tittle

bottom

Vietnam

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

Trang Thơ - Văn - Ảnh Bạn Đọc dùng để đăng những bài thơ, bài văn hay, những bức ảnh của bạn đọc gởi về. Nếu các bạn chụp được những tấm ảnh hay, lạ, đẹp và muốn chia xẻ cùng bạn đọc, xin vui lòng email cho chúng tôi ở "vietlist09@yahoo.com". Kính chúc quý độc giả vui khỏe.

-------oo0oo-------

NHỮNG NGƯỜI NĂM CŨ

DƯ THỊ DIỄM BUỒN

“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương
Màu hoa phượng thắm như máu con tim
Mỗi lần hè thêm kỷ niệm/ Giờ đây biết đâu mà tìm…”

Mỗi lần nghe bản nhạc “Nỗi Buồn Hoa Phượng” của Nhạc sĩ Thanh Sơn là tôi nhớ quay quắc về thuở ngày xưa! Cái thuở mà bọn nữ sinh chúng tôi sáng thường đi học sớm. Kẻ đứng, người ngồi rải rác trong sân cỏ xanh để chờ ông cai trường mở cửa vào lớp. Chúng tôi đồng phục áo dài trắng, quần đen, hoặc quần trắng thướt tha lượn qua lượn lại, nhởn nhơ như đàn bươm bướm trắng. Có đứa đùa giỡn, rược bắt, có đứa nói chuyện ồn ào, có đứa kể chuyện tào lao, có đứa chọc bạn, phá thầy… Và có đứa tư lự nhìn trời xanh mây trắng mà mộng, mà mơ ở tuổi xuân hồng.

Tôi là học sinh chuyển trường. Trung hoc Đệ nhứt cấp tôi học ở trường khác. Sang Đệ nhị cấp tôi được vào trường Trung học Đoàn Thị Điểm Cần Thơ. Lúc đó bà Trần Thị Nhơn quyền Hiệu trưởng. Dù được vào trường Trung hoc nữ lớn nổi tiếng ở miền Hậu Giang. Nhưng tôi vẫn nhớ về trường xưa, thầy cũ và bè bạn vui buồn có nhau, cùng lớp chung trường mà đã bao năm mài thủng ghế nhà trường đễ trau giồi kinh sử…

Đó là ngôi trường mà bốn năm, từ lớp Đệ thất đến Đệ tứ tôi hai buổi đi về. Nắng gội mưa chan đã cho tôi biết bao là kỷ niệm lúc thiếu thời. Trước sân trường cũ của tôi có khoảng sân đất rộng trồng nhiều cây anh đào. Mỗi năm vào mùa hoa anh đào nở, cả sân trường rợp màu hồng nhạt trên nền cỏ xanh mướt, dưới bầu trời quang đãng ngập nắng mai, và gió xuân phơi phới. Giờ ra chơi, chúng tôi thường ngồi dưới cội anh đào, tụm năm, tụm ba tán gẫu, đùa giỡn tung tăng.

Tôi vẫn nhớ rõ vào năm Đệ tứ niên, nhằm cuối mùa hoa anh đào nở. Một hôm đang đứng ở hiên trường nói chuyện với bạn bè, thì cô thư ký đến cho biết Hiệu trưởng gọi. Tôi lật đật vuốt lại mái tóc, sửa lại tà áo, nếp quần cho ngay thẳng rồi e dè đi theo sau cô.

Hiệu trưởng của chúng tôi là ông giáo già người miền Bắc. Ông đã làm Hiệu trưởng nhiều năm ở Tiểu học. Vợ ông là cô Như Mai cũng dạy học trò như chồng. Ông Hiệu trưởng nổi tiếng khó trời đất! Đứa nào vô phước được ổng gọi thì coi như khổ dài dài. Không bị “con-sin” vì dưới điểm trung bình hàng tháng, hay trong các lần thi Tam cá nguyệt, Lục cá nguyệt, thì cũng bị rầy về phạm kỷ luật, hay chuyện gì đó chớ hiếm thấy người nào “bị” gọi lên mà gặp chuyện tốt lành. Nhưng phải công nhận rằng, trường nào được ông hướng dẫn, và nhứt là các lớp của ông dạy. Chỉ số hàng năm học sinh thi đậu rất cao, cao hơn hẳn nhiều trường khác.

