tittle

bottom


Search Vietlist.us
Search the Web



Vietnam

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

Vietnam

covang

Home Page Vietlist.us

lacomau
Việt Cộng đối ngoại thì nhu nhược, bán nước,
đối nội thì chỉ biết cướp giựt và tàn ác với nhân dân.

Trang Nạn Nhân Cộng Sản của Vietlist.us dùng để thu thập và tàng trữ tài liệu tội ác của Cộng Sản Việt Nam của từ ngày thành lập đảng đến nay. Nếu quý độc giả có tài liệu liên quan đến tội ác của Cộng Sản dù là CS Việt Nam hay CS Thế giới xin cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ tìm mọi cách chia xẽ cho mọi người cùng biết. Trân trọng.

-------------oo0oo---------------

 

TƯỞNG NIỆM TẾT MẬU-THÂN 1968

Tàn sát Tết Mậu Thân tại Huế - 1968

Trần Gia Phụng

I.- TÌNH HÌNH CHUNG

Biến cố Tết Mậu Thân (1968) được Cộng Sản Việt Nam (CSVN) gọi là "Tổng công kích, tổng khởi nghĩa" (General Offensive and General Uprising). "Tổng công kích" là một từ ngữ trong lý thuyết cách mạng cộng sản Trung Hoa, còn "tổng khởi nghĩa" là từ ngữ Việt Nam chỉ những cuộc nổi dậy chống ngoại xâm trong lịch sử, và đã được Việt Minh sử dụng để gọi việc chiếm chính quyền của họ vào năm 1945.

Dầu chịu ảnh hưởng lý thuyết lấy nông thôn bao vây thành thị của Mao Trạch Đông (1893-1976), nhưng trước tình hình biến chuyển mau lẹ vào giữa thập niên 60 ở Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tức Nam Việt, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) tức Bắc Việt muốn đốt giai đoạn, thay đổi chiến thuật, quyết tổng công kích, tổng khởi nghĩa ở các thành phố miền Nam, để thực hiện những tính toán chiến lược trong công cuộc xâm lăng miền Nam..

Việc Nikita Khrushchev (1894-1971) bị đảo chánh ở Liên Xô ngày 15-10-1964 là một biến cố rất thuận lợi cho VNDCCH. Khrushchev chủ trương hòa dịu với các nước tây phương và sống chung hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau. Chính phủ Liên Xô dưới thời Khrushchev, vào đầu năm 1957, đã đưa ra đề nghị hai miền Bắc và Nam Việt Nam cùng vào Liên Hiệp Quốc như hai nước riêng biệt, nhưng bị nhà cầm quyền VNDCCH quyết liệt phản đối.

Trong khi đó, VNDCCH quyết dùng võ lực để xâm chiếm VNCH. Khi biến cố Maddox xảy ra trong vịnh Bắc Việt vào tháng 8-1964, Hoa Kỳ leo thang chiến tranh, oanh tạc Bắc Việt.(1) Ban lãnh đạo mới của Liên Xô gồm tam đầu chế Leonid Brezhnev (1906-1982), Alexei Kosygin (1904-1980) và Nicolay Podgorny (1903-1983) muốn lôi kéo Bắc Việt về phía mình trong cuộc tranh chấp giữa Liên Xô và Trung Hoa, liền tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ Bắc Việt trong trường hợp Bắc Việt bị Hoa Kỳ tấn công. Tháng 2-1965, thủ tướng Liên Xô Kosygin viếng thăm Hà Nội.

