tittle


bottom


Search Vietlist.us
Search the Web



Vietnam

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

covang

Vietnam

covang

Home Page Vietlist.us     Về Trang Gốc Houston


VIETLIST.US dành Trang Cộng Đồng để đăng tải tin tức, thông báo của Cộng Đồng và các Hội Đoàn người Việt Quốc Gia hoàn toàn miễn phí. Xin vui lòng liên lạc với chúng tôi tại: vietlist09@yahoo.com

-------------------------------

ĐIỂM QUA NHỮNG SÁCH LƯỢC VÀ CHIẾN THUẬT ĐẤU TRANH VỚI CSVN

Ls. Hoàng Duy Hùng

Ngày 1/2/2007, Nhóm Người Việt Nam Yêu Nước (NNVNYN) chính thức công bố Lời Kêu Gọi trên mạng lưới toàn cầu ra mắt nhóm của mình với chủ trương đấu tranh với CSVN trong khuôn khổ luật pháp của Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Nhóm có trụ sở ở Hà Nội và ở Đồng Nai. Cũng vào ngày 1/2/2007, Nhóm công bố Thư Vận Động, tuyên bố chấp nhận tuyển cử với CSVN trong năm 2007 mà không cần đặt ra một điều kiện nào với nhà cầm quyền.

Nhiều vị email và gọi điện yêu cầu tôi cho biết ý kiến, ủng hộ hay không. Để trả lời câu hỏi này, trước hết, chúng ta cần nhận diện các xu hướng đấu tranh của người Việt chúng ta hiện nay.

Đầu thế kỷ thứ 20, hai nhà cách mạng Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh chủ xướng lên hai khuynh hướng đấu tranh chống thực dân Pháp giành độc lập cho nước nhà. Cụ Phan Bội Châu chủ trương cách mạng vũ trang, và năm 1906, cụ khởi động Phong Trào Đông Du gởi sinh viên sang Nhật du học nâng cao kiến thức cách mạng và quân sự để một ngày nào đó khôi phục lại quê hương. Trong khi đó, cụ Phan Chu Trinh chủ trương cuộc cách mạng nhân sinh, nâng cao dân trí, chấn hưng dân tình, trồng sâu dân dũng để dân chúng đứng lên chống sưu cao thuế nặng, vạch trần những thối nát của chế độ, và từng buớc một lấn sân giành lấy sức mạnh trên các mặt trận kinh tế, xã hội, cho đến chính trị.

Hai cụ bất đồng quan điểm với nhau, có những lần tranh luận gay gắt, nhưng hai cụ vẫn kính trọng nhau với châm ngôn “bất đồng nhưng không bất hòa.” Hai cụ đã đi vào lịch sử là hai nhà ái quốc và đại cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Khi Cộng Sản cưỡng chiếm được toàn thể đất nước năm 1975, người Việt trong cũng như ngoài nước đứng lên chống lại bạo quyền bằng tất cả những khả năng của mình có, đặc biệt trong giai đoạn đầu, ai ai cũng chủ trương dùng cách mạng vũ trang lật đổ chế độ.

Thời đại này, để có kết quả tốt, cần phải có nghiên cứu, học hỏi, và chuẩn bị. Thí dụ, sau khi hoàn tất chương trình trung học, phải mất cả gần chục năm học thêm nữa mới có bằng bác sĩ, tiếp theo đó còn phải thực tập thêm vài năm mới được phép hành nghề. Đấu tranh cách mạng và chính trị là những nghệ thuật cao nhất trong xã hội, cao hơn cả các ngành chuyên môn như luật sư, bác sĩ, thế nhưng, sau năm 1975, vì nhiệt tình yêu nước, những người đi đấu tranh suy nghĩ rất đơn giản đó là cứ đứng dậy chống lại bạo quyền cái đã, mọi chuyện tính sau, bất chấp hậu quả.

Hầu như không mấy ai được chuẩn bị đầy đủ để bước vào con đường đấu tranh, mà có muốn cũng không có cơ hội và phương tiện; do đó, không lạ gì các cá nhân hoặc các tổ chức đấu tranh đều có những khuyết điểm, vấp váp gây nên những ngộ nhận cho nhau. Trong khi đó, ĐCSVN đã được huấn luyện kỹ càng, lại đang nắm quyền, nên chúng dễ dàng thọc gậy phân hóa các cá nhân và tổ chức chống lại chúng, và ĐCSVN đã thành công trong việc dẹp tan các cuộc nổi dậy của các tổ chức và phong trào đấu tranh vũ trang trong nước.

Cũng trong tư duy cách mạng vũ trang, người Việt hải ngoại đã nô nức yểm trợ cho các tổ chức có chủ trương này về nước. Ở Âu Châu có tổ chức của anh hùng Trần Văn Bá, nhưng khi về Việt Nam thì đã bị sa lưới, bị bắt trọn ổ, bị kết án tử hình, và sau đó bị tan rã. Ở Úc Châu thì có tổ chức của chiến sĩ Võ Đại Tôn trở về nước hoạt động, nhưng rồi cũng bị tình báo Cộng Sản theo dõi và bị sa lưới tại Hạ Lào. Chiến sĩ Võ Đại Tôn bị bắt, giả đầu hàng Cộng Sản để họp báo quốc tế làm một cú ngoạn mục tố cáo tội ác của chúng, bị đánh đập, bị nhốt biệt giam mãi cho đến năm 1991 mới được trả tự do. Ở Hoa Kỳ thì có Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, lập chiến khu tại Thái, xâm nhập vào Việt Nam qua 3 đợt Đông Tiến, bị thất bại, và cuối cùng Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và nhiều kháng chiến quân đã hy sinh.

Sau khi Đông Âu và Liên Sô sụp đổ, thế giới chia ra nhiều cực, nhưng hiện nay 2 cực rất mạnh và âm thầm đối nghịch nhau dữ dội đó là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hai quốc gia này tranh giành ảnh hưởng trên tất cả các địa bàn ở khắp nơi trên thế giới, và đương nhiên vì vị thế của Việt Nam là đầu tuyến của Đông Dương và là cuống phểu thông thương xuống phía Nam Châu Á Thái Bình Dương, Trung Quốc và Hoa Kỳ tìm bằng mọi cách để có thế thượng phong tại Việt Nam.

Năm 2001, biến cố Khủng Bố đánh sụp Tòa Song Đôi ở New York làm cho cả thế giới lên án, cuộc cách mạng vũ trang không được mấy ai ủng hộ nữa. Nhất là, vì nhu cầu chận đứng sự bành trướng của Trung Quốc tràn xuống phía nam, Hoa Kỳ đã móc nối làm lành với kẻ cựu thù CSVN, huấn luyện và tân trang cho quân đội của CSVN, tư bản đỏ và tư bản xanh đã cấu kết với nhau làm cho việc đấu tranh vũ trang không những khó thực hiện mà không thể thực hiện. Nhận thức được cách mạng vũ trang không thể thực hiện được nữa, các cá nhân và tổ chức đấu tranh chuyển từ phương thức của cụ Phan Bội Châu sang phương thức của cụ Phan Chu Trinh, tức Cuộc Cách Mạng Nhân Sinh. Phương thức Cách Mạng Nhân Sinh này có bốn khuynh hướng như sau:

I. Khuynh Hướng Tổng Nổi Dậy. Đây là khuynh hướng của những kẻ sĩ, nghĩa khí cao ngất trời vì họ chủ trương đấu tranh triệt để, không tương nhượng với bạo quyền. Khuynh hướng này có ba nhóm, một nhóm cực hữu, một nhóm trung dung, và một nhóm cởi mở.

1. Nhóm Cực Hữu: Nhóm này chủ trương cuộc đấu tranh là do dân, bất cứ ai còn ở trong ĐCSVN hay dính dáng với Cộng Sản thì không thể tham gia vô cuộc cách mạng vì như vậy vẫn còn là “Việt gian” thì sự có mặt của họ sẽ làm lu mờ đi chính nghĩa. Nhóm này còn chủ trương những ai “liên hệ” với Cộng Sản thì đều là “cuội” hoặc là “cò mồi” của Cộng Sản và nhóm này sẵn sàng tuyên chiến với những người kia luôn vì cho rằng những người kia làm lợi cho Cộng Sản.

Nếu hỏi họ làm thế nào vận động toàn dân tổng nổi dậy và lực lượng nào lãnh đạo cuộc tổng nổi dậy này thì nhóm này sẽ trả lời các tôn giáo, công nhân, và nông dân ở trong nước đang bất mãn, các thương phế binh quân lực Việt Nam Cộng Hòa ở trong nước đang sẵn sàng, chỉ cần Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ở hải ngoại đoàn kết với nhau thì sẽ lãnh đạo được cuộc tổng nổi dậy ở trong nước.

Chủ trương này không giải quyết vấn đề, ngược lại, còn gây ra nhiều ngộ nhận và cản bước cuộc đấu tranh chung. Hiện nay ở trong nước có khoảng 83 triệu dân, nhưng có khoảng 60 triệu người sinh ra sau năm 1975, họ không biết nhiều về cuộc chiến, ý thức về Quốc – Cộng họ không có, hoặc có thì rất là lờ mờ. Chưa nói đa số đã bị nhồi sọ coi Hồ Chí Minh là thần tượng. Song song, cũng có những người đi vào Đảng Cộng Sản mà cứ tưởng mình đang dấn thân vào con đường phục vụ dân tộc, họ đang từ từ sáng mắt ra, không thể đòi hỏi họ có cùng quan điểm như những người Quốc Gia hoặc những người đã từng trải. Cứ một chút là cho những người cộng sản “phản tỉnh” là cuội, là tình báo của cộng sản rồi ra sức tấn công họ thì chỉ tạo thêm nhiều tan vỡ trong tiến trình đấu tranh cho dân chủ.

Chúng ta nên nhớ Gorbachev với cương vị Tổng Bí Thư ĐCS Liên Xô, năm 1985, đã mở ra hai chính sách Glasnost và Perestroika, lúc đầu không biết vì thiện tâm hay vì mưu đồ, nhưng cuối cùng nhờ hai chính sách này mà Đông Âu vùng dậy xua tan bóng ma Cộng Sản và Liên Sô cũng tan rã luôn. Ông Boris Yeltsin, từng là uỷ viên Bộ Chính Trị của ĐCS Liên Sô, trả thẻ đảng tháng 7 năm 1990, và một năm sau, chính ông đã vận động dân chúng đánh tan âm mưu của nhóm lãnh đạo bảo thủ trong ĐCS Liên Sô, cứu vớt Gorbachev ra khỏi vụ đảo chính, sau đó làm áp lực để cho Gorbachev phải tuyên bố giải tán Liên Sô và Đảng Cộng Sản. Nếu không có hai nhân vật này, chưa chắc Cộng Sản đã sụp ở Đông Âu và ở Liên Sô.

Lịch sử ở Đông Âu cho thấy có nhiều nhân vật ở trong Đảng Cộng Sản lại âm thầm yểm trợ cho Dân Chủ và Tự Do, và có người còn tìm cách đánh đổ Đảng Cộng Sản như trường hợp Tổng Bí Thư Matyas Rakosi và Thủ Tướng Imre Nagy của Hung Gia Lợi, Tổng Bí Thư Alexander Dubcek ở Tiệp. Trường hợp Tổng bí Thư Wojcieh Jaruselski ở Ba Lan, bây giờ lịch sử được vén màn cho biết ông sợ Liên Sô đem quân vào Ba Lan nên ông ra lệnh đàn áp Công Đoàn Đoàn Kết nhưng bên trong thì ông bí mật yểm trợ cho họ.

Ở Trung Quốc có Tổng Bí Thư Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương đã âm thầm đứng đàng sau giúp cho sinh viên tổ chức các cuộc biểu tình ở Thiên An Môn. Ở Việt Nam có ông Trần Xuân Bách (1924-2006), nhân vật thứ chín của Bộ Chính Trị, ủng hộ đa đảng thì lập tức bị hạ bệ sống cô quạnh cho đến chết. Xin xem bài Những Bài Học Lịch Sử Cho Phong Trào Dân Chủ Việt Nam tôi đính kèm theo bài này để biết chi tiết những diễn biến này ở Đông Âu, Trung Quốc, và Việt Nam. Bài viết này tôi viết vào ngày 8/6/2006.

Quá trình lịch sử ở Đông Âu, Lịch Sử Trung Quốc và ngay tại Việt Nam cho chúng ta thấy chúng ta cần phải đánh giá lại từng con người đã hoặc con đang ở trong Đảng Cộng Sản, và nếu đánh giá đúng thì “dụng nhân như dụng mộc,” chúng ta biến họ thành những sức mạnh công kích vào chế độ độc tài hơn là biến họ thành những mũi tên phóng về phía chúng ta. Trong trận chiến này, sách lược hay nhất đó chính là “thêm bạn bớt thù” và hãy để cho mọi người có cơ hội đẩy bánh xe tự do dân chủ của dân tộc đi tới.

