tittle

bottom

Vietnam

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

Trang Thời Sự dùng đăng tải những bài viết những tin tức có tính cách thời sự. Chúng tôi sẽ đăng tải nếu bài viết thích hợp với lập trường của người Việt Quốc Gia. Xin quý vị gởi bài cho chúng tôi qua email: vietlist09@yahoo.com. Kính chúc quý độc giả vui khỏe.

-------oo0oo-------

Vietlist nhận được bài viết sau đây gởi từ luật sư Hoàng Duy Hùng. Bài viết có nhiều ý tưởng mới mẻ, táo bạo. Xin được đăng tải một cách dè dặt cho rộng đường dư luận.

Cách Mạng Trắng Cho Việt Nam

Hoàng Duy Hùng

Ngày 7/7/10, Thủ Tướng CSVN tiếp đón Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ James Webb tại Hà Nội. TNS James Webb là Chủ Tịch của Ủy Ban Đông Á Thái Bình Dương, một bộ phận của Ủy Ban Thượng Viện Về Ngoại Giao (Chairman of the East Asia-Pacific Sub-Committee under the US Senate Committee on Foreign Relation). TNS tuyên bố Hoa Kỳ sẵn sàng giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề liên quan đến Sông Mekong. Ai cũng biết Trung Quốc xây dựng hơn một chục con đập ở thượng nguồn Sông Mekong như một hình thức khống chế địa thế của Việt Nam để rồi gây ra nhiều vấn nạn từ môi sinh đến chính trị. TNS Webb cũng nói mối tương quan hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ là để bảo về an ninh khu vực, đặc biệt là Biển Đông. Đáp lời, ông Nguyễn Tấn Dũng ca ngợi bang giao của 2 nước trong 15 năm qua, bày tỏ lòng mong ước tiếp đón Bộ Trưởng Ngoại Giao Hilary Clinton vào cuối tháng 7 trong Diễn Đàn Khu Vực ASEAN (ASEAN Regional Forum) cũng như nếu có thể thì tiếp đón Tổng Thống Barrack Obama trong Hội Nghị Thượng Đỉnh Hoa Kỳ & Asean được tổ chức tại Hà Nội vào cuối năm 2010.

Hội Nghị Bộ Trưởng Ngoại Giao ASEAN lần thứ 43 được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 19 - 23 tháng 7 năm 2010. Đại diện của 10 nước thành viên ASEAN bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Singapore, và Việt Nam tham dự lễ khai mạc. Nhân cơ hội này cũng sẽ có Diễn Đàn Khu Vực ASEAN, trong diễn đàn này có sự tham dự của Bộ Trưởng Ngoại Giao của Hoa Kỳ là bà Hilary Clinton. Trước khi đến Việt Nam, Ngoại Trưởng Hilary Clinton đến Pakistan, Afghanistan và Nam Hàn.

Năm nay đánh dấu 15 năm CSVN gia nhập ASEAN cũng như 15 năm CSVN bang giao với Hoa Kỳ. Hà Nội tổ chức Hội Nghị như một chỉ dấu quan trọng cho thấy sự chuyển mình của CSVN vào dòng sinh hoạt chính trường quốc tế. Các thế lực quốc tế muốn ASEAN là một lực đối trọng với sự lớn mạnh của Trung Quốc, và vì địa thế của Việt Nam, Việt Nam đóng vai trò then chốt và chủ động trong khối này.

Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đến làm lễ chính thức khai mạc Hội Nghị vào lúc 9:30 sáng thứ Ba ngày 20/7 tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia. Ông phát biểu: “Việt Nam là một bộ phận không tách rời của gia đình ASEAN và chủ trương tham gia hợp tác ASEAN với phương châm 'chủ động, tích cực, và có trách nhiệm,' góp phần xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ, vững mạnh và là hạt nhân trong cấu trúc mới đang định hình ở khu vực.” Sau buổi khai mạc, các bộ trưởng vào phòng họp kín. Ngoại Trưởng Hilary Clinton có sự gặp gỡ riêng với lãnh đạo CSVN, bề ngoài thì nói rằng để bàn đến mậu dịch giữa hai nước, nhưng ai cũng đoán biết bên trong chương trình nghị sự là tình hình Biển Đông, việc Hoa Kỳ huấn luyện quân đội cho CSVN trước áp lực ngày một nặng nề của Trung Quốc, và việc Hoa Kỳ bán những vũ khí tối tân cho CSVN trước sự theo dõi chặt chẽ của Trung Quốc. Trong phiên họp kín này, đây là cơ hội để Ngoại Trưởng Hilary Clinton đề cập đến vấn đề nhân quyền một cách khéo léo mà không làm bẽ mặt CSVN.