Mặt tôi nhăn nhó như con khỉ ăn phải ớt, nặng trĩu và dài ra như cái bị chín quai! Bởi tôi vừa sợ, lại vừa lo không biết việc gì sẽ xảy đến đây? Tôi tự trấn an cho mình “Phải bình tĩnh! Phải bình tĩnh!” Tôi làm động tác thở ra một hơi thật dài, rồi hít vào buồng phổi không khí mát mẻ trong lành để lấy bình tĩnh.

Nhưng tội nghiệp lắm! Thật sự, tôi không bình tĩnh chút nào hết! Vừa bước vào cửa phòng Hiệu trưởng, thấy ông trễ cặp mắt kiếng lão nhìn tôi từ đầu đến chân. Tôi sợ quá, vội chụp ngay vào thành cái ghế dựa trước mặt, và lí nhí trong miệng:

- Dạ thưa, Hiệu trưởng gọi con?

Ông không trả lời ngay, nhìn thẳng vào mặt tôi, hỏi:

- Chị là Minh Thu học lớp Đệ tứ 1 đấy à?

Tôi run giọng, trả lời:

- Dạ thưa Hiệu trưởng, con là Minh Thu, hoc lớp tứ

Đôi mắt nghiêm khắc và sắc bén của ông làm tôi lính quính:

- Chị có biết tại sao tôi gọi chị lên đây không? Chị năm nay bao nhiêu tuổi rồi?

Tôi lập bập trả lời:

- Dạ thưa Hiệu trưởng, con 17 tuổi. Con không biết tai sao Hiệu trưởng gọi con?

Ông chẳng thèm nhìn tôi, thẳng thừng nói một hơi:

- Phải lo học hành, để sau nầy được vào các ngành nghề mình muốn. Có công ăn việc làm để trả ơn cho cha mẹ, và bản thân chị cũng được khỏe, không phải vất vả vì cày sâu, cuốc bẩm hay buôn gánh bán bưng… Mới nứt mắt mà chị đã bày đặt “có bồ có bịch” rồi phải không? Nếu có bồ thì nghỉ học ở nhà, để chỗ cho những người khác chuyên tâm vào học hành. Vả lại, luật của nhà trường không nhận thư tình, chị có biết không?

Tôi chới với, như trên trời mới rớt xuống! Ông nện luôn mấy câu:

- Tôi có đỗ oan cho chị đâu. Chị hãy xem đi, bức thư tình của chị đó!

Ông Hiệu trưởng lấy ra bức thư từ hộc tủ, có đóng con dấu bưu điện và đã mở ra rồi. Ông thảy trước mặt tôi. Mặc dù lúc đó tôi chưa có bồ, và tôi cũng không biết ất giáp gì về bức thư nầy! Nhưng tôi sượng sùng và sợ hãi đến nỗi đứng không muốn vững. May mà nhờ vịn vào cái ghế trước mặt, nếu không thì chắc tôi ngã quỵ rồi. Ông Hiệu trưởng không để cho tôi nói, hay phân bua lấy nửa lời. Ông đẩy lá thư đến gần tôi hơn, dằn từng tiếng:

- Chị cầm về xem đi để mà hối lỗi! Lần nầy chị may mắn được tha, nhưng không có lần sau! Từ rày nếu ai gởi thư đến cho chị nữa thì chị sẽ bị đuổi học!

Tôi cầm lá thư, riu ríu đi trở về lớp mà nước mắt chảy ròng ròng!

Trong lớp học, thầy giáo vẫn đứng trên bục giảng bài. Hình như thầy không biết, và không đếm xỉa gì đến những chuyện lẩm cẩm của đám học trò. Các bạn trong lớp, đứa ưa thì nhìn tôi ái ngại, xót thương. Mấy đứa không ưa thì nhìn tôi với ánh mắt hả hê ra điều đắc ý. Mặc dù chúng không biết nguyên nhân gì tôi bị gọi lên gặp Hiệu trưởng.