2. Nhóm Trung Dung: Nhóm này quyết tâm rất cao nhưng không coi mình là cái rốn của vũ trụ, còn biết lắng nghe các ý kiến khác để dung hòa. Họ không vội kết án kẻ này là cuội, người kia là tình báo của cộng sản, nhưng họ khá khắt khe với những người còn đang ở trong Đảng Cộng Sản.

3. Nhóm Cởi Mở: Nhóm này là những người thận trọng, có học, biết lắng nghe ý kiến của mọi người, chấp nhận tất cả các thành phần chống lại ĐCSVN dầu người ấy là Cộng Sản, nhưng nhóm này vẫn giữ chủ trương làn ranh Quốc Cộng phân minh, không thể nhập nhằng.

Nhưng, liệu rằng chủ trương Tổng Nổi Dậy có thành công hay không? Fidel Castro già nua bệnh nặng sắp chết, các tổ chức chống Cộng lưu vong của người Cuba tại Florida rất đông, rất giàu và rất mạnh, được Hoa Kỳ hỗ trợ hết mình, đài Radio Free Cuba ra rả ngày đêm phát sóng vào Cuba hỗ trợ cho công cuộc đấu tranh cho Tự Do và Dân Chủ, ấy thế mà cuộc tổng nổi dậy cũng không thực hiện được. So sánh tương quan lực lượng giữa người Cuba chống cộng và các lực lượng dân chủ của người Việt, chúng ta còn thua kém rất nhiều.

Ngoài việc ĐCSVN có 2 triệu đảng viên, hơn một triệu quân nhân, 400 ngàn công an, và giới trẻ hiện nay ở trong nước không ý thức rõ về Quốc-Cộng, có thể nói hiện nay trong nước không có một lực lượng nào đủ mạnh để điều phối cuộc tổng nổi dậy đó. Sức mạnh của công nhân và nông dân là sức mạnh của quần chúng khi đúng thời thì bộc phát nhưng cần phải có lãnh đạo và phối hợp kẻo không sẽ gây ra hỗn loạn hơn là kết quả tốt cho dân tộc. Cho rằng có một lực lượng lớn mạnh để điều phối cuộc tổng nổi dậy đó, vì quyền lợi của Hoa Kỳ, chưa chắc Hoa Kỳ ủng hộ. Lý do đơn giản, khi dân chúng tổng nổi dậy, phe CSVN thân Bắc Kinh kêu cứu Trung Quốc, nhân danh tình huynh đệ cứu lấy đàn em để tránh khỏi việc môi hở răng lạnh, Trung Quốc đưa quân tràn vào Hà Nội thì Hoa Kỳ hổng chân tại Việt Nam ngay.

Về sức mạnh tôn giáo, chúng ta biết Cộng Sản đã theo dõi sát nút và kiểm soát chặt chẽ các tôn giáo. Những tôn giáo nào chúng không kiểm soát được, chúng phân hóa ra thành nhiều nhóm hoặc chúng thỏa hiệp như trường hợp Thủ Tướng Cộng Sản Nguyễn Tấn Dũng đã đến Vatican yết kiến Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI. Cứ cho rằng tôn giáo đủ sức mạnh để điều phối cuộc tổng nổi dậy đi, việc đó tế nhị vô cùng kẻo không sẽ có những mâu thuẫn giữa các tôn giáo gây nhiều hậu quả tang thương hơn là tốt lành cho đất nước. Tây Phương và Hoa Kỳ chủ trương tách rời tôn giáo và chính trị là vì lý do đó.

Đối lực lại với Cộng Sản Việt Nam có hai đảng lớn đó là Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt. Hiện nay lãnh đạo của hai đảng này hầu hết đã ở hải ngoại, và tình trạng phân hóa của hai đảng này cũng rất trầm trọng. Ở trong nước, đảng tử đảng tôn của hai đảng này đã như rắn không đầu nên xoay qua đi làm ăn, không mấy chú ý đến đấu tranh, và thậm chí có người còn nhảy vào Đảng Cộng Sản nữa. Nếu nói nhờ hai đảng này vận động cuộc tổng nổi dậy thì quả thực sức mạnh không có nữa.

Các đảng phái ở hải ngoại xâm nhập về nước hoạt động nhưng cũng bị hạn chế vô cùng, giống y như cá nước ngọt bơi vào biển nước mặn vậy.

Lực lượng chống lại Đảng Cộng Sản cầm quyền có lẽ mạnh nhất tại Việt Nam chính là những người Cộng Sản bất mãn, những cựu chiến binh Cộng Sản, những người trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, hoặc những người đã nghỉ hưu muốn được hạ cánh an toàn hay muốn vớt vát lại một chút danh dự trong lịch sử. Nhóm người này là công thần của chế độ nên họ lên tiếng chống đối thì những người cầm quyền khó mà bắt bớ họ được, và nếu có bắt bớ thì cũng phải nương tay. Những người cầm quyền trong ĐCSVN hiện nay e ngại nhóm người này hơn ai hết. ĐCSVN e ngại tổng tuyển cử thì nhóm người này sẽ kéo những thành phần khác trong Đảng công khai tách ra thành một đảng khác đối trọng lại với họ hơn là sợ hãi sự đối trọng của các phe phái lực lượng Quốc Gia.

II. Khuynh Hướng Đầu Hàng. Đối lại với chủ trương đấu tranh triệt để để đưa đến cuộc tổng nổi dậy là khuynh hướng đầu hàng vì cho rằng không thể làm gì được CSVN. Khuynh hướng đầu hàng cũng có ba nhóm: Đầu hàng thiệt; bỏ cuộc hoặc đi vào các công tác xã hội và thiện nguyện; đầu hàng giả.

1. Đầu Hàng Thiệt: Đây là trường hợp rất hiếm và thường là các cá nhân nhiều hơn là tổ chức. Các cá nhân vì thấy thời gian không cho phép nữa và vì chút quyền lợi, sẵn sàng đầu hàng Cộng Sản. Nhưng, cộng sản chỉ dùng những người này rất hạn chế, xong việc, vắt chanh bỏ vỏ. Tuy nhiên, làm thế nào để biết những người này đầu hàng thiệt? Chỉ có họ mới biết và lương tâm họ phải trả lời với Tổ Quốc.

2. Trùm Chăn và Làm Việc Thiện Nguyện: Nhận thấy tình hình đầy khó khăn, nhiều tổ chức hoặc cá nhân nản chí, thôi không làm gì nữa, “trùm chăn” ngủ luôn. Có cá nhân và tổ chức thay vì bỏ cuộc liền xoay qua phương pháp về nước làm các công việc xã hội và thiện nguyện đợi cơ hội thì vùng dậy. Nhưng, chiêu thức này không qua mặt được CSVN, họ buộc các việc thiện nguyện phải qua sự kiểm soát của họ. Ngay cả các tôn giáo mà Cộng Sản cũng còn e ngại, thí dụ như họ cấm đoán Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam không được đi cứu giúp các nạn nhân lũ lụt nếu họ không cho phép. Nhiều cá nhân và tổ chức lúc đầu làm công tác xã hội và thiện nguyện này trót lọt, nhưng vài năm sau, Cộng Sản khám phá ra được, họ tinh tế chận đứng, và có nhiều cá nhân và tổ chức mất cả chì lẫn chài. Những người có đầu óc cởi mở thì thông cảm và thương cho những người này vì biết rằng những người đó đã vì thiện chí nên tìm một con đường khác để cứu nước nhưng không thành. Những người có đầu óc bảo thủ thì cho rằng những người này làm lợi cho cộng sản, kết án họ, hoặc rủa sả họ là những kẻ không có đầu óc.

3. Lộng Giả Thành Chân: Nhận thấy ở xa không có thế để đánh gục Cộng Sản, có những cá nhân và tổ chức giả đầu hàng Cộng Sản. Để tạo sự tin tưởng với Cộng Sản, họ tâng công ca tụng Cộng Sản, vận động những chính sách có lợi cho Cộng Sản với ý đồ CSVN sẽ vì thế ban phát “ghế” trực tiếp và chia quyền điều hành, khi mạnh rồi thì sẽ đâm lút cán lại Cộng Sản. Đây là một chính sách nguy hiểm vô cùng vì chưa chắc gì Cộng Sản tin dùng những người này. Cộng Sản chưa bị thiệt hại, mà ngay trước mắt, phe đấu tranh cho dân chủ bị mất chính nghĩa và phân hóa trầm trọng rồi.

Hơn nữa, chiêu thức này gây hoang mang nơi quần chúng vì làm sao để quần chúng biết được đâu là thiệt, đâu là giả, và chính vì sự hoang mang này, ngộ nhận diễn ra làm cho nội bộ của lực lượng tranh đấu bị tản mác rất nhiều. Bất đắc dĩ lắm cần phải thi hành chiêu thức lộng giả thành chân này thì chỉ nên thi hành trên bình diện cá nhân mà thôi, và cá nhân đó phải ở trong một tổ chức, được tổ chức trao cho công tác và lãnh đạo phải biết rõ cá nhân này đang làm công tác “phản gián” đầy nguy hiểm đó.

III. Khuynh Hướng Thỏa Hiệp. Đối với nhóm cực hữu đấu tranh triệt để thì thỏa hiệp, dầu chỉ là một chút, cũng là đầu hàng rồi. Nhưng, thỏa hiệp không phải là đầu hàng. Thí dụ, Hoa Kỳ thỏa hiệp với kẻ thù Liên Xô không có nghĩa là đầu hàng. Quan niệm “đối tác” –“partnership” của Hoa Kỳ cũng khác với quan niệm của chúng ta rất nhiều. Dưới thời Tổng Thống Bill Clinton, Hoa Kỳ coi Trung Quốc là “đối tác kinh tế” không có nghĩa là “bạn” sống chết với nhau, mà chỉ là “đồng sàng dị mộng” hai bên cùng có lợi, khi nào hết quyền lợi thì sẵn sàng đâm nhau lút cán. Kinh nghiệm bản thân của tôi tại tòa án cho thấy đa phần những vụ án là những người đã cùng một thời là “partners” với nhau hơn là những đối thủ (opponents) trong nghề nghiệp. Càng thân nhau lắm, càng biết tẩy nhau, và khi bất đồng thì sự tương tàn càng khốc liệt, giống như hai vợ chồng đưa nhau ra tòa ly dị thì sự tan vỡ càng kinh hoàng!

Khuynh hướng thỏa hiệp cũng có hai nhóm: Thỏa hiệp ít và thỏa hiệp nhiều.

1. Thỏa Hiệp Ít: Nhóm người theo khuynh hướng này đòi Cộng Sản phải chấp nhận tự do ngôn luận, tự do thành lập và sinh hoạt đảng chính trị đối lập cũng như các quyền tự do khác, yêu cầu bỏ phiếu chọn lại quốc kỳ và quốc ca mới, xóa bỏ Điều 4 Hiến Pháp tai ác cho phép ĐCSVN là đảng duy nhất lãnh đạo đất nước. Nếu không có những điều đó, nhóm này kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử của Quốc Hội CSVN vì cho rằng đây chỉ là một Quốc Hội bù nhìn. Khuynh hướng này rất thích hợp với người Việt hải ngoại, với các vị cao niên và những kẻ sĩ vì giải tỏa được những tồn đọng của quá khứ, nhất là danh dự của chiến sĩ Quốc Gia đấu tranh cho tự do dân chủ không thể chấp nhận ngồi dưới cờ Đỏ Sao Vàng của Cộng Sản.

Tuy nhiên, xác xuất thành công của khuynh hướng này cũng rất nhỏ vì lấy thực lực đâu để ép ĐCSVN phải tuân thủ theo những điều kiện vừa nêu trên? Đã hơn ba thập niên qua, người Việt hải ngoại và cả thế giới làm áp lực với ĐCSVN mà chúng vẫn trơ trơ chai mặt ra đó, ngồi lì trên đầu trên cổ dân tộc Việt Nam, bao nhiêu cá nhân đoàn thể đảng phái đứng lên đấu tranh nhưng cũng không có sức mạnh để đẩy lùi chúng khỏi ghế quyền lực, liệu cuộc tẩy chay như vậy có mang lại kết quả như chúng ta mong muốn hay cũng chỉ là đi lại con đường cũ mà chúng ta đã đi qua hơn ba thập niên qua? Nếu ở Việt Nam có một lực lượng mạnh giống như Công Đoàn Đoàn Kết của Ba Lan thì có lẽ những điều kiện này khả thi, nhưng rất tiếc, hiện nay Việt Nam chúng ta không có một lực lượng nào như thế.