Chuyến viếng thăm của Ngoại Trưởng Hilary Clinton đến Hà Nội làm tôi liên tưởng đến chuyến viếng thăm của Thủ Tướng Singapore Lý Hiền Long đến Houston vào ngày 12/7/2010. Asia Society hợp tác với Greater Houston Partnership tổ chức một buổi tiếp đón long trọng Thủ Tướng Lý Hiển Long tại khách sạn sang trọng Hyatt. Tôi được hân hạnh tham dự buổi hội luận này, ngồi cùng bàn với các vị Tổng Lãnh Sự của Nhật, Nam Hàn, Nam Dương, Ấn Độ, v.v. Đề tài bàn thảo là Viễn Đông Trong Thế Kỷ Tới (Far East In The Next Century). Nội dung bài nói chuyện của Thủ Tướng Lý Hiển Long nói đến sự phát triển của thế giới và đặc biệt là Viễn Đông trong 100 năm tới.

Theo ông, thế kỷ tới là thế kỷ của Châu Á và Viễn Đông đóng một vai trò rất quan trọng. Ông cho rằng trong tương lai sự cạnh tranh về kinh tế giữa các quốc gia sẽ có cường độ mạnh hơn cả sự cạnh tranh chính trị và quân sự. Về kinh tế, ai đã mở hàng trước thì có lợi điểm hơn, khách hàng quen thuộc nên sự thành công dễ dàng hơn. Ông cho rằng hiện nay có “Four Great P” gồm có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, và Brazil (Ba Tây). (Tôi chưa kịp nghe rõ P ở đây là Pacific hay là Partners. Tôi nghĩ Partners thì chính xác hơn vì ông nói đến sự cạnh tranh trong đối tác hơn là cạnh tranh trong kẻ thù tiêu diệt lẫn nhau.) Nhưng ông nhận định trong thế kỷ tới sẽ có 8 P và nếu quốc gia nào có lãnh đạo giỏi thì sẽ là thành viên mới.

Tôi ngó sang bên cạnh thì thấy các Tổng Lãnh Sự Nhật, Nam Hàn, Ấn Độ và Nam Dương ghi chép vào sổ tay những điểm quan trọng mà Thủ Tướng Lý Hiển Long trình bày, mặt người nào người nấy đăm chiêu suy nghĩ. Tôi băn khoăn vô cùng vì thấy “người ta” bàn luận và đặt những kế hoạch cho quốc gia của họ cả hàng trăm năm sau, còn chúng ta, chúng ta loay hoay ba cái chuyện cỏn con trong Cộng Đồng không xong thì làm sao mà đòi đưa đất nước đến hùng cường? Đang băn khoăn thì tôi lại nghe Thủ Tướng Lý Long Hiển nói dân tộc nào mà đoàn kết thì có cơ hội đưa đến sự thành công hơn, dân tộc nào mà sự phân hóa nặng nề, càng kéo dài bao nhiêu thì càng thất bại bấy nhiêu.
Và ông cho rằng đó là lý do tại sao Trung Quốc và Đài Loan, dầu có sự khác biết về ý thức và hệ thống chính trị, các vị lãnh đạo của họ đã và đang tìm cách bước qua sự ngăn cách đó như Tổng Bí Thư Trung Hoa Quốc Dân Đảng đã từ Đài Loan về Trung Quốc tạo gạch nối cho sự đối thoại và hài hòa, và đó là lý do tại sao Đài Loan là một trong những quốc gia đứng hàng đầu trong việc đầu tư vào Trung Quốc. Ý thức hệ Quốc Gia hoặc Cộng Sản đã bị phai mờ trước quyền lợi chung của dân tộc Trung Hoa. Với tinh thần mã thượng đầy dân tộc tính này, Trung Quốc đã và sẽ là siêu cường của thế giới. Trung Quốc rất thích những quốc gia khác như Việt Nam, càng có xung đột ý thức hệ chính trị và phân hóa trầm trọng thì Trung Quốc càng có cơ hội thành công.

