tittle

bottom


Search Vietlist.us
Search the Web



Vietnam

covang

covang

covang

Home Page Vietlist.us

Trang Thơ - Văn - Ảnh Bạn Đọc dùng để đăng những bài thơ, bài văn hay, những bức ảnh của bạn đọc gởi về. Nếu các bạn chụp được những tấm ảnh hay, lạ, đẹp và muốn chia xẻ cùng bạn đọc, xin vui lòng email cho chúng tôi ở "vietlist09@yahoo.com"

-------oo0oo-------

 

 

 

CHÙA SƯ MUÔN

 

 

 

Bốn chiếc xe quẹo trái ngay tại ngã tư đình ông Bổn để thẳng tới Suối Đá, chùa Sư Muôn. Quân chỉ tay nói:

- Cái đình nầy nằm dưới dốc chùa Cao, mỗi năm vào giữa tháng bảy âm lịch, họ cúng lớn lắm và có xô giàn nữa đó anh ạ! Vui ơi là vui...

          An hỏi:

- Sao em biết rành vậy?

- Dung rủ em lên chơi vào dịp nghỉ hè năm trước.

          Rồi nàng lên giọng kẻ cả:

- Để em đố anh nè, cái đình với cái chùa khác nhau như thế nào?

An không cần suy nghĩ:

- Chùa thờ Phật, đình thờ Thần.

- Còn gì nữa không?

- Đó là điểm chính, anh biết đại khái thế thôi...

Quân cười, giải thích thêm:

- Chùa cúng chay, đình cúng mặn, họ nấu ăn ngon lắm!

An vói tay về phía sau, vỗ nhẹ vào đầu Quân:

- Lớn chồng ngồng, sắp lấy chồng rồi mà còn mê ăn!

Quân cười khúc khích trên lưng An:

- Ăn để có sức mà làm vợ.

Dung thấy Quân cười, liền chạy sát gần xe hỏi:

- Anh chị cười gì mà vui thế?

Quân trả lời:

- Bí mật, bí mật, không nói được.

Xe gần tới giếng Tiên, Dung cảnh giác An:

          - Chỗ ấy có cát lún lắm, anh chạy cẩn thận!

An trờ xe tới vào vùng cát nhuyển, bánh xe lật nghiêng. Cả An và Quân đều té xuống. Hai người lồm cồm ngồi dậy dựng xe lên, Quân phủi đít quần, cằn nhằn An:

- Dung đã nói rồi, bảo chạy cẩn thận mà để bị té, làm quê quá chừng!

An nói:

- Thì anh cũng đã chạy cẩn thận lắm rồi...

Khảnh quày xe lại, tới bên An:

- Cái chỗ nầy bọn tôi té nhiều lần lắm, riết rồi cũng có kinh nghiệm. Đây là một kỷ niệm nhớ đời mà!

Thầy Hiền hối thúc:

- Thôi, mình tiếp tục lên đường đi, cũng còn khá xa đó!

Đường càng hoang vắng, hai bên lưa thưa vài nếp nhà tranh, với vườn cây ăn trái, nuôi gà, nuôi vịt...Qua khỏi chùa Cao Đài Linh Tiêu Cực, rồi tới vườn tiêu lớn, còn nhiều trái chín sót lại treo lủng lẳng chùm đỏ, chùm xanh, trông thật vui mắt. An nhìn về phía trước hỏi Quân:

- Con đường nầy chạy mãi sẽ dẫn tới đâu em nhỉ?

- Hàm Ninh, em nghe Dung bảo thế. Nó cũng sẽ dẫn đến Suối Tranh, một cảnh đẹp thiên nhiên giữa núi rừng hoang dã. Suối Tranh bắt nguồn từ những hốc đá hướng Hàm Ninh, chảy len lỏi qua các khe núi, sườn đồi do những con suối nhỏ, rồi cuối cùng hòa vào một dòng suối lớn và tiếp tục đổ xuống lênh láng trên các mặt phẳng lì của nhiều tảng đá to, tạo thành dòng thác nên thơ, ngoạn mục. Suối Tranh có chiều dài trên 15 cây số, uốn khúc qua nhiều cánh đồng tranh, nhiều đoạn rộng hẹp, sâu cạn khác nhau.