2. Thỏa Hiệp Vừa Vừa: Nhóm này không đặt nhiều điều kiện như biểu quyết quốc kỳ & quốc ca mới, Cộng Sản Việt Nam phải chấp nhận các quyền tự do trước khi có tổng tuyển cử, v.v. Họ chỉ vận động hủy bỏ Điều IV Hiến Pháp, tổ chức tổng tuyển cử dưới sự giám sát của quốc tế. Giải pháp này đã được vận động hơn hai thập niên qua yêu cầu Cộng Sản “đối thoại” (communicate) với các lực lượng đối lập nhưng Cộng Sản vẫn làm ngơ, và có lẽ họ sẽ tiếp tục làm ngơ nữa trong những tháng ngày tới chỉ vì phe đấu tranh cho Dân Chủ chưa có đủ thực lực và sức mạnh.

3. Thỏa Hiệp Nhiều: Nhóm này là nhóm theo sách lược Hòa Hợp Hòa Giải. Thật ra, giải pháp này do phe đấu tranh cho Dân Chủ đưa ra hơn là do Cộng Sản khởi xướng. Trước đây tôi đã phân tích về Hòa Hợp Hòa Giải như sau:

*****

Hòa Hợp: Hòa Hợp là mợt sự kết hiệp của hai hoặc nhiều thực thể (entities) để trở thành một. Điều kiện của sự hòa hợp là sự biến thể để hòa nhập vào nhau. Sự biến thể đó có thể ở một bên, nhưng cũng có thể ở hai bên cùng một lúc.

Có hai trường hợp Hòa Hợp có thể xảy ra:

1/ Một thực thể tan biến nhập vô thực thể khác, biến thành thành phần của thực thể to lớn hơn. Thí dụ, một thiên thạch (asteroid) từ không gian rớt vào trái đất, tan thành bụi, trở thành một phần của trái đất này. Qua sự hòa hợp này, trái đất vẫn giữ nguyên thực thể và bản chất, nhưng thiên thạch không còn nữa; 2/ Hai thực thể tan biến hòa lại với nhau làm nên một thực thể mới. Thí dụ Oxygen và Hydrogen hợp lại với nhau thành nước.

Ngày hôm nay ĐCSVN có chịu biến thể để ta hòa hợp không? Họ vẫn khăng khăng ôm cứng chủ nghĩa cộng sản, độc quyền lãnh đạo đất nước. Nếu hòa hợp, tức là ta phải chịu biến thể, bỏ đi ý thức hệ dân tộc của chúng ta để chấp nhận chủ nghĩa cộng sản phi nhân thì chúng ta không thể làm chuyện này được.

Hòa Giải: Hòa Giải là sự tha thứ của người này đối với người kia hoặc sự tha thứ lẫn nhau của hai hoặc nhiều người. Đây là mối tương quan có thể là một chiều và cũng có thể là hai chiều.

Điều kiện thứ nhất của hòa giải là có một người gây lầm lỗi với người kia, hoặc cả hai gây lầm lỗi với nhau. Điều kiện thứ hai là người gây nên lầm lỗi phải biết sám hối. Điều kiện thứ ba là người bị xúc phạm phải có lòng bao dung và tha thứ. Và, điều kiện thứ tư là người lầm lỗi tìm cách làm những việc tích cực đền bù lỗi lầm của mình. Đừng kể những kẻ bán nước hại dân đội lốt quốc gia như những kẻ “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”, thử hỏi những người quốc gia chân chính có lỗi gì với dân tộc để phải sám hối và xin sự tha thứ của dân tộc? Suốt đời của họ tận tụy hy sinh để bảo toàn sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước là một tội ư? Chỉ có những kẻ đội lốt quốc gia mà làm những tội ác tày trời như tham nhũng hối lộ, mua quan bán chức, buôn bán vũ khí với Cộng Sản, thì tội của họ cũng giống như Cộng Sản, họ phải ăn năn và xin Tổ Quốc tha thứ cho những tội phạm của họ.

Về phần Cộng Sản, họ đã rước một chủ nghĩa ngoại lai đem áp dụng tàn ác biến cả nước thành một trại tù khổng lồ. Tội ác của họ còn sờ sờ trong lịch sử như vụ Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Gia Phẩm, Thảm Sát Mậu Thân, Vụ Án Chống Đảng Xét Lại, vụ đẩy đưa hàng triệu quân dân cán chính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong cái gọi là Tập Trung Cải Tạo sau năm 1975, v.v. Riêng về cắt đất dâng biển cho Trung Quốc, năm 1958, CSVN bán hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa để Trung Cộng viện trợ vũ khí tấn chiếm Nam Việt Nam. Năm 2000 – 2001, CSVN còn ký nhiều hiệp ước nhường cho Trung Quốc vài trăm kilometer vùng biên giới hai nước và hơn 10 ngàn km2 hải phận ở vùng Vịnh Bắc Bộ.

Cho tới ngày hôm nay, CSVN vẫn khăng khăng không chịu trả lại quyền tự quyết cho dân tộc, vẫn quyết tâm dùng bạo lực để bảo vệ độc quyền lãnh đạo của ĐCSVN thì như thế làm sao có thể nói họ mong muốn có hòa giải với dân tộc?

******

Mới đây có hai sự kiện mà một vài người cho rằng CSVN muốn hòa giải với dân tộc: 1/ Dân sự hóa nghĩa trang Biên Hòa; 2/ Chấp thuận cho Thiền Sư Nhất Hạnh và tăng đoàn Làng Mai ở Pháp về nước lập Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan tại ba nơi, một ở Sài Gòn, một ở Huế, và một ở Hà Nội.

1. Dân Sự Hóa Nghĩa Trang Biên Hòa: Ngày 15/01/2007, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng ra quyết định 1568/QĐ không được phổ biến rộng rãi trong nước với nguyên văn như sau: “Đồng ý chuyển mục đích sử dụng 58 hecta đất khu nghĩa trang sử dụng vào mục đích dân sự.” Đây là nghĩa trang quân đội của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nằm tại Xã Bình An, Huyện Di An, Tỉnh Bình Dương. Bề ngoài nói là để dân chúng tự lo liệu chăm nom các phần mộ nơi đây, thoáng qua thì tưởng rằng CSVN nhẹ nhàng hòa giải với những quân nhân QLVNCH, nhưng bề trong thì đây là một độc chiêu. Cấp dưới làm áp lực các thân nhân phải bốc các phần mộ còn lại trong nghĩa trang này, một khi các phần mộ đã bốc xong thì không còn vết tích gì của những quân nhân anh dũng VNCH đã vì nước hy sinh. Thêm vào đó, vì nơi đây gần Phi Trường Long Thành sẽ được xây cất trong tương lai, CSVN cho mở khu kinh tế làm lợi cho các cán bộ cao cấp. Đây là một chiêu thức một ná hai chim có lợi cho CSVN chớ không hề có ý nghĩa hòa giải với dân tộc.

2. Lập Đại Trai Đàn Giải Oan: CSVN chấp thuận cho Thiền sư Nhất Hạnh về nước từ ngày 19/2/2007 tới ngày 9/5/2007 để lập đại trai đàn giải oan ở ba nơi, Sài Gòn, Huế, và Hà Nội. Để được sự chấp thuận này của CSVN, trước đây Thiền Sư Nhất Hạnh đã làm những chuyện gian dối dựng chuyện vu khống Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Không Quân Hoa Kỳ.

Thiền sư Nhất Hạnh nổi tiếng nói láo và dựng chuyện nói oan cho người khác. Thí dụ, trong quyền Vietnam, Lotus in a Sea of Fire, a Buddhist Proposal For Peace, trang 66, Thiền Sư Nhất Hạnh dựng lên một câu chuyện không quân Hoa Kỳ đi bắt gái, ép một phụ nữ phải trao đứa con thơ cho người mẹ gìa để rồi phải đau khổ đi theo phục dịch họ. Một thí dụ khác, ngày 25/9/2001, Thiền Sư Nhất Hạnh cầu nguyện tại thánh đường Riverside, 91 Charemont Ave., New York City, New York, ông dựng chuyện không quân Hoa Kỳ bỏ bom tàn phá tỉnh Bến Tre làm 300 ngàn người chết và bị thương. Đây là một sự dựng chuyện trân tráo vì trong Cuộc Chiến Việt Nam không hề có một cuộc oanh tạc nào làm thiệt hại tỉnh Bến Tre với con số 300 ngàn người như vậy!!

Sau khi dựng chuyện bôi nhọ QLVNCH và Đồng Minh Hoa Kỳ, CSVN thấy tư cách dễ sai của Thiền Sư Nhất Hạnh nên tháng 2 năm 2005, họ cho phép Thiền Sư Nhất Hạnh về nước để vận động thống nhất Phật Giáo phe Ấn Quang và Phật Giáo Quốc Doanh đó là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất do hai Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ đã nhiều lần yêu cầu lập đại trai đàn giải oan cho các vong linh, nhưng ĐCSVN từ chối. Lập trai đàn giải oan là việc làm của tôn giáo, nhưng đây CSVN dùng chiêu bài này để lừa bịp quần chúng và thế giới, gây phân hóa tôn giáo vì người chủ trì đại trai đàn không thể nào là một kẻ “tình nguyện làm công cụ cho ĐCSVN” bằng cách dựng chuyện vu khống QLVNCH và Đồng Minh. Người chủ trì đại trai đàn như vậy sẽ không làm cho các vong linh được siêu thoát mà chỉ làm chồng chất thêm những oán nghiệp mà thôi.

Nếu CSVN muốn thực lòng hòa giải với dân tộc, việc đơn giản đó là ĐCSVN hãy trả lại quyền tự quyết cho dân tộc, chấm dứt các hành vi đàn áp và giam cầm các nhà đấu tranh cho tự do dân chủ như CSVN đã làm trong những ngày Tết Đinh Hợi đối với Lm. Nguyễn Văn Lý, Hòa Thượng Thích Thiện Minh, Ls. Lê Thị Công Nhân, Ls. Nguyễn Văn Đài, anh Hồng Trung, v.v. Rõ ràng, ĐCSVN không hề thực tâm muốn hòa hợp hòa giải dân tộc, mà lúc nào họ cũng dùng chiêu bài này để đạt những mục đích tư lợi của phe nhóm mà thôi.

IV. Giành Dân Lấn Đất: Nhận thấy Cộng Sản không chịu nhường bước, ngay cả “đối thoại” cũng không chịu, và vì thời gian đã hơn ba thập niên rồi, một nhóm người sốt ruột nên chủ trương chính sách “đối tác” (partnership) trong ý nghĩa giống như sự đối tác của Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhóm này quyết tâm giành dân lấn đất, cộng sản mở ra chỗ nào thì nhảy vào chỗ đó, nhất là nhảy vào Quốc Hội “bù nhìn” của Cộng Sản, lọt vào Quốc Hội này rồi thì ngày đêm vạch trần những sai trái của Cộng Sản, yêu cầu đa nguyên, đa đảng, trở thành kích thích tố (catalyst) đánh vào ung nhọt của chế độ cho đến lúc phải bong mũ và tan vỡ. Đây chính là khuynh hướng của NNVNYN.

Mới nhìn thoáng qua thì dễ ngộ nhận nhóm người này chấp nhận “thỏa hiệp” hay gọi là “hòa hợp” với CSVN nhưng ngẫm nghĩ kỹ lại thì thấy họ KHÔNG THỎA HIỆP và KHÔNG HÒA HỢP chút nào. Nhóm người chủ trương Cách Mạng Vũ Trang thì giống như người học võ sử dụng chiêu thức Cương Dương. Đối lại, nhóm người chủ trương giành dân lấn đất thì cũng giống như những võ sinh sử dụng chiêu thức Âm Nhu. Chiêu thức này giống như Thái Cực Quyền, trông yếu đuối như cành lá liễu, nhưng sự chịu đựng dai dẳng và sức mạnh lại vô biên. Điểm lợi khác của chiêu thức này là mượn sức người đánh người y như nương tựa sức mạnh của sóng để đẩy thuyền nên “chân khí” tức là chủ lực của đấu tranh không bị hao tổn nhiều. Cổ nhân thường nói “nhu bao giờ cũng thắng cương” thì chiêu thức nhẹ nhàng giành dân lấn đất này sẽ đẩy chế độ cộng sản vào con đường cáo chung. Có lẽ nhận ra được ẩn ý của nhóm người này nên trong chiến dịch bố ráp, khủng bố, và bắt giam các lực lượng dân chủ vào Tết Đinh Hợi, ĐCSVN cũng đàn áp luôn NNVNYN.

Ưu điểm của khuynh hướng này là chủ động trên các mặt trận, nhưng khuyết điểm của khuynh hướng này đó là dễ bị quần chúng ngộ nhận. Hơn nữa, nếu cán bộ thi hành sách lược này mà Tâm không sáng, Chí không vững, sau một thời gian có quyền mà lại bị mua chuộc, bị hủ hóa, thì chắc chắn việc làm của họ sẽ bị phản tác dụng, và họ sẽ trở những công cụ hữu hiệu cho cộng sản và dân tộc càng thêm lầm than!