Để đáp lễ và tiếp tục cuộc thương thảo, tháng 4-1965, Lê Duẩn (1907-1986), bí thư thứ nhất đảng Lao Động Việt Nam (LĐVN) cầm đầu phái đoàn sang Moscow. Trong dịp nầy, một thỏa ước viện trợ đã được ký kết; đồng thời Liên Xô đồng ý cho một tổ chức do đảng LĐVN lập ra để điều khiển chiến tranh ở miền Nam là Mặt trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) đặt văn phòng liên lạc tại Moscow.(2)

Tuy chưa chính thức thừa nhận về mặt ngoại giao theo công pháp quốc tế, nhưng việc Liên Xô chấp thuận cho MTDTGPMNVN đặt văn phòng liên lạc tại Moscow, có nghĩa là Liên Xô xác nhận sự hiện diện của mặt trận nầy tại miền Nam Việt Nam, khởi đầu cho việc tăng cường viện trợ quân sự cho Bắc Việt cũng như MTDTGPMNVN theo chủ trương can thiệp mới của Liên Xô, mà sau nầy các nước Tây phương gọi là chủ thuyết Brezhnev. Từ đó, vũ khí Liên Xô được đưa vào chiến trường miền Nam để trang bị cho lực lượng cộng sản. Nhiều quan sát viên ghi nhận rằng các loại vũ khí nầy tối tân hơn các loại vũ khí còn sót lại sau thế chiến thứ hai (1939-1945), mà Hoa Kỳ trang bị cho quân lực VNCH cho đến năm 1968.

Về phía VNCH, từ cuối năm 1963, tình hình chính trị xáo trộn mạnh sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm (1901-1963) bị sát hại ngày 2-11-1963, cùng với sự hủy bỏ luôn hiến pháp ngày 26-10-1956 do tổng thống Diệm ban hành. Điều nầy gây ảnh hưởng chính trị tai hại là chấm dứt tính cách hợp hiến hợp pháp liên tục của chính quyền dân sự, tức nền Đệ nhất Cộng Hòa, ở miền Nam Việt Nam từ khi đất nước bị chia hai sau 1954, và gây khoảng trống hiến pháp, đưa đến nhiều rối loạn về chính trị do sự cầm quyền của giới quân sự, vì giới nầy không phải do dân chúng bầu ra, nên không thể đại diện cho dân chúng được.

Các tướng lãnh lật đổ ông Diệm lại không đủ khả năng quản lý đất nước, làm cho chính sự càng ngày càng rối ren. Trung tướng Dương Văn Minh (1916-2001) cầm quyền chẳng được bao lâu thì bị trung tướng Nguyễn Khánh thay thế ngày 29-1-1964. Ông Khánh gặp nhiều chống đối, nhất là từ sau khi ông tuyên bố Hiến chương ngày 16-8-1964, thường được gọi là Hiến chương Vũng Tàu. Những cuộc biểu tình dữ dội, nhất là của giới Phật giáo, khiến ông Khánh phải hủy bỏ hiến chương nầy ngày 25-8-1964. Những âm mưu đảo chánh liên tiếp diễn ra, trong đó quan trọng nhất là ngày 13-9-1964, tướng Lâm Văn Phát và tướng Dương Văn Đức đem quân về thủ đô Sài Gòn "biểu dương lực lượng" rồi rút lui, và ngày 19-2-1965, tướng Lâm Văn Phát và đại tá Phạm Ngọc Thảo (?-1965) đảo chánh, nhưng bị dẹp yên ngay.

Trong thời gian nầy, biểu tình xảy ra liên tục trên toàn quốc do các phe phái chính trị, các phong trào đòi hỏi hòa bình, và nhất là các giáo phái tổ chức. Bàn thờ Phật cũng được đưa "xuống đường" tại các thành phố lớn ở miền Trung như Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn vào tháng 6-1966.

Tình hình chính trị ổn định lại dần dần với việc bầu cử Quốc hội Lập hiến ngày 11-9-1966. Bản hiến pháp mới được ban hành ngày 1-4-1967, hình thành nền Đệ nhị Cộng Hòa. Cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên nền Đệ nhị Cộng Hòa ngày 3-9-1967 đưa đến việc liên danh các tướng Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ đắc cử tổng thống và phó tổng thống, chấm dứt giai đoạn khủng hoảng chính trị kéo dài từ sau ngày tổng thống Diệm bị sát hại, nhưng lại đưa đến sự chuyên chính của giới quân nhân.

