tittle

bottom

Vietnam

Vietnam

Vietnam

Vietnam

Trang Thơ - Văn - Ảnh Bạn Đọc dùng để đăng những bài thơ, bài văn hay, những bức ảnh của bạn đọc gởi về. Nếu các bạn chụp được những tấm ảnh hay, lạ, đẹp và muốn chia xẻ cùng bạn đọc, xin vui lòng email cho chúng tôi ở "vietlist09@yahoo.com". Nếu các bạn có ảnh cháu bé dể thương và muốn chia xẻ, cũng xin gởi cho chúng tôi. Nếu quý bạn cho tên bức ảnh, miêu tả nội dung và tên nhiếp ảnh viên thì càng tốt -Cảm ơn quý bạn đọc và chúc quý bạn chụp được nhiều tấm ảnh đẹp.

-------oo0oo-------

Dòng họ

 

 

Một buổi sáng hè. Tôi đang ngồi chơi ở ngoài hiên, thì bà Nhu hốt hoảng chạy đến cho mẹ tôi hay là ruộng của bà bị ông Phó Xe bên An Liêm “nêu” rồi.

 

Bà Nhu ở kế cận con đường giữa làng. Ngay cổng nhà bà có một cây cầu đá bắc ngang con ngòi dẫn thủy nhập điền, ăn thông ra xóm Bến Đông. Người làng quen gọi cây cầu đá này là “Cầu đá Bà Nhu”. Người ta biết nhiều đến bà hơn là ông chồng, vì bà làm nghề “đỡ đẻ”. Người nhà quê thường gọi là “bà mụ”. Bà mụ này là một nghề: nghề bà mụ, chớ không phải bà mụ là mấy bà nữ tu bên công giáo. Mặc áo dài đen, quần đen, từ đầu đến chân đều đen kịt hết.

 

Bà Nhu thì già cũng chưa có già, mà trẻ cũng không còn là trẻ nữa. Dường như lúc nào trông bà cũng chỉ xấp xỉ năm chục cái xuân xanh mà thôi. Bà hành nghề này lâu năm, lại mát tay. Bà bầu nào mà sắp sửa tới ngày “khai hoa nở nhụy” là phải cần tới bà, để bà ra tay nắn mũi, bóp mặt cho con. Bà Nhu là tá điền của ông bà ngoại tôi lâu đời. Nay mấy sào ruộng bà đang cày cấy đó, thuộc về mẹ tôi, nên bà vẫn được giữ lại để cày cấy và nộp hoa màu. Ruộng thì thuộc đất Thôn Liêm, nhưng tọa lạc bên kia con đường dây thép, giáp ranh xã Quán Xá thuộc phủ Tiên Hưng.

 

Ở quê tôi, theo tục lệ thì mỗi người con xuất giá được cha mẹ chia cho một số ruộng là của hồi môn. Nhưng chỉ cho tạm, khi nào các con đã phương trưởng có cháu chắt, hoặc cha mẹ già cả sắp đến ngày ”tri thiên mệnh” rồi, mới chính thức chia gia tài ruộng nương. Lúc đó mới làm giấy tờ chính thức, sang tên cho các con làm sở hữu chủ, trong sổ địa bạ của làng. Các cụ ta kỹ lưỡng lắm. Sợ sang tên cho con gái sớm quá, nếu chẳng may con gái mình ra đi, mà chưa có con cái gì thì ruộng đó thuộc về người chồng. Nên thường thì các cụ chờ khi nào có cháu ngoại mới sang tên. Tính kỹ như vậy vì không muốn để của cải lọt vào tay “ngoại nhân”. Bà cụ bảo:

 

- Sao ông lại gọi là ngoại nhân. Nó cũng là con rể mình mà. Người ta chẳng nói: Dâu hiền hơn gái, mà rể hiền hơn trai là gì?