Rồi cuối năm đó, lớp chúng tôi lo gạo bài để thi lấy bằng Trung học Đệ nhứt cấp. Và trước khi thi chúng tôi còn phải lo làm đơn chuyển trường. Vì trường chúng tôi không có Đệ nhị cấp. Bận rộn quá, tôi cũng đã quên mất bức thư ai đã gởi đến cho mình không đề tên người gởi, mà Hiệu trưởng cho đó là bức thư tình.

Cuộc chiến Quốc Cộng trên quê hương ngày càng sôi động. Cha, mẹ, anh, chị… không ngại gian lao ngoài việc xả thân chống giặc, còn lo cơm áo để cho con em mình an tâm cắp sách đến trường giồi mài kinh sử. Thời gian qua mau, học hết năm Đệ nhứt, chúng tôi rời trường như bầy chim lìa tổ. Xoãi đôi cánh mềm bay vào bầu trời bao la có đầy hương thơm, cỏ lạ, có cây lành cho trái ngọt. Trong không gian bát ngát, thân thiện nồng ấm tình người của vùng đất tự do miền Nam rộng mở và chào đón chúng tôi.

Chúng tôi được người đi trước ươm mầm, uốn nắn diều dắt, chăm sóc dạy dỗ, tôi luyện trong vòng tay nhân ái, lễ nghĩa… Để chúng tôi có đủ khả năng trong các ngành, các nghề. Khi có thể đương đầu với bão táp phong ba chung quanh, thì chúng tôi rời ngành nghề chuyên môn ra tạo dựng vững chắc đời mình và giúp người.

Sau khi học xong nghề, tôi được về nhận việc ở Trung Tâm Y Tế Toàn Khoa Mỹ Tho. Đầu năm 1968 (sau Tết Mậu Thân). Thuở đó, Bác Sĩ Võ Văn Cẩn quyền Trưởng Ty Y Tế Định Tường.

Ngày đó, trong dịp tình cờ tôi gặp lại thầy Hiệu Trưởng năm xưa đi khám bịnh. Ông vẫn điềm đạm, ít nói, dáng gầy gầy, tóc trắng nhiều hơn tóc đen và cặp mắt kiếng vẫn trễ xuống. Khi tôi chào, ông hỏi:

- Xin lỗi, chị là ai tôi không nhớ?
Tôi không còn run sợ như xưa nữa, mà mỉm cười lễ phép trả lời ông:
- Dạ thưa Hiệu Trưởng, con là Minh Thu học lớp Tứ 1.

Ông châu mày, mắt nhìn trời xa xăm như cố tìm nhớ lại. Bỗng ông “à” một tiếng! Ánh mắt ông vẫn nghiêm khắc nhưng pha nỗi u buồn. Nhìn sâu vào mắt tôi, ông dịu giọng và từ tốn:

- Tôi nhớ ra rồi, phải Minh Thu bị tôi rầy về bức thư nặc danh không? Lúc đó tôi cố tình rầy chị. Thật ra chị có tôi vạ chi đâu? Chắc chị giận tôi lắm phải không? Lâu quá rồi, chị còn nhớ nội dung bức thư đó chứ?

Tôi không ngần ngại, lanh lẹ đọc một hơi như đang trả bài thuộc lòng. Tôi đọc không sót một chữ:

“Em đứng nghiêng mình dưới nắng mai
Vịnh ngành sương đọng lệ hoa rơi
Cười nâng tà áo đưa lên gió
Em bảo hoa kia khóc hộ người”

- Dạ thưa Hiệu Trưởng, trong thư chỉ vỏn ven có 4 câu thơ của Thế Lữ thôi, không còn một chữ nào khác. Con không có giận Hiệu trưởng, nhưng lúc đó con thấy thiệt là oan cho mình quá đi! Nay thì chuyện cũng đã qua lâu rồi. Con nghĩ Hiệu trưởng rầy như vậy là có chủ tâm? Thưa Hiệu trưởng, cho đến bây giờ con cũng không biết thư đó của ai gởi cho con? Hiệu trưởng có biết không?