Quân say mê nói tiếp:

-Hai bên bờ suối, hoa cỏ xanh um, bóng cây chụm vào nhau nghe lời tình tự của núi rừng. Chim chóc vào mùa gọi nhau ríu rít trên cành, tiếng suối chảy róc rách, tiếng gió rừng êm ả ve vuốt lên từng đám cỏ xanh mượt mọc ven bờ. Nhiều phiến đá to, nhỏ nằm trầm mình dưới làn nước trong, phủ đầy rong rêu, trơn trợt. Vì thời buổi chiến tranh, ít có người lui tới nên cảnh vẫn còn hoang sơ, vắng vẻ. nhưng không kém phần thơ mộng hữu tình.

 An nghe Quân nói mà phát mê, Quân bỗng rủ rê:

- Hay là mình kéo cả bọn đến đó tắm suối đi anh…

An lắc đầu:

- Không được, không được! Anh là lính mà, em quên sao?

Quân cười xòa vì sự trẻ con mau quên của mình… 

Khảnh quẹo vào sân nhà của một người quen. Bên cạnh có vườn chôm chôm trái nặng trĩu, râu chôm chôm lún phún bao quanh. Đặc biệt trong vườn nầy có nhiều cây chôm chôm vàng thuần giống rất ngon. Quân chạy tới ôm ngay một chùm, kề sát vào má:

          - Anh Khảnh, phó nhòm! Chụp cho Quân ảnh nầy đi!

          Một bác gái tuổi trung niên từ trong nhà bước ra, Khảnh vội tiến lại:

          - Dạ chúng cháu kính chào bác Chính!

          Bác Chính là bệnh nhân của ba Khảnh, mặc dù ông đã về hưu nhưng vẫn còn chữa bệnh, hoặc chích thuốc bổ lai rai cho những người già yếu, bệnh tật mà họ không tiện ra chợ.

          - Năm nay vườn chôm chôm sai trái quá bác?

          - Ờ, thì cũng nhờ trời thương cho được mùa. Rất tiếc là chôm chôm chưa chín, nếu không bác bảo tụi nhỏ bẻ một ít cho các cháu mang về.

Tính tình người dân ở vườn rất chơn chất, rộng rãi lắm. Khảnh thưa:

          - Dạ, chúng cháu cám ơn bác Chính nhiều.

           Khảnh chỉ vào bốn chiếc xe gắn máy:

          - Thưa bác, bác cho bọn cháu gởi mấy chiếc xe nầy, tụi cháu lên chùa Sư Muôn chơi, khi về sẽ lấy.

          Bác Chính:

- Ừ, được, không sao đâu! Để đây an toàn lắm...

 

 

          Rời đường cái, cả bọn đi vào con đường nhỏ. Hai bên đường rừng cây rậm rạp. Cỏ tranh mọc um tùm cao gần tới đầu, An thấy hơi lo trong lòng, thầy Hiền trấn an:

          - Hôm nay ngày Tết, nhiều người đi chùa lắm, chắc không sao đâu!

          Trước mặt họ, một đám cô cậu mười bốn, mười lăm tuổi vừa đi vừa hát vang bài “Đường Lên Sơn Cước” lời lẽ pha chế, thật vui tai và dí dỏm.

          Vừa trông thấy cánh đồng sim, cả đám con gái càn vô. Tay nắm, tay quơ, lục sục tìm hái trái chín, những giọt sương đọng trên ngàn hoa, kẽ lá rớt xuống làm lạnh cả mắt môi. Dung nhón gót, kéo quằn ngọn sim, hái được một trái to chín mùi, tím sẩm, ẩn sau chùm lá xanh um, nàng vui mừng reo lên:

          - Có rồi, có rồi...

          Quân ở gần đó chạy tới:

          - Cho tao đi, cho tao đi!

          - Sức mấy, bỏ qua đi Tám! Mầy có người thương rồi, để tao ăn hết trái sim nầy, rồi kiếm một dòng suối uống cho đã, mới đủ sức đi tìm người thương.

      Nói xong, nàng liền ngâm hai câu thơ: “Đói lòng ăn nửa trái sim. Uống lưng bát nước đi tìm người thương”.