Điều làm cho Bắc Việt bất ngờ nhất là sau biến cố chiến hạm Maddox bị tấn công ở vịnh Bắc Việt hai ngày 2 và 4-8-1964, lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ đưa ra "Quyết nghị vịnh Bắc Việt" (The Gulf of Tonkin Resolution) ngày 7-8-1964 hoàn toàn ủng hộ tổng thống Lyndon Johnson (1908-1973) trong việc mở rộng chiến tranh Việt Nam.

Từ đó, Hoa Kỳ đưa quân tham chiến trực tiếp vào Việt Nam, và quân số Hoa Kỳ tăng gia nhanh chóng, từ khoảng trên 20,000 cố vấn và chuyên viên cuối năm 1964, lên đến 486,000 quân cuối năm 1967.(3) Đó là chưa kể quân số của các nước Đồng minh như Đại Hàn, Phi Luật Tân, Thái Lan, Úc Đại Lợi lên đến vài chục ngàn người. Về phía VNCH, quân số cũng gia tăng nhanh chóng để đáp ứng tình hình chiến sự càng ngày càng gia tăng.(4) Chiến tranh lan rộng ra Bắc với những phi vụ oanh tạc các cơ sở quân sự, những trục lộ giao thông quan trọng, kể cả những thành phố lớn. Nhà cầm quyền Bắc Việt rất lo ngại quân đội Hoa Kỳ và VNCH đổ bộ vùng bờ biển hoặc tấn công Hà Nội. Một thủ đô bí mật được thiết lập đâu đó trong vùng rừng núi Bắc Việt để sử dụng trong trường hợp Hà Nội và những trọng điểm Bắc Việt bị không quân tấn công hoặc tiêu hủy.(5)

Ở trong Nam, lợi dụng sự bất ổn chính trị của VNCH kéo dài từ sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ năm 1963 cho đến 1966, MTDTGPMNVN đã phát triển mạnh mẽ được một thời gian. Khi VNCH trên đường ổn định trở lại dần dần từ khi Hoa Kỳ đưa quân tham gia trực tiếp chiến tranh Việt Nam, nhất là từ khi bầu cử Quốc hội Lập hiến năm 1966, MTDTGPMNVN bị suy thoái trở lại.

Một hiện tượng xã hội ít được chú ý là do chiến tranh càng ngày càng gia tăng cường độ, vùng nông thôn xôi đậu bất ổn, nên mỗi năm có khoảng từ 500,000 đến 1 triệu dân nông thôn tránh bom đạn, bỏ ra thành thị tỵ nạn, sinh sống dưới sự kiểm soát của chính quyền VNCH (Don Oberdorfer, sđd.53). Điều nầy về lâu về dài gây nhiều thiệt hại cho du kích cộng sản. Cộng sản không có dân chúng để trà trộn trốn tránh, cũng không có dân chúng để tiếp tế nuôi ăn, lại thiếu thanh thiếu niên để bắt lính, và một số cán binh cộng sản bỏ về thành theo gia đình hoặc quy thuận chính phủ Quốc gia theo chính sách chiêu hồi, làm cho bộ đội du kích cộng sản càng ngày càng hao hụt.

Lúc đó, giới lãnh đạo Bắc Việt nhận định rằng sau ba năm xáo trộn, với nhiều cuộc biểu tình khắp các thành phố miền Nam, tình hình đủ chín mùi để có thể kêu gọi dân chúng tổng khởi nghĩa như tháng 8-1945 ở Hà Nội. Nếu để chính quyền VNCH ổn cố trở lại, thì càng ngày càng bất lợi cho MTDTGPMNVN, cho nên Bắc Việt quyết định tổ chức tổng công kích, bất ngờ đánh chiếm các thành thị miền Nam, rồi kêu gọi dân chúng nổi lên tổng khởi nghĩa.

Cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa do cộng sản Hà Nội chủ trương nhắm các mục đích sau:

* Chiếm chính quyền, phá huỷ hệ thống chính quyền VNCH, tạo bất ổn khó khăn cho VNCH.

* Trực diện đối đầu với Hoa Kỳ, CSVN ước tính khó có thể thắng được quân đội Hoa Kỳ, trang bị vũ khí tối tân và hùng hậu hơn quân đội Pháp trước đây rất nhiều. Do đó, CSVN cần gây tiếng vang lớn trên thế giới và tại Hoa Kỳ, để lung lạc và làm chia rẽ dân chúng Hoa Kỳ. Năm 1968 là năm tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, tình hình chính trị Hoa Kỳ rất nhạy cảm. Dân chúng Hoa Kỳ bị kích động vì cuộc tổng công kích, sẽ đẩy mạnh phong trào hòa bình và phản chiến tại Hoa Kỳ. Một khi hậu phương Hoa Kỳ bất ổn thì quân sĩ Hoa Kỳ ở tiền tuyến sẽ giảm ý chí chiến đấu. Chỉ có thế mới mong Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam.

* Sửa soạn một thế mạnh để nói chuyện trên bàn hội nghị, vì lúc đó các dàn xếp quốc tế đã sẵn sàng cho cuộc hòa đàm giữa các bên lâm chiến. (Trên thực tế, cuộc hòa đàm bắt đầu vào tháng 5-1968.)

* Đưa chiến tranh vào thành phố sẽ làm cho dân nông thôn chạy ra thành thị quay trở về nông thôn, vì từ nay thành thị cũng bị tấn công mất an ninh như nông thôn, đồng thời chận đứng làn sóng dân chúng di chuyển từ nông thôn ra thành thị, gỡ rối cho hạ tầng cơ sở ở nông thôn của MTDTGPMNVN;

* Chận đứng việc hồi chánh của một số phần tử trong MTDTGPMNVN, vốn không phải là đảng viên cộng sản, mà chỉ là những người bất mãn với chế độ Ngô Đình Diệm, muốn quay trở lại với VNCH khi ông Diệm bị lật đổ. Ngay sau biến cố ngày 2-11-1963, đáng lẽ những người nầy tìm về phía VNCH, nhưng vì Sài Gòn bị xáo trộn liên tục, làm gián đoạn các đường liên lạc, khiến họ chưa hồi chánh kịp.

* Nếu cuộc tổng công kích thất bại, và chủ lực của MTDTGPMNVN bị tiêu diệt, đối với đảng LĐ ở Hà Nội cũng là điều rất có lợi, vì lý do sau đây: Khi mới thành lập, MTDTGPMNVN gồm đa số là đảng viên cộng sản miền Nam và những người bất mãn chế độ miền Nam bỏ theo Mặt trận. Đảng LĐ ngoài Bắc không mấy tin tưởng va không kiểm soát được cả hai thành phần nầy. Nếu chủ lực MTDTGPMNVN bị VNCH tiêu diệt, thì đây sẽ là cơ hội tốt để đảng LĐ gởi người từ miền Bắc vào thay thế, nắm gọn và điều khiển hẳn toàn bộ MTDTGPMNVN, mà không bị tranh chấp nội bộ gay go.(6)

Với những tính toán trên, dầu cuộc tổng công kích thắng hay bại, đàng nào đảng LĐ ở Hà Nội cũng đều có lợi, nên họ đã không ngần ngại hy sinh lá bài MTDTGPMNVN trong mưu đồ thôn tính VNCH. (Về sau, ngay khi cưỡng chiếm được miền Nam năm 1975, Hà Nội liền loại bỏ ngay nhóm lãnh đạo MTDTGPMNVN và giải thể Mặt trận nầy một năm sau đó.)