Ông thở dài:

- Của Nguyễn Khương Tịnh lớp tứ 2. Chị còn nhớ Khương Tịnh không? Đậu phần hai xong, nó vào trường Võ Bị Đà Lạt. Sau khi tốt nghiệp, Khương Tịnh được bổ nhiệm về binh chủng SĐ7/BB. Tổng hành dinh của Sư đoàn 7 ở đối diện cửa chánh bệnh viện nầy. Chị biết chứ?

Ông có vẻ xúc động ngừng nói. Sau phút giây suy nghĩ, tôi nhớ ra:

- Da thưa Hiệu trưởng, có phải Khương Tịnh mà lần nào lễ lộc, hay bãi trường có mục văn nghệ, anh ưa hát bài “Mỗi Độ Thu Về” hoặc bài “Đường Xưa Lối Cũ” không?

Ông Hiệu trưởng gật đầu, tiếp:


- Ờ, thằng đó thì nghệ sĩ lắm, nó ưa hát hò, và cũng thích viết lách. Khương Tịnh gọi tôi bằng bác ruột. Tôi biết, dạo đó thấy đám nữ sinh ngồi dưới cội anh đào nở rộ trước sân trường, nó chạnh lòng mượn thơ của Thế lữ để tỏ tình với chị. Nhưng hai người lúc đó còn quá trẻ, lại học giỏi. Thật tình tôi ngại chuyện tình cảm nam nữ dây dưa làm hỏng đường học vấn của hai người. Nên một mặt rầy chị và mặt khác ngăn cấm nó. Tội nghiệp! Một thanh niên ưu tú như vậy mà vắn số! Nó đã qua đời 6 tháng trước, trong lúc dẫn quân về truy lùng địch ở trận Bà Bèo (một địa danh nằm trong tỉnh Định Tường).

Tôi rời trường Trung học Đệ nhất cấp tính đến nay đã mười mấy năm rồi. Thật sự tôi không biết gì về việc nầy! Nay nghe thầy Hiểu trưởng kể lại tôi cảm thấy lòng mình xao động! Bùi ngùi thương tiếc thuở học trò và người bạn năm xưa!

Tôi chép miệng thở dài nhìn mưa bay bay trong bầu trời xám đục. Mưa lê thê cùng gió lành lạnh đầu xuân của vùng Hoa Thịnh Đốn, đã làm tan tác những cánh hoa anh đào tức tưởi tàn mau. Lòng bồi hồi xúc động, khi hồi ức quay về gợi tôi nhớ những chuyện đã qua dưới mái trường xưa…

- Mưa thế nầy, người ta cũng muốn bịnh, nói chi hoa anh đào không rụng hết sao được!

Tiếng nói bâng quơ, khi mắt vẫn không rời những hạt mưa rơi lác đác của chị Lành (hiền thê anh Hiền, nhóm TX), làm tôi quay về thực tế. Tôi hỏi chị:

- Ủa anh Hiền đâu, mà chị ở đây?

Chị cười, nhưng mắt vẫn nhìn bầu trời mông lung ảm đạm:

- Ổng lạc đâu mất tiêu rồi. Tôi lạnh quá, thấy chị nên đến nhập bọn để cùng đi về.

Lúc khởi hành du ngoạn, chúng tôi có từng nhóm hẳn hoi, có người dẫn đầu cầm cờ nhiều màu sắc khác nhau cho phân biệt. Tôi từ vùng Sacramento đến (chỉ một người) nên tôi tự nhập vào toán cờ vàng. Bởi màu cờ vàng hợp với tôi hơn.

Sau khi mỗi người nhận phần ăn trưa, giấy xe ra vào cửa để đi từ trạm xe ngừng gần nhứt của khách sạn. Nơi mà đồng môn và thầy cô tạm trú trong thời gian mấy ngày về dự đại hội. Hôm nay, chúng tôi đi thăm bảo tàng viện, tòa nhà Quốc Hội, xem diễn hành, và ngắm hoa anh đào ở vùng Hoa Thịnh Đốn đẹp nổi tiếng trên nước Mỹ.