          Quân trề môi:

          - Xí, còn lâu mới tìm được chàng! Quách Tĩnh về Mông Cổ cưới vợ rồi...

          Dung pha trò thêm:

          - Thế thì để tui lên núi tu luyện “Giáng Long Thập Bát Chưởng” về chưởng cho chàng tả tơi luôn!...

          Cả bọn cười khoái chí...Giữa lúc ấy phía sau lùm tranh, một con vật khổng lồ phóng ra chạy phăng phăng về phía núi. Quân hoảng quá la lên:

- Cọp, cọp!

          Nàng sợ điếng hồn, cứ tưởng ông cọp ba chân mà nàng đã từng nghe Dung kể. Ông Cọp nầy tu ở núi Tà Lơn, tận bên Cao-Miên, không biết vì lý do gì mà qua đảo Phú Quốc. Khi bơi ngang biển đã bị cá mập cắn mất một chân, người ta đồn như thế!

          Cả đám nhìn theo thấy số 20 to tổ bố in đậm trên mông con vật. Thì ra là con bò mộng, đây là tài sản của gia đình ông Tây nọ. Khi rút về nước, ông Tây để lại con bò nầy, rồi nó cứ sống lang thang trong rừng. Không ai dám làm hại nó cả, vì nó có đóng dấu số 20, nghĩa là con vật có chủ. Thỉnh thoảng người dân thấy nó xuất hiện lúc chỗ nầy, khi chỗ kia để tìm thức ăn. Con bò nầy sống cũng dai thật.

          Sát dưới chân đồi, nhiều chiếc xe gắn máy dựng rải rác đó đây, có cái giấu tận phía sau những lùm cây rậm rạp. Khảnh hô lớn:

          - Chuẩn bị leo dốc bà con ơi!

          Dưới chân đồi nhìn lên đỉnh núi, chỉ thấy màu xanh cây lá bạt ngàn, chẳng thấy ngôi chùa đâu cả, chỉ thấy dốc đứng, dốc nghiêng, cheo leo, khúc khuỷu. Đường nhỏ, chật hẹp rất khó đi, lắm khi phải níu nhánh cây bên đường để mượn sức leo lên. Người nào, người nấy mệt muốn đứt hơi. Chợt chuông chùa đổ vang ba tiếng, xé tan sự tĩnh lặng của núi rừng. Một số người đã lễ Phật xong, lục tục kéo xuống, nhóm khác lại đi lên.

Bọn An cũng vừa đặt chân tới trước sân chùa. Hai ngôi nhà lớn hiện ra dưới tàng cây đầy bóng mát, vì là ngày Tết, nên chùa cũng đã có một số bạn trẻ đi sớm. Họ gặp thầy Hiền, lễ phép cúi chào. Đây là đám học sinh của trường trung học, cũng là đàn em của bọn Khảnh, Mi, nên mọi người đều quen biết nhau cả!

          Cô bé tóc dài, nước da ngâm ngâm, miệng vừa nói, tay chỉ lên vùng đất cao hơn:

          - Nơi đó có một chánh điện thờ ông Phật to lắm! Mời thầy cùng các anh chị đến đấy lễ Phật và coi phong cảnh luôn đi!

          Bọn An lại hì hục leo lên một đoạn dốc nữa. Tới nơi, họ đứng trên một tảng đá cao nhìn xuống, cảnh núi rừng thiên nhiên hùng vĩ, gió thổi vi vu, chim kêu đầu núi, xa hẳn nơi thế giới ồn ào, phức tạp của nhân gian!

          Quân lễ Phật xong, bước ra trầm trồ:

          - Cảnh đẹp quá hở anh? Núi cao như thế nầy mà làm sao họ đưa tượng Phật Thích Ca lớn như vậy lên đây được?

          Cô bé nước da ngâm khoe thêm:

          - Chưa hết cao đâu! Còn cái am ông Tám trên kia nữa...

          Theo hướng chỉ tay của cô bé, bọn An phải ngước mặt lên nhìn trên lưng một vách đá thẳng đứng. Cúc Hương rụt đầu, lè lưỡi:

- Cao quá, làm sao mà đi tới được? Nguy hiểm lắm…

 Mỹ Nhung xen vô:

- Thôi, mình đi hái sim đi!