 

Cụ ông “hừ” một tiếng rồi nói:

 

- Tuy vậy mà người đời vẫn cho con rể là người ngoài đó. Hơn nữa việc chia chác ruộng đất xưa nay vẫn vậy. Tôi định sang năm sẽ làm giấy tờ sang tên cho các con. Cụ ông nói tiếp:

 

- Tôi định chỉ để lại 8 mẫu ở cánh đồng làng, cho mình dưỡng già. Số ruộng này sau khi mình nằm xuống thì 2 mẫu làm hương hỏa.

 

- Còn những 6 mẫu nữa thì làm gì?

 

- Còn sáu mẫu cho ba con trai. Mỗi người hai mẫu, gọi là học điền cho các cháu nội.

 

- Như vậy hai cô con gái bị kém phần à?

 

- Ừ! Con gái chỉ có 25 mẫu, còn con trai hơn có 2 mẫu, cũng là công bằng lắm chứ?

 

Như vậy nên khi tôi đã lên 10. Ông bà ngoại mới chính thức sang tên ruộng nương cho mẹ tôi sở hữu mấy chục mẫu tư điền ở rải rác nhiều cánh đồng, mỗi nơi dăm, ba mẫu. Duy có cánh đồng Vạn Di là được hơn 6 mẫu. Thửa ruộng mà bà Nhu đang cày cấy và đóng thóc màu này là nằm trong số những thửa ruộng kể trên. Vì nó ở sát ngay phía bắc con đường dây thép và có một mặt giáp con sông đào từ cầu Rèm chảy qua. Những người làm ruộng họ đã be bờ ra ở góc ruộng độ gần một sào, để làm chỗ tát nước cho cả cánh đồng. Tuy là tư điền, nhưng hồi trước năm 1923 chưa có sổ địa bạ, nên ruộng đất chưa có chuẩn đích gì cả. Hương lý thôn Liêm cứ cho mảnh ruộng hình tam giác này là ruộng công, nên cứ muốn chiếm đoạt.

 

Ông phó Xe, là em ruột của bà ngoại tôi, nên vừa ỷ quyền, vừa ỷ thế, cứ lăm le định chiếm lấy mảnh ruộng đó. Mùa gặt năm nay, ông đem dựng nêu, để nhận quyền sở hữu.

 

Tôi đến nơi, cũng vừa gặp ông Phó Xe ở đó. Theo vai vế trong gia đình, tôi phải gọi ông là “Ông Cậu”, nên tôi lễ phép gọi ông là cụ. Mặc dù ông chỉ hơn thầy tôi vài tuổi. Khi tôi đã phân trần và giải thích rằng mảnh ruộng này là nằm trong thửa ruộng 7 sào, mà bà ngoại đã chia cho mẹ tôi. Cụ Phó Xe cười nhạt bảo tôi:

 

- Tao tưởng của bà Hậu, thì tao lấy. Chớ bà đã chia cho bố con mình thì thôi.

 

Thế là vui vẻ cả làng. Tôi nhìn Cụ Phó Xe, tay cắp ô, thất thểu đi trên con đường dây thép về phía chợ Cầu Rèm. Tôi thầm nghĩ: Ông là lớp người thuộc thế hệ trước còn lại. Mang trong người dòng máu tự cao, tự đại. Thuộc vào loại cường quyền, hách dịch, hay chèn ép dân chúng. Cứ muốn lấy thịt đè người. Sau này người ta gọi là “cường hào, ác bá” là như vậy. Ông như một con quạ già, đậu trên ngọn cây cao thỉnh thoảng lại đem tiếng kêu gào làm cho thất đảm kinh hồn mấy chú gà con, hay đàn chim nhỏ bé. Chớ chẳng làm gì được ai. Đi đến đâu cũng bị người ta xua đuổi.