V. Những Bài Học và Những Vấn Đề Của Tổng Tuyển Cử. Nói về tổng tuyển cử với cộng sản, đầu năm 2000, bản thân tôi còn chống đối kịch liệt vì cho rằng tổng tuyển cử chỉ làm lợi cho cộng sản. Năm 2000, tôi viết một bài phân tích việc tổng tuyển cử như sau:

*****

Trong đấu tranh để đem lại tự do dân chủ cho dân tộc, mỗi người và mỗi tổ chức có phương sách riêng, và, chúng ta tôn trọng những khác biệt đó. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên tìm hiểu xem phương sách nào hữu hiệu, và phương sách nào không hữu hiệu. Kỳ này, tôi xin phép bàn đến sách lược tuyển cử với Cộng Sản Việt Nam mà tôi cho rằng không hữu hiệu trong đấu tranh. Tôi xin đan cử nước Angola như một điển hình và sau đó ôn lại lịch sử của Việt Nam cũng như cuộc tuyển cử ở Cam Bốt năm 1993 đến nay để chứng minh sách lược chấp nhận tuyển cử với Cộng Sản chỉ là một giấc mơ hoang tưởng.

Năm 1975, Bồ Đào Nha trao trả độc lập cho Angola. Khi ấy, Angola có hai phe, phe Quốc Gia là đảng UNITA dưới sự lãnh đạo của ông Savimbi, và phe Cộng Sản được gọi tắt là MPLA. Lúc đầu, Hoa Kỳ không yểm trợ cho phe UNITA nên ông Savimbi rút vào khu rừng ở Zaire kháng chiến. Sau khi Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, Hoa Kỳ yểm trợ cho UNITA cách mạnh mẽ, do đó, UNITA có khả năng quân sự đánh vào thủ đô Luanda, chiếm được cả một nửa thủ đô. Năm 1995, MPLA đồng ý tổ chức một cuộc tổng tuyển cử dưới sự giám sát của quốc tế. Phe UNITA tham dự cuộc tuyển cử này. Nhưng, MPLA gian xảo, đe dọa những người đi bỏ phiếu nếu không bỏ phiếu cho MPLA thì họ sẽ bị trả thù, những thân nhân và gia đình của họ sẽ bị thủ tiêu. Phe UNITA thua cuộc tuyển cử này, và tuyên bố không công nhận kết quả cuộc bầu cử vì cho rằng MPLA gian lận, nhưng, quốc tế lại chấp thuận cho rằng cuộc tuyển cử này hợp pháp và công bằng. Thế là UNITA lại phải tiếp túc đánh nhau với MPLA. Kỳ này thế giới đặt vấn đề lại với UNITA tại sao đã có dân chủ mà bây giờ lại còn sắt máu. Vài năm đấu tranh không có hữu hiệu, UNITA dần dần trở nên yếu thế, mất sự hậu thuẫn của quần chúng cũng như của Quốc Tế. Tháng 11 năm 1999, phe MPLA công bố đã đánh bật UNITA ra khỏi thủ đô Luando. Bài học của Angola cho chúng ta thấy dầu phe Quốc Gia có thế lực ngang ngữa với Cộng Sản, có tiền bạc, có cơ sở hạ tầng, nhưng khi tuyển cử với MPLA, vì không có đủ sự gian xảo giống như chúng, nên cuối cùng lại bị thua mà vô hình chung việc tuyển cử lại là một hình thức công nhận Cộng Sản có thế đứng pháp lý trên chính trường quốc tế và có chính nghĩa với người dân Angola.

Trở lại lịch sử Việt Nam, thập niên 1940s, các đảng phái Quốc Gia lúc đó mạnh hơn Cộng Sản, đã lầm tin sự “thành thật” của Cộng Sản nên chấp nhận tham gia vào Chính Phủ Liên Hiệp của Việt Minh, một trá thân của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Bề ngoài thì Hồ Chí Minh rất trân trọng những người lãnh tụ của phe Quốc Gia, nhưng bề trong thì lập kế sát hại họ như vụ án Ôn Như Hầu, vụ ám hại cụ Huỳnh Thúc Kháng, vụ bí mật thỏa thuận và báo tin cho thực dân Pháp càn quét các lực lượng Quốc Gia để rồi cuối cùng chỉ còn có một mình Đảng Cộng Sản độc tôn ở miền Bắc. Khi về chấp chánh ở miền Nam, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lúc đầu đồng ý tổng tuyển cử hai miền với Cộng Sản, nhưng sau nhận thấy sự gian xảo của Cộng Sản nên ông đã hủy bỏ chương trình này. Năm 1973, Cộng Sản ký kết hiệp định ngưng bắn, nhưng chính họ qua bàn tay Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã tấn chiếm miền Nam năm 1975, và một năm sau, ĐCSVN đã bóp mũi cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chết luôn, và những “công thần” trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam có bất mãn thì lập tức đều bị tù đày hoặc bị cô lập ngay.

Quá trình 50 năm lịch sử cho thấy ĐCSVN lúc nào cũng muốn độc tôn trong chính trị, và họ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để đạt mục đích đó, dầu thủ đoạn đó có đê hèn đến đâu họ cũng không từ nan. Trong tương lai, vì sự sống còn của Đảng Cộng Sản Việt Nam, họ sẽ tung đòn hỏa mù, chấp nhận cho tổng tuyển cử, nhưng những phe đối lập thường thường bị chúng khống chế để làm con cờ bung xung cho họ. Còn những phe nào không nằm trong bàn tay kiểm soát của họ, họ sẽ triệt tiêu không nương tay. Chấp nhận tuyển cử là công nhận thế chính thống của ĐCSVN trên chính trường quốc tế và vô hình chung tuyên dương họ có chính nghĩa với dân tộc Việt Nam.

Chính ĐCSVN là tai họa của đất nước Việt Nam và đảng này là tội đồ của dân tộc, chúng ta không thể nào cho họ cơ hội dùng thủ đoạn ma mãnh để che mắt tội lỗi của họ trong lịch sử dân tộc của chúng ta. Hơn nữa, tuyển cử với Cộng Sản sao được khi phe Quốc Gia chưa có hạ tầng cơ sở nhân sự và tài chánh? Cho dù có nhân sự và tài chánh ngang ngửa như Cộng Sản, bài học của phe UNITA và MPLA cho chúng ta thấy chúng ta không thể thắng được Cộng Sản vì chúng ta không sử dụng thủ đoạn tàn độc và đê tiện như Cộng Sản.

Ở Cao Miên, Đảng Nhân Dân Cam Bốt do Hun Sen lãnh đạo, một con cờ của ĐCSVN, đã chấp nhận để cho phe FUNCIPEC (Bảo Hoàng) của Ranarridth tổng tuyển cử với họ từ năm 1993. Phe FUNCIPEC có 15 ngàn tay súng, được quốc tế yểm trợ cách tích cực, ấy thế mà họ cũng chẳng làm được gì Hun Sen. Năm 1997, Hun Sen nổi hứng đảo chánh đuổi Ranarridth chạy xấc bấc xang bang sang nước ngoài. Sau này, dưới áp lực của quốc tế, Ranarridth trở về Cam Bốt nhưng ai cũng biết thực quyền ngày hôm nay ở trong tay Hun Sen. Ngày hôm nay, dưới sự điều hành của Hun Sen, ở Cam Bốt không có luật lệ gì hết, luật lệ duy nhất đó là “đa kim ngân phá luật lệ” đến nỗi đi đâu ai cũng thấy hối lộ và đút lót cách công khai. Chính vì điều này mà Cam Bốt không ngóc đầu được. Một Hun Sen, một Đảng Nhân Dân Cam Bốt, tay sai của ĐCSVN, thế mà cả thế giới và chính luôn cả Phe FUNCIPEC có quân đội, có nhân sự, có tài chánh mà tuyển cử xong cũng chẳng làm được gì họ huống chi chúng ta.

Rõ ràng sách lược chấp nhận tuyển cử với Cộng Sản là tạo cơ hội cho ĐCSVN có thế đứng trên chính trường quốc tế và có tư cách pháp nhân để cai trị lâu bền hơn mà thôi. Đối với chúng tôi, không còn con đường nào khác là phải giải thể chế độ Cộng Sản xong rồi mới bàn đến chuyện tuyển cử. Như thế dân tộc chúng ta mới hy vọng có những ngày tươi sáng trong Đệ Tam Thiên Niên Kỷ. Chính vì lập trường này nên những người bạn hoặc những tổ chức nào không đi cùng sách lược “giải thể chế độ Cộng Sản” thì chúng ta lúc nào cũng tôn trọng họ, nhưng không thể liên minh được trong một ván cờ đấu tranh chung. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta là kẻ thù của nhau, nhưng chúng ta không thể cộng tác sát cánh với nhau như những “chiến hữu” vì sách lược đấu tranh của chúng ta hoàn toàn khác biệt.

*******

Sau khi viết bài này, Angola có những biến chuyển khác. Ngày 22 tháng 2 năm 2002, trong một trận chiến giao tranh với quân chính phủ, ông Jonas Savimbi (3/8/1934 – 22/2/2002) bị bắn chết. Người thừa kế ông Savimbi là ông Antono Dembo (1944-2002). Ông này cũng bị thương trong trận chiến với ông Savimbi, cộng thêm với bệnh tiểu đường, ba ngày sau ông qua đời. Ông Paulo Lukamba lên thay thế lãnh đạo UNITA cho đến năm 2003. Hai tháng sau cái chết của ông Savimbi, ông Paulo Lukamba và các lãnh đạo khác của UNITA quyết định đầu hàng quân chính phủ. Phóng viên báo chí hỏi ông tại sao UNITA đưa đến quyết định này, ông trả lời: “Ai cũng muốn có Công Lý và Hòa Bình. Tuy nhiên, trong thực tế phũ phàng, nhiều lúc người ta không thể có cả hai điều này một lúc. Hoàn cảnh bắt buộc chúng tôi chỉ được chọn một trong hai mà thôi, chúng tôi chọn Hòa Bình. Hòa Bình rồi, chúng tôi làm việc tranh đấu cho Công Lý.” Tháng 8 năm 2002, UNITA trao nạp vũ khí, chấp nhận làm đối lập trong chính phủ. Năm 2003, ông Isaias Smakuva (1946-?) chính thức trở thành Chủ Tịch của UNITA và đang trở thành một nhân vật chính trị sáng giá của Angola. Vì ông Savimbi không chịu chấp nhận kết quả cuộc bầu cử năm 1995 mà còn lại rút quân vô bưng kháng chiến, Hoa Kỳ và Tây Phương coi ông như một người khủng bố. Đương nhiên nhiều người dân Angola coi ông là một nhà ái quốc và một anh hùng dân tộc. Sau này, nhiều bình luận gia Angola cho rằng nếu ông Savimbi chấp nhận kết quả cuộc tổng tuyển cử năm 1995, ẩn nhịn thêm một thời gian, chắc chắn sau này ông đã đắc cử và mọi người dân Angola cũng như quốc tế đều công nhận ông là người anh hùng và nhà ái quốc của nước ông.

Những biến cố sau này ở Angola và đặc biệt là biến cố bầu cử ở Serbia (quốc gia chính làm nên Yugoslavia – Nam Tư, giống như Nga làm nên Sô Viết, và hiện nay “Nam Tư” không còn nữa) cuối năm 2000 làm cho tôi suy nghĩ nhiều và nhận định lại phương sách tổng tuyển cử. Nhân cuộc cách mạng tuyển cử ở Serbia đưa đến sự sụp đổ của nhà độc tài Slobodan Milosevic, tôi đã viết một bài bình luận như sau:

******

Năm 2000, nền kinh tế của Serbia xuống dốc trầm trọng, dân chúng lầm than. Các vị lãnh đạo tinh thần, nhất là các vị Giáo Chủ Chính Thống Giáo tại Serbia liên tục đòi Milesovic phải trả lại quyền tự quyết cho dân Serb. Trước áp lực của quốc tế, của các nhà lãnh đạo tinh thần, của các đảng phái chính trị đối lập, của dân chúng, Milosevic chấp nhận tổ chức một cuộc bầu cử. Cuộc bầu cử vòng đầu diễn ra vào ngày 24/9/2000. Milosevic đinh ninh ông sẽ đắc cử hơn 50% số phiếu vì ông nghĩ ông đang cầm quyền, có nhiều tiền, có cả các cơ quan truyền thông làm tay sai hàng ngày ra rả đọc những bài ca tụng y. Khi ấy, tại Serbia có vài chục đảng chính trị đối lập, các đảng này không đoàn kết được với nhau, không ai chịu nhường bước cho ai nên Milosevic hy vọng họ tự cấu xé lẫn nhau, chia phiếu nhau để rồi không ai đủ phiếu đánh bại ông được. Nhưng, 18 đảng đối lập thấy vì nhu cầu sống còn của họ, trong giai đoạn chót, yểm trợ cho một nhân vật là ông Vojislav Kostunica, 58 tuổi. Ông Kostunica trở thành đối thủ nặng ký nhất của Milosevic.