          Cả bọn kéo ra rừng sim phía sau chùa. Rừng sim nằm trên sườn đồi khá rộng, chen lẫn giữa những bụi cỏ dại, nào là bông cỏ may, nào là cây hột ké, hễ đụng đến là bị chúng dính chặt vào tóc hay ghim chặt vào áo quần. Nhiều nhánh sim được kéo xuống rồi buông bật trở lên, vì cả rừng không còn trái chín, chỉ thấy toàn hoa, lá và trái non mà thôi.

          Quân thất vọng nói:

          - Chắc tại tụi mình đến trễ, nên bị người khác hái hết rồi!

          Ái Mi cười chúm chím xen vào:

          - Không phải đâu, rừng sim nầy là của chùa, mấy bà Vãi hái hết đem xuống chợ bán cùng với các loại rau cải và hoa quả khác, để mua cơm gạo, chao tương về ăn đó mà!

          Cả bọn thốt lên:

          - Ồ, thì ra là vậy!

          Từng cặp ngồi dưới bóng mát của gốc sim già, họ gỡ những mũi kim của bông cỏ may ra khỏi áo quần. An đưa tay lên đầu Quân, cố lấy ra những hột ké đã dính nùi trên tóc. Cái thứ nầy hễ dính vào tóc thì khó gỡ lắm. Cô nào, cô nấy đều kêu la ầm ĩ. Những chiếc gai nhỏ nằm chung quanh cứ cuộn tròn theo từng sợi tóc, rồi cả chùm tóc cũng dính vào luôn.

          Dung cằn nhằn:

          - Sim đâu chẳng thấy, mà chỉ thấy mấy cái đồ khỉ nầy!

          An vừa gỡ hột ké trên đầu Quân vừa theo dõi cặp cu đất cách chàng hơn mười mét, đang rúc ra, rúc vô dưới lùm cây trước mặt. Chàng khều Khảnh, hai người rón rén bước tới, những bước chân đạp trên lá khô lào xào, vụn vỡ. Chàng khom người xuống, lấy tay đỡ những nhánh lá thấp lè tè dưới bụi cây. Soẹt! Đôi chim cu tung cánh bay vút lên cao, chàng giật mình, ngẩn ngơ nuối tiếc...

        An đi vòng qua lùm cây, chàng thấy có lối mòn nhỏ dẫn tới gốc sim trà lưa thưa trái chín.Trên gò đất cao gần đó, An thấy có vài ngôi mộ, những tấm mộ bia cũ kỹ, lâu ngày nứt nẻ vì nắng mưa gió bụi thời gian. An bước tới gần ngôi mộ có cắm cây cọc cao, bụi hoa leo màu tím bám lên thân cọc, nửa chừng buông rũ, như đời người nằm dưới mộ kia... Những chùm lá hắt hiu, rung rinh theo cơn gió núi rừng. Chàng đọc những dòng chữ không rõ nét “Nơi an nghỉ của Vũ Thúy Kiều. Pháp danh Diệu Hạnh. Sinh ngày … mất ngày…”. An rất đổi ngạc nhiên, tên Vũ Thúy Kiều nghe sao quen quen... Rồi chàng chợt nhớ ra Vũ Thúy Kiều là cô út của mình, là em gái ruột của bố. Thỉnh thoảng có nghe ba mẹ nhắc đến. Mỗi khi nhắc thì bà nội rươm rướm nước mắt, bà bảo: “Thôi đừng nhắc đến nó nữa!”.

          Trong họ nhà An, ai cũng biết cô út Kiều đi theo tiếng gọi của tình yêu. Chàng trai kia là con của một người lao công trong ngôi trường trung học mà ông nội An là hiệu trưởng. Chuyện tình của hai người đã đến tai ông. Muốn tách rời con gái với cậu trai kia, ông liền cho nghỉ việc người lao công nọ, và cấm con gái không được giao du với người tình nhân đang ở lứa tuổi học trò.Vì ông nội An cho rằng họ không môn đăng, hộ đối với nhau.

