paper

Home Page Vietlist.us   

Trang Thời Sự dùng đăng tải những bài viết những tin tức có tính cách thời sự. Chúng tôi sẽ đăng tải nếu bài viết thích hợp với lập trường của người Việt Quốc Gia. Xin quý vị gởi bài cho chúng tôi qua email: vietlist09@yahoo.com. Kính chúc quý độc giả vui khỏe.

------------oo0oo--------------


Dân biểu Cao Quang Ánh ‘khước từ’ đề nghị đối thoại của Việt Nam.

source: email from readers - Nguyễn Trung | Washington, DC

Thưa quý vị, hôm 3/5, văn phòng của dân biểu Joseph Cao (tức Cao Quang Ánh) đã phát đi một thông cáo cho biết, đại biểu gốc Việt đầu tiên trong Quốc hội Hoa Kỳ này đã khước từ đề nghị đối thoại ‘cởi mở và thẳng thắn’ từ chính phủ Việt Nam. Ông Ánh cũng nêu ra một số yêu cầu và bước đi cụ thể để Hà Nội ‘chứng tỏ thiện chí’, trước khi đồng ý tiếp xúc. Mời quý vị nghe tường thuật của Nguyễn Trung trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.

Trong bức thư hồi đáp của mình, ông Ánh yêu cầu Việt Nam ‘chứng tỏ thiện chí giải quyết những vấn đề quan tâm của cộng đồng người Mỹ gốc Việt’

‘Những người Việt quyết định đánh đổi mạng sống để rời bỏ quê hương không hề hiểu lầm về chính phủ Việt Nam’, ông Cao Quang Ánh nói.

Trong bức thư hồi đáp đề nghị của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn, dân biểu Ánh nhấn mạnh rằng ‘tiền đề cho buổi gặp gỡ nhằm giải tỏa những điều được gọi là ‘thiếu thông tin đúng đắn’ là ‘sai lầm’ và ‘không phải là khởi điểm mang tính xây dựng’’.

Văn thư trước đó của đại diện chính phủ Việt Nam gửi cho đại biểu Quốc hội Hoa Kỳ này cho biết, phái đoàn của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài dự kiến sang Hoa Kỳ và Canada để ‘gặp gỡ, tiếp xúc với cộng đồng người Việt, trong đó có cả các cá nhân, tổ chức còn thiếu thông tin đúng đắn về Việt Nam và vẫn còn mang tư tưởng hận thù cùng những lời nói, việc làm chống lại nhà nước Việt Nam’.

Lý giải cho sự khước từ của mình, ông Ánh nói trong thông cáo: ‘Những người Việt quyết định đánh đổi mạng sống để rời bỏ quê hương không hề hiểu lầm về chính phủ Việt Nam. Họ ra đi vì đã không thể sống dưới một chế độ toàn trị vốn xem thường quyền con người, tự do tôn giáo và trừng phạt những công dân can đảm lên tiếng’.
Hồi tháng Giêng, trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên trên danh nghĩa dân biểu Hoa Kỳ, ông Ánh và ông Sơn từng hội kiến về nhiều vấn đề.

Nhắc lại cuộc gặp này trong bức thư đề xuất, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam nói: ‘Trong cuộc tiếp xúc tại Hà Nội ngày 5/1/2010, Ngài đã bày tỏ tình cảm yêu mến quê hương Việt Nam, cội nguồn của Ngài và mong muốn Việt Nam trở thành một quốc gia giàu mạnh. Cũng dịp này, Ngài cũng cho rằng dù còn có những ý kiến khác nhau trên một số vấn đề nhưng chúng ta vẫn có thể đối thoại và tìm cách hợp tác vì sự phát triển của Việt Nam’.