Sau khi tham dự buổi hội luận với Thủ Tướng Lý Hiển Long, lòng tôi nặng trĩu vì trong nước thì chưa có tự do dân chủ thật sự, và ở ngoài này thì sự phân hóa trầm trọng như tương tàu. Tôi gặp gỡ một vài vị dân cử trong Thành Phố đề nghị Thành Phố nên gởi một văn thư cho Ngoại Trưởng Hilary Clinton khi đến Việt Nam nhắc nhở đến việc trả tự do cho các nhà đấu tranh dân chủ cũng như CSVN hãy tôn trọng nhân quyền mở ra cho người dân được tự do ngôn luận hơn. Tôi hỏi họ tại sao thập niên qua và nhất là gần đây Hoa Kỳ chú tâm đến Việt Nam rất nhiều, điển hình như chuyến đi của TNS James Webb và bà Hilary Clinton, nhưng sao Hoa Kỳ lại không làm áp lực mạnh hơn về vấn đề nhân quyền như sự mong mỏi của những người Mỹ gốc Việt? Những vị này nói với tôi đây không phải là việc của thành phố, nhưng họ tin rằng Hoa Kỳ đang hỗ trợ cho Cách Mạng Trắng tại Việt Nam. Tôi mở mắt tròn xoe thì được góp ý như sau: “Ông có nghe câu châm ngôn của Hoa Kỳ đó là 'nếu không thắng được họ thì hãy nhập với bọn họ' chưa? (If you cannot beat them, join them). Mới nghe qua thì tưởng là đầu hàng nhưng không phải vậy, đó là nương theo chiều gió để thắng kẻ thù.”

Họ cho tôi một thí dụ cụ thể: Người da đen bị người da trắng sang tận châu Phi bắt về đây làm nô lệ. Đã hơn vài trăm năm người da đen làm nô lệ khổ sở trăm bề. Các vị sáng lập nên nước Hoa Kỳ này viết Tuyên Ngôn Độc Lập như Thomas Jefferson xác định nhân quyền là đặc ân cơ bản Thượng Đế ban cho con người nhưng họ vẫn giữ người da đen làm nô lệ cho họ mãi cho đến thời Tổng Thống Abraham Lincoln!! Nhiều nhóm da đen đã nổi loạn và đã không thành công. Họ đã bị bắt, bị tra tấn đánh đập hoặc bị giết chết cách dã man. Thời gian đó, trong lòng mỗi người da đen đều muốn nổi loạn (revolt) nhưng họ không nổi loạn nổi. Ước muốn là một chuyện, làm được hay không là chuyện khác.

Không nổi loạn nổi, dần dà người da đen học bài học là phải nương theo chiều gió, họ nhập vào hệ thống sinh hoạt chính trị của người da trắng, họ phát động Phong Trào Đấu Tranh Nhân Quyền (Civil Rights Movement) mà Martin Luther King là lãnh tụ của họ. Họ thành công, bây giờ người da đen có mặt trong chính quyền Hoa Kỳ từ hạ tầng cho đến thượng tầng và ngôi vị cao cả nhất là Tổng Thống đã ở trong tay họ. Người da đen hiện nay trở thành một thế lực chính trị mà ai ai cũng phải kiêng nể. Đây chính là Cách Mạng Trắng, nghĩa là nhập cuộc để biến sức mạnh của người thành của ta.