          Mãnh lực tình yêu mở khóa trái tim và mở luôn đôi chân xiềng xích. Hai người bỏ nhà trốn đi biệt xứ. Hơn hai mươi năm qua, bà nội An đêm ngày nhớ thương con gái, bà ít ăn, ít ngủ. Sức khỏe lụn tàn, sau mười năm thì bà đã mất, ông nội An ngoài mặt thì nói cứng, nhưng trong lòng ông cũng thấy hối hận lắm. Ông cho nhiều người tìm kiếm, ngay cả đăng báo, nhắn tin. Nhưng bóng hình người con gái vẫn biền biệt tăm hơi.

          Việc nầy vẫn chưa xác quyết, cần phải vào chùa hỏi thêm tin tức mới được. Nghĩ thế, An ngoắc tay Quân, Quân chạy đến bên ngôi mộ, chàng nói nhỏ vào tai Quân những điều bí mật mà chàng mới vừa khám phá… Thực, hư, chưa rõ, việc nầy cần phải gặp các bà vãi để hỏi thêm.

          Vị sư cô độ trên tuổi bốn mươi vừa bước ra vườn sau, An nhanh chân chạy tới trình thưa sự việc, bà liền đưa An vào nhà trong, dẫn tới một bàn thờ có hình của một người con gái, rồi bà hỏi:

          - Có phải người nầy là thân nhân của cậu không?

          An nhìn vào tấm hình nhỏ bé đã ngả màu theo thời gian. Cô Thúy Kiều trong chiếc áo dài màu trắng nữ sinh, tay ôm một quyển sách trước ngực, tay kia cầm một chùm hoa thiên lý lòng thòng trên bờ vai. An vui mừng nhận ra. Đúng rồi, nhà ông nội chàng có một giàn hoa thiên lý. Những tấm hình cô út chụp dưới giàn hoa, bố chàng còn giữ kỹ lắm.

          An hỏi thêm chi tiết về nguyên nhân và ngày tháng cô qua đời, vị sư cô bước tới bàn thờ xá ba xá, như xin phép người đã mất được tiết lộ những điều bí mật mà từ trước đến nay chưa ai biết. Ánh mắt xa vời, cố nhớ lại sự việc của hai mươi năm về trước để sắp xếp câu chuyện cho có lớp lang, bà chậm rãi:

- Họ đến từ đâu thì tôi không biết! Nhưng một ngày kia thấy có ngôi nhà lá dựng lên ngoài đường cái, lối về chợ Dương Đông. Thỉnh thoảng tôi gánh rau ra chợ bán có ghé vào xin uống vài ngụm nước cho đỡ khát. Hai vợ chồng còn rất trẻ, chị Sơn (Vợ anh Sơn) nhỏ hơn tôi vài tuổi nên hai người chúng tôi thân thiết lắm. Họ khai khẩn một mảnh vườn phía sau để trồng rau cải, khoai sắn bên cạnh một con suối nhỏ đầy nước khi vào mùa mưa. Con suối nầy là đầu mối của sự tai ương, bất hạnh.

          Hai vợ chồng họ rất siêng năng, cần mẫn, ngoài việc lo nương rẫy nhà mình, họ còn đi làm thuê, làm mướn, không nề hà bất cứ việc gì! Tới mùa tiêu thì họ hái tiêu chín, phơi khô, sàng sảy, vô bao gánh về chợ quận. Tới mùa đồn đột bên Bãi Bổn thì họ đi bắt đồn đột, tới mùa ghẹ thì qua Hàm Ninh. Sang mùa cá thì anh Sơn đi làm thợ lưới cho mấy nhà thùng lớn ở ngoài Dương Đông, vì thế anh Sơn vắng nhà cũng khá thường xuyên. Suốt mấy năm liền như vậy, gia đình dành dụm được một số tiền. Chị Sơn thấy chồng vất vả, cực nhọc quá nhiều, chị có ý định bàn tính cùng chồng mở một trường dạy học cho các trẻ em trong thôn xóm. Vì ở đây xa chợ nên các em không có điều kiện học hành, chị sẽ phụ chồng dìu dắt các em trong công việc khai tâm mở trí. Chuyện ấy chưa kịp nói ra, thì bỗng một hôm sau buổi chợ về tôi có ghé thăm, chị Sơn mắt đỏ hoe, thì thầm tâm sự:

“Anh ấy sắp rời xa mẹ con em rồi chị ạ”.