Phát biểu với báo giới hải ngoại sau khi về nước sau chuyến công du, ông Ánh cũng từng cho biết ông ‘hãnh diện vì là một người Việt’: ‘Lúc tôi tới Việt Nam thì nói chung tâm trạng của tôi rất vui vẻ vì tôi được về tới nước Việt của bố, mẹ, và là nơi tôi đã sinh sống trong tám năm đầu tiên. Tôi hãnh diện vì tôi là một người Việt. Và nói chung, lúc tôi ngồi xuống nói chuyện với những người trong chính quyền Việt Nam với tư cách là một dân biểu của chính phủ Mỹ, đó là một điều đặc biệt, và là một lợi thế tôi đã sử dụng để nói lên các vấn đề như tự do tôn giáo, và nhân quyền’.

Trong đề nghị mới nhất, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cho hay, ông hy vọng, phía Việt Nam và ông Ánh ‘có những cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn nhằm đem lại lợi ích thiết thực, góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ nói riêng và thế giới nói chung’.

Trả lời VOA Việt Ngữ hôm 3/5, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch Nghị hội toàn quốc người Việt ở Hoa Kỳ, nhận định rằng một cuộc đối thoại giữa đại diện phía Việt Nam và cộng đồng người Việt ở hải ngoại là ‘cần thiết’, nhưng không ‘đơn giản’.

Ông Bích nói: ‘Trong quá khứ người ta cũng có một số trường hợp có người đứng ra thu xếp gặp ông Nguyễn Đình Bin (nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam), rồi cả bà Tôn Nữ Thị Ninh (nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam), nhưng mấy cái đó không mang lại kết quả. Ví dụ như ông Nguyễn Đình Bin sang đây, người ta cũng đặt ra một số vấn đề như nghĩa trang Biên Hòa hay tài sản của người Việt’.

Giáo sư này cho biết thêm: ‘Đã có những lời hứa, nhưng sau đó nó không được giữ, nên người ta bảo rằng là chúng tôi chỉ được dùng làm ‘bung xung’. Thế nên, vẫn còn một sự dè dặt trong cộng đồng hải ngoại đối với những đề nghị đối thoại như vậy’.

Trên cương vị dân biểu, ông Ánh đã nhiều lần lên tiếng thúc giục Hà Nội tôn trọng nhân quyền, tự do Internet và ngôn luận.

Ông Ánh nói trong thư trả lời Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam: ‘Tôi, giống như đa số người Mỹ gốc Việt, mong muốn một Việt Nam giàu mạnh. Chỉ là điều tự nhiên khi người ta có thiện ý đối với quê hương. Tuy nhiên, tôi tin rằng khi con người được hành xử quyền suy nghĩ cho chính mình và nói lên những điều mình nghĩ, thì mới bắt đầu có những phát kiến thực sự và một Việt Nam tự do sẽ càng hùng mạnh và thêm phồn thịnh. Trong môi trường ấy, nhiều người Mỹ gốc Việt tài giỏi sẽ hăng hái tìm cách đóng góp để làm cho Việt Nam trở thành một quốc gia tốt đẹp hơn’.

Thêm một lần nữa, dân biểu Hoa Kỳ gốc Việt kêu gọi thả tự do cho ‘các tù nhân lương tâm’ như Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung cũng như ‘cho phép các tôn giáo thực thi tín ngưỡng của họ’.

Ông Ánh ‘yêu cầu chính phủ Việt Nam chứng tỏ thiện chí giải quyết những vấn đề quan tâm của cộng đồng người Mỹ gốc Việt’ trước khi ‘bắt đầu tiến trình hàn gắn những vết thương sâu đậm đã chia cắt chúng ta và có những cuộc đối thoại cởi mở và chân thành trên những vấn đề trọng yếu về lợi ích chung’.

Trong khi ông Ánh nói ‘lời kêu gọi của ông Thứ trưởng đến với cộng đồng người Mỹ gốc Việt sẽ tiếp tục không được đón nhận cho tới khi chính phủ Việt Nam nghiêm túc trong vấn đề bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo’, Chủ tịch Nghị hội toàn quốc người Việt ở Hoa Kỳ cho rằng sẽ ‘khó khăn cử ra một người đại diện cho cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ tham gia đối thoại’.

Ông Bích nhận xét: ‘Khó khăn là vì thực sự ở bên này đâu có một định chế, một chính quyền nào đâu. Chẳng hạn, một người A có thể đứng đầu một tổ chức lớn nhưng việc ông ấy đứng đầu một tổ chức lớn cũng không thể nào đồng hóa với chuyện ông ấy đại diện cho ba triệu người hải ngoại được’.