II.- NHỮNG BIẾN CHUYỂN TRƯỚC TẾT MẬU THÂN

Vào đầu tháng 7-1967, tại Hà Nội, các cuộc họp quan trọng của Bộ chính trị và Quân uỷ Trung ương đảng LĐ, đã duyệt y kế hoạch phát động cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa vào dịp Tết Mậu Thân (1968) (Don Oberdorfer, sđd.54). Trong thời gian nầy, tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967) chết ngày 6-7-1967, Võ Nguyên Giáp thay Nguyễn Chí Thanh tiếp tục thảo kế hoạch tấn công. Phạm Hùng (1912-1988) được gởi vào Nam để thay thế Nguyễn Chí Thanh, giữ chức bí thư Trung ương cục miền Nam, điều khiển cuộc chiến.(7)

Tại Bắc Việt, giữa năm 1967, đảng LĐ ra tay lần chót, lần lượt bắt giam tất cả những thành phần theo chủ trương hòa dịu giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau của Khrushchev, tức những thành phần không đồng ý với cuộc chiến tranh xâm lăng miền Nam. Lãnh đạo đảng LĐ lúc đó gán cho họ tội danh là thành phần "xét lại", âm mưu "chống đảng". Đó là các ông Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, và khoảng 40 nhân vật khác, trong đó có cả trí thức, văn nghệ sĩ.

Nhân dịp lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười Liên Xô, Lê Duẩn, bí thư thứ nhất đảng LĐ, cùng hai uỷ viên Bộ chính trị là Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng Quốc phòng và Nguyễn Duy Trinh, bộ trưởng Ngoại giao lên đường vào cuối tháng 10-1967 qua Moscow dự lễ. Trên đường đi, phái đoàn nầy đã ghé qua Bắc Kinh xin quân viện, trình bày kế hoạch mới theo quyết định của Bộ chính trị VNDCCH vào tháng 7, đã được Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH) hứa gởi qua Bắc Việt 300,000 lính phòng không và công binh,(Chính Đạo, Mậu Thân, sđd. tr. 32.) cung cấp hoả tiễn 107 ly, 240 ly, quân dụng, lương khô, thuốc men. Tại Moscow, Liên Xô chấp thuận cho Bắc Việt thêm đại bác 130 ly, chiến xa T54, phản lực cơ Mig 21 và các loại vũ khí nặng khác.(8) Cũng trong dịp nầy, để chứng tỏ một lần nữa tình thân thiện Xô Việt, những nhà lãnh đạo Xô Viết quyết định tặng Hồ Chí Minh huân chương Lenin.(9)

Từ khi chiến tranh Việt Nam mở rộng, Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam, dùng không quân tấn công Bắc Việt, nhiều chiến dịch ngoại giao khắp nơi trên thế giới tìm cách chấm dứt tranh chấp. Vào năm 1967, Bắc Việt cho biết chỉ thương thuyết khi Hoa Kỳ ngưng ném bom vô điều kiện Bắc Việt. Hoa Kỳ trả lời sẵn sàng ngưng ném bom với điều kiện Bắc Việt không được lợi dụng thời gian ngưng ném bom để xâm nhập quân đội vào miền Nam Việt Nam.

Trong khi việc ngoại giao còn là quả bóng thăm dò qua lại giữa các bên, thì ngày 17-11-1967, nhâ n dịp năm hết Tết đến, MTDTGPMNVN đưa ra đề nghị hưu chiến 3 ngày trong dịp lễ Giáng Sinh năm 1967, 3 ngày lễ Tết dương lịch năm 1968 và 7 ngày Tết âm lịch Mậu Thân (Don Oberdorfer, sđd.70). Chính phủ VNCH ra thông báo ngày 15-12-1967 sẽ hưu chiến 24 giờ trong dịp lễ Giáng Sinh và Tết dương lịch, hưu chiến 48 giờ trong dịp Tết âm lịch (Chính Đạo, Mậu Thân, sđd.342).