Mặc dù tôi đã xuất gia, nhưng chị Sơn cứ thường hay gọi tôi bằng chị. Chị đến đây bơ vơ không người thân thích, chị xin được nhận tôi làm người chị tinh thần để được nâng đỡ, che chở ủi an. Lúc ấy đứa con gái của chị Sơn mới hơn một tuổi, tôi có hỏi anh Sơn sẽ đi đâu thì chị ấy không cho biết chính xác mà chỉ than thở rằng:

“Anh đi xa lắm chị ạ! anh ấy hứa sẽ trở về, bảo em ráng chờ đợi ở nhà thay anh nuôi dạy con thơ…”.

Ít lâu sau tôi mới biết anh Sơn hoạt động trong phong trào “Đoàn Thanh Niên Chống Pháp” thời đó. Anh đi ra Bắc, bỏ lại vợ con ở trong Nam và hứa hẹn sẽ trở về sau vài năm. Chị Sơn nuôi con, chờ chồng trở lại. Năm tháng dần qua, bóng hình anh biền biệt, không tin tức đưa về… Đứa con gái đã gần bốn tuổi, hai mẹ con sống thui thủi trong căn nhà tranh. Chị Sơn đóng trọn vai trò vừa làm mẹ, vừa làm cha. Nhà cửa dân cư ở đây thưa thớt, mỗi nhà cách nhau gần nửa cây số, nên cháu Đông không có bạn bè trang lứa để chơi đùa, nó chỉ quanh quẩn bên mẹ mà thôi. Nó thường hay hỏi:

“Ba đâu, ba đâu hở mẹ?”

Chị dỗ dành con:

“Ngoan, ba Sơn sắp về, ba sẽ mua nhiều bánh kẹo cho con ăn nhé!”

Rồi một buổi sáng nọ, khi chiếc xe đò chở khách trên tuyến đường Dương Đông - Hàm Ninh thì xe dừng lại trước nhà, có người khách lạ bước xuống vào nhà trao cho chị Sơn một gói đồ rồi vội vã bước ra. Chị Sơn hồi hộp mở gói đồ mà chẳng biết ai gởi cho mình. Chị vui mừng khi thấy tấm hình của hai người chụp lúc còn đi học, một hộp bánh tây và một lá thơ của anh Sơn. Chị đưa hộp bánh cho con, bé Đông vui mừng ôm hộp bánh vào người. Chị đọc ngấu nghiến lá thư của chồng, anh Sơn xin lỗi về sự ra đi của mình đã bỏ lại hai mẹ con lạc lõng nơi xứ lạ quê người. Nhưng vì đất nước, vì lý tưởng đánh đuổi bọn thực dân nên mong chị thông cảm và thay anh chăm sóc, dạy dỗ đứa con gái độc nhất của hai người. Sự trở về sớm hay muộn của anh còn tùy thuộc vào tình hình chính trị trên toàn cõi Đông Dương lúc bấy giờ.

Ngoài lá thư viết chưa gởi của anh, chị nhận thêm một lá thư có dán phong bì cẩn thận, chị xé nhanh phong bì lấy thư ra đọc. Lá thư viết rất ngắn, báo tin về cái chết của anh trong lúc thi hành công tác ngày 14 tháng 7 (Đúng vào ngày lễ Độc lập của nước Pháp).

Chị Sơn bủn rủn tay chân, mắt hoa lên, trời đất tối sầm. Chị đứng dựa lưng vào vách nhà rồi từ từ ngồi sụp xuống. Chị ôm con vào lòng khóc ngất:

“Ba Sơn chết rồi con ơi, ba không còn trở về với mẹ con mình nữa!”

Chị thổn thức qua dòng lệ nóng:

“Anh Sơn ơi, sao anh nỡ bỏ mẹ con em? Bao nhiêu năm em cũng chờ anh mà! Chỉ cần anh có ngày trở lại. Con gái của mình còn bé quá, làm sao chia xẻ nỗi đau nầy!”.