Ủy Ban Bầu Cử là do chính tay Milosevic chọn nên Milosevic đinh ninh phần thắng trong tay. Oái oăm thay, kết quả cho thấy Milosevic thua, lập tức Ủy Ban Bầu Cử ém nhẹm 200 ngàn lá phiểu bỏ cho ông Vojislav Kostunica để ông Kostunica không đủ 50% số phiếu, phải bầu cử lại lần thứ hai mà chỉ còn 2 người đó là Milosevic và Kostunica. Tin tức trong nội bộ của Ủy Ban Bầu Cử không hiểu làm sao đó xì ra ngoài, ai cũng biết chuyện này. Thế là nhiều nhà hoạt động chính trị lên tiếng chỉ trích Milosevic kịch liệt, họ tổ chức những cuộc biểu tình yêu cầu Milosevic phải công nhận kết quả cuộc bầu cử. Một số người biểu tình phản đối thì lập tức bị Milosevic cho công an bắt giam họ. Ngày 29 tháng 9, tại khu hầm mỏ Kolubara, cách xa thủ đô Belgrade khoảng 65 cây số, một khu vực trước đây lúc nào cũng trung thành và ủng hộ Milosevic, ngạc nhiên thay, 7500 công nhân đình công, biểu tình yêu cầu Milosevic công nhận kết quả cuộc bầu cử, không được dùng tay sai ém nhẹm đi 200 ngàn lá phiếu đã bỏ cho ông Kostunica, phải tôn trọng nguyên tắc của trò chơi dân chủ!! Cuộc đình công này ảnh hưởng lớn đối với nước Serbia vì lúc ấy 1/3 nước Serbia vẫn còn dùng năng lượng bằng than. Milosevic lập tức đưa công an vào dùng vũ lực dẹp cuộc biểu tình, bắt giam 11 lãnh tụ của các công nhân và 2 đối thủ chính trị của y.

Dân chúng thấy vậy bày tỏ sự căm phẫn của mình, họ tràn về khu mỏ Kolubara bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với các công nhân. Dân chúng nhào vào lái những chiếc xe ủi tông thẳng vào hàng rào cản của công an. Công an thấy quần chúng ủng hộ công nhân quá mạnh mẽ, lập tức bỏ chạy.

Nhân cơ hội này, các lãnh tụ tôn giáo và lãnh tụ chính trị yêu cầu Milosevic hãy tôn trọng quyền quyết định của dân chúng, rời bỏ ghế quyền lực để trao lại cho ông Vojislav Kostunica. Chiều ngày 5/10/2000, dân chúng hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo tinh thần và các lãnh tụ chính trị, hàng nửa triệu người tràn xuống đường ở thủ đô Belgrade. Milosevic ra lệnh cho công an bắn đạn cay và khói ngạt vào quần chúng, thế là dân chúng đã bất mãn càng bất mãn thêm, họ phá vỡ hàng rào sắt ở tòa nhà Quốc Hội, tràn vào chiếm cứ tòa nhà này. Họ cũng tràn vào chiếm luôn tòa nhà phát thanh và phát hình do hai vợi chồng Milosevic kiểm soát. Đây là hai cái loa lớn của Milosevic, là biểu tượng quyền lực của y thì coi như đã bị tước đoạt.

Sinh viên hưởng ứng lời kêu gọi, tràn vào thư phòng của Đại Học ở Belgrade, tuyên bố sống chết cho dân chủ, triệt hạ độc tài. Cả nước Serbia bừng bừng khí thế mới, cao trào quần chúng như thác lũ, nơi nào cũng có hàng vạn người tràn xuống đường hô to những khẩu hiểu tự do - dân chủ, ủng hộ Tổng Thống đắc cử Kostunica. Các đài phát thanh của nhà nước, nhất là đài Politika trước đây được điều hành bởi bà Mirjana Markovic, vợ của Milosevic, thay đổi lập trường, tuyên bố trung thành với nước Serbia, trung thành với thể chế dân chủ, ủng hộ ông Kostunica.

Con trai của Slobodan Milosevic là Marko Milosevic lật đật thu dọn hành trang leo lên máy bay trốn sang Moscow. Marko Milosevic có một cửa hàng rất lớn bán thuốc thơm ở Belgrade, dân chúng tràn vào đập nát không còn gì, một hình thức bày tỏ sự căm thù của họ đối với hai cha con của y mà bao nhiêu năm qua họ phải chịu đựng.

Đêm thứ Năm, hai vợ chồng Milosevic trốn trong hầm Dinh Tổng Thống ở trong khu sang trọng Dedinje, ngoại ô của Belgrade. Dinh này do chính Tito xây trong thập niên 1950s, rất kiên cố, bom đạn cũng khó mà phá được. Họ không dám rời khỏi nơi an toàn này vì sợ dân chúng thấy được sẽ bắt giết họ giống như số phận của hai vợ chồng Ceaucescu ở Romania vào năm 1989. Nằm ở trong hầm trú này, hai vợ chồng Milosevic không thể ngờ được lịch sử đang tái diễn, và hai vợ chồng y đang là mục tiêu sự căm phẫn của quần chúng!

Sáng thứ Sáu 6/10/2000, Ngoại Trưởng Nga là ông Igor Ivanov đến gặp ông Kostunica, công nhận kết quả cuộc bầu cử, tuyên bố nước Nga nhìn nhận ông Kostunica là lãnh đạo mới của nước Serbia. Sau đó, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội của Serbia là ông Nebojsa Pavkovic đến gặp ông Kostunica để đặt dưới quyền điều động. Ngoại trưởng Nga Igor Ivanov cùng với Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Serbia là ông Nebojsa Pavkovic lái xe đến khu Dedinje, vào trong hầm gặp riêng hai vợ chồng Milosevic, yêu cầu hai người này công nhận kết quả cuộc bầu cử vì đàng nào quyền hành cũng vào trong tay ông Kostunica rồi.

Hai vợ chồng Milosevic vẫn ngoan cố không chịu vì họ còn hy vọng vào Bộ Nội Vụ với hơn 150 ngàn công an. Họ đã mất đi cánh tay phải của bạo lực là quân đội, nhưng họ nghĩ rằng họ còn cánh tay trái của quyền lực là công an! Họ nghĩ rằng họ có thể cho công an dẹp chính quyền non trẻ của Kostunica bất cứ lúc nào, nhất là cho những sát thủ để giết chết ông Kostunica. Tổng Thống đắc cử Kostunica tuyên bố sẵn sàng mở đường sống cho hai vợ chồng Milosevic, cho họ tỵ nạn sang Tây Bá Lợi Á, bảo đảm họ không bị bắt giao cho Hoa Kỳ, không bị trao nộp lại cho Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, Người ta yêu cầu Tổng Thống Kostunica trao Milosevic cho Tòa Án Hình Sự Quốc Tế thì ông trả lời: “Điều đó không cần thiết nữa vì chính Milosevic phải trả lời với tòa án lương tâm của mình thì cũng quá đủ rồi.”

Ông Kostunica còn khôn khéo tuyên bố ân xá cho những ai đã theo Milosevic trước kia, nhất là công an, và nếu ai theo về phe tân chính phủ, sẽ được giữ y nguyên chức vụ. Thế là công an quay qua ủng hộ Tổng Thống Kostunica, không đàn áp dân chúng. Hai vợ chồng Milosevic biết không còn phương cách nào cứu vàn được tình thế nữa nên đành tuyên bố qua vệ tinh chấp nhận thất cử cho Kostunica với hy vọng xoa dịu một phần nào đó sự căm phẫn của quần chúng. Cuộc cách mạng này chỉ tốn có 2 mạng người và mấy chục người bị thương, một giá rất rẻ cho một cuộc cách mạng mà quốc gia nào cũng thèm thuồng mong ước.

Sau khi chấp nhận kết quả cuộc bầu cử, Slobodan Milosevic nằm lì ở trong biệt thự riêng ở Thủ Đô Belgrade, cho đàn em đi quậy phá gây bất ổn cho tân chính phủ. Vì áp lực của quốc tế, tháng 4 năm 2001, tân chính phủ Serbia bắt ông Slobodan Milosevic và giao cho Tòa Án Hình Sự Quốc Tế ở The Hague. Tòa Án Hình Sự Quốc Tế truy tố ông Slobodan và 4 phụ tá 66 tội, trong đó có tội phạm chiến tranh, tội ác diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại.

******

Năm 2003, vợ của ông Milosevic là bà Mirjana xuất ngoại lưu vong sống bên nước Nga. Cô con gái của Milosevic là Marija sang sinh sống tại Montenegro. Ngày 18/3/2006, Slobodan Milosevic chết vì bệnh nhồi tim ở trong phòng giam tại nhà tù Schevenigen, trại tù của Tòa Án Quốc Tế, ở Hòa Lan.

Năm 2005, nhân chuyến công du của Tổng Thống Bush sang Mông Cổ, tôi hỏi ý kiến của những người bạn trong Đảng Cộng Hòa, họ cho tôi biết Hoa Kỳ muốn một cuộc cách mạng tiệm tiến ở Việt Nam giống y như ở Mông Cổ hơn là một sự sụp đổ của chế độ một sớm một chiều. Tôi viết bài bình luận chuyến công du Mông Cổ của Tổng Thống Bush và bình luận cuộc bầu cử ở Mông Cổ như sau:

********

Ai cũng biết con cháu Thành Cát Tư Hãn của Mông Cổ oai hùng chiếm lĩnh Trung Quốc vào thế kỷ thứ 13 lập ra nhà Nguyên. Năm 1368, Chu Nguyên Chương đánh quân Mông Cổ chạy khỏi Trung Quốc và lập nên nhà Minh, từ đó trở đi người Mông Cổ dần dần bị thế giới quên lãng. Năm 1604, dưới sự lãnh đạo của Ligdan Khan, một số bộ tộc Mông Cổ đoàn kết lại, họ liên minh với người Mãn Châu tấn công Trung Quốc. Năm 1634, ông Ligdan Khan qua đời ở Tây Tạng. Vì người Mông Cổ không phục quyền người Mãn Châu, nhân cơ hội cái chết của Lighdan Khan, người Mãn Châu xua quân chiếm lấy một phần đất miền nam của Mông Cổ, biến phần đất này làm phần đất của mình, và gọi đây là Nội Mông. Phần đất còn lại mà người Mãn Châu không chiếm đóng năm 1634 được gọi là Ngoại Mông. Năm 1644, Mãn Châu chiếm lấy Trung Quốc, thành lập nhà Thanh, trị vị tới năm 1911. Khi cai trị Trung Quốc, nhà Thanh cai trị luôn cả Nội và Ngoại Mông. Năm 1911, sau khi nhà Thanh sụp đổ, dưới sự lãnh đạo của Jabtsandamba Khutagt, dân chúng Ngoại Mông nổi dậy tranh đấu độc lập. Khi ấy, Nga Hoàng yểm trợ cho ông Jabtsandamba Khutagt.

Năm 1912, ông Jabtsandamba Khutagt tuyên bố Ngoại Mông độc lập. Năm 1917, Lenin và Đảng Cộng Sản Bolsheviks cướp chính quyền, Nga Hoàng bị sát hại. Năm 1920, Lenin đưa 5000 hồng quân gốc người Nga vào Mông Cổ, yểm trợ cho ông Damdiny Subaatar (1893-1924) thành lập Đảng Cách Mạng Nhân Dân Mông Cổ, tiếng Anh viết là Mongolian People’s Revolutionary Party, viết tắt là MPRP, hay được gọi là Đảng Cộng Sản Mông Cổ. Thấy Nga đem quân vào Ngoại Mông, các sứ quân Trung Quốc cũng đem quân vào chiếm lấy vùng đất này. Cuộc chiến Quốc – Cộng giữa ông Jabtsandamba Khutagt và Damdiny Suhbaatar khai diễn, nhưng không khốc liệt. Ông Jabtsandamba Khutagt lưỡng đầu thọ địch. Ông thất thế, rút vào kháng chiến và các sứ quân Trung Quốc chiếm lấy Ngoại Mông. Ông Jabsandamba Khutagt qua đời năm 1924. Với sự yểm trợ của Hồng Quân Nga, ngày 11 tháng 7 năm 1921, ông Damdiny Suhbaatar và Đảng Cộng Sản Mông Cổ đánh đuổi quân đội của các sứ quân Trung Quốc ra khỏi Ngoại Mông, đem lại quyền kiểm soát Ngoại Mông vào trong tay Đảng Cộng Sản.