 

Xong công việc rồi, tôi đi băng qua cánh đồng Sau Chùa về nhà cho gần. Khi đến cửa đình Rèm thì gặp ông Chánh Hằng đang cầm một cái kéo to tổ bố cắt xén giậu tre sau nhà. Ông Hằng họ Phạm - Phạm Kiêm Hằng, hiện làm Chánh Hương Hội An Liêm, nên người ta gọi ông là “Ông Chánh Hằng”. Ông hơn tôi mười mấy tuổi, nhưng cư xử với tôi như bạn bè thân thuộc. Tôi chào ông. Ông ngừng tay quay qua tôi ông nói:

 

- Tôi phải cắt xén cho gọn ghẽ. Không mấy ngày nữa mùa màng đến nơi. Người gánh lúa, gánh rạ, đi lại vướng vất.

 

Nhà ông Hằng, ở sát ngay cánh đồng, gần ngã tư đường. Một lối đi thẳng từ trong làng ra đồng, và một lối đi từ cửa đình, theo dọc bờ ngòi về phía cầu Bến Đông. Tôi định đi lối này về nhà cho gần. Ông Hằng ngừng tay cắt giậu, mời tôi vào nhà chơi. Tôi vui vẻ theo ông, đi qua một cái cổng gỗ, có mái rạ để vào trong nhà.

 

Gia đình ông Hằng thuộc loại trung nông, nghĩa là chỉ có bốn, năm mẫu tư điền. Nhưng nhờ được ông có môn thuốc gia truyền chuyên về băng bó gẫy chân, trặc tay rất thần hiệu. Ông chữa bệnh có tiếng, nên nếp sinh hoạt trong nhà không đến nỗi nào. Những bệnh nhân dù ở xa xôi, như các huyện Quỳnh Côi, Phụ Dực nghe tiếng, cũng võng cáng đến. Ông chỉ nắn bóp, điều chỉnh vết gẫy, đắp thuốc rồi lấy những thanh tre đặt bên ngoài, băng bó lại. Ngoài vết thương ông đắp một lượt cơm nếp nóng. Ông cho một ít rượu thuốc về uống. Chỉ năm, bẩy ngày vết thương lành. Bệnh nhân trở lại ông thay thuốc cho một lần nữa là khỏi hẳn.

 

Thằng Tiến bạn học tôi ở thôn Liêm, còn nhỏ chơi “ban” (đá banh), bị ngã gẫy cánh tay trái, đến ông Hằng băng bó cho. Sau này lại chơi ban được như thường. Tuy cánh tay giơ ra không được thẳng tắp như cũ. Ông chánh tổng sở tại, có người con trai trèo lên cây khế hái quả, bị té gẫy tay. Người ta thường nói: “Hóc xương gà. Sa cành khế” là thế. Vì cành khế giòn, dễ gẫy. Còn xương gà thì cứng và sắc, nên dễ bị hóc. Khi ông Hằng chữa lành bịnh cho con trai vị Chánh Tổng, đã xin vị này nhường lại cho ông một ngày chợ.

 

Sở dĩ có sự nhượng chợ như vậy. Vì ông Chánh Tổng có hai sào tư điền ở ngay dốc Cầu Rèm, sát con đường dây thép. Thửa đất này hình chữ nhật, có hai mặt giáp đường. Ông để một nửa xây cất trường làng, còn một nửa lập chợ để lấy hoa chi. Chợ này người ta gọi là chợ Cầu Rèm, họp vào buổi sáng. Chợ có ba, bốn rẫy quán bằng tre lợp rạ. Có hai gia đình người làng ra làm nhà ở phía bên kia con đường dây thép, mặt quay ra đường, phía sau là con sông đào dọc theo đường dây thép. Rất tiện cho việc tắm rửa, giặt giũ...

 

Chợ Cầu Rèm cũng như những ngôi chợ nhỏ khác trong vùng. Nghĩa là cũng có đủ cả thực phẩm, rau cỏ, trái cây và gia dụng hàng ngày. Những phiên chợ đông, thì người bán hàng ngồi tràn lan cả ra đường dây thép, và trên cây cầu gỗ rộng lớn.