Quả đúng vậy, bé Đông chẳng hiểu tại sao mẹ lại khóc, trong đầu óc non nớt của nó đầy nỗi thắc mắc: “Đáng lẽ có bánh ăn thì vui lắm chứ, sao mẹ lại khóc?...”. Nó đứng ngơ ngác, tay ôm hộp bánh, tay kia kéo vạt áo lau nước mắt cho mẹ. Sau một hồi vật vã khóc than, chị Sơn bước ra nhà bếp lẩm bẩm ‘như vậy ảnh chết đúng một năm rồi’ chị sửa soạn cúng một mâm cơm cho người chồng vắn số. Vì yêu thương chồng chị không phán đoán việc đi ra Bắc của anh Sơn đúng hay sai, cũng như chị vì tình yêu, chị đã bỏ bố mẹ, bỏ gia đình đi theo anh. Rồi bây giờ vì tình yêu đất nước, vì hoài bão lớn lao. Người thanh niên với đầy nhiệt huyết đã lựa chọn một hướng đi, cuối cùng đem lại nỗi khổ đau, hệ lụy cho những người thân yêu. Cũng như chị vậy!

Từ lúc được tin chồng mất, chị Sơn không còn hy vọng sự trở về của anh. Nên đã nhiều lần ý tưởng nhen nhúm, chị định mang con về Đà lạt, cúi xin bố mẹ tha tội. Nhưng chị vẫn sợ cái nghiêm khắc của bố, cái tiếng đời thị phi về đứa con gái hư hỏng bỏ nhà theo trai, bây giờ mang của nợ về chỉ làm điếm nhục gia phong. Nên cuối cùng chị cứ sống như thế cho qua ngày…

Bé Đông bây giờ là niềm vui, là lẽ sống, là bầu bạn của chị trong căn nhà quá vắng vẻ, quá quạnh hiu. Có nhiều đêm mưa dầm, gió bão. Mái tranh muốn tróc ra khỏi sườn nhà, tấm phên che chắn cũng đập ầm ầm như sắp bung ra. Chị Sơn chỉ biết ôm con chặt sát vào lòng để đè nén cơn sợ hãi, mong đêm tối mau trôi qua. Chị Sơn bây giờ sợ đủ thứ, nhất là trong đêm đen, chị sợ trời mưa giông, gió bão, chị sợ trời gầm, trời sét, chị sợ luôn cả con người nữa. Cách nhà có người thanh niên biết được tin chồng chị đã không còn, anh ta đem lòng cảm mến, muốn săn sóc, bảo bọc hai mẹ con chị trong hoàn cảnh mẹ góa, con côi. Nhưng chị Sơn sợ lắm. Niềm vui của chị là nghe bé Đông nói thỏ thẻ bên tai cũng đủ an ủi cuộc đời góa bụa.

Thúy Kiều của Nguyễn Du ngày xưa đã trải qua bao kiếp nạn đoạn trường, còn Thúy Kiều của gia đình họ Vũ chắc cũng không kém!

Sau khi nhận được tin anh Sơn mất một năm, cũng tháng bảy mưa dầm, mưa dề. Mưa hết ngày này kéo sang ngày khác, được một ngày nắng ráo, chị gom đống áo quần của hai mẹ con ra bờ suối để giặt. Bé Đông gần năm tuổi rồi, không quanh quẩn bên mẹ như trước nữa.

          Đông đi bứt từng cái bông dại bên bờ suối, rình rình chụp từng cánh bướm màu sặc sỡ bay nhởn nhơ, hay mấy con chuồn chuồn cánh nhỏ. Lâu lâu chạy lại khoe với mẹ:

“Mẹ! Coi cái bông nầy nè, đẹp không mẹ? Coi con bướm nầy nè, có nhiều màu quá hả mẹ?”

Chị Sơn hôn lên má con:

“ Ừ đẹp, đẹp lắm! Nhớ đừng đi xa nghe!”.

Con bé lại rong chơi tiếp tục. Chị Sơn nhúng chiếc áo của con vào dòng nước chảy xiết, rồi lấy cục xà bông đá chà mạnh mấy cái, bọt xà bông trắng xoá nổi lên từng chùm như chùm bong bóng. Chỉ trong phút chốc lại vỡ tan, chị liên tưởng đến đời người, đời của chồng chị hiện diện đó rồi tan biến nhanh… chị miên man suy nghĩ, chợt nghe con hét lớn lên một tiếng, chị vội chạy tới.