Để làm lạc hướng dư luận và sự tính toán của các giới lãnh đạo Hoa Kỳ cũng như VNCH, cộng sản dịu giọng vào đầu năm 1968. Vào dịp Tết dương lịch 1968, bộ trưởng Ngoại giao Bắc Việt là Nguyễn Duy Trinh tuyên bố muốn mở các cuộc hòa đàm và tiếp xúc mật với Hoa Kỳ. Thủ tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng (1906-2000) cũng ngỏ ý sẵn sàng hòa đàm nếu Mỹ ngưng ném bom, và ông Đồng còn nhờ một viên đại diện Romania làm trung gian dàn xếp giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt.(10) Hà Nội loan báo sẽ thả ba tù binh Hoa Kỳ vì lý do nhân đạo để đáp ứng những nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam (Chính Đạo, Mậu Thân, sđd. tr. 17).

Tại Bắc Việt, chính phủ VNDCCH ra Quyết định số 121/ CP ngày 8-8-1967 thay đổi âm lịch để Bắc Việt ăn Tết trước Nam Việt một ngày, và thông báo khuyên dân chúng nên ăn Tết "vui tươi nhưng tiết kiệm, bình thường, không rườm rà, lành mạnh phù hợp với hoàn cảnh thời chiến." (Don Oberdorfer, sđd.72.) Việc định thay đổi âm lịch vào thời điểm nầy có những tính toán chính trị và quân sự riêng của Bắc Việt.

Tại Nam Việt, từ ngày 1-11-1967 diễn ra trận đánh đẵm máu kéo dài nhiều ngày tại Lộc Ninh, thuộc tỉnh Phước Long. Đến gần Tết âm lịch, Việt Cộng tung quân tấn công các cứ điểm quân sự ở Cao nguyên Trung phần, và đưa ba sư đoàn chính quy là 325C, 304 và 308 bao vây và pháo kích dữ dội Khe Sanh (Quảng Trị), gần vùng giới tuyến giữa hai miền Nam Bắc, từ ngày 20-1-1968. Các nhà lãnh đạo VNCH, Hoa Kỳ, và cả thế giới nữa, rất quan tâm đến tình hình Khe Sanh, và lo lắng một cuộc đọ sức lớn lao sắp bùng nổ tại đây giữa hai bên như một Điện Biên Phủ mới.(11)

Trong khi đó, Việt Cộng âm thầm tiếp tục chuẩn bị các cuộc tấn công vào thành phố. Ngày 2-1-1968, tại Cao nguyên Trung phần, quân đội Hoa Kỳ tịch thu được một tài liệu có đầy đủ kế hoạch cộng sản tấn công Pleiku và Kontum. Ngày 15-1, tại Khe Sanh, một sĩ quan cộng sản hồi chánh cho biết sẽ có chiến dịch lớn tại vùng giới tuyến.

Với nhiều tin tức tình báo khác, Bộ tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam ra lệnh báo động và thông báo cho phía VNCH biết, đồng thời yêu cầu VNCH hủy bỏ lệnh hưu chiến nhân dịp Tết nguyên đán, nhưng tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (1923-2001) và đại tướng Cao Văn Viên (1921-2008), tổng tham mưu trưởng quân đội VNCH, chỉ đồng ý bãi bỏ hưu chiến tại Vùng 1 chiến thuật, và rút bớt 24 tiếng đồng hồ hưu chiến trên toàn quốc.(12)

Một dấu hiệu nữa về việc Việt Cộng sẽ tổng tấn công trong dịp Tết là tại Bình Định (thuộc Quân đoàn 2 và Vùng 2 chiến thuật VNCH), nhà cầm quyền bắt được trước sau 10 cán bộ cộng sản với những tài liệu quan trọng ngày 29-1-1968 (30 Tết), trong đó có cả máy ghi âm sẵn lời phát thanh kêu gọi dân chúng tổng khởi nghĩa. Tỉnh trưởng Bình Định đã báo cáo vụ việc lên thượng cấp, nhưng bộ Tư lệnh Vùng 2 không mấy quan tâm. Vị tướng tư lệnh vùng nầy là Vĩnh Lộc lại bỏ về Sài Gòn ăn Tết.

