thưa, có, nếu luật sư giỏi, biết vấn đề, luật sư lập tức xin gặp quan tòa ngay tại tòa hoặc ngay trong phòng riêng, trình bày các lý do tại sao nên giảm giá tiền thế chân, thì thường thường quan tòa đồng ý hạ giá, không nhiều thì cũng ít.
Giá tiền thế chân cũng là giá tiền để cho các luật sư ướm chừng để tính tiền các thân chủ của họ. Giá tiền thế chân cho các luật sư biết mức độ trầm trọng hay không trầm trọng của bị can, và thường thường tiền thế chân bao nhiêu thì cũng chính là lệ phí của luật sư. Đương nhiên, có nhiều trường hợp ngoại lệ.

G. Luật Sư Của Chính Phủ (Luật Sư Bênh Vực Công Chúng), và Nếu Thuê Luật Sư, Nên Thuê Luật Sư Nào?

Khi đã đóng tiền thế chân, thường thường bị can không được hưởng luật sư của chính phủ, hay cũng đựợc gọi là luật sư bênh vực công chúng (public defender) do tòa chỉ định nữa. Ở Hoa Kỳ, nếu ai nghèo (indigent) không đủ khả năng thuê luật sư, tòa phải chỉ định một luật sư bênh vực công chúng. Khi đóng tiền thế chân, đây là một trong những bằng chứng nói lên bị can có đủ khả năng tài chánh, không còn nghèo, nên phải tự lo luật sư. Tuy nhiên, bị can có thể làm đơn xin tòa nói rằng mình quá nghèo, không có tiền thuê luật sư, xin tòa phải chỉ định một luật sư chính phủ. Tòa sẽ xét xem giấy tờ, đôi lúc tòa coi giấy khai thuế lợi tức (income tax) và giấy kiểm kê tài sản (financial statement) để quyết định bị can có khả năng tài chính hay không. Nếu mà lường gạt tòa, sau này tòa khám phá ra người ấy có tài chánh, tòa có thể phạt tiền, phạt tù, cũng như đòi lại lệ phí của luật sư.

Như quý vị biết, cha chung không ai khóc, của thí là của ôi, nên, đương nhiên các luật sư chính phủ hay làm việc tà tà, không nhiệt tình cho lắm. Đôi lúc cũng có một vài luật sư có lý tưởng, có nhiệt tình, có lương tâm nghề nghiệp thì bị can gặp may, nhưng trường hợp này khá ít oi. Trong vài năm trời, tôi đã từng được tòa chỉ định làm public defender và tôi biết tâm trạng của những người đồng nghiệp. Đa số họ nói: “Người Việt Nam rất lạ, những chuyện khác họ nói có tiền, đến chuyện này thì không. Thí dụ, họ đi đánh bài, mỗi ván bài cả vài trăm hoặc 1 ngàn Mỹ Kim, nhưng lúc bị bắt vì tội chơi gian lận, thì họ nói họ không có tiền. Tại sao chúng tôi phải nai lưng ra lo cho họ mà không được hoàn trả. Họ keo kiệt không lo cho vụ án của họ thì họ ráng mà chịu.” Tôi cũng đã tìm cách chống chế rất nhiều, nhưng lý lẽ của tôi không vững mạnh cho lắm vì đây là hiện tượng khá phổ thông trong cộng đồng của chúng ta.

Bị can cũng có thể xin tự đại diện (pro se). Đó là quyền của bị can được bảo vệ bởi Tu Chính Án của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Nhưng không mấy ai dám làm chuyện này, ngay cả những luật sư cũng không dám vì như vậy rất là bất lợi. Thường thường, những tội danh nào từ tiểu hình cấp B trở lên, sau khi đã đóng tiền tại ngoại hầu tra, ngày ra tòa đầu tiên, tòa kêu tên lên, tòa hỏi có luật sư chưa, nếu chưa có, tòa định lại (reset) phiên tòa và yêu cầu bị can phải về thuê luật sư.

Nhiều người quan niệm “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” – “một ngày ở trong tù như ngàn năm ở ngoài” nên nhiều người sẵn sàng tốn tiền để thuê luật sư bảo vệ quyền lợi của họ tối đa. Nếu đã thuê luật sư, nên thuê luật sư nào? Hàng năm tại Texas có hàng ngàn luật sư ra trường. Không phải luật sư nào ra trường cũng là luật sư cãi tại tòa. Luật sư có nhiều tên gọi như lawyer, barrister, attorney, esquire, litigator, advocator v.v. “Lawyer” ở Mỹ hay “barrister” là nói tổng quát các luật sư; “attorney- at- law” ở Mỹ hay “esquire” ở nước Anh là luật sư đang hành nghề, “litigator” hay “advocator” là luật sư tranh cãi tại tòa. 100 luật sư ra trường, chỉ có khoảng 5% luật sư tranh cãi tại tòa vì tranh cãi là một năng khiếu (gift) của mỗi một người do trời cho, đòi hỏi sự nhanh nhẹn, tinh tế, phản ứng sắc bén. Đa số còn lại ở văn phòng lo việc giấy tờ. Nếu phải thuê luật sư, xin thuê luật sư nào có lợi khẩu (eloquence) khi tranh cãi tại tòa án.

Luật sư Mỹ hay luật sư Việt có lợi khẩu hơn? Tùy người và tùy vụ án. Luật sư Mỹ có những lợi điểm như thông suốt văn hóa và ngôn ngữ của họ nhưng lại yếu kém về văn hóa Việt, mà nhiều vụ án đòi hỏi sự hiểu biết của văn hóa Việt hoặc liên quan đến vấn đề Việt Nam để giúp cho vụ án một cách hoàn mỹ hơn. Có những luật sư Việt Nam thông làu tiếng Anh không thua gì người Mỹ. Điều này đã được chứng minh ngay từ trung học, đại học, và ở trường luật là nhiều người Việt Nam đứng đầu các môn Anh Văn vì họ chịu khó hơn, trong khi đó người Mỹ chủ quan nên dễ bị đối thủ khai thác yếu điểm này. Nhiều khi cái điểm yếu của luật sư Việt Nam lại là điểm mạnh trước tòa, vì quan tòa và bồi thẩm đoàn dễ thông cảm cho một luật sư “thiểu số” hơn là một luật sư người Mỹ nếu có những vấn đề gây cấn liên quan đến niềm tin, văn hóa, hay sinh ngữ của Việt Nam.

Luật sư Mỹ có những cái dễ thương, nhưng nhiều khi cái dễ thương của họ chính là cái chết người cho Việt Nam. Luật sư Mỹ rất sòng phẳng. Khi thuê họ, họ tính tiền giờ rất “đẹp” và, họ đại diện cho vấn đề nào thì chỉ có vấn đề đó, không đi lang bang sang vấn đề khác. Thí dụ, một người Việt Nam chưa có quốc tịch Hoa Kỳ uống rượu say trong lúc lái xe (Driving while intoxicated, viết tắt là DWI) lần thứ 3, đến luật sư Mỹ để lo vụ DWI thì luật sư Mỹ chỉ lo vụ DWI, họ không cần biết và cũng không góp ý cho việc liên quan đến Sở Di Trú. Khi họ điều đình được với công tố viện một “good deal” thì họ nhận lấy, yêu cầu thân chủ ký nhận tội. “Good deal” là đối với vụ DWI, nhưng, hậu quả nhận tội là “tội đại hình” và vì không có quốc tịch Hoa Kỳ, Sở Di Trú chụp bắt sang trại giam Sở Di Trú để làm thủ tục tống xuất về nguyên quán. Thân nhân hỏi ông luật sư Mỹ, ông ấy trả lời ông đã làm hết nhiệm vụ, muốn ông đại diện ở Sở Di Trú, phải tốn thêm tiền!!!

Tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu vụ như vậy, có những trường hợp không thể cứu gỡ hoặc xoay lại tình thế được, biết làm sao hơn vì cái tính hay vọng ngoại và thích luật sư Mỹ của người Việt Nam, vì, “bụt nhà không thiêng!” Khi gặp một trường hợp đặc biệt cần luật sư thượng hạng, thường thì luật sư người Mỹ hơn hẳn các luật sư khác, nhưng đây là những trường hợp bị can không ở phạm trường (alibi) hoặc công tố viện chưa đủ bằng chứng để buộc tội. Trường hợp này khá hiếm hoi. Đề nghị của tôi đó là nếu độc giả vẫn tin tưởng luật sư Mỹ, nên thuê ông luật sư Mỹ đó qua một văn phòng luật sư Việt Nam, kéo văn phòng luật sư đó cùng chịu trách nhiệm, để có gì còn dễ dàng đối thoại, mọi sự rõ ràng kẻo không về sau hối hận không kịp. Hơn nữa, sau vụ án, dầu đã không làm như ý cho thân chủ, luật sư Mỹ phủi tay, nhiều người chỉ còn biết chửi đổng ông luật sư Mỹ, nhưng ông luật sư ấy không nghe và cũng không mấy ai quan tâm thì làm gì? Còn luật sư Việt Nam, không lo đúng ý, quý vị còn có báo chí, cơ quan truyền thông, cộng đồng và nhiều phương tiện khác để làm bẽ mặt, chắc chắn luật sư Việt Nam không dám làm cẩu thả.

H. Công Tố Viện, Đại Bồi Thẩm Đoàn, Bồi Thẩm Đoàn.

Từ khi đưa hồ sơ cho công tố viện (prosecutor hoặc district attorney, thường gọi tắt là D.A.) thụ lý, cảnh sát không còn một chút thẩm quyền gì nữa. Giai đoạn hồ sơ còn ở bên cảnh sát là giai đoạn nghi can, giai đoạn ở bên công tố viện đã là bị can rồi, nên mọi sự do công tố viện gỉai quyết. Nhiều người Việt Nam hay lầm tưởng cảnh sát là công tố viện, hoặc cảnh sát có quyền hành lớn v.v. Thưa quý vị, cảnh sát chỉ có quyền bắt quý vị khi quý vị phạm pháp, ngoài việc này ra, cảnh sát không có quyền gì nữa hết. Cảnh sát không có quyền bãi nại, không có quyền điều đình, những vấn đề đó, thuộc bên công tố viện. Khi hồ sơ đưa qua bên công tố viện rồi, cảnh sát nếu có ra tòa thì chỉ là một nhân chứng mà thôi. Nhiều người hiểu lầm ông hay bà chánh án có toàn quyền bãi nại hay tố tụng, nên nhiều người hay nói với luật sư “xin quan tòa thương giúp bãi nại.” Chánh án chỉ là người cầm cân nảy mực cho các vấn đề pháp lý (legal issues), không phải quyết định sự kiện của vụ việc (fact finding), nên, chánh án không có tòan quyền trên vụ án. Quyền tố hay bãi nại là do công tố viện. Bước đầu tiên, công tố viện trình bày trước Đại Bồi Thẩm Đoàn (Grand Jury) hồ sơ vụ án để Đại Bồi Thẩm Đoàn quyết định nên tố hay không tố bị can. Xin nhớ, lúc này cũng chỉ là một phiên điều trần (hearing) chớ không phải là phiên tòa.

Đại Bồi Thẩm Đoàn có sự khác biệt với Bồi Thẩm Đoàn (Jury). Đại Bồi Thẩm Đoàn có nhiệm vụ xét hồ sơ để quyết định truy tố bị can hay không. Trong phiên điều trần này, Đại Bồi Thẩm Đoàn thường thường yêu cầu có sự hiện diện của bị can, nhưng có nhiều trường hợp họ không cần. Đa số trong buổi điều trần này, luật sư đại diện cho bị can không được hiện diện. Sau khi xét các chứng cớ, Đại Bồi Thẩm Đoàn kết tội (indictment) và quyết định truy tố bị can ra tòa. Kết tội (indict) khác với kết án (sentence) tại vì “án” có nghĩa là phải có án do một phiên tòa. Còn Bồi Thẩm Đoàn (jury) là những người ngồi nghe xử vụ án và biểu quyết kết án (sentence) hay không kết án bị can.

I. Thủ Tục Điều Đình Và Nhận Tội.

Mỗi năm, riêng tại quận Harris, có hàng vài chục ngàn hồ sơ truy tố hình sự, nhưng, khoảng 95% hồ sơ đó được giải quyết giữa luật sư của bị can và công tố viện. Các luật sư khi xem hồ sơ, thấy bên công tố viện có đủ chứng cớ và nhân chứng để buộc tội, thì các luật sư tìm cách điều đình để cho thân chủ hưởng án phạt nhẹ hơn. Luật pháp tuy khắt khe, nhưng luật pháp cũng tìm cách làm cho xã hội được hài hòa, nên, luật pháp thường thường nương tay đối với những ai mới phạm tội lần đầu mà biết hối lỗi. Do đó, những người mới phạm tội lần đầu, dầu là tội đại hình - trừ trường hợp cố ý giết người hoặc những tội ác có mang vũ khí hay những tội ác có tính cách băng đảng (organized crime) - thì luật sư có thể xin cho được hưởng án treo (probation). Có những người phạm tội, không biết hối lỗi, còn ương ngạnh, nghĩ rằng có tiền thuê luật sư là được “trắng án” thì loại người này không những bị công tố viện không ưa, mà có lẽ các luật sư có lương tâm cũng không thể chấp nhận được. Thí dụ, tôi từng vào nhà tù thăm một em thanh niên 18 tuổi, trong một buổi nhảy đầm, giành gái với người bạn của mình, rút súng bắn chết người bạn, người thanh niên nói với tôi: “Luật sư cứ nói cho ba mẹ cháu biết, ba mẹ cháu nhiều tiền lắm, sẵn sàng đưa cho luật sư 100 ngàn. Có tiền là trắng án à!!” Tôi rút lui, không nhận làm luật sư đại diện cho em đó. Em ấy không những lầm lẫn về luật pháp - vì nếu công tố viện có đủ tang chứng và nhân chứng thì khó mà tránh khỏi bị kết án – mà, trên phương diện lương tri, em ấy không còn nhân tính, quá ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân, cần phải có thời giờ để suy nghĩ, để nghiệm việc đúng sai. Lấy mất mạng sống của một người bạn mà không biết hối lỗi thì người ấy, đối với tôi, không còn thuốc chữa!

Có hai loại án treo: Straight Probation và Deferred Adjudication. Hưởng án treo (probation) tức là bị cáo được ở ngoài với những điều kiện do tòa án quy định, thường thường hàng tháng phải trình diện với probation officer, muốn đi xa thì phải xin phép người này v.v. Khi có straight probation, lập tức bị can đã bị kết án, có tội, và bị ghi vào hồ sơ, ai muốn xem hồ sơ cũng được, rất bất lợi cho người đó. Deferred là hoãn lại, và adjudication là xét xử, ý nói quan tòa cho bị can một thời gian để chuộc lỗi, hoãn lại việc xét xử, và nếu người đó không phạm tội trong một thời gian do tòa quy định, thì tòa và công tố viện bãi nại vụ án. Các luật sư giỏi đều phải tìm cách tranh đấu cho thân chủ của mình được deferred adjudication vì rất có lợi cho các thân chủ.

Xin quý vị đừng nhầm lẫn chữ probation hay deferred adjudication với chữ parole. Probation hay deferred adjudication là án treo do sự điều đình giữa luật sư và công tố viện để phạm nhân khỏi phải đi tù, còn parole là người đó đã thụ án, đi tù một thời gian, nhưng trong lúc ở tù, có hạnh kiểm tốt, nhà tù tin tưởng, cho ra ngoài sớm hơn, nhưng vẫn giám sát chặt chẽ. Parole là hưởng ân xá, được giảm án để đi ra ngoài sớm hơn thời hạn ở tù nhưng lại phải tuân theo các quy định của nhà tù, còn probation hay defered adjudication là tù treo do quy định của công tố viện và tòa án.