Năm 1924, ông Damdiny Suhbaatar qua đời, không có ai sáng giá để thay thế ông, nhưng vì Đảng Cộng Sản đã hoàn toàn kiểm soát Ngoại Mông, họ không khó khăn gì để tổ chức ăn mừng độc lập. Ngày 26 tháng 11 năm 1924, một lần nữa Ngoại Mông tuyên bố độc lập dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, và từ đây người ta gọi Ngoại Mông là nước Mông Cổ. Nội Mông không thoát khỏi vòng kềm tỏa của các quân phiệt Trung Quốc, và ngày hôm nay là một tỉnh của Trung Quốc. Năm 1961, Mông Cổ là một thành viên của Liên Hiệp Quốc.

Từ thập niên 1930s đến năm 1990, Liên Xô và Trung Cộng có những căng thẳng và xích mích, Mông Cổ luôn ngã về phía Liên Xô. Năm 1986, Gorbachev là Tổng Bí Thư, đưa ra 2 chính sách Glasnost (cởi mở) và Perestroika (tái cấu trúc), Tổng Bí Thư ĐCS Mông Cổ Jambyn Batmonh ngã theo khuynh hướng này, mở cửa cho dân chúng. Người Mông Cổ được cơ hội, thành lập các tổ chức chống đối, tổ chức các cuộc biểu tình. Lúc đầu, sự chống đối còn yếu ớt, sau này, ngày càng một mạnh thêm. Năm 1990, bắt chước Đông Âu, các đảng phái dân chủ tổ chức một cuộc biểu tình vĩ đại ở thủ đô Ulan Bator, còn được gọi là Ulaanbaatar.

Tháng 3 năm 1990, Đảng Cộng Sản Mông Cổ đồng ý với phe đối lập tổ chức tổng tuyển cử. Tổng tuyển cử được tổ chức vào tháng 7 năm 1990, phe Cộng Sản đại thắng, các đảng phái dân chủ chỉ có 4% số phiếu. Sự chia rẽ đã làm cho phe dân chủ thất bại. Sau khi cái nôi cách mạng cộng sản sụp ở Liên Xô, các phe phái dân chủ ở Mông Cổ liên hiệp lại với nhau, gom lại thành hai đảng: The Mongolian National Democratic Party và The Mongolian Social-Democratic Party. The Mongolian National Democratic Party có khuynh hướng quốc gia, còn The Mongolian Social-Democratic Party có khuynh hướng xã hội như các Đảng Xã Hội ở Châu Âu, tức là, có mùi vị của Đệ Nhị Quốc Tế Cộng Sản.

Ngày 12 tháng 2 năm 1992, Hiến Pháp mới được tuyên bố. Năm sau, ứng cử viên phe đối lập là ông Punsalmaagiyn Ochirbat được bầu làm Tổng Thống. Phe Cộng Sản vẫn còn mạnh, nhưng những kỳ bầu cử sau, phe Cộng Sản cứ tuột dốc dần, cuối cùng, họ không còn ảnh hưởng bao nhiêu.

Hoa Kỳ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bầu cử ở Mông Cổ. Họ đã cho các băng nhạc Rock qua bên đó trình diễn văn nghệ, trong các buổi này, hàng vài chục ngàn người tham dự, các nghệ sĩ vận động cho phe dân chủ, đó là lý do tại sao phe dân chủ về sau thắng thế cách nhanh chóng và mạnh mẽ như vậy. Hoa Kỳ biết là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên phe dân chủ thua, nhưng họ vẫn hỗ trợ, vì họ muốn dùng đây là một đòn bẩy, nạy cánh cửa dân chủ ra từ từ. Họ biết cuộc bầu cử đầu tiên phe dân chủ thua, Hiến Pháp, Cờ, và Quốc Ca của cộng sản vẫn còn, làm cho nhiều người bực mình, nhưng, Hoa Kỳ vẫn yểm trợ, vì họ tin rằng sau khi đã có thế lực, họ sẽ lật lại ván cờ. Suy tính này của Hoa Kỳ đã đúng ở Mông Cổ, sau này Hiến Pháp, Cờ, và Quốc Ca của Cộng Sản cũng bị vất vào thùng rác luôn.

*******

Với những dữ kiện tổng tuyển cử ở Mông Cổ, ở Serbia, và nhất là những biến chuyển sau này tại Angola, tôi đánh giá lại và cho rằng phương sách tổng tuyển cử cộng với việc tranh đấu “lấn đất giành dân” ở trên mọi mặt trận trong giai đoạn hiện nay là phương sách khả thi nhất (most feasible). Tình hình thế giới và Việt Nam hiện nay, nhất là nhận thức của quần chúng, đã khác xa những thập niên 1940s & 1950s nên những sự gian manh của Cộng Sản sẽ bị phản ứng ngược khi chúng giở trò gian xảo giống như Milosevic. Tuy vậy, học bài học ở Cambốt cũng như bài học thập niên 1940s tại Việt Nam, tôi nghĩ rằng các phe phái đấu tranh cho dân chủ phải thận trọng, phải vận động sự hậu thuẫn của quốc tế để giám sát cuộc bầu cử cách chặt chẽ để ngăn chận sự gian lận và nếu khám phá bất kỳ một gian lận nào thì phải hô hoán cho cả thế giới biết đến sự gian lận đó.

VI. Đảng Cộng Sản Việt Nam Nhất Định Phải Thoái Trào. Tuy phe đấu tranh cho Tự Do Dân Chủ còn yếu, còn nhiều vấn đề, nhưng, như tôi đã khẳng định rất nhiều lần trên nhiều bài bình luận, ĐCSVN nhất định sẽ phải sụp đổ như trong một bài bình luận tôi đã viết như sau:

****

1. Con người có phần hồn và phần xác. Linh hồn đã lìa thân xác thì người ấy chết, thi thể chỉ đợi ngày tẩm liệm mà thôi. Đảng Cộng Sản có chủ nghĩa làm linh hồn và cơ chế đảng là thể xác. Chủ nghĩa Cộng Sản đã chết ở ngay tại thành trì cách mạng vô sản là Liên Xô. Hiện nay, chẳng còn ai, ngay cả các đảng viên Cộng Sản, tin vào chủ nghĩa Cộng Sản. Các đảng viên bám vào đảng để nắm quyền tìm cơ hội, ngay cả những cơ hội bất chánh như hối lộ và tham nhũng, để làm giàu cho cá nhân, gia đình, và phe nhóm. Linh hồn đã lìa khỏi xác rồi, thì đương nhiên, đó là thây ma, chỉ đợi ngày tẩm liệm.

Thây ma để lâu sẽ ung thối, người ta không chịu nổi, thì người ta sẽ tìm cách chôn cất. Những dấu hiệu ung thối đã có:

1/ Vụ cắt đất dâng biển Trung Cộng năm 2000 & 2001 làm nhức nhối toàn dân;

2/ Những vụ án tham nhũng hối lộ cả hàng chục triệu Mỹ Kim, điển hình là vụ án tham nhũng PMU18 làm cả thế giới chấn động; 3/ vụ quốc nhục các cô dâu Việt Nam ở tại các quốc gia Nam Hàn, Đài Loan, Mã Lai, v.v. làm cho mọi người và các cơ quan nhân quyền quốc tế không thể tin được trong thời đại tân tiến này mà ĐCSVN lại là những tên ma cô dắt mối tinh vi;

3/ vụ xuất khẩu lao động mà ĐCSVN là những tên mộ phu mới của thời đại, đem nhân công qua các nước làm lương rẻ, chèn ép sống không đủ, xoay qua làm những việc phi pháp như buôn bán thuốc lậu, trộm cắp, đĩ điếm, buôn thuốc phiện làm nhiều quốc gia nhức đầu như Anh, Pháp, Đức, Hung, Tiệp, v.v.

Thây ma ĐCSVN đang bốc mùi ung thối, ngày tẩm liệm nó cũng không còn xa nữa.

2. Xu hướng thời đại là giòng nước mạnh cuốn băng tất cả những vật cản trở. Thế kỷ trước, xu hướng của thời đại là tranh đấu độc lập cho nước nhà, và dẫu thực dân ngoan cố và tàn bạo, cuối cùng họ cũng lần lượt trả độc lập cho các thuộc địa. Xu hướng thời đại của thế kỷ 21 là tự do và dân chủ, chỉ là thời gian thôi, chắc chắn tự do dân chủ sẽ đến với tất cả các quốc gia. Nhà cầm quyền nào ý thức nhanh chóng thì đỡ xương máu, nếu mãi ngoan cố kết quả sẽ phải đền nợ máu như hai vợ chồng Ceausescu ở Romania và Slobodan Milosevic ở Serbia.

3. ĐCSVN tự coi mình là một giáo phái trên tất cả các giáo phái. ĐCSVN đấu với trời, với người, với đất, thì kẻ thù của ĐCSVN chính là Trời, là Phật, là Đất, là Dân Tộc, thì chắc chắn thực lực của thần linh hơn hẳn thực lực của tà quyền Cộng Sản. Thần linh làm ngơ cho chúng tung hoành một thời gian thôi, khi đến thời điểm, hồn thiêng sông núi, anh linh dân tộc, và chính khí của thần linh chính là lưỡi dao sắt bén cắt đứt cơ chế cộng sản này.

****

Nhân vô thập toàn, tổ chức và cá nhân nào cũng có khuyết điểm. Điều quan trọng đó là mọi người cùng thành tâm hướng về mục tiêu giải thể chế độ cộng sản. Vợ chồng con cái ăn ở với nhau còn có những bất đồng, huống chi trong đấu tranh là một phạm trù đa dạng và phức tạp, thì những bất đồng giữa các cá nhân và tổ chức lại còn nhiều hơn. Dầu có sự bất đồng, chúng ta cần học hỏi gương của hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, đó là chúng ta vẫn phải tôn trọng nhau và không thể bất hòa. Đến một giai đoạn nào đó, vì nhu cầu tạo sức mạnh chung cho phe Dân Chủ, chúng ta phải tha thứ cho nhau, bỏ qua những dị biệt để cùng xiết chặt tay nhau lại thì chúng ta mới có thể rút ngắn lại thời gian sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản. Nếu chúng ta không thể trở thành “bạn” được thì chúng ta nên trở thành “đồng minh” trên chiến thuật hay trên từng công tác một, như vậy, sức mạnh của chúng ta mới “đồng quy” về một mục tiêu duy nhất đó là Tự Do và Dân Chủ cho dân Việt.

Nhiều người vẫn thắc mắc không biết có ai lợi dụng chủ trương hài hòa này để lại “chôm credit” cho cá nhân hay cho tổ chức mình? Quá trình đấu tranh cho thấy sự thiếu thành tín này sẽ từ từ bị quần chúng và các chiến hữu xa tránh, cô lập, nên tôi tin rằng trong những tháng ngày tới, những cá nhân và tổ chức nhìn xa trông rộng sẽ áp dụng chính sách “honesty is the best policy” – “thành thật là phương sách tốt nhất.”

VII. Những Lo Âu Vì Chiêu Thức Giả Của Cộng Sản. Điều mà nhiều người lo âu đó là Cộng Sản quá gian manh, chuyên gởi người xâm nhập giả đấu tranh để tạo hỏa mù và gây phân hóa nên bằng mọi giá phải triệt hạ những “nội thù” này trước rồi mới có thể tiến công được. Những lo âu thận trọng như thế là điều đúng, nhưng làm thế nào chúng ta biết chắc 100% người ấy hoặc tổ chức ấy là phản gián của Cộng Sản hay vì đó là những ngộ nhận do hoàn cảnh gây nên? Nếu chúng ta có bằng chứng chắc chắn 100% thì chúng ta sẵn sàng “triệt hạ” cá nhân hay tổ chức đó liền; nhưng, nếu chỉ là do suy đoán, những dữ kiện có thể bị ngộ nhận hoặc bị bóp méo, không khéo lúc ấy chúng ta không phải triệt hạ một cá nhân hay tổ chức phản gián mà chúng ta triệt hạ một “đồng minh” trên con đường đấu tranh cho Tự Do & Dân Chủ.

Trong một thời điểm nào đó, chúng ta cần phải dung hòa để tiến tới, thí dụ, một sư đoàn đi hành quân, đi ngang qua một khu rừng, bị một anh phục kích bắn tẻ rồi bỏ chạy, chúng ta không thể nào đem cả một sư đoàn đuổi theo anh phục kích đó vì như thế là mắc bẩy và mục tiêu sẽ không đạt được. Do vậy, chúng ta cần phải cân nhắc một cách toàn diện (totality of the circumstances) để có một phản ứng chín chắn đối với những người hoặc tổ chức mà chúng ta cho rằng là “nội thù” kẻo thay vì tiến tới mục tiêu giải thể chế độ Cộng Sản, chúng ta chỉ loay hoay với nhau trong một mớ rối bòng bong mà không lối thoát. Hơn nữa, trong đấu tranh đôi lúc phải chấp nhận “may rủi” hoặc một số thiệt thòi, câu hỏi được đặt ra đó là lúc đưa lên bàn cân, việc ủng hộ này có lợi nhiều cho cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ hay có hại nhiều hơn? Nếu có lợi nhiều hơn, chúng ta phải bỏ qua những tiểu tiết khác mà đẩy toàn sức lực để cho cỗ bánh xe đấu tranh này đi tới rút ngắn ngày cai trị độc quyền của CSVN.