 Dưới đám lá mục ẩm ướt chị thấy có sự di động. Con rắn bò thật nhanh, như tên trộm vừa đánh cắp được vật gì cố chạy thoát thân. Con rắn đã đánh cắp, đã lấy đi mạng sống của bé Lê thị Dương Đông. Chị ôm con trên tay, người chị cứng ngắt, đôi mắt con chị đứng tròng cũng cứng ngắt, miệng sùi bọt mép, bé Đông hắt ra hơi cuối cùng rồi ngoẻo đầu qua một bên, mềm nhũn. Chị kêu lớn: 

“Con, con! Bé Đông con. Trời ơi, con đừng bỏ mẹ con ơi!”.

Tiếng kêu của chị vang xa rồi dội lại giữa khung cảnh núi rừng hoang vu im vắng. Tiếng kêu dài lê thê thảm thiết, nước mắt chị tuôn đầm đìa rớt xuống mặt đứa con thân yêu chỉ mấy phút trước vẫn còn đỏ đẻ bên tai. Chị ngước nhìn lên trời cao, mặt trời đã đứng bóng, chị Sơn đứng như trời trồng. Hai chân con chị lòng thòng, đong đưa, đong đưa, đong đưa…

Mọi người nghe xong câu chuyện đứng bất động, trái tim như thắt lại. Vị sư cô kể tiếp tục:

- Sau đó tôi xin phép Sư cụ đem chị Sơn về chùa. Chị không xuất gia đi tu, chị cho biết bố mẹ là người công giáo nên xin phép chỉ quy y để có pháp danh và được làm một người con của Phật mà thôi. Chồng chết, con chết, chị thấy cuộc đời không còn nghĩa sống, mặc dù dưới bóng từ bi của đức Phật, dưới nguồn nước cam lồ có thể rửa sạch hết mọi ưu tư, phiền não, mọi đau khổ thế gian. Nhưng có lẽ chị Sơn muốn giã từ cuộc sống để sớm gặp được chồng con ở thế giới bên kia. Chị không nguôi ngoai với nỗi niềm nhớ chồng, thương con, chị u sầu, héo úa. Tâm bệnh sinh ra thân bệnh, chưa đầy một năm chị giã từ cuộc sống sau mấy ngày nằm mê man…Lúc sắp lìa đời chị ú ớ gọi bố mẹ, gọi tên chồng, tên con, rồi trút hơi thở. Tôi biết chị thích loài hoa leo màu tím nên đã trồng trước mộ chị giống hoa leo ấy để an ủi, để tưởng nhớ vong linh người đã khuất”.

An nghe toàn thể câu chuyện, lòng bùi ngùi, xúc động, thương cảm tràn dâng. An cám ơn vị sư cô, chỉ trong khoảnh khắc mà đã kể tóm lược đầy đủ câu chuyện về cuộc đời của cô Thúy Kiều. Chàng xin phép thắp cho cô mình ba nén nhang… “Tội nghiệp cô út nằm đơn côi, lạnh lẽo nơi núi đồi hoang vu tịch mịch nầy”.

          An lấy ra một số tiền gởi lại cho chùa để phụ lo việc nhang khói cho ấm vong linh người đã khuất mà cũng ấm lòng người cháu đích tôn.

          Mặt trời chưa xuống lắm, nhưng ở nơi núi rừng đã âm u. Họ chào từ biệt vị sư cô rồi lục tục kéo nhau xuống núi. Khác với lúc leo dốc, bây giờ xuống dốc, tâm trạng mỗi người đều nghĩ đến sự việc vừa qua. Không ai nói với ai lời nào, họ thương cảm cho cái số kiếp hồng nhan bạc mệnh của người con gái đài các một thời, nay gởi nắm xương tàn nơi chốn thâm sơn cùng cốc.

 

(Trích truyện dài QUA BIỂN của Hoa Hướng Dương)

           

 

~~~****~~~

VCBanNuoc

-------------oo0oo---------------

Những hình ảnh đẹp của Cộng Đồng Việt Nam

Covang

Covang

Covang

Home Page Vietlist.us

 


bottom