Trong giai đoạn điều đình, đối với các trường hợp bị can là người Việt thì luật sư Việt có nhiều lợi thế hơn luật sư Mỹ vì luật sư Việt có thể trình bày cho công tố viện hiểu hoàn cảnh của bị cáo người Việt, do hoàn cảnh chiến tranh, do khác tín ngưỡng, tập tục, văn hóa, v.v. Khi công tố viện hiểu nguyên do phạm tội, mà nếu nguyên do là vì những sự khác biệt về văn hóa hoặc do hiểu lầm, đa số đều chấp thuận một cái án nhẹ, nhiều khi từ đại hình họ rút xuống thành tiểu hình, cho deferred adjudication. Mỗi luật sư đều có chiến thuật (tactics) và chiến lược (strategy) để điều đình với công tố viện. Đa số các luật sư không điều đình khi vụ việc còn quá nóng bỏng, họ muốn kéo dài (prolong) thời gian để cho sự kiện đó nguội bớt đi, nên họ hay hoãn (reset) các buổi điều trần nhiều lần mãi cho tới vài tháng sau mới điều đình. Cũng tùy trường hợp, nhiều hôm gặp công tố viện vui, thông cảm, công tố viện chấp nhận sự điều đình sớm thì nên tiến hành ngay.

Khi công tố viện và luật sư đi đến sự điều đình được rồi, luật sư giúp cho bị can hoàn tất thủ tục nhận tội (plea papers). Những thủ tục đó như sau: Bị can làm tờ giấy chứng thệ (affidavit) xin nhận tội, giấy xin được hưởng án treo (trong trường hợp được cho phép), giấy khai những chi tiết liên quan đến cá nhân trong trường hợp tòa hoặc người giám thị cần liên lạc, giấy xác nhận luật sư đã cắt nghĩa cho mình hiểu nội dung việc khi mình nhận tội, mình không bị ai ép buộc phải nhận tội, và nếu nhận tội đại hình, trong trường hợp chưa có quốc tịch Hoa Kỳ, có thể bị trục xuất về nguyên quán, và một khi đã nhận tội thì không được kháng án cũng như những thỏa thuận của công tố viện và luật sư có thể chánh án sẽ không chấp thuận (thường thì chánh án chấp thuận, và trong nhiều trường hợp, luật sư khéo trình bày, chánh án còn hạ mức phạt nữa). Đôi lúc luật sư và công tố viện không thỏa thuận với nhau được, mà thân chủ nhận tội, thì, công tố viện và luật sư cần gặp chánh án để chánh án định mức phạt, tiếng Anh gọi đó là “approach the bench without a recommendation,” – nghĩa là – “đến gặp chánh án mà không có sự đề nghị (của công tố viện về vấn đề hình phạt).” Đây là một “chiêu” hơi táo bạo, có lúc thuận lợi cho thân chủ, nhưng cũng có lúc thiệt hại vì lúc đó tùy theo sự phán quyết của chánh án. Luật sư đại diện cho thân chủ phải hiểu tính tình của chánh án mới dám dùng chiêu thức này.

Khi luật sư và công tố viện điều đình về thời hạn ở tù, đa số đều theo tiêu chuẩn “two for one.” Theo tiêu chuẩn này, trước khi ra tòa, bị can đã ở tù, thì một ngày ở tù được tính (credit) thành 2 ngày. Thí dụ, trong bản án điều đình, thân chủ phải ở tù 30 ngày. Trong khi đó, thân chủ đã ở tù 15 ngày rồi, như vậy có nghĩa là thân chủ không cần phải ở tù nữa.

Theo luật Texas, tất cả những ai được hưởng tù treo, đều phải làm những giờ công ích (community services), tùy theo nặng nhẹ, như làm việc ở chùa, nhà thờ, nhà thương, nhặt rác. Probation officer quyết định vấn đề này, tuy nhiên, luật sư có thể xin dùm. Khi được tù treo, thường thường phạm nhân phải trả tiền tòa, tiền phạt, tiền đóng góp cho công ích như các chương trình ngăn chận tội ác v.v. Luật sư có thể điều đình tiền phạt, nhưng các tiền trả cho tòa án và các chương trình khác, ít khi được giảm xuống. Có thể xin trả tiền để giảm giờ làm việc công ích, và cũng có thể xin làm việc công ích để giảm tiền phạt, nhưng, không thể nào giảm được giờ công ích quá mức tối thiểu do luật pháp quy định.

Một điểm cũng cần lưu ý đó là cách ăn mặc của bị can trong những buổi ra trình diện trước quan tòa. Nhiều người ăn mặc cẩu thả, hoặc khoe của đeo vàng, hột xoàng, xức nước hoa đầy người, v.v., chỉ làm cho quan tòa không có thiện cảm mà thôi. Nên ăn mặc nghiêm chỉnh, sạch sẽ, không quá trau chuốt, đầu tóc gọn ghẽ, tay chân không có nhiều nữ trang. Xin quý vị nhớ càng mang nhiều nữ trang thì càng chứng tỏ mình giàu có, mà càng giàu có, công tố viện sẽ khó mà chịu điều đình mức phạt thấp. Điều này cũng xin áp dụng cho các phiên điều trần, phiên tòa dân sự, nhất là vào ngày xử án.

Sau khi làm giấy tờ xong, luật sư dẫn thân chủ đến thư ký tòa để tuyên thệ là đã được cắt nghĩa cho hiểu cũng như là người đã ký các giấy tờ rồi đợi chánh án gọi. Chánh án gọi bị can, luật sư dẫn bị can đứng trước chánh án, một bên là luật sư, bên kia là công tố viện. Chánh án hỏi công tố viện một số câu, công tố viện trình bày hồ sơ án vụ. Nếu có gì sai trái, luật sư phản đối bằng cách nói lớn “objection your honor.” Nếu không có gì, luật sư thinh lặng. Công tố viện có thể trao ra một số hình ảnh hoặc một số vật làm bằng chứng, luật sư xin xét lại, nếu không có gì sai, luật sư sẽ nói: “No objection your honor.”

Nếu có gì sai, luật sư phản đối và trình bày lý do phản đối. Sau khi nghe sự trình bày của công tố viện và của luật sư, chánh án sẽ hỏi bị can một số câu hỏi. Chánh án hỏi bị can có hiểu hành vi tội phạm của mình hay không, mức án tối đa của tội phạm, có ai ép buộc nhận tội hay không, nếu không có quốc tịch Hoa Kỳ mà lại phạm tội đại hình thì việc nhận tội có thể bị trục xuất về nguyên quán, có hiểu rằng tòa án không buộc phải tuân thủ theo sự điều đình của công tố viện và luật sư hay không, có yêu cầu nơi tòa án điều gì hay không? v.v. Sau những câu trả lời, thường thường chánh án sẽ trả lời là chuẩn nhận sự đề nghị của công tố viện và của luật sư. Từ lúc đó, bị can trở thành phạm nhân. Kế tiếp, chánh án giao phạm nhân cho một deputy sheriff (cảnh sát của quận) để họ lăn tay phạm nhân đưa vào hồ sơ. Nếu sự điều đình có ở tù thì lúc đó deputy sheriff đưa vào tù, nếu chỉ bị án treo thì sẽ đưa qua một giám thị, nếu chỉ phạt tiền thì phạm nhân đi trả tiền rồi ra về.

III. Những Buổi Điều Trần và Ngày Xử Án.

Có những trường hợp không được suông, bị oan ức, nạn nhân nhất định có một phiên tòa do bồi thẩm đoàn hay do một chánh án xử họ, trường hợp đó như thế nào?

Nhiều người nghĩ rằng họ bị oan thì họ không phải lo gì cả. Chính “cái oan” đó mới cần phải lo hơn người không bị oan gấp 10 lần để tìm cách giải oan và làm sáng tỏ sự vụ. Càng bị oan, càng phải tốn tiền thuê luật sư, thuê thám tử tư đi tìm các dữ kiện ngõ hầu sự oan ức của mình được minh chứng trước tòa án. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy có nhiều người sẵn sàng bán cả tiệm hoặc bán cả nhà để thuê thám tử tư và luật sư giúp đỡ cho họ. Có nhiều người đến văn phòng tôi, xin giúp đỡ, kêu oan. Đương nhiên tôi coi hồ sơ, tìm hiểu các dữ kiện, thấy họ oan, sẵn sàng giúp. Thân chủ nghĩ như thế không phải trả tiền. Tôi trả lời: “Cha ông mình nói có thực mới vực được đạo, xe chạy phải có xăng, nhớt. Văn phòng tôi trả tiền nhà, tiền thư ký, tiền giấy tờ, v.v, và vì ông oan, chúng tôi muốn giúp ông lắm, nhưng ông cũng nên hiểu lại cho hoàn cảnh của chúng tôi, không nhiều thì cũng ít để có đủ sức đi đường trường.”