Lời Kết: Đứng trước hiểm họa mộng bành trướng của nhà cầm quyền Bắc Kinh, đứng trước khát vọng của dân tộc là Tự Do và Dân Chủ, đứng trước xu hướng toàn cầu hóa của thế giới mà CSVN đã gia nhập vào WTO, giải pháp lý tưởng nhất cho Việt Nam là ĐCSVN trả lại quyền tự quyết cho dân tộc, lùi lại một bước để trở thành một đảng chính trị như các đảng phái khác trong một cơ chế dân chủ. Tuy nhiên, đây chỉ là một ước mơ vì thực tế cho thấy ĐCSVN nhất quyết tìm bằng mọi cách kéo dài những ngày cai trị độc quyền của mình trên dân tộc Việt. Chính vì lý do này, dầu ở dưới một dạng thái khác, cuộc đấu tranh với ĐCSVN vẫn tiếp diễn cho đến khi nào Tự Do và Dân Chủ thực sự ngự trị trên quê hương Việt Nam.

Nhà Ái Quốc Nguyễn Thái Học, đảng trưởng của Việt Nam Quốc Dân Đảng, đã dõng dạc đi vào lịch sử với câu nói bất hủ “không thành công cũng thành nhân.” Tuy nhiên, ngày hôm nay tình thế đã khác, ưu tiên của cuộc đấu tranh là phải được thành công để cho dân tộc của chúng ta được tiến lên. Chính vì nhìn tới mục tiêu “thành công” của dân tộc nên đôi lúc chúng ta phải hy sinh danh dự “kẻ sĩ” của cá nhân. Đi đấu tranh mà được người ta tung hô là kẻ sĩ, là người yêu nước thì hầu như ai cũng làm được.

Nhưng, vì quyền lợi dân tộc mà có tầm nhìn xa trông rộng, lòng trung trinh cho Tổ Quốc như hạt ngọc quý bọc trong đá, trong một giai đoạn nào đó cần phải thi hành sách lược “thêm bạn bớt thù” này mà bị quần chúng hiểu lầm để rồi bị gán ghép cho là “kẻ phản bội” hoặc những từ ngữ xấu xa khác mà vẫn vui vẻ kiên nhẫn đi trọn con đường thì đó mới là khó, đó mới chính là lòng yêu nước chân thật. Quyền lợi dân tộc phải là quyền lợi tối thượng, do đó, cá nhân hoặc tổ chức nào đặt quyền lợi này lên trên hết thì chúng ta sẵn sàng bỏ qua những tiểu tiết và những dị biệt về chiến thuật. Nếu chúng ta không đoàn kết được với họ vì dị biệt chiến thuật, chúng ta nên làm thinh để cho họ làm việc vì trăm sông cũng sẽ đổ ra biển cả, biển cả của Dân Tộc Việt Nam.

Cũng trong suy tư đó, tôi cho rằng NNVNYN đang xướng lên chính sách “giành dân lấn đất” rất là thực tế và khả thi, nếu không là “bạn” thì cũng là “đồng minh” rất tốt cho con đường tranh đấu. Vì thế, những ai ở những khuynh hướng khác, không ủng hộ được thì xin đừng bỏ công sức ra “đánh” NNVNYN, hãy làm thinh để cho NNVNYN có cơ hội thực hiện sách lược của mình.

Khai bút Xuân Đinh Hợi, chúng ta phải khởi xướng chính sách “thêm bạn bớt thù” để tự do no ấm và hạnh phúc chân chính sớm ngự trị trên quê hương Việt Nam.

Houston mồng một Tết Đinh Hợi.

NHỮNG BÀI HỌC LỊCH SỬ CHO PHONG TRÀO DÂN CHỦ VIỆT NAM

Ls. Hoàng Duy Hùng

Những năm gần đây ở trong nước nở rộ những tiếng nói bất mãn và phong trào dân chủ. Thời kỳ cực thịnh của Cộng Sản ở những thập niên 1950s – 1980s thì chắc chắn những tiếng nói này đã bị dập tắt ngay từ trong trứng nước, người này thì bị bỏ tù, kẻ kia thì bị bạo quyền cho đi mò tôm bằng hình thức này hay hình thức khác.

Để có một thái độ đúng đắn với cao trào này, chúng ta cần ôn lại những biến chuyển lịch sử cận đại liên quan đến các chế độ cộng sản trên toàn thế giới.

1/ Đông Đức 1953: Tháng 5 năm 1953, Bộ Chính Trị ĐCS Đông Đức ra nghị quyết buộc công nhân tăng sản xuất 10%. Ngày 16 tháng 6 năm 1953, công nhân ở Berlin biểu tình phản đối nghị quyết này. Cuộc biểu tình này lớn mạnh nhanh chóng và lan rộng cả nước. Chỉ trong một ngày, hàng trăm ngàn người xuống đường ở Berlin. Ngày 17 tháng 6 năm 1953, xe tăng của Liên Xô được điều động để tàn sát cuộc biểu tình. Lúc đó Cộng Sản nói chỉ có 51 người bị chết, nhưng sau năm 1990, người ta cho biết con số thương vong ít nhất là 267. Nếu không có quân ngoại bang, tức là Hồng Quân Sô Viết, nhúng tay vào đàn áp, người ta dự trù các đảng viên cộng sản Đông Đức đã lặng thinh để cho dân muốn làm gì thì làm, và có lẽ nước Đức đã được thống nhất vào năm 1953 chớ không phải đợi mãi tới năm 1989.

2/ Hung Gia Lợi 1956: Năm 1945, sau khi đem Hồng Quân vào Hungary (Hung Gia Lợi) thiết lập chế độ cộng sản tại đây, Stalin đưa Matyas Rakosi (1892-1971) làm Tổng Bí Thư ĐCS Hung. Imre Nagy (1896-1958) được cử làm Bộ Trưởng Nông Nghiệp và sau đó năm 1953-1955 được cử làm Thủ Tướng. Imre Nagy có tư tưởng tiến bộ nên đã là cái gai trong mắt những người bảo thủ. Nhóm bảo thủ đã từng nói họ không sợ người dân nổi dậy, họ sợ những đảng viên cộng sản có thế lực đi một chiều hướng khác. Imre Nagy liên minh với Tổng Bí Thư Matyas Rakosi đưa ra chính sách cởi mở, lập tức bị đám bảo thủ vận động với quan thày Liên Xô, và năm 1955 họ hạ bệ và khai trừ cả Imre Nagy và Matyas Rakosi. Erno Gero (1898-1980) lên thay Rakosi làm Tổng Bí Thư và Andras Hegedus (1922-1999) thay Imre Nagy làm Thủ Tướng. Năm 1956, từ ngày 23 tháng 10 đến ngày 4 tháng 11, quốc dân Hungary đứng dậy tìm cách lật đổ chế độ Cộng Sản. Imre Nagy được dân chúng phục hồi chức vụ Thủ Tướng. Imre Nagy buộc lòng phải cộng tác với Tổng Bí Thư bảo thủ Erno Gero.

Erno Gero và Andras Hegedus liên lạc với Liên Xô xin họ đem quân vào triệt hạ sự nổi dậy của quần chúng. Với tư cách Thủ Tướng, Imre Nagy buộc lòng phải liên lạc với Yuri Andropov (sau này làm Tổng Bí Thư ĐCS Liên Xô) xin ông Andropov khi đưa quân vào Hung thì đừng tàn sát dân Hung. Vì chuyện này, nhiêàu người Hung hiểu lầm và cho răèng ông Imre Nagy là kẻ phản bội. Nhưng, khi Hồng Quân Sô Viết vào Hung, Andropov đã nuốt lời, thẳng tay triệt hạ cách thô bạo dân chúng Hung. Sau khi triệt hạ sự nổi dậy của dân Hung, Liên Xô đưa ông Janos Kadar (1912-1989) lên làm Tổng Bí Thư thay cho Erno Gero kiêm nhiệm chức Thủ Tướng.

Imre Nagy chạy vào tỵ nạn trong Tòa Đại Sứ Nam Tư (Yugoslavia) ở Budapest. Ông được hứa cho đi Romania mà không bị làm khó dễ, nhưng trên đường đi, ông bị chế độ của Janos Kadar bắt lại, đưa ông về giam ở Budapest, và tháng 6 năm 1958, họ bí mật xử treo cổ ông. Cộng sản đối xử với nhau tàn bạo hơn những đối thủ khác vì cho rằng nội thù nguy hiểm đến việc bảo vệ ghế của họ.

3/ Tiệp-Khắc 1968. Năm 1968, Alexander Dubcek (1921-1992) thay thế Antonin Novotny làm Tổng Bí Thư ĐCS Czechoslovak (Tiệp – Khắc) và ông Ludvik Svobada thay thế ông Antonin Novotny làm Chủ Tịch Nhà Nước. Ông Alexander Dubcek phát động Chương Trình Hành Động, một chính sách cấp tiến mà qua chính sách này ông mở trói cho người dân có quyền tự do báo chí mà trong chế độ Cộng Sản không hề có trước đó. Người dân Tiệp-Khắc đón mừng hân hoan, họ như muốn nổi loạn chống lại Liên Xô. Tổng Bí Thư ĐCS Liên Xô là Brezhnev không hài lòng chút nào. Qua vài tháng ra lệnh không được đối với Dubcek, ngày 20 tháng 8 năm 1968, Brezhnev ra lệnh quân đội trong Khối Warsova (Warsaw Pact - khối Cộng Sản), vài trăm ngàn quân, 5000 xe tăng thiết giáp, tiến thẳng vào chiếm đóng thủ đô Prague. Ông Alexander Dubcek kêu gọi dân chúng kháng chiến chống quân Liên Xô.

Hàng loạt người bị giết chết. Ông Alexander Dubcek bị bắt sang Moscova và Liên Xô đặt ông Gustav Husak lên thay chức Tổng Bí Thư. Quân đội Sô Viết chiếm đóng Tiệp-Khắc, ngày 19 tháng 1 năm 1969, sinh viên Jan Palach tự thiêu ở Công Trường Wenceslas, Prague, để phản đối sự chiếm đóng này của Sô Viết. Năm 1969, ông Alexander Dubcek bị khai trừ khỏi ĐCS Tiệp Khắc, họ đưa ông về giam lỏng 18 năm trời ở một công ty gỗ tại Slovakia. Sau khi Cộng Sản sụp đổ năm 1989, ông được bầu làm Chủ Tịch Quốc Hội Liên Bang của hai cộng hòa Tiệp và Khắc (sau này tách ra làm 2 quốc gia). Năm 1992, ông Dubcek qua đời vì tai nạn xe hơi.

4/ Ba Lan 1989: Năm 1979, Công Đoàn Đoàn Kết (Solidarity) của ông Lech Walesa được thành lập ở Gdansk. Với sự hỗ trợ tinh thần của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một người Ba Lan, Công Đoàn này lớn mạnh ở thập niên 1980. Ngày 13 tháng 12 năm 1981, Tổng Bí Thư ĐCS Ba Lan là Wojcieh Jaruselski (1923-?) ra lệnh đàn áp Công Đoàn một cách dã man. Sau khi Cộng Sản sụp đổ ở Ba Lan, người ta biết nguyên do tại sao ông Jaruselski lại ra lệnh bắt bớ Công Đoàn một cách dữ dội như vậy. Lý do đơn giản đó là nếu ông không bắt bớ Công Đoàn Đoàn Kết, Liên Xô sẽ đưa Hồng Quân vào Ba Lan, lấy lý do dẹp sự nổi loạn của Công Đoàn, rồi ngồi chễm chệ cai trị nước này luôn như họ đã từng làm với Đông Đức, Hung, và Tiệp Khắc.

Người ta cũng khám phá ra Jaruselski đã “đi đêm” với Vatican và Hoa Kỳ, và theo cố vấn của Hoa Kỳ, Jaruselski bề ngoài thì đàn áp Solidarity để tạo chất xúc tác cho Công Đoàn đấu tranh, bề trong thì hỗ trợ giúp cho những vị lãnh đạo của Công Đoàn. Giữa hai cái xấu, Jaruselski đã chọn cái xấu ít hơn. Bây giờ, nhiều quyển sách đã viết nhận định công và tội của Jaruselski, và đa phần người Ba Lan cho rằng Jaruselski là người yêu nước có công hơn là có tội.