 

Nay ông Chánh Tổng nhượng lại cho ông Hằng một phiên chợ để ông lấy tiền thuế chợ. Người ta quen gọi là “hoa chi”. Tôi cũng chẳng biết nghĩa hai chữ hoa chi là gì? Vì thế chợ Cầu Rèm được chia làm hai. Cứ buổi sáng ngày lẻ thì họp ở chợ ngoài, và ngày chẵn họp ở chợ trong, ngay sân đình trước cổng nhà ông Hằng. Để dễ nhớ, các bà nhà quê bảo nhau: “Cứ chẵn trong lẻ ngoài là không sai.” Có người khôi hài nói:

 

- Dân làng Rèm cờ bạc. Không trách được họp chợ cũng “chẵn trong, lẻ ngoài” như người đánh xóc đĩa vậy.

 

Gia đình ông Hằng, tuy không phải là gia đình giầu có, nhà ngói cây mít gì. Nhưng với 7 gian nhà gỗ lim rộng rãi, cao ráo quay mặt về hướng nam, nên rất mát mẻ. Đúng như người ta thường nói: “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng nam”. Phía trước nhà là một cái sân gạch Bát Tràng vừa đủ chiều dọc 7 gian nhà trên, và chiều ngang là 6 gian nhà dưới, bằng gỗ xoan cũng lợp rạ. Nhà ngang vừa làm nơi xay thóc giã gạo, vừa làm bếp núc. Căn nhà này còn nối dài ra mấy gian nữa làm chuồng trâu, chuồng lợn.

 

Phía sau căn nhà ngang này là một khoảng vườn khá rộng. Qua một giậu tre “hóp đá” là con sông đào từ phía Cầu Kênh chảy qua, để dẫn thủy nhập điền, cho cánh đồng Nam Đan, mà trên địa đồ ghi là “Nam Lai”. Trong vườn “chủ yếu” là trồng trà và những cây ăn trái chung quanh vườn như: cam, quýt, bòng, bưởi và mít. Những cây mít cao vời vợi, lá cành xum xuê, rậm rạp. Một vài cây còn đeo lủng lẳng những quả mít mật, thơm nồng, thơm nực. Ngay đầu nhà bếp cũng có một vài khóm chuối Ngô, lá xanh xanh che rợp cả một góc vườn. Những đêm Thu nghe gió thổi vi vu. Nằm nhẩm đọc câu hò miền Nam: “Gió đưa ngọn chuối sau hè. Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ...” Sao mà não nuột thế không biết.

 

Còn miếng vườn nhỏ ngay trước cửa, cách sân gạch một cái giậu mùng tơi xanh rì, điểm những hạt tim tím, từng chùm, từng chùm đong đưa theo gió hè hiu hắt... Ngoài vườn này, chính giữa là một khóm mẫu đơn, đã được ông Hằng uốn nắn thành một cái trang thờ. Trong có để một bát hương lớn bằng sành, và một đĩa trái cây mùa nào thức nấy, để thờ cúng Thổ Thần.

 

Ông Hằng mời tôi ngồi vào bộ trường kỷ ở chính giữa nhà. Bên trong cùng, áp tường là một chiếc tủ bằng hồng mộc. Trên tủ để một bộ đồ “ngũ sự” bằng đồng xanh, gồm một cái đỉnh và hai cây nến hai bên. Hai con hạc đồng đứng trên mình hai con rùa chầu chực bên ngoài. Phía sau cái đỉnh là một bài vị có chữ “PHẠM”, bằng Hán tự, đã được phủ một chiếc khăn vải “tây điều”.

 

Bàn thờ gia tiên hồi đó không có chưng hoa thường nhật, mà chỉ có thêm một bình hương bằng sứ, đựng cát cắm những chân cây hương màu đỏ lởm chởm phơi ra. Một chiếc mâm tròn bằng gỗ, đường kính độ 30 phân tây, có chân cao, sơn son thếp vàng, dựng trái cây để thờ cúng.