A. Những Buổi Điều Trần.

Việc đầu tiền luật sư làm là thu thập các dữ kiện, xem xét hồ sơ cảnh sát, của công tố viện, và nếu thấy có những tang chứng cảnh sát thâu thập không hợp pháp, phải làm đơn để xin những buổi điều trần hủy bỏ tang chứng v.v. Nếu thấy rằng quan tòa có tính cách kỳ thị không có lợi cho thân chủ, luật sư làm đơn xin những buổi điều trần để quan tòa rút lui (Motion to Recuse the Judge) ngõ hầu một chánh án khác khách quan hơn thay thế hoặc xin dời phiên tòa sang một quận hạt khác để tránh sự kỳ thị. Nếu cảm thấy thân chủ không được bình thường, xin tạm dùng chữ “điên” thì luật sư phải làm đơn xin một buổi điều trần cho thân chủ đi khám nghiệm và chữa trị tâm lý hoặc tâm thần v.v. Nếu thấy các nhân chứng có kết bè với nhau lập kế hãm hại thân chủ, luật sư phải làm đơn xin chất vấn những nhân chứng này trước khi phiên tòa diễn ra (thường thì công tố viện và tòa án không chấp thuận chuyện này). Và, còn nhiều đơn từ khác tùy theo hoàn cảnh của mỗi vụ án.

Luật sư có quyền hẹn đi (reset) hẹn lại nhiều buổi điều trần, nhưng, mỗi lần reset, thời gian không được quá 30 ngày. Vụ án phải được sắp xếp làm sao xử trong vòng 2 năm.

Song song, luật sư cần đi ra ngoài tìm thêm dữ kiện, nhất là các vật chứng và nhân chứng để giúp cho vụ kiện có nhiều kết quả hơn. Thí dụ, có một phụ nữ Việt Nam đi với một người con gái ở tuổi 15 hoặc 16 bước vào trong một shopping center. Hai mẹ con đi qua đi lại vài giờ đồng hồ, người con gái ăn cắp một đồ vật và bỏ vào trong xách tay, bị bắt quả tang. Các nhân viên trong tiệm hồ nghi người mẹ cũng ăn cắp, dầu không có máy quay phim quay được cảnh người mẹ này ăn cắp cái gì, các nhân viên toa rập với nhau nói rằng thấy người mẹ đó ăn cắp một đồ vật khác. Công tố viện tố cả 2 mẹ con. Người con ở tuổi dưới vị thành niên, được đưa qua tòa án gia đình, còn người mẹ thì bị tố ở tòa tiểu hình. Dầu rằng người mẹ không có ăn cắp, nhưng trong trường hợp này, những dữ kiện chung quanh (circumstantial evidence) rất bất lợi cho người mẹ, và người mẹ sẽ dễ dàng bị bồi thẩm đoàn kết án.

Người mẹ không nên ỷ y nghĩ rằng mình không có ăn cắp thì không cần làm gì hết, cứ đợi đến ngày ra tòa thì sẽ trả lời cho bồi thẩm đoàn. Người mẹ đó lầm lớn vì lời khai báo của bà ấy trước tòa không cân nặng bằng lời của các nhân viên trong tiệm, dữ kiện người con gái ăn cắp v.v., thì bồi thẩm đoàn có khuynh hướng tin vào lời chứng (dầu là chứng gian) của bên các nhân viên. Người mẹ nên thường xuyên gặp luật sư để cùng với luật sư xem các băng video trong tiệm, thuê luật sư đi điều tra và phỏng vấn các nhân viên trước khi có phiên tòa, nhờ luật sư tìm hiểu thêm trước đây có những vụ án nào tương tự hay không để có thể trình bày trước tòa án khuynh hướng kỳ thị của nhân viên muốn gài hoặc làm chứng gian để cho người mẹ bị khó khăn trước pháp luật v.v. Luật sư có thể làm đơn xin tòa án một buổi điều trần để tòa án ra lệnh, trong ngày phiên tòa diễn ra, công tố viện không được đưa dữ kiện người con gái bị kết án tại tòa gia đình vì cái án này của người con gái dễ gây cho bồi thẩm đoàn có ấn tượng không tốt cho người mẹ. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước, cứ thường, người mẹ sẽ bị tòa kết án.

B. Ngày Xử Án.

Phiên tòa xử án có thể được xử bởi chánh án hay bởi một bồi thẩm đoàn. Nếu bị can chọn để được xử bởi chánh án, thì chánh án vừa là người xét các sự kiện (fact finder) và vừa là người cầm cân nảy mực các vấn đề pháp lý (legal issues). Nếu thân chủ chọn để được xử bởi một bồi thẩm đoàn thì nhiệm vụ của chánh án chỉ là cầm cân nảy mực cho các vấn đề pháp lý, còn bàn luận và xét có tội hay có tội, tức là xét trên các sự kiện vụ việc, thì đó là nhiệm vụ của bồi thẩm đoàn. Nếu sau này có kháng án, thì chỉ được kháng án trên các vấn đề pháp lý, chớ không được kháng án trên vấn đề sự việc (fact) của vụ án do bồi thẩm đoàn quyết định. Trước khi phiên tòa diễn ra, luật sư đại diện sẽ hội ý với thân chủ nên chọn để được xử bởi một chánh án hay bởi một bồi thẩm đoàn, sự lợi và sự hại của mỗi trường hợp ngõ hầu giúp cho thân chủ có quyết định đúng. Thêm vào đó, luật sư cũng cho thân chủ biết trong trường hợp xử bởi một bồi thẩm đoàn, nếu lỡ bị kết án, thân chủ có quyền để cho bồi thẩm đoàn ra án phạt cũng như có quyền để cho chánh án ra án phạt. Luật sư bàn cho thân chủ biết những lợi và hại của từng trường hợp để giúp cho thân chủ có một quyết định khôn ngoan hơn. Đa số các bị can đều chọn xử do một bồi thẩm đoàn và chọn để cho bồi thẩm đoàn ra án phạt. Nói như thế không có nghĩa là có những trường hợp nên để chánh án xử cũng như có những trường hợp nên để cho bồi thẩm đoàn xử, nhưng nên để cho chánh án quyết định mức phạt.

Để kết tội bị can, tiêu chuẩn của Luật Hình là các chứng cứ đã vượt qua khỏi sự nghi ngờ bình thường mà tiếng Anh gọi là ”beyond a reasonable doubt.” Tiêu chuẩn Luật Dân Sự đòi buộc các chứng cớ ở mức độ “preponderence of the evidence.” Tiêu chuẩn của Luật Hình rất cao, đòi buộc bồi thẩm đoàn phải bỏ phiếu 100% mới kết án được một người, trong khi đó, ở bên dân sự thì chỉ cần có 10/12 lá phiểu của bồi thẩm đoàn thì thắng vụ kiện rồi. Tòa đại hình có 12 người trong bồi thẩm đoàn thì phải có 12 lá phiếu mới kết án được, chỉ cần 1 người không đồng ý, thì tòa án phải hủy bỏ tội danh của người đó. Năm 1994, O.J. Simpson bị công tố viện của tiểu bang California tố tội giết cô vợ da trắng của ông ta, và bồi thẩm đoàn đã không đủ số phiếu 12/12 kết án O.J. Simpson. O.J. Simpson bị gia đình bên vợ đưa ra tòa dân sự, và vì tiêu chuẩn bên tòa dân sự thấp hơn, chỉ cần 10/12 phiếu của bồi thẩm đoàn, nên, tòa dân sự đã đi đến kết luận là O.J. Simpson đã giết vợ. Vì là tòa dân sự nên O.J. Simpson không bị phạt tù, chỉ bị phạt tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân, và số tiền đã lên tới hơn 10 triệu Mỹ Kim. Tòa tiểu hình có 6 người trong bồi thẩm đoàn thì phải có đủ 6 phiếu, nếu không, nghi can coi như vô tội, còn bên dân sự, chỉ cần có 5 phiếu của bồi thẩm đoàn thì thắng kiện.