Mới đây, trả lời riêng VOA Việt Ngữ nhân kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, ông Scot Marciel, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, nói rằng ‘Washington sẽ duy trì tiếp xúc và hợp tác’ với Hà Nội đồng thời nhấn mạnh rằng ‘hợp tác là cách tốt nhất để thúc đẩy tiến bộ ở Việt Nam’.

Thứ Tư, 05 tháng 5 2010
Nguyễn Trung | Washington, DC

-----------oo0oo------------

Tôi đã nhận văn thư của Ông Thứ Trưởng yêu cầu tôi triệu tập buổi gặp gỡ với phái đoàn của Ông nhằm xoá tan những “ngộ nhận” giữa cộng đồng người Mỹ gốc Việt và chính phủ Việt Nam. Ở thời điểm này, tôi phải từ khước.

Tiền đề cho buổi gặp gỡ nhằm giải toả những điều được gọi là “thiếu thông tin đúng đắn” là tiền đề sai lầm và chắc chắn không phải là khởi điểm mang tính cách xây dựng cho việc đối thoại. Những người Việt quyết định đánh đổi mạng sống để rời bỏ quê hương không hề hiểu lầm về chính phủ Việt Nam. Họ ra đi vì đã không thể sống dưới một chế độ toàn trị vốn xem thường quyền con người và tự do tôn giáo, và trừng phạt những công dân can đảm lên tiếng.

Lịch sử của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam hãy còn in sâu trong ký ức của nhiều người đã đau khổ vì cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu trong thập niên 1950 và gần đây hơn là chính sách “trại cải tạo”. Đó là chưa nói đến những người bất đồng chính kiến mà chính phủ của Ông tiếp tục giam cầm vì họ kêu gọi dân chủ và tự do. Người Mỹ gốc Việt đã chọn lựa không sống trong một đất nước công an trị nơi mà người dân không có tiếng nói đối với việc điều hành quốc gia. Quả vậy, phần lớn những người Việt đến đây đã quyết định trở thành công dân Hoa Kỳ chính vì Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo đảm một cách rõ ràng quyền tự quyết và tự do thiên phú của mỗi con người.

Tôi, giống như đa số người Mỹ gốc Việt, mong muốn một Việt Nam giàu mạnh. Chỉ là điều tự nhiên khi người ta có thiện ý đối với quê hương. Tuy nhiên, tôi tin rằng khi con người được hành xử quyền suy nghĩ cho chính mình và nói lên những điều mình nghĩ, thì mới bắt đầu có những phát kiến thực sự và một Việt Nam tự do sẽ càng hùng mạnh và thêm phồn thịnh. Trong môi trường ấy, nhiều người Mỹ gốc Việt tài giỏi sẽ hăng hái tìm cách đóng góp để làm cho Việt Nam trở thành một quốc gia tốt đẹp hơn.

Có một số bước mà chính phủ Việt Nam có thể thực hiện để đáp ứng những quan tâm của người Mỹ gốc Việt, bao gồm:


Đấy là những bước cụ thể và hợp lý. Là người Mỹ gốc Việt độc nhất phục vụ tại Quốc Hội, tôi nhất thiết yêu cầu chính phủ Việt Nam chứng tỏ thiện chí giải quyết những vấn đề quan tâm của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể bắt đầu tiến trình hàn gắn những vết thương sâu đậm đã chia cắt chúng ta và có những cuộc đối thoại cởi mở và chân thành trên những vấn đề trọng yếu về lợi ích chung.

Cho đến khi chính phủ Việt Nam nghiêm túc trong vấn đề bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo, lời kêu gọi của Ông Thứ Trưởng đến với cộng đồng người Mỹ gốc Việt sẽ tiếp tục không được đón nhận. Tôi trông chờ hồi âm của Ông.

Dân biểu ANH ''JOSEPH'' CAO

------------oo0oo--------------




Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội


Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội



Về Trang Gốc Vietlist    

paper