 

Hà con gái lớn ông Hằng, đang ngồi trên khung cửi ở gian nhà kế bên tay mặt. Ngâm nga câu thơ của Vua Lê Thánh Tôn: “Tay ngọc lần đưa thoi nhật nguyệt. Gót vàng giận đạp máy âm dương....” Thấy có khách đến, cô ngừng tay đứng dậy chào. Ông Hằng sai:

 

- Con xuống nhà lấy nước.

 

Vừa nói, ông vừa mở tủ trà lấy ra một bộ chén và bình trà cổ bằng sứ, men trắng. Bên ngoài có vẽ “Tiêu Hầu”. Nghĩa là một khóm chuối và một chú khỉ. Ông trịnh trọng đặt bộ đồ trà đã để sẵn trên một cái khay hình chữ nhật, có chân quỳ. Chung quanh thanh khay khảm xà cừ. Đúng là những món đồ quý giá, mà tôi nghĩ chỉ có khách thân tình mới được đem ra.

 

Trong khi chờ đợi cô gái nấu nước đem lên. Chúng tôi ngồi nói chuyện đủ thứ. Khi tôi gợi đến chuyện dòng họ tổ tiên. Ông Hằng đứng lên mở cửa tủ trà, đem ra một cái ống tre dài cỡ 40 phân tây, có nắp đậy, ngoài sơn màu cánh gián, có đề hai chữ Hán: “Gia Phả”. Ông mở nắp và lấy ra một cuốn sổ bằng giấy bản, có bìa đen cũng bằng giấy bồi, rất cổ kính. Ông đưa cho tôi, nói:

 

- Đây là cuốn gia phả dòng họ Phạm chúng tôi. Cậu đọc đi sẽ rõ, họ Phạm chúng tôi và họ Hoàng nhà cậu, cùng chung nhau là khởi tổ của làng mình đấy.

 

Tôi đỡ lấy cuốn gia phả. Ngay trang đầu đã có những hàng chữ từ niên hiệu Gia Long và câu thứ nhất viết: “Hoàng, Phạm ngũ nhân, đáo cư lập nghiệp tại An Liêm, Thư Trì huyện...”. Tôi tuy hồi còn nhỏ được học nhiều chữ Hán, mãi đến năm 15 tuổi mới khai rút tuổi để học trường làng. Nhưng trong cuốn gia phả có nhiều từ Hán Nôm, nên nhiều câu phải nhờ ông Hằng giải thích. Tôi hỏi:

 

- Như vậy thủy tổ của hai họ mình lập nghiệp ở đây chỉ có năm người hay sao? Mà giờ đông thế?

 

Ông Hằng đáp:

 

- Theo tôi hiểu, thì tuy nói là “ngũ nhân”. Nhưng thời đó các cụ chỉ kể những tráng đinh là một người, một nhân khẩu. Còn những gia nhân phụ thuộc như vợ con, hoặc quyến thuộc là phụ nữ, thiếu nhi không kể. Tôi chắc 5 người là 5 gia đình, cả bầu đoàn thê tử cũng phải tới năm, ba chục người.

 

- Thế ra, làng mình thời đó còn thuộc huyện Thư Trì?

 

- Đúng như vậy! Trong các giấy tờ công văn còn đề: An Liêm xã, Thư Trì huyện, Nam Định trấn...

 

- Thảo nào mà trong sách địa lý của Tả Ao có ghi:” Đế vương nhất đại. Huyệt tại Bờ La, An Liêm, Thư Trì huyện”. Không biết đã ai tìm ra huyệt này chưa? Ông chánh có biết Bờ La nó nằm ở chỗ nào không?