Lúc đó, dư luận chung ở trong cũng như ngoài nước tin tưởng sự hiện diện của gần 500,000 quân Mỹ tại Việt Nam sẽ bảo đảm an toàn cho VNCH. Hơn nữa, do cộng sản vừa tuyên truyền vừa chuyển quân đe dọa Khe Sanh, nên mọi người chú tâm đến trận chiến ở đây, mà ít chú ý đến những diễn tiến chung quanh các thành phố rộn rịp khác thường trong những ngày trước Tết.

Về phía Hà Nội, sau sáu tháng điều nghiên, chuẩn bị, ngày 21-1-1968, Bộ chính trị đảng LĐ họp lần chót quyết định tổng công kích đêm Giao thừa Tết Mậu Thân tại miền Nam (đêm 29 rạng 30-1-1968). Họ đã dùng đài phát thanh Hà Nội ra lệnh tổng công kích bằng bài thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh đọc vào tối Giao thừa ở ngoài Bắc, tức tối 28-1-1968. Hà Nội đã sửa lại âm lịch, nên Tết Mậu Thân Bắc Việt trước Nam Việt 24 giờ đồng hồ. Nhờ vậy, lệnh tổng công kích của Hồ Chí Minh đến khắp các đơn vị du kích CS vào ngày 30 tháng Chạp ở miền Nam, đủ thời gian cho các đơn vị du kích CS xuất quân vào ngày Mồng Một Tết. Sự việc nầy cho thấy quyết định đổi âm lịch ở ngoài Bắc của CSVN nhắm mục đích rõ ràng cho cuộc tổng công kích ở miền Nam. Nguyên văn bài thơ làm hiệu lệnh tấn công của Hồ Chí Minh như sau:

"Mừng xuân 1968
Xuân nầy hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp mọi nhà.
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta. "(13)

Lúc đó, dù tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh giảm hưu chiến còn 24 giờ trên toàn quốc, và bãi bỏ hưu chiến ở vùng Vùng 1 Chiến thuật, nhưng nói chung, mọi nơi đều nô nức đón Tết, nên việc canh phòng có phần lơ là và quả thật cuộc tổng công kích của Việt Cộng là một trận đánh hoàn toàn bất ngờ với dân chúng miền Nam. Theo tác giả James J. Wirtz trong sách The Tet Offensive, Nxb. Cornell University Press, New York, 1991, tr. 28, thì cuộc "Tổng công kích" Tết Mậu Thân là một trong ba biến cố bất ngờ nhất trong cuộc chiến Việt Nam từ 1954 đến 1975.

(Toronto, Canada)


CHÚ THÍCH:

1. Theo tài liệu Hoa Kỳ, nguyên chiến hạm Maddox của Hoa Kỳ, trong khi đi tuần tra, bị chiến hạm cộng sản tấn công hai lần vào hai ngày 2 và 4-8-1964, trong hải phận quốc tế ở Vịnh Bắc Việt. Bắc Việt và Hoa Kỳ đổ lỗi cho nhau đã gây hấn trước. Lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ đưa ra "Quyết nghị vịnh Bắc Việt" (The Gulf of Tonkin Resolution) ngày 7-8-1964 hoàn toàn ủng hộ tổng thống Lyndon B. Johnson (1908-1973) trong việc mở rộng chiến tranh Việt Nam. Ngày 1-12-1964, tổng thống Johnson công bố kế hoạch dội bom Bắc Việt. Như thế là không tuyên chiến, Hoa Kỳ đưa quân tham dự hẳn vào chiến tranh Việt Nam chứ không còn chỉ giữ vai trò cố vấn cho Quân đội VNCH như trước nữa.