Vì lý do trên, nên, đối với công tố viện và đối với luật sư bào chữa, chọn người vào trong bồi thẩm đoàn rất quan trọng. Đây là một trong những chiến thuật sinh tử của vụ án.

Ngay từ đầu của phiên tòa, có một số người dân được gọi lên để thi hành bổn phận công dân ngồi trong bồi thẩm đoàn. Những người này, chưa được chọn vào bồi thẩm đoàn, thì được gọi là những người có thể trở thành bồi thẩm viên (prospect jurors). Những người đi làm công việc này, nếu làm ở hãng, thì hãng vẫn phải trả lương cho họ trong những ngày họ thi hành công vụ này. Nếu họ là những người làm chủ các tiểu thương, thì họ bị thiệt thòi. Sự thiệt thòi đôi chút về vật chất không thể so sánh được với những điều lợi khi một người thi hành bổn phận công dân vì đây là một vinh dự. Nhiều người Việt Nam rất e ngại đi làm bồi thẩm viên vì đa số họ là những người làm chủ các cây xăng, tiệm giặt, tiệm làm đẹp móng tay, móng chân v.v., và nhất là họ ngại mất thời giờ cũng như ngại không hiểu rõ văn hóa và sinh ngữ. Tại Texas, người ta căn cứ theo bằng lái để gởi giấy mời làm bồi thẩm viên. Những ai không nói được tiếng Anh, già cả, nhiều bệnh tật, chưa có quốc tịch, luật sư đang hành nghề hoặc một vài trường hợp khác thì được miễn công việc này. Không có ở trong trường hợp được miễn mà trốn tránh không thi hành bổn phận làm bồi thẩm viên, có thể bị phạt tiền và phạt tù.

Trong phiên tòa đại hình, có từ 24 tới 48 prospect jurors để cho công tố viện và luật sư chọn. Phiên tòa tiểu hình thì có từ 12 đế 24 người. Công tố viện và luật sư có quyền gạch sổ một số người mà họ không ưa thích mà trong danh từ luật gọi là strike. Sau khi 2 bên đã gạch sổ xong, còn lại thì công tố viện và luật sư phỏng vấn từng người mà danh từ luật gọi là voir-dire (to see – to say = hỏi diện đối diện) và rồi điều đình với nhau để có một bồi thẩm đoàn khả dĩ chấp thuận được bởi cả hai bên. Những ai đã biết trước nội vụ của vụ án thì đương nhiên không được chọn vào bồi thẩm đoàn. Những ai tin rằng họ không có một sự phán đoán công bằng cho vụ án vì có khuynh hướng kỳ thị màu da, chủng tộc, phái tính, tôn giáo, cũng không được chọn vào bồi thẩm đoàn. Những người không được chọn vào bồi thẩm đoàn, họ có quyền ra về.

Sau khi chọn bồi thẩm đoàn là tới giai đoạn lời mở màn phiên tòa mà tiếng Anh gọi là Opening Statement. Công tố viện đọc lời cáo buộc bị can, trình bày sơ vụ án, và kêu gọi bồi thẩm đoàn hãy phán quyết mang lại công lý cho các nạn nhân. Bên luật sư bào chữa sẽ tìm cách nói rằng những lời cáo buộc đó không đủ bằng chứng, bị can bị oan, bị can là người tốt lành, v.v., và xin bồi thẩm đoàn hãy phán quyết mang lại công lý cho bị can.

Trước khi có phiên tòa hoặc trong khi phiên tòa diễn ra, công tố viện hoặc luật sư đưa ra những bằng chứng mà bên kia không chấp thuận, cho rằng không hợp pháp, thì công tố viện và luật sư phải làm đơn xin hủy bỏ bằng chứng đó mà danh từ luật gọi là Motion in limine (in limine là tiếng Latin, nghĩa là “ngay từ khởi đầu”) và bồi thẩm đoàn phải rút vào trong, không được nghe sự tranh luận này giữa luật sư và công tố viện trước mặt chánh án.
Công tố viện là người buộc tội, nên công tố viện phải kêu nhân chứng (witness) và đưa ra các bằng chứng trước để chứng minh cho điều họ buộc tội mà tiếng Anh gọi là “the burden of proof.” Sau mỗi lần chất vấn (question) một nhân chứng do công tố viện, luật sư bào chữa có quyền hỏi lại nhân chứng này mà tiếng Anh gọi là cross-examine để chứng minh cho bồi thẩm đoàn thấy: 1/ Lời chứng của người này không đáng tin cậy; 2/ Người này có thể có một âm mưu, đồng lõa hoặc che dấu cho một chuyện gì đó; 3/ Người ấy có thể bị mua chuộc hoặc bị hăm dọa nếu không chịu ra làm chứng, v.v.; 4/ Lời chứng của người ấy bị mâu thuẫn với các bằng chứng hoặc với những lời khai khi trước hoặc mâu thuẫn với những lời khai của các nhân chứng khác. Đối với các bằng chứng, luật sư bào chữa sẽ tìm cách chứng minh bằng chứng đó lấy được không đúng với quy định của luật pháp, bằng chứng đó không được cất giữ đúng theo quy trình bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền làm cho bằng chứng đó có thể bị giả mạo v.v., hoặc có những bằng chứng khác hùng hồn hơn phản bác lại những bằng chứng này.

Sau khi công tố viện đã đưa ra hết các nhân chứng và bằng chứng của họ, đến phiên luật sư bào chữa đưa các nhân chứng và bằng chứng của bên bị can. Có thể luật sư bào chữa kêu chính bị can lên làm nhân chứng. Điều này có lợi và cũng có hại vì công tố viện sẽ khai thác tối đa để cho bị can trong lúc bối rối nói những lời sơ sẩy “lòi” đuôi hoặc vô tình “nhận tội.” Bởi vậy, các thân chủ phải thành thật với luật sư bào chữa, đừng dấu diếm, để luật sư tính toán kỹ lưỡng khi sử dụng chiến thuật này. Nên nhớ, theo luật pháp, luật sư bào chữa không được tiết lộ chuyện này cho người thứ ba nếu không có sự đồng ý của thân chủ. Luật sư bào chữa phải kín miệng giống y như một linh mục ngồi tòa để giải tội vậy. Đừng bao giờ biết mình phạm tội, vẫn khăng khăng nói dối với luật sư là mình bị oan, để rồi vì quá tin tưởng, luật sư kêu thân chủ ra làm chứng, lúc công tố viện hỏi lại một cách lắt léo, thân chủ hoảng hồn trả lời ló đuôi “gian” ra thì quả thật bất lợi cho thân chủ và làm giảm uy tín của luật sư bào chữa vô cùng. Mục đích của các nhân chứng hoặc bằng chứng là trình bày cho bồi thẩm đoàn thấy bị can không ở hiện trường, hoặc có ở hiện trường là vì lý do nào đó không liên can đến vụ án, bị can bị cảnh sát hay một tập đoàn gian ác nào đó gài bẫy vu oan để hại uy tín hay sự nghiệp của bị can, v.v. Công tố viện có quyền hỏi lại nhân chứng, hoặc xét xem các bằng chứng của bên bị can, cho đến khi nào họ không còn thắc mắc nữa thì thôi.

Trong khi phiên tòa diễn ra, nếu có những điểm gì không đồng thuận trên phương diện pháp lý, nhất là nếu thấy có một hành động sai trái nào đó của các thành viên trong bồi thẩm đòan, công tố viện hoặc luật sư bào chữa phải làm đơn xin tòa một buổi điều trần riêng biệt mà không có sự hiện diện của bồi thẩm đoàn để chánh án giải quyết sự dị biệt đó. Những dị biệt này rất quan trọng trong việc kháng án, trong việc xin một phiên tòa mới (new trial) hay trong việc tuyên bố một phiên tòa đã xử không đúng, phải xử lại mà tiếng Anh gọi là mistrial. Mistrial phải được tuyên bố trước khi bồi thẩm đoàn có quyết định bị can có tội hay không có tội (verdict). Còn new trial là sau khi bồi thẩm đoàn có nghị quyết luận tội (verdict) thì tòa án đang xử hay tòa án cao hơn phải coi lại (re-examine) việc xử án có đúng hay không để cho một phiên tòa mới coi như vụ án chưa hề từng xử vậy. Những bằng chứng mới được khám phá sau này cũng là một trong những yếu tố quan trọng để tòa quyết định cho một phiên tòa mới. Khi có mistrial hay new trial, thủ tục chọn bồi thẩm đoàn trở lại ngay từ lúc coi như chưa có vụ án, và những prospect jurors cũng như những người đã ngồi trong bồi thẩm đoàn ở trong phiên tòa kỳ này không được chọn vào bồi thẩm đoàn kỳ tới.