 

- Tôi nghe nói nó nằm ở khu cánh đồng chân đê, gần xóm Lập Trại bây giờ. Ngày tôi còn nhỏ nghe có mấy ông thầy địa lý người Tầu giả dạng làm người bán thuốc, hay bán cao, bán quế về làng mình dò la tìm huyệt này mà cũng không có kết quả.

 

Chúng tôi đang đàm đạo lung tung, thì Hà đem nước lên. Cô cầm bình nước trà nóng, lấy tay trái đè lên vung ấm, để giữ cho khỏi rơi. Cô từ từ rót nước vào hai chén Nội Phủ, rồi đặt ấm nước vào khay. Lúc đó tôi mới nhìn kỹ đến khuôn mặt cô gái. Có nước da “cấm cung” trắng muốt. Hai má hơi bầu bầu. Mới 15 tuổi đầu, mà thân hình đã nẩy nở phốp pháp rồi. Khi cô rót nước, tôi nhìn qua khe cổ áo thấy ngực cô phập phồng, và hơi thở có vẻ hổn hển, như người vừa mới lao động vinh quang về.

 

Cô bé trông giống mẹ nhiều hơn, vì thân hình nhỏ bé. Chớ tướng mạo ông Hằng thì khác hẳn. Ông đặc biệt là người cao lớn nhất làng. Tôi cũng đã cao 1 thước 70, mà đứng mới đến ngang tai ông. Người làng tôi phần nhiều chỉ cao độ 1 thước 60. Có người chỉ có 1 thước 40. Như chú Tề, người ta cứ gọi là “chú Tề lùn”.

 

Tôi sợ ông Hằng để ý đến con mắt “cú vọ” của tôi đang nhìn như muốn rách áo con gái ông. Nên tôi phải làm bộ cuộn quyển Gia Phả lại, bỏ vào trong ống tre, đậy nắp lại để xuống mặt bàn. Tôi thấy Hà ghé vào tai bố thì thầm câu gì đó. Ông Hằng gật gật đầu rồi phán:

 

- Ừ, con đem lên đi, chẳng mấy khi cậu đến chơi. Rồi ông nói như nói với tôi: “Tuy rằng gần gũi nhau, nhưng ít khi có dịp đến nhà nhau.”

 

Hà nghe lời cha, xuống nhà bếp ngả chiếc mẹt ra. Rồi xẻ một quả mít mật mới chín cây. Cô bóc đầy một bát “chân tượng”. Cô vừa đứng dậy, định bưng lên, thì mẹ cô bảo:

 

- Con phải lấy thêm một cái bát nữa để đựng hột chứ!

 

- Vâng, con đem bát này lên trước.

 

Hà để bát mít trên bàn, rồi chạy vào trong phòng lấy ra một cái bát nữa để đựng hột. Tôi nhìn hai cái bát Đằng Vương để trên bàn. Đó là loại bát cổ, lớn, dùng để đựng thức ăn. Người nhà quê hay gọi là bát chân tượng, vì nó lớn như chân voi. Thể tích bằng một lít. Bên ngoài có vẽ bức tranh màu xanh đậm. Một hình lâu đài, có vài ông quan mặc triều phục cổ Trung Hoa đứng, và một dòng sông có con thuyền đang lơ lửng trôi. Mỗi bát có đề hai câu thơ. Tôi xoay xoay cái bát và nhẩm đọc:

 

“Đằng Vương cao cát lâm giang chử.

Bội ngọc minh loan bãi ca vũ.”.

 

Đó là hai câu đầu của bài Đằng Vương Các Tự, của Vương Bột. Tôi nhìn sang cái bát bên cạnh cũng có hai câu đó. Tôi hỏi:

 

- Ông Chánh cũng có bộ bát này?

 

Ý tôi muốn hỏi ông có đủ bốn cái bát này, thành một bài thơ “Thất ngôn bát cú”. Đây là một bộ bát cổ của Tầu. Đủ bốn cái thành một bài thơ là:

 

Đằng Vương Cao Các lâm giang chử. 