2. Robin Edmonds, Soviet Foreign Policy, The Brezhnev Years, New York: Nxb. Oxford University, 1983, tr. 45.

3. Đoàn Thêm, 1967 (việc từng ngày), Sài Gòn: Cơ sở xb. Phạm Quang Khai, 1968, tr. 322.

4. Theo Nguyễn Đình Tuyến, Những biến cố lớn trong 30 năm chiến tranh tại Việt Nam 1945-1975, Houston: Nxb. Đại Học Đông Nam, 1995, tr. 122, thì cuối năm 1964, quân đội VNCH có 265,000 quân chính quy và 290, 000 địa phương quân. Theo Chính Đạo, Mậu Thân 68: thắng hay bại, Houston: Nxb. Văn Hóa [tái bản lần thứ hai], 1998 (viết tắt: CĐ, MT, sđd.số tr.), thì quân số VNCH tháng 9-1967 là 622,000 quân kể cả địa phương quân, nghĩa quân (tr. 340).

5. Don Oberdorfer, Tet!, New York: Nxb. Da Capo, 1984, tr. 54. (Viết tắt: Don Oberdorfer, sđd.tr.)

6. Sau nầy, một số nhân vật trong MTDTGPMNVN công khai tố cáo âm mưu nầy của đảng LĐ, trong đó có bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, một trí thức miền Nam trong Mặt trận.(Chính Đạo, Mặt Thật, sđd. tr. 165.)

7. James J. Wirtz, The Tet Offensive, New York: Cornell University Press, 1994, tr. 52.

8. Hoàng Lạc, Hà Mai Việt, Nam Việt-Nam, 1954-1975, những sự thật chưa hề nhắc tới, Texas: 1990, tr. 77.

9. Ralph Smith, "Thập niên cuối cùng của cuộc đời Hồ Chí Minh", Lê Đình Thông dịch, đăng trong tuyển tập nhiều tác giả, Hồ Chí Minh, sự thật về thân thế và sự nghiệp, Paris: Nxb. Nam Á, 1990, tr. 125.

10. Hoàng Lạc, Hà Mai Việt, sđd. tt. 77-78.

11. Johm S. Bowman, The Vietnam War: Day by Day, New York: Mallard Press, 1989, tr. 118.

12. Chính Đạo, MT. sđd. tt. 31-32, 344. Trước năm 1975, VNCH được chia thành 4 vùng chiến thuật: Vùng 1 CT: từ Quảng Trị vào đến Quảng Ngãi; Vùng 2 CT: từ Bình Định đến Bình Thuận và Cao nguyên từ Kontum xuống tới Di Linh; Vùng 3 CT: từ Biên Hòa tới phiá Bắc sông Tiền; Vùng 4 CT: từ Mỹ Tho tới Cà Mau.

13. Cảnh Nguyên và Hồ Văn Sơn tuyển chọn, Thơ Hồ Chí Minh, Nxb. Nghệ An, 1995, tr. 17



Toi Ac VC Mau Than

+

Toi Ac VC Mau Than

 

Toi Ac VC Mau Than

 

Toi Ac VC Mau Than

 


 

ToiAcCSVN

 

-------oo0oo-------

Covang

lacomau
Việt Cộng đối ngoại thì nhu nhược, bán nước,
đối nội thì tàn ác và hà khắc với nhân dân.


Những hình ảnh đẹp của Cộng Đồng Việt Nam

ucchau
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

Covang

CoVang

ucchau
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

congdong

congdong

congdong

congdong

congdong

covang
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

covang
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

 

ThacBanGioc
Thác Bản Giốc đẹp đẽ của đất nước Việt Nam yêu dấu.

Home Page Vietlist.us


bottom