Một chính khách lão luyện của Đảng Cộng Hòa góp ý với tôi: Việt Nam hãy học bài học Cách Mạng Trắng của Mông Cổ thì cơ hội thành công mới cao. Nếu không đi con đường Cách Mạng Trắng này, những người yêu nước dễ bị nhà cầm quyền trù dập, sát hại, hoặc họ chỉ đứng bên lề lịch sử mà thôi. Lực Lượng Dân Chủ của Việt Nam còn rất yếu, cần phải bảo toàn lực lượng để khi chín mùi thì họ góp sức đưa Việt Nam đi lên. Nhưng, trước khi nói đến đấu tranh cho dân chủ, người Việt cần phải hiểu dân chủ là gì cái đã. Dân Chủ không phải là một chủ thuyết, nó là một tập quán sinh hoạt trong đó nguyên tắc đa số thăng thiểu số. Để cho tập quán này lớn mạnh và trưởng thành đòi hỏi nhiều yếu tố. Đa đảng chỉ là một yếu tố mà thối vì đa đảng như ở Campuchia bây giờ không phải là dân chủ mà nhiều khi còn là hỗn loạn.

Tự do ngôn luận là linh hồn của dân chủ nhưng hồn mà không có xác thì là hồn ma. Không phải tự do thì muốn làm gì thì làm. Bây giờ vào phi trường mà hô hoán dỡn chơi “có bom có bom” thì bị bắt đi tù ngay. Tự Do phải có giới hạn. Để hiểu và thi hành điều này cần có sự tự trọng và dân trí cao. Dân trí và sự tự trọng được nuôi dưỡng trong một xã hội có các cơ chế dân sự (civil institutions) như hệ thống học đường và các tổ chức vô vị lợi vững mạnh. Một quốc gia có nền dân chủ thật sư gồm có đa đảng chính trị, tự do ngôn luận, dân trí cao, và cơ chế dân sự vững mạnh. Thiếu một trong những yếu tố trên thì dân chủ bị khập khểnh. Hiểu được như vậy rồi thì ai có khiếu về chính trị thì đấu tranh chính trị, ai có khiếu về kinh tế thì làm kinh tế, ai có khiếu về truyền thông thì làm truyền thông. Đừng thấy người khác làm không giống mình mà chỉ trích đâm thọt thì đó là bào mòn dân chủ. Hiện giờ Việt Nam chưa có đa đảng và tự do ngôn luận thì hãy khéo léo đấu tranh dân chủ ở các mặt khác để từng bước một làm cho ĐCSVN phải chấp nhận những yếu tố đó.

Cuộc Cách Mạng Trắng của Mông Cổ được thế giới gọi là The Peaceful Democratic Revolution. Từ năm 1921, Đảng Cộng Sản Mông Cổ (Mongolian People's Revolutionary Party, viết tắt là MPRP) nắm quyền ở nước này. Sau khi Cộng Sản sụp đổ ở Đông Âu, một nhóm người trẻ tụ tập ở Trung Tâm Văn Hóa Giới Trẻ và sau này ở Bảo Tàng Viện Lenin tại Thủ Đô Ulan Bator yêu cầu nhà cầm quyền Cộng Sản tại nơi này thay đổi. Con số tham dự biểu tình lúc đầu chỉ khoảng 100, sau đó tăng dần lên vài ngàn người. Lãnh đạo của những cuộc biểu tình tự phát này bắt đầu bắt tay nhau để thành lập đảng đối lập. Ngày 9 tháng 3/1990, chính phủ do Đảng Cộng Sản Mông Cổ lãnh đạo tuyên bố chấp thuận tổng tuyển cử vào tháng 7 năm đó. Cuộc tổng tuyển cử tháng 7 đến, phe đối lập không đủ tiền, đủ người, đủ người lãnh đạo nên chỉ có một số người được bầu vào Quốc Hội. Đương nhiên có những người lên tiếng cho rằng cuộc bầu cử có những gian lận. Hoa Kỳ vẫn công nhận kết quả của cuộc bầu cử. Đảng Cộng Sản Mông Cổ tiếp tục cầm quyền với tư cách độc đảng.