5/ Romania 1989: Tháng 3 năm 1965, Tổng Bí Thư Gheorghiu-Dei qua đời, Nicolae Ceaucescu (1918-1989) lên thay thế lãnh đạo nước Romania. Nicolae Ceaucescu tạo cho vợ là Elena (1919-1989) một quyền lực ngang ngữa với ông ấy. Elena gặp Nicolae năm 1939 và hai người cưới nhau năm 1946. Từ năm 1965 đến năm 1989, Romania nằm trong bàn tay sắt của hai vợ chồng Ceaucescu và những người con của họ: Đứa con đỡ đầu Valentin (1948 -? Không dính líu chính trị và việc làm của Nicolae nên sau này được tha), con gái Zoia (1950), và con trai Nicu (1951-1994. Nicu bị bắt năm 1994 vì tội lạm dụng công quỹ của Romania trong thời Nicolae, và Nicu qua đời vì bệnh gan Cirrhosis vào năm 1996 tại một bệnh viện ở Vienna nước Áo).

Dân Romania và nhiều tướng tá của hai vợ chồng Ceaucescu muốn lật đổ họ nhiều lần mà không được. Nổi tiếng nhất trong các vụ tỵ nạn chính trị phải kể là vụ Thiếu Tướng Ion Mihai Pacepa của Bộ Công An Bảo Vệ Chính Trị (Political Police mà Ceaucescu thành lập lấy tên là Securitate) bỏ trốn sang Hoa Kỳ năm 1978. Tướng Pacepa đã giúp cho tình báo của Mỹ biết nhiều về hệ thống công an bảo vệ chính trị và các nhân sự trong chế độ của hai vợ chồng Ceaucescu. Nhờ sự giúp đỡ của Pacepa, CIA biết rất rõ ai ở trong ĐCS Romania lại là người âm thầm chống đối lại chế độ Cộng Sản tại nơi này. Năm 1986, Tướng Pacepa cho xuất bản quyển sách Red Horizons: Chronicles of a Communist Spy Chief (ISBN 0895265702) nói rõ chi li chế độ của hai vợ chồng Ceaucescu.

Theo Đại Tá Dumitru Burlan, những tướng tá trong Securitate, sau cuộc đào thoát của Thiếu Tướng Pacepa, thì từ năm 1982 đã có âm mưu đảo chính Ceaucescu rồi nhưng họ không dám vọng động ngay, họ phải ẩn nhẫn chờ thời, trong đó có Đại Tướng Victor Stanculescu và Tướng Neagoe là hai cố vấn thân cận nhất của Ceauscescu. Thời điểm này, ông Ion Iliescu (1930 -?) mới chỉ là một cán bộ trung cấp trong ĐCS Romania, được chú ý là một người có tư tưởng tiến bộ, bị Securitate theo dõi và giam lỏng, nhưng, chính Ceauscescu lại đánh giá những người như Ion Ilescu không có nguy hiểm bằng những người đang lãnh đạo Securitate.!!! Sau khi hai vợ chồng Ceaucescu bị giết chết, ông Ion Ilescu thành lập đảng mới, Mặt Trận Dân Chủ Cứu Nguy Dân Tộc (Democratic National Salvation Front, viết tắt là FSDN), ông được bầu làm Tổng Thống.

Thời cơ cho các tướng tạo biến động làm sụp đổ chế độ độc tài của hai vợ chồng Ceaucescu đó là vụ linh mục Laszlo Tokes (1/4/1951-?) ở Timisoara. Vùng đất Timisoara trước đây thuộc về nước Hung, nhưng Liên Xô ép cho Hung phải nhường cho Romania. Người dân ở đây nói tiếng Hung, họ vọng tưởng cố quốc là nước Hung. Mùa hè năm 1988, Tokes là một linh mục trẻ của Giáo Hội Cải Cách Hung, ông lên bục giảng thuyết cách hùng hồn đó là giáo dân có “bổn phận với Chúa và Giáo Hội, nhưng, giáo dân cũng có bổn phận với đất nước và Tổ Quốc của mình.” Khi nói “đất nước và Tổ Quốc” thì linh mục Tokes ám chỉ nước Hung hơn là Romania. Linh muc Tokes phản đối những chính sách đồng hóa người Hung của chế độ Ceaucescu.

Mật vụ theo dõi, họ làm áp lực với Đức Giám Mục Laszlo Papp ngăn cản linh mục Tokes, không cho linh mục Tokes tổ chức Lễ Hội Văn Hóa Tháng 10 năm 1988 và các cuộc họp với thanh niên thiếu nữ vì e sợ linh mục kích động lòng ái quốc của họ. Bất chấp sự ngăn cấm của giám mục Laszlo, linh mục Tokes hợp tác với Đức Giám Mục của Chính Thống Giáo tổ chức lễ hội này vào mùa xuân năm 1989. Đức Giám Mục Laszlo Papp, do áp lực của công an, ra lệnh cho linh mục Tokes không được giảng ở Timisoara nữa, và phải thuyên chuyển ngay lập tức tới xứ đạo hẻo lánh Mineu. Linh mục Tokes không chịu dời đi và vẫn tiếp tục giảng. Giáo dân ủng hộ linh mục Tokes hết mình.

Để hù dọa dân chúng, công an bắt bớ giam cầm một số người, trong đó có thân phụ của linh mục Tokes. Người ta cũng nghi cái chết của thanh niên Erno Ujvarossy ở bìa rừng vào ngày 14 tháng 9 năm 1989 là do công an làm như một hình thức khủng bố tinh thần thanh niên thiếu nữ trong giáo xứ.

Ngày 20 tháng 10 năm 1989, Tòa ra lệnh trục xuất linh mục Tokes ra khỏi Timisoara. Linh mục Tokes kháng cáo. Ngày 2 tháng 11, 4 công an chìm giả dạng kẻ cướp nhào vào đâm lũng các bánh xe của linh mục Tokes. Thanh niên trong giáo xứ đổ ra bảo vệ linh mục. Thời gian này, Bộ Ngoại Giao Hung mời Đại Sứ Romania đến báo tin họ rất quan tâm đến tính mạng của linh mục Tokes. Đơn kháng cáo của linh mục Tokes bị từ khước, và Tòa ấn định ngày 15 tháng 12 là ngày linh mục Tokes phải bị trục xuất.

Chiều 14 tháng 12, giáo dân đốt nến cầu nguyện, họ làm một vòng giây xích bằng người ngăn cản không cho công an vào. Ngày 15 công an không trục xuất linh mục Tokes được. Ngày 16 thị trưởng Tismisoara đến yêu cầu linh mục Tokes đi, linh mục muốn ra đi, yêu cầu giáo dân giải tán, nhưng giáo dân nhất định không chịu. Càng lúc đám đông càng nhiều người hơn, họ chuyển hướng đấu tranh, hát những bài yêu nước mà từ năm 1947 đã bị cấm như bài “Thức Dậy Đi Hỡi Người Romanie.” 5 giờ chiều ngày 16, công an sử dụng vòi ròng xịt vào đám đông, và hành động này như châm ngòi vào lửa, thế là đám đông tấn công lại công an, công an bỏ chạy, họ đem hết các vòi ròng này vất xuống sông. Bấy giờ, họ hò những câu đả đảo chế độ cộng sản, đả đảo hai vợ chồng Ceaucescu.

Rạng ngày 17, Elena Ceaucescu ra lệnh cho Tướng Victor Stanculescu và Mihai Chitac đưa công an và quân đội tràn vào, xả súng vào đám đông, con số tử vong khoảng hơn 100 người. Mihai Chitac sau này bị tòa án Romania xử 15 năm tù về tội giết hại này, còn Victor Stanculescu bỏ trốn, năm 2000, Romania xin Interpol ra trát truy nã ông mà cho tới ngày hôm nay ông vẫn ở tại đào. Ngày 18, hàng vạn công nhân Tismisoara xuống đường biểu tình cách ôn hòa, và cuộc biểu tình này nhanh chóng lan sang các tỉnh khác đến độ Thủ Đô Bucharest cũng không còn yên. Linh mục Laszlo Tokes sau này được thăng lên làm giám mục của giáo phận Kiralyhagomellek.

Chưa đánh giá đúng tình hình, ngày 18 tháng 12, Nicolae Ceaucescu còn lên máy bay đi công du Iran, ông giao cho vợ là Elena giải quyết cuộc biểu tình. Ngày 20, Nicolae Ceaucescu trở về nước, thấy tình thế đã khác hẳn, ông lên truyền hình để trấn an dân chúng tuyên truyền rằng biến cố ở Timisoara là do bàn tay ngoại bang nhúng vào, ý ông nói là do nước Hung xúi giục. Nicolae Ceaucescu kêu gọi dân chúng hãy xuống đường ở Thủ Đô Bucharest ủng hộ ông chống lại sự thọc tay quấy nhiễu của ngoại bang.

Theo lời kêu gọi của hai vợ chồng Ceaucescu, ngày hôm sau, đám đông tụ tập tại nơi bây giờ gọi là Công Trường Cách Mạng, lúc đầu họ còn hô các khẩu hiệu ủng hộ Ceaucescu, nhưng về sau, tự nhiên có những tiếng hô đả đảo, tiếng đả đảo càng lúc càng vang dội, đám đông như nổi loạn, hai vợ chồng Ceaucescu kinh hoảng bỏ chạy. Theo Đại Tá Dumitru Burlan, chính tướng Stanculescu góp ý cho Ceaucescu kêu gọi dân chúng xuống đường ở Thủ Đô Bucharest để ủng hộ chế độ, nhưng bề trong, tướng Victor Stanculescu sắp đặt kế hoạch cho người hô to khẩu hiệu đả đảo, rồi nhân cơ hội đó, cho công an bắn vào đám đông để đám đông phẫn uất chống lại hai vợ chồng Ceaucescu, nhưng không phải vì công trạng này mà Tướng Stanculescu thoát tội giết người ở Tismisoara!!

Đêm hôm đó Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Vasile Milea bị chết. Rạng ngày 22, cuộc nổi loạn diễn ra khắp nước. Ceaucescu họp khẩn cấp nội các, tuyên bố nắm lại chức Tổng Tư Lệnh Quân Đội. Ở ngoài dân chúng tràn xuống đường hô đả đảo Ceaucescu. Một vài công an bắn vài tiếng súng lẻ tẻ, lập tức bị quần chúng bắt được đập chết. Quân đội và công an không còn nghe lệnh Ceaucescu nữa. Hai vợ chồng Ceaucescu, cùng với hai đàn em trung tín là Emil Bobu và Manea Manescu, leo lên máy bay trực thăng để tẩu thoát về một nhà nghỉ mát của họ ở vùng quê Snagov. Quân đội cho đuổi theo và trực thăng của hai vợ chồng Ceaucescu phải đáp xuống ở cánh đồng Targoviste, cảnh sát bao vây bắt giữ và giao lại cho quân đội. Ngày 25 tháng 12 lễ Giáng Sinh năm 1989, hai vợ chồng Ceaucescu bị Tòa Án Quân Đội xử bí mật về các tội diệt chủng và họ hành quyết hai vợ chồng ngay lập tức ở cánh đồng Targoviste, kết thúc cuộc đời của hai tên bạo chúa.

Ngày 22 tháng 12 năm 1989, khi Ceaucescu họp các tướng tá công an và quân đội lại với hy vọng nắm lại quyền kiểm soát, quân đội ven đô tiến vào phi trường và vào Bucharest, những sĩ quan hô to khẩu hiệu ủng hộ ông Ion Ilescu. Lúc Ceaucescu lên trực thăng trốn khỏi Thủ Đô Bucharest, Ion Ilescu được tuyên bố làm Chủ Tịch Hội Đồng Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc. Sau khi Ceaucescu chết, các đảng phái mới được ra đời, và họ chọn Ion Ilescu làm Chủ Tịch Hội Đồng Lâm Thời Cho Sự Thống Nhất Của Quốc Gia. Romania có Hiến Pháp mới, và vào ngày 11 tháng 10 năm 1992, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên theo hiến pháp mới này được diễn ra, ông Ion Ilescu được bầu làm Tổng Thống. Năm 1996 Ion Ilescu thua cho Emil Constantinescu, nhưng vào năm 2000, ông Ion Ilescu lại tái đắc cử Tổng Thống.

6/ Thiên An Môn 1989: Năm 1977, sau khi nhóm Tứ Nhân Bang bị triệt hạ, Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping, 1905-1997) về Bắc Kinh lãnh đạo. Ông đề ra chính sách 4 Phương Diện Cải Cách trong đó có nông nghiệp, giáo dục, kỹ thuật và quốc phòng. Ông chú trọng đến “chuyên” hơn “hồng” thay cho chính sách của Đảng CSTQ trước đó là “hồng” hơn chuyên. Ông tin tưởng với sự cải cách này, Trung Quốc sẽ vượt qua Nga để trở thành đàn anh trong khối Cộng Sản với câu nói bất hủ: “Mèo bạch hay mèo mun không quan trọng, quan trọng là mèo nào bắt được chuột.” Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang, 1915 - 15/4/1989), một người từng ủng hộ Đặng