Trước khi bồi thẩm đoàn vào họp kín, luật sư bào chữa bắt đầu lời kết phiên tòa, tiếng Anh gọi là Closing Statement. Luật sư sẽ rút gọn lại các lời khai của các nhân chứng và các bằng chứng để trình bày sự oan trái của thân chủ mình hoặc nói rằng các chứng cứ của công tố viện không vượt qua khỏi mức độ beyond a reasonable doubt. Luật sư bào chữa khéo léo khai thác tình cảm của bồi thẩm đoàn phối hợp với các lời chứng và bằng chứng để bồi thẩm đoàn dễ dàng cảm thông với thân chủ ngõ hầu có những quyết định thuận lợi cho thân chủ. Công tố viện, trong phần Closing Statement, chắc chắn sẽ khai thác các sơ hở để kêu gọi bồi thẩm đoàn kết án bị can.

Từ lúc Opening Statement cho đến lúc Closing Statement, thời gian dài ngắn tùy theo sự phức tạp của vụ án, có vụ chỉ có 1 ngày, có vụ kéo dài cả năm trời. Cũng vậy, thời gian để cho bồi thẩm đoàn suy nghĩ và luận án cũng tùy theo sự phức tạp của mỗi vụ án. Sau khi công tố viện kết thúc Closing Statement, chánh án ra lệnh cho bồi thẩm đoàn về phòng riêng họp để luận án. Trong thời gian có phiên tòa, nếu chiều tối về nhà, các bồi thẩm viên không được bàn thảo vụ án với người khác. Trong thời gian luận án, các bồi thẩm viên không được về nhà, phải bàn luận cho đến khi nào bỏ phiếu xong mới thôi. Các bồi thẩm viên phải bầu chọn một người đại diện cho họ gọi là foreman. Người foreman có nhiệm vụ cho người giữ an ninh của tòa biết họ đã quyết định xong. Người giữ an ninh này thường là một cảnh sát của quận (deputy sheriff là danh xưng cho tòa tiểu bang và court marshall là danh xưng cho tòa Liên Bang), và người này phải lập tức báo cho chánh án ngay đó là bồi thẩm đoàn đã có quyết định. Sau đó, tòa tái nhóm, có cả công tố viện, bị can, luật sư bào chữa v.v., và người foreman sẽ đứng lên đọc cho mọi người nghe biết bản án của họ. Nếu có tội, họ sẽ nói 12/12 đã biểu quyết bị can có tội. Nếu không có tội, họ sẽ nói họ đã không đồng thuận được 12/12 để kết án bị can.

Nếu bồi thẩm đoàn không kết án được bị can, lập tức bị can được tự do. Nếu bồi thẩm đoàn kết án, thì tòa sẽ tiếp tục một phiên điều trần để xử phạt phạm nhân. Nếu trước khi có phiên tòa, luật sư bào chữa, với sự đồng thuận của thân chủ, đồng ý với công tố viện để cho chánh án xử phạt thì chánh án sẽ nghe buổi điều trần và cân nhắc nặng nhẹ để ra bản án. Nếu trước khi có phiên tòa, thân chủ quyết định để cho bồi thẩm đoàn định đoạt mức án, thì bồi thẩm đoàn tiếp tục bàn luận và ra mức án. Nhiều trường hợp tế nhị, bồi thẩm đoàn không quyết định được cách xử phạt, nhất là mức án tử hình, thì tự động tội nhân được hưởng án chung thân.

IV. Thủ Tục Kháng án Và Những Vấn đề Liên Hệ.

Khi một người bị kết án, nếu người ấy không đồng ý, trong thời gian do tòa quy định, thường là 30 ngày (cũng tùy tòa án, phải coi kỹ quy định của từng tòa), người ấy phải thông báo cho tòa biết có định kháng cáo (notice of appeal) và sau đó xin làm đơn kháng án (motion to appeal). Thường thường tòa án chấp thuận ngay. Từ lúc này, thân chủ được gọi là người kháng án (appellant) và tiểu bang được gọi là người bị kháng án (appellee). Nếu người ấy bị án tù, trong những trường hợp không quá trầm trọng, người ấy có thể xin tòa ra giá tiền thế chân để được tại ngoại cho đến khi nào Tòa Phúc Thẩm có quyết định. Trong những trường hợp giết người, cướp của, hãm hiếp, v.v., rất khó được tòa chấp thuận cho tiền thế chân vì đa số những người này bỏ trốn luôn. Nếu sau này Tòa Phúc Phẩm lật ngược lại quyết định, người ấy được tự do, thì sau khoảng 2 tháng, tiền thế chân sẽ được hoàn trả lại. Nếu Tòa Phúc Thẩm y án, người ấy phải tự nộp mình, còn nếu không tự nộp mình, sẽ bị tòa tịch thu số tiền thế chân và ra trát truy nã.

Khi đã thông báo đến tòa ý định kháng cáo, người ấy có thể thuê luật sư đã đại diện cho mình tại Tòa sơ Thẩm (Trial Court) hay có thể thuê một luật sư khác đại diện tại Tòa Phúc Thẩm (Court of Appeals). Đa số người ta thường thuê một luật sư khác đại diện ở Tòa Phúc Thẩm vì có nhiều luật sư không hành nghề tại Tòa Phúc Thẩm, và đặc biệt, họ muốn có một luật sư khác xem xét hồ sơ lại để thẩm định luật sư đại diện ở Tòa Sơ Thẩm có bất cẩn (legal malpractice) hoặc đã không chu toàn bổn phận trong lúc hành nghề làm cho người này không đủ khả năng (incompetent) của một luật sư theo quy định của tiểu bang. Thí dụ, trong lúc phiên tòa diễn ra, luật sư ngủ gục, vậy, luật sư có bất cẩn trong lúc hành nghề không? Thưa, luật sư không bất cẩn, nhưng việc ngủ gục của luật sư làm cho luật sư không đủ khả năng (incompetent) của một luật sư, nên, tòa có thể cho một phiên tòa mới (new trial). Trường hợp khác, luật sư tìm ra được một nhân chứng quan trọng, luật sư quên không gọi nhân chứng đó ra tòa, vậy luật sư có bất cẩn không? Thưa, trường hợp này luật sư có bất cẩn.

Có người thắc mắc rằng trong lúc kháng án, có được thưa kiện luật sư đại diện ở Tòa Sơ Thẩm hành nghề bất cẩn hay không? Theo án lệnh Peeler của Texas, không được tố luật sư đại diện vụ án hình sự ở Tòa Sơ Thẩm cho đến khi nào thắng được ở Tòa Phúc Thẩm, nghĩa là, khi nào biết được kết quả thuận lợi ở Tòa Phúc Thẩm thì mới được tố lại luật sư đã đại diện ở Tòa Sơ Thẩm. Nếu không thắng ở Tòa Phúc Thẩm thì đương nhiên không được tố luật sư đã đại diện ở Tòa Sơ Thẩm.