Trời chẳng chiều lòng người! Mưa rơi lách tách cả đêm rồi. Vậy mà sáng, mây đen phủ cả vùng trời Washington và mưa lại rơi nữa. Mưa rơi đều đều. Đoàn người du ngoạn của chúng tôi vẫn lên đường, không ngại gì mưa gió. Mưa vẫn tiếp tục rơi! Mưa rơi càng ngày càng nặng hột. Những người có dù, có áo che mưa cũng bị ướt loi ngoi thì nói chi người không đem theo dù che, áo phủ…

Chúng tôi đến bảo tàng viện thì coi như rã hàng vì đông người, và vì có rất nhiều vật trưng bày để cho du khách thưởng lãm. Trong toán, người thích xem thứ nầy, kẻ thích ngắm thứ kia… hoặc người muốn chụp hình lưu niệm nên không thể cứ chờ đợi nhau mãi. Chị hướng dẫn để mọi người đi riêng và dặn phải đến chỗ hẹn đúng giờ. Tôi biết thân, bởi mình vừa quê mùa lại vừa dốt, giống như Tư Ếch đi Sài Gòn. Tôi sợ lạc không biết đường về, cho nên bám sát đuôi vợ chồng sư huynh sư tỷ Thanh Bạch, Thầy Đàm, anh chị Chín (thầy và những đồng môn này từ Arizona qua)… cùng người hướng dẫn đoàn. Thế mà khi lên xe trở về khách sạn chỉ còn có mấy người: Thầy Đàm, chị Lành, một anh ở Atlanta, tôi, và hai vợ chồng anh chị (không nhớ tên) và người hướng dẫn thôi.

Tôi mừng vui và xúc động khi về đến khách sạn thì gặp lại cô Hiệu trưởng Trần Thị Nhơn. Cô ngồi giữa và học trò vây quanh nơi phòng tiếp tân của khách sạn.

Tôi không làm sao quên được, thuở đó cô dạy tôi môn Anh văn. Tôi đã rời trường từ năm 1965. Thời gian qua như chớp mắt. Cuộc đời theo vòng quay của kim đồng hồ và đổi thay theo vận nước nổi trôi! Mới đó, mà nay đã hơn 40 năm rồi còn gì? Tóc cô trắng phau phau. Chợt nhớ lại, tôi mỉm cười! Bây giờ mình cũng đã hai màu tóc, cũng là bà ngoại rồi chớ bộ!

Mỗi năm về dự Đại hội của đại gia đình cựu học sinh Trung học Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ), tôi được gặp lại những bạn cũ, thầy xưa, những nhân viên hành chánh có thời làm việc ở trường. Mặc dù những bạn không cùng lớp, những thầy không trực tiếp dạy lớp mình. Cho dù những hình ảnh đó, dáng dấp đó có thay đổi theo thời gian, theo năm tháng… Nhưng đã cho tôi sống lại những kỷ niệm ngọt ngào thân thương của thời son trẻ.

Dự Đại hội năm nay, ngay vừa đến phi trường Washington Dullas, thì tôi gặp một số anh chị đến trước, trong đó có Thúy con chị Huệ (ở TX), và nàng Bé Xíu. Thuở còn là nữ sinh Đoàn Thị Điểm, nàng Bé Xíu tròn trịa, người thấp, nước da mịn màng, trắng hồng, tánh tình hồn nhiên, miệng cười xinh xắn, rất dễ thương. Tôi ngại và sợ nhứt là mỗi lần đi ngang qua mặt nàng. Không phải mình tôi ngại, mà gần như những đồng môn thuở đó hay bị nàng Bé Xíu khều, nắm áo dài, cột đuôi áo, hay nói câu chọc ghẹo…

Tôi nhớ không lầm có lần nàng Bé Xíu của chúng ta ghẹo chị bạn học (ở Sóc Trăng hay Cà Mau lên học ở trương ĐTĐ. Tôi không nhớ tên chị). Bọn nữ sinh chúng tôi thuở đó đi học đứa nào cũng đội nón lá, hoặc nón vải (rất ít). Còn chị bạn nầy thì luôn che cây dù màu đen, cán ngoéo. Vóc người chị ốm, cao, lưng hơi cong cong, miệng hơi hô, tướng đi hơi lom thom. Nhưng chị học giỏi lắm (về sau hình như chị được học bổng du học ở Mỹ?). Nàng Bé Xíu thân mến của chúng ta đứng trên lầu nhìn xuống thấy chị, bèn rống họng lên hát lớn: “Cái đít Ba Tàu thằng nào cũng như thằng nấy, bà già Tư Ếch đi đâu cũng xách cây dù”.