Bội ngọc minh loan bãi ca vũ.

 

Họa đống triêu phi nam phố vân. 

Châu liêm mộ quyển tây sơn vũ.

 

Nhàn vân đàm ảnh nhật du du. 

Vật hoán tinh di kỷ độ thu?

 

Các trung đế tử kim hà tại? 

Hạm ngoại tràng giang khống tự lưu.

 

Ông Hằng trả lời:

 

- Đây là chiếc bát ông cụ tôi để lại. Cụ nói mới đầu cũng có đầy đủ một bài thơ. Nhưng sau cứ tiêu tan dần dần. Đến tôi chỉ còn có một cái. Mấy năm trước tôi đi chợ phủ, thấy có người bán một cái này, nên tôi mua. Tôi nghe nói ít nhà có đầy đủ một bài thơ này!

 

- Vâng! Nhà tôi cũng có 5 cái mà cũng không có được đủ một bài thơ. Chỉ có bên ông ngoại tôi là có đủ, vì cụ có tới gần chục cái bát kiểu này. Nhưng cụ lựa ra 4 cái đầy đủ một bài thơ. Cụ để riêng ra, không cho dùng đến. Mỗi khi có ăn uống, cụ chỉ cho lấy những chiếc bát “cọc cạch” kia thôi.

 

Khi tiễn chân tôi ra đến cổng. Ông Hằng còn chỉ về phía cánh đông Nam Đan, ông nói:

 

- Cậu có thấy không? Hai ngôi mộ tổ, đều nằm ở trên đó.

 

Ngôi mộ tổ họ Phạm thì được xây bằng đá hộc. Chung quanh có tường cao gần một thước tây. Trông có vẻ cổ kính và kiên cố. Còn ngôi mộ tổ họ Hoàng thì chỉ là một nấm mộ. Tôi nghỉ có lẽ họ Hoàng theo đạo công giáo, nên đã sao lãng việc thờ cúng tổ tiên. Và cũng vì thế mà việc xây đắp mồ mả cũng không được quan tâm chăng? Ngôi mộ này nằm kế bên một cái gồ gọi là gồ “nấm chiêng”.

 

Gồ này có hình thể giống như một cái chiêng tròn, ở giữa có một mô đất cao như hình cái núm vú. Bên cạnh gồ có cái giếng nhỏ, mà bờ giếng hình bán nguyệt, trông giống như cái quai chiêng. Giếng này tuy nhỏ, nhưng rất sâu. Có nước quanh năm, đủ để cho những con trâu, con bò đến đây giải khát, sau những giờ phút lao động chẳng vinh quang.

 

Ông Hằng còn kể cho tôi nghe trên những cánh đồng làng Rèm còn có những cái gồ mang danh từ rất ư là mộc mạc, như: gồ con chó, gồ nắm cơm, gồ cái lọng, cái tàn. Có cả cái cáng, cái kiệu nữa... Nói chung là làng mình có đủ cả cờ quạt võng lọng, chiêng, trống....

 

Thằng Thiệu mỗi lần đi học ngang qua cánh đồng nó lại nói:

 

- Làng mình có hai cái gồ: ”Chó chực nắm cơm”. Nên chẳng ra cái đếch gì? Chỉ toàn đồ ăn hại.

 

Trước khi chia tay ông Hằng còn kể cho tôi nghe những chuyện kỳ thú về mồ mả đất cát.