Nhưng đến cuộc bầu cử năm 1993, ông Punsalmăgin. Orchibat của phe đối lập được bầu làm Tổng Thống. Ông Orchibat sinh ngày 23/1/1942, là một đảng viên Đảng Cộng Sản Mông Cổ. Ông được cử sang du học tại St. Petersburg nước Nga, theo học ngành kỹ sư hầm mỏ. Trở về nước, ông từng giữ những chức vụ quan trọng trong chính phủ do Đảng Cộng Sản Mông Cổ lãnh đạo. Tháng 7 năm 1990, ông được Đảng Cộng Sản Mông Cổ đề cử tranh cử chức Tổng Thống và ông được đắc cử. Ông là Tổng Thống đầu tiên của Mông Cổ do dân bầu. Tháng 7 năm 1993, Đảng Cộng Sản Mông có một số bất đồng với ông, họ đề cử ông L. Tudev, chủ nhiệm báo Unen của Đảng, ra tranh cử chức vụ này. Ông Orchibat liền được hai đảng đối lập là Đảng Dân Chủ Quốc Gia (National Democratic Party) và Đảng Dân Chủ Xã Hội (Social Democratic Party) mời ra tranh cử cho họ. Ông Orchibat đắc cử với 58% tổng số phiếu.

Sau khi ông Orchibat đắc cử Tổng Thống với tư cách ở đảng đối lập và dầu Quốc Hội hoàn toàn ở trong tay Đảng Cộng Sản, ông lèo lái để cho các đảng đối lập có cơ hội lớn mạnh và nhanh hơn. Năm 1996, phe đối lập thắng đa số, họ lập tức đổi Hiến Pháp, Quốc Kỳ, Quốc Ca, và màu đỏ của Đảng Cộng Sản cũng dần dần biến mất. Hiện nay, Mông Cổ có nhiều Đảng, Đảng Cộng Sản cũng sinh hoạt như một trong các chính đảng đối lập. Tổng Thống đương nhiệm của Mông Cổ là ông Tsakhiagìn Elbegdori, 47 tuổi, thuộc Đảng Dân Chủ.

Người Mông Cổ đã nhập cuộc vào cơ chế cầm quyền của Đảng Cộng Sản để rồi làm Cách Mạng Trắng từng bước một thay đổi bộ diện đất nước của họ không còn màu đỏ của Cộng Sản mà không tốn giọt máu.!! Chính những người từng là cán bộ cao cấp của Cộng Sản lại nhìn ra được vấn đề, nhờ phe đối lập đoàn kết, những người này đã đứng về phe đối lập tạo sự biến chuyển nhanh chóng.

Khi bàn đến chuyện Cuộc Cách Mạng Trắng của Mông Cổ và những đảng viên Cộng Sản nhảy sang phía đối lập, tôi nhớ lại những buổi thẩm cung của tôi khi tôi còn ở trong tù CSVN năm 1992 & 1993. Khi ấy, công an chấp pháp thụ lý hồ sơ của tôi là Thiếu Tá Nguyễn Văn Chánh và trại trưởng trại tù P.A 24 là Thượng Tá Nguyễn Hải Phận. Trong những buổi hỏi cung, tôi đánh động lòng ông Chánh: “Tôi là một thanh niên từ Mỹ về, tôi đã có đầy đủ, tôi chỉ muốn dân chúng mình có dân chủ tự do và đất nước mình hùng mạnh. Trước năm 1975, Sài Gòn là Hòn Ngọc Viễn Đông hơn xa Thái Lan và Mã Lai. Nhưng bây giờ dưới chế độ Cộng Sản thì Việt Nam thua rất xa những quốc gia đó.” Có một lần ông Chánh nói với tôi: “Anh Hùng à, tôi tin rằng đã là người Việt thì ai cũng yêu nước. Như anh, chúng tôi cũng muốn cho dân giàu nước mạnh. Nhưng dân chủ như thế nào đây? Các anh là những người hoạt động, nhất là người ở nước ngoài, các anh không có bị mất mát bao nhiêu. Nhưng chúng tôi ở trong này, chúng tôi mà không khéo thì mất tất cả. Tù đày thì cũng không sao, nhưng vợ con gia đình dòng họ thì không biết hệ quả sẽ như thế nào. Chúng tôi rất trọng những người đấu tranh thật như anh, lòng chúng tôi rất nể trọng các anh. Nhưng các anh cũng phải nghĩ cho những người như chúng tôi.” Thượng Tá Nguyễn Hải Phận nói riêng với tôi: “Ở trong Đảng Cộng Sản có rất nhiều người muốn thay đổi nhưng bên phía Quốc Gia cũng không đoàn kết, đầy sự nghi kỵ và quá khích nên chúng tôi không còn con đường nào là phải theo Đảng để mà bản thân và gia đình được yên thân.” Sau khi tôi được trả tự do được vài tháng thì Thiếu Tá Chánh qua đời vì tai nạn xe cách rất khó hiểu và ông Thượng Tá Nguyễn Hải Phận cũng bị mất chức luôn.