Người khác lại thắc mắc đó là có được tố lại công tố viện hoặc các nhân chứng khi mình bị oan hay không? Thưa, luật pháp hiện nay không cho phép người ta tố lại công tố viện hay bất cứ một nhân chứng nào vì họ phải thi hành phận vụ của họ, nhưng luật pháp cho phép họ tố tiểu bang. Trong những trường hợp khám phá ra người ta bị ở tù oan trái (wrongful imprisonment), thì sự bồi thường (compensation) của Texas như sau:

1/ Thống Đốc ra ân xá hoàn toàn cho người đó và họ không phải ở tù nữa;

2/ Trong vòng 3 năm sau khi được ra khỏi tù, người ấy thuê luật sư kiện để đền bù dân sự, mỗi một năm tù được bồi thường tối đa là 25 ngàn Mỹ Kim, và mức tối đa được đền bù là 500 ngàn Mỹ Kim. Thí dụ, cách đây 30 năm, một người bị tòa kết án oan trái là đã phạm tội hiếp dâm và giết người, án tù 99 năm. Bây giờ, khoa học tân tiến, thử nghiệm lại DNA thì cho biết tinh trùng trong tử thi của cô gái bị chết không trùng hợp với tinh trùng của người bị kết án. Với sự khám phá mới này, sự oan trái đã được phơi bày, ông ấy được rời khỏi trại giam, nhưng, ông ấy đã trải qua 30 năm trời tuổi xuân xanh trong tù, quá sức là thiệt hại. Ông ấy chỉ được tiểu bang Texas bồi thường tối đa là 500 ngàn Mỹ Kim mà thôi, số tiền này gồm cả cả án phí và tiền thuê luật sư, cho 30 năm tù oan trái đó. Trong trường hợp ông ấy ở 20 năm tù, ông ấy cũng được bồi hoàn 500 ngàn Mỹ Kim. Trường hợp ông ấy ở 10 năm tù, thì, tiền bồi thường tối đa cho mỗi năm là 25 ngàn Mỹ Kim, kết quả, ông ấy được bồi thường tối đa là 250 ngàn Mỹ Kim. Nếu sau 3 năm đã ra khỏi tù, không thuê luật sư tố lại tiểu bang, thì, thời hạn đã hết, không được quyền tố lại tiểu bang.

Trong thời gian kháng án hoặc trong lúc ở tù, nếu luật sư đại diện khám phá ra thư ký của tòa bất cẩn đánh máy lộn một số chi tiết thì phải làm sao? Thí dụ, án phạt do bồi thẩm đoàn tuyên bố chỉ có 5 tháng, thư ký tòa nhầm lẫn, đánh máy là 5 năm!! Luật sư phải làm đơn Nunc Pro Tunc (Now For Then) order để sửa lại sự sai sót này. Nếu không có đơn sửa sai này, thân chủ phải ở tù oan trái thêm 4 năm 7 tháng, và, các nhân viên trại giam sẽ không can thiệp hoặc sẽ không thả người nếu không có lệnh sửa sai đó của tòa.

Việc đầu tiên luật sư đại diện để kháng án phải làm là đặt mua bản dịch báo cáo của tòa (Court reporter’s transcript). Tòa án nào cũng có một người làm báo cáo (court reporter). Người này không phải là thư ký (secretary) hay là người điều hợp (co-ordinator) của tòa. Người này có nhiệm vụ đánh tốc ký tất cả những âm thanh xảy ra tại tòa, từ tiếng ho, tiếng cười, giọng nói, v.v. để làm báo cáo tất cả những diễn tiến tại tòa. Vì đánh tốc ký, nên chỉ có người ấy hoặc những ai ở trong nghề mới hiểu được những ký hiệu đó. Tòa Phúc Thẩm cũng như luật sư bào chữa cần phải có bản dịch (transcript) này nên phải trả tiền cho Court reporter làm việc đó. Lệ phí cho công việc này tùy theo phiên tòa dài hay ngắn, vì họ tính tiền trên mỗi chữ. Tại tòa án, mỗi một trang giấy copy là 1 Mỹ Kim. Do đó, nhiều khi tiền trả cho bản dịch này lên tới từ 1 ngàn cho đến chục ngàn Mỹ Kim.


Sau khi có được bản dịch của Tòa Sơ Thẩm rồi, luật sư đại diện phải làm một bản đúc kết (brief) trình bày các sự kiện đã xảy ra tại Tòa Sơ Thẩm để gởi lên Tòa Phúc Thẩm.

Nên nhớ, khi kháng án, không có kháng án trên các sự kiện, mà chỉ kháng án trên các vấn đề luật pháp, nên trong bản đúc kết này, luật sư trình bày cho Tòa Phúc Thẩm thấy những quyết định sai lầm về luật pháp của chánh án ở Tòa Sơ Thẩm để đưa đến kết luận những phán quyết này làm cho bồi thẩm đoàn ra một bản án sai lệch. Bản đúc kết này phải được viết theo mô thức do Tòa Phúc Thẩm quy định và hình dáng của bản đúc kết này cũng rất quan trọng để gây cảm tình với các thẩm phán tại Tòa Phúc Thẩm dành thời giờ đọc hết bản đúc kết này. Bản đúc kết này phải gởi cho từng vị thẩm phán trong Tòa Phúc Thẩm (mỗi vụ tối thiểu là 3 vị thẩm phán), 1 bản lưu hồ sơ tại tòa này, 1 bản gởi cho công tố viện, một bản lưu trong hồ sơ của luật sư. Công tố viện cũng làm một bản đúc kết để trả lời lại bản đúc kết của luật sư kháng án.

Trong hàng trăm hồ sơ kháng án, khoảng 5% hồ sơ được Tòa Phúc Thẩm chấp thuận có một buổi tranh luận (oral debate) trước sự hiện diện đầy đủ của các thẩm phán (a full bench). Nếu không có sự tranh luận, Tòa Phúc Thẩm gởi giấy về văn phòng luật sư và công tố viện biết quyết định của tòa. Nếu có tranh luận, trong ngày tranh luận, thân chủ không cần hiện diện (rất khác với Tòa Sơ Thẩm). Luật sư biện hộ có khoảng chừng 30 phút trình bày. Trước khi trình bày, luật sư phải thưa rõ với Tòa Phúc Thẩm đó là luật sư muốn sử dụng 30 phút của mình như thế nào, nếu muốn trình bày hết một mạch 30 phút cũng được, hoặc, lúc đầu chỉ trình bày 20 phút, còn dành lại 10 phút để trả lời lại sự tấn công của công tố viện. Sau khi luật sư bào chữa trình bày, công tố viện tấn công lại sự trình bày của luật sư biện hộ hoặc sẽ trình bày lại quan điểm của công tố viện. Sau khi công tố viện trình bày, nếu luật sư biện hộ ngay từ đầu đã nói rõ dành lại 10 phút để phản bác, thì luật sư biện hộ sẽ dùng thời gian này để làm công việc đó. Nếu bên công tố viện cũng dành 10 phút để phản bác, thì sau lời phản bác của luật sư biện hộ, công tố viện sẽ phản bác lại. Vì thời gian rất eo hẹp, nên cả hai bên đều phải tập trung vào những điểm chính, không thể đi lang bang ra ngoài được. Nhiều khi hồ sơ dày cả hàng chục ngàn trang, vậy mà chỉ được trình bày trong vòng nửa tiếng, thì đủ thấy sự gay cấn và khó khăn của nó, đòi hỏi sự thông minh, nhạy bén, tinh tế của luật sư trước Tòa Phúc Thẩm, nên nhiều luật sư, dầu rất giỏi tại Tòa Sơ Thẩm, lại không chịu hành nghề tại Tòa Phúc Thẩm là vậy.

Sau buổi tranh luận, các thẩm phán của Tòa Phúc Thẩm sẽ về hội ý với nhau và biểu quyết. Nếu vụ án không có gì gây can, khoảng sau 6 tháng Tòa Phúc Thẩm sẽ gởi giấy đến văn phòng luật sư và bên công tố viện công bố quyết định của họ. Có những trường hợp quan trọng, Tòa Phúc Thẩm viết xuống phán quyết của họ, trở thành án lệ, in trên các tờ báo luật, in trong các sách luật để cho mọi người, nhất là những người có liên hệ về ngành luật, tham khảo.

Sau khi Tòa Phúc Thẩm đã có phán quyết, công tố viện hay luật sư bào chữa không đồng ý, có thể kháng án lên Tối Cao Pháp Viện của tiểu bang. Thủ tục kháng án cũng na ná như những gì đã xảy ra ở Tòa Sơ Thẩm. Song le, ở trên Tối Cao Pháp Viện, những hiểu biết về luật và sự nhạy bén đòi hỏi ở một trình độ rất cao, chỉ có một số luật sư hành nghề ở cấp bộ này. Đương nhiên án phí và lệ phí của luật sư cũng tốn kém hơn nhiều. Hàng ngàn vụ đệ trình lên Tối Cao Pháp Viện, may ra chỉ được vài ba vụ là được Tối Cao Pháp Viện cứu xét, đa số đều bị trả về với giòng chữ phê là “y án.”