 

Con đường từ cửa Đình Chùa này chạy thẳng đến ngã Tư Khô, rồi tiếp nối con đường dây thép đến làng Nguyên Lâm. Người ta quen gọi là làng Chợ Khô. Vì làng có một ngôi chợ trên khu đất cao ráo. Những trận lụt lớn, như trận lụt năm Bính Dần (1926). Cả mấy huyện Tiên Hưng, Duyên Hà, Hưng Nhân... nước ngập mênh mông, mà làng Nguyên Lâm vẫn như cái cù lao nhỏ trên biển cả. Những ông thầy địa lý phán rằng:

 

- Làng Nguyên Lâm là cái tàn che cho làng Rèm. Nhưng hiềm vì con đường từ làng này đến làng Rèm, là cái cán tàn. Mà cán tàn lại bị gẫy ở giữa, là cái giếng nước ở trước ngôi miếu “Cô Tiên”. Ngôi miếu này tọa lạc trên đất của làng Quán Xá, thuộc phủ Tiên Hưng. Nhưng giáp ranh với làng Rèm, chỉ cách nhau một con đường ruộng chạy từ đây đến ngã Tư Khô. Thầy địa lý nói: Nếu lấp được cái giếng này, hoặc giả chừng nào con ngòi ở gần đây mà lở đến cái giếng thì làng Rèm mới phát được. Nhất là họ Phạm và họ Hoàng mới có người thi đậu làm quan.

 

Dân làng Rèm nghe lời thầy địa lý phán bảo, đã rủ nhau ra lấp cái giếng nước đó. Cái giếng chỉ rộng bằng một gian nhà, hình tròn. Thầy địa lý bảo đó là huyệt “long nhãn”. Nghĩa là mắt của rồng. Có lẽ rồng một mắt - Rồng chột!- Nhưng ban ngày thì bên Rèm lấp. Ban đêm dân Quán Xá lại ra đào lên. Họ nói rằng nếu cái giếng này lấp đi, thì cả làng Quán Xá phát sinh bệnh phong cùi hết. Nên họ nhất định phải đào lên. Cứ một bên lấp, một bên đào. Sau sinh ra ẩu đả, mấy ông bên Quán Xá bị vỡ đầu sứt tai. Họ phải chạy đến cửa quan để cầu cứu. Ông Tri Phủ Tiên Hưng đích thân cỡi ngựa về thị sát và phân xử. Ông phán:

 

- Dân làng Rèm chỉ được lấp bờ giếng về phía làng mình. Ông ra lệnh phải chôn một cột đá làm mốc phân ranh giới. Phía bên Quán Xá trồng một giậu xương rồng ở mé bờ giếng.

 

Hiện giờ nhũng cây xương rồng đó cao hơn đầu người, và cột đá vẫn còn y nguyên. Người ta đồn rằng ngôi miếu này thờ một vị tiên nữ rất linh thiêng. Nên gọi là miếu “Cô Tiên”. Miếu tuy kiến trúc bằng gạch ngói rất kiên cố. Nhưng thời gan quá lâu, nên những bức tường rêu phong, loang lở. Hai câu đối hai bên cột trước cửa miếu không còn. Cả đến hai chữ “Thần Miếu” ghép bằng những mảnh sứ cũng không còn đọc được nữa. Bên trong chỉ còn vỏn vẹn một bát hương bằng sành to tướng.

 

Nghe tin đồn, những ngày trái gió trở trời, bà phủ Tiên Hưng cũng nằm cáng và có nữ tỳ theo hầu, đến đây lễ bái. Có điều lễ xong thì xôi gà hay lễ vật gì, bà phải đem về thụ lộc. Xã Quán Xá còn có cái tên nôm na là làng “Quán Đầu”. Trong làng có đến 80 phần trăm người làng làm nghề lấy phân bắc, gọi nôm na là cứt người, cứt chó, đem bán cho những điền chủ ở mấy làng lân cận để bón ruộng. Vì thành hoàng làng Quán Đầu làm nghề này mà!

 

Thúy Sơn

 

-------oo0oo-------

comau
Việt Cộng đối ngoại thì nhu nhược, bán nước,
đối nội thì tàn ác và hà khắc với nhân dân.

Những H ảnh đẹp của Cộng Đồng Việt Nam Bắc California

covang
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa VTVCương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

covang
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa VTVCương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

 


bottom