Nàng Bé Xíu hát xong thì nhanh chân “vọt” mất! Bà Mừng (Giám Thị) từ đâu trờ tới. Thế là những đứa vỗ tay cười phụ họa, và những đứa lớ ngớ vô tội vạ như tôi đang đứng gần đó bị ghi tên và có giấy mời “cấm túc” thứ bảy phải vào trường làm bài, học bài và lượm rác, làm vệ sinh…

Trong chuyến đi dự đại hội của trường, ở Washington năm nay. Tôi có dịp được gặp những nhà văn, nhà thơ, nhà báo kỳ cựu, đã thành danh lúc còn ở trong nước và hải ngoại: Nguyễn Thị Ngọc Dung, Lê Thị Nhị, Tạ Quang Khôi, Uyên Thao, Hoàng Song Liêm, Vương Đức Lệ… Ông bà chủ nhiệm kiêm chủ bút, và ban biên tập tạp chí Thời Đại. Vợ chồng bác sĩ Cường, Yến (cặp vợ chồng nầy làm ở BV Chợ Rẫy và Từ Vũ ngày xưa). Sư huynh Hồ Thanh Sơn, sư huynh Cao Thanh Tùng và sư tẩu Phượng … Còn sư huynh Nguyễn Văn Thùy của chúng ta mấy năm rồi vắng bóng, có lẽ sư huynh đã lên núi rừng thâm sâu luyện bí kiếp. Để năm nay tái xuất ở đại hội với tập sách dầy mới xuất bản hơn 700 trang.

Tôi gặp những người năm cũ, luôn về dự đại hội hàng năm của trường. Cũng có những người năm cũ, mới đi dự đại hội lần đầu tiên… Những đồng môn ở phương trời xa xứ lạ từ: Úc, Pháp, Canada, Anh… Ở cố quốc Việt Nam năm nay cũng có 2 đồng môn qua tham dự (trong thời gian các anh đến Mỹ thăm gia đình). Cùng các đồng môn ở rải rác các tiểu bang trên nước Mỹ như: Texas, Atlanta, Seattle, Arizona, Nam Bắc California, và lẻ tẻ từ nhiều tiểu bang khác…

Đại hội năm nào cũng vậy, có cái vui và cũng có cái không vui. Nó tùy thuộc vào góc độ và cảm nhận của mỗi cá nhân. Nhưng trong chúng ta ai cũng biết, tự cổ chí kim đời vốn không có gì là tuyệt đối cả!

Hành trang tôi nhận được khi trở lại nhà sau mỗi lần đi dự Đại hội là: Đặc san của trường, những tác phẩm của đồng môn mới phát hành, một vài tạp chí ở địa phương… Có khi còn được gói bánh phồng tôm, gói bánh tráng dừa, gói kẹo chuối… Của các đồng môn trong dịp về thăm quê hương mang qua để dành tặng. Trước khi lên xe ra phi trường, tôi còn đươc gói sôi lá cẩm, ly giấy tạm đựng cơm… nhét vào giỏ xách để phòng hờ trên quãng đường xa cho tôi đỡ đói lòng của rể con anh bạn đồng môn, của bà chị dâu, của sư tỉ hoặc sư muội tặng. Cùng đầy ắp những lời thăm hỏi chân tình, những lời chúc phúc chúc an lành… Đối với riêng tôi, những tình cảm đó thật sự quá đủ và trân quý vô cùng!

California cuối thu

Tệ xá Diễm Diễm Khánh An
DƯ THỊ DIỄM BUỒN
Tuyển tập “Những Chặng Đường Tôi Đã Đi Qua”
Email: dtdbuon@hotmail.com
ĐT: (530) 822 5622

-------oo0oo-------

comau
Việt Cộng đối ngoại thì nhu nhược, bán nước,
đối nội thì tàn ác và hà khắc với nhân dân.

 

Những hình ảnh đẹp của Cộng Đồng Việt Nam Bắc California

covang
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

covang
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

 


bottom