Khi đã có phán quyết của Tối Cao Pháp Viện của tiểu bang rồi, nếu luật sư biện hộ hoặc công tố viện không đồng ý, có thể kháng án lên tới Tối Cao Pháp Viện Liên Bang ở Washington D.C. Nhưng, khi kháng án lên tới Tối Cao Pháp Viện Liên Bang, những vấn đề pháp lý phải có liên quan đến Hiến Pháp của Hoa Kỳ hoặc những luật của Liên Bang. Hàng ngàn vụ kháng án đệ trình lên Tối Cao Pháp Viện Liên Bang, đa số bị trả về với lời phê “y án” và may ra 1 hay 2 vụ được cứu xét mà thôi. Thủ tục kháng án kéo dài nhiều năm trời, tốn rất nhiều tiền, nên đa số không ai đủ sức đi hết đoạn đường này, chỉ trừ những trường hợp bị quá oan ức và họ có tài chánh thì họ mới đi nốt đoạn đường chông gai đó.

V. Thụ Án.

Khi bị kêu án ở tù, phạm nhân được gởi đến một trại giam. Trại giam tiếng Anh có nhiều từ ngữ như jail, prison, correction center, và penitentiary. “Jail” là từ ngữ thông dụng của nhà tù, thường thường chỉ bị giam trong lúc còn là bị can, chưa có án. “Prison” là nhà tù, có thể đã có án hay chưa có án. Còn “correction center” là “trung tâm cải huấn,” và “penitentiary” là “nơi sám hối” nói lên ý nghĩa rõ ràng người ấy đã phạm tội, có án, phải bị giam giữ để hối lỗi, để sửa sai lại.

Một phạm nhân bị kết án tử hình, có thể làm đơn lên thống đốc của tiểu bang để xin ân xá. Thống đốc của tiểu bang có quyền ra ân xá cho các phạm nhân, và vào một dịp đặc biệt, có thể ban toàn xá (full pardon) thì phạm nhân được tự do bước ra khỏi tù.

Bình thường, một người bị kết án, nếu không phải là những tội trầm trọng mà tiếng Anh gọi là aggravated crime như cướp có vũ khí, giết người có vũ khí, hãm hiếp trẻ em v.v., thì sau khi ở được 1/3 án, Hội Đồng Ân Xá (Board of Parole) có thể cứu xét đơn xin của can phạm để cho can phạm được ra về sớm mà vẫn có sự giám sát của nhà tù. Trong những trường hợp tội danh là aggravated crime, thì phạm nhân phải ở tối thiểu là 1/2 án thì mới được “eligible for parole,” nghĩa là, “có thể được giảm án để ra ngoài.” Đây không phải là một quyền (right) của phạm nhân, mà đây chỉ là một sự xót thương, một sự ban ơn (mercy or blessing) của nhà tù đối với phạm nhân vì thấy trong giai đoạn ở tù, phạm nhân đã bày tỏ được sự hối lỗi, và phạm nhân đã có những cử chỉ cho thấy phạm nhân không còn nguy hiểm đối với xã hội nữa.

Có người thắc mắc, trong giai đoạn ở tù, có cần luật sư để đại diện cho phạm nhân, nhất là trong vấn đề xin ân xá hay không? Thật ra, ân xá là một “món quà” của nhà tù, mà món quà đó có ban cho hay không là do nhà tù xét thấy phạm nhân có sự thay đổi, biết hối lỗi, nên, luật sư không làm gì được bao nhiêu trong việc xin ân xá cho phạm nhân nếu phạm nhân trong lúc thụ án lại có những hành vi ngang bướng. Trong trại tù, nhiều can phạm kết bè với nhau, đánh đập, hãm hiếp các tù nhân khác, và cũng có trường hợp, cai tù (jailor or warden) cũng ăn rơ với nhau hoặc ăn rơ với các can phạm để đánh đập hay bắt nạt các tù nhân khác. Nếu phạm nhân có luật sư, thường xuyên thăm nom, thì, luật sư chính là tai mắt ở ngoài của phạm nhân nên các tù nhân khác hoặc cai tù không dám làm ẩu với phạm nhân.

Trong thời gian thụ án, phạm nhân có thể bị tiểu bang di chuyển đi nhiều nhà tù, bị bắt phải làm việc tay chân. Các phạm nhân được khuyến khích dành thời giờ rảnh rỗi học thêm, nhất là nghiên cứu về ngành luật. Nhiều phạm nhân được nhà tù cho phép hưởng huê hồng trên sản phẩm của họ. Do đó, có nhiều phạm nhân khi rời khỏi nhà tù, có một số vốn liếng, một số kiến thức cũng như sự khéo léo chân tay để bắt đầu làm lại cuộc đời.


Khi phạm nhân hội đủ tiêu chuẩn để được ân xá, Hội Đồng Ân Xá sẽ báo cho phạm nhân biết ngày giờ và địa điểm của buổi điều trần để họ lắng nghe phạm nhân trình bày lý do tại sao họ phải ban đặc ân này cho phạm nhân. Nếu phạm nhân không biết cách trình bày, phạm nhân có thể thuê luật sư giúp cho phạm nhân chuyện này. Khi được ân xá ra ngoài trước thời gian (parole), phạm nhân phải tuân thủ theo các quy định của nhà tù do một parole officer ở ngoài giám định. Đa số các phạm nhân đều phải mang còng điện tử ở chân để parole officer biết người ấy đang ở đâu. Phạm nhân phải báo cáo với parole officer thường xuyên, và, nếu vi phạm, có thể bị lấy lại (revoke) ân xá đó.

Trường hợp những người chưa có quốc tịch Hoa Kỳ, sau khi mãn án đại hình, có thể bị Sở Di Trú bắt lại, đưa qua giam ở trại giam Sở Di Trú để có những buổi điều trần quyết định trục xuất phạm nhân về nguyên quán. Tôi sẽ trở lại vấn đề này trong bài viết về Tòa Án Sở Di Trú.

Lời Kết:

Ở Hoa Kỳ, bình thường chưa dính vào pháp luật, ai nấy thấy xã hội rất tự do, thoải mái, nhưng, một khi dính vào pháp luật rồi, mới thấy xã hội Hoa Kỳ rất là khó thở vì hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ rất dày đặc và tinh vi, và hồ sơ hình sự theo đuổi người ấy suốt đời, làm cho người ấy khó mà được công ăn việc làm như ý cũng như khó mà ngóc đầu lên được trong xã hội. Nhất là các em trẻ, một khi phạm vào những tội đại hình, khó mà được các đại học chuyên môn như luật, y khoa v.v, chấp nhận vào trường học. Chính vì lý do này, chúng tôi khuyên đồng hương, nhất là các bậc phụ huynh, nên tìm hiểu cặn kẻ về luật pháp Hoa Kỳ để giúp cho chính bản thân cũng như cho con cái khỏi sa vào vòng pháp luật ngõ hầu cánh cửa tương lai không bị khép lại.
Riêng văn phòng chúng tôi, nếu quý vị có thắc mắc về pháp lý, xin biên thư hoặc liên lạc qua điện thoại, fax, hoặc email như sau:

Tổ Hợp Luật Sư Hoàng Duy Hùng & Associates
1900 North West Loop #500
Houston TX 77018
Điện thoại cầm tay: 281-788-8486
Điện thoại văn phòng: 713-680-9922
Fax. 713-680-0804
Email:hoangduyhung77584@yahoo.com

Nếu chúng tôi không có trong văn phòng hoặc bận ra tòa hay công việc khác, chưa trả lời được quý vị, xin quý vị để lại tên, số điện thoại, chắc chắn chúng tôi sẽ hồi âm cho quý vị trong thời gian sớm nhất./.


 


-------oo0oo-------

Covang

lacomau
Việt Cộng đối ngoại thì nhu nhược, bán nước,
đối nội thì tàn ác và hà khắc với nhân dân.


Những hình ảnh đẹp của Cộng Đồng Việt Nam

ucchau
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

Covang

CoVang

ucchau
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

congdong

congdong

congdong

congdong

congdong

covang
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

covang
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

 

ThacBanGioc
Thác Bản Giốc đẹp đẽ của đất nước Việt Nam yêu dấu.

Home Page Vietlist.us


bottom