Lời Kết:

Người bạn Đảng Cộng Hòa tiếp tục góp ý với tôi: Tôi rất trọng những người đấu tranh chống Cộng chỉ vì chống Cộng. Họ có lý tưởng. Nhưng, đấu tranh thì phải tính tới cơ hội thành công. Theo tôi, phần trăm thành công cho Lực Lượng Dân Chủ Việt Nam là Cách Mạng Trắng. Cách Mạng Trắng thì phải nhập cuộc, phải sáp lá cà và đương nhiên là phải trực diện và đối thoại. Những người từ chối đối thoại là những người mới nhìn ra một khía cạnh đấu tranh mà quên đi khía cạnh khác. Đối thoại hoặc nhập cuộc không có nghĩa là đầu hàng. Có những người chưa gặp mặt kẻ thù mà lòng chỉ muốn hưỏng lấy ân lộc của kẻ thù thì đã là đầu hàng rồi. Lương tâm của mỗi người là vị phán quan, không phải dư luận quần chúng. Do đó, nếu CSVN mở rộng Quốc Hội cho những người đối lập tranh cử, anh hãy nói với họ là hãy mạnh dạn ra tranh cử, hãy vào trong Quốc Hội. Hãy vào Quốc Hội với cả lòng yêu nước và sự trong sáng. Lúc đầu có thể phe đối lập không có tiếng nói gì trong Quốc Hội hoặc bị mang tiếng cuội hoặc bù nhìn, không sao, lòng ngay thẳng, những người đối lập cứ xoáy vào những tệ nạn tham nhũng, tranh đấu cho quyền lợi quốc dân thực sự thì dần dà những người đối lập sẽ có sức mạnh. Tôi biết có những người e sợ những sự lừa dối của Cộng Sản sẽ lập lại như họ đã từng bị ở trong Chính Phủ Liên Hiệp năm 1945, nhưng thời đại này là thời đại của điện toán, mạng lưới thông tin toàn cầu cách nhanh chóng không còn để cho ĐCSVN dễ dàng làm chuyện đó. Bài học lịch sử cần được ôn để cẩn trọng không có nghĩa là cắt tuyệt giải pháp khả thi duy nhất này. Mông Cổ đã làm được thì Việt Nam cũng làm được. Tôi quên nói một điều, những người Việt ở hải ngoại đã hưởng không khí dân chủ rồi, họ không có nhu cầu cho bản thẩn họ, họ hãy đoàn kết tạo một sức mạnh tổng hợp hỗ trợ cho những người trong nước thì Dân Chủ mới mau thành công. Theo tôi, đó là lý do tại sao có chuyến đi của TNS James Webb và Ngoại Trưởng Hilary Clinton đến Việt Nam, hỗ trợ cho Việt Nam vào dòng chính của thế giới ngăn chận áp lực của Trung Quốc nhưng cũng là hỗ trợ cho một Cách Mạng Trắng tại Việt Nam do chính dân Việt nhận thức và chọn lựa./.

Houston ngày 21/7/2010.

Hoàng Duy Hùng

 

 

-------oo0oo-------

comau
Việt Cộng đối ngoại thì nhu nhược, bán nước,
đối nội thì tàn ác và hà khắc với nhân dân.

-------oo0oo-------

Những hình ảnh đẹp của Cộng Đồng Việt Nam

ucchau
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

ucchau
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

covang
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

covang
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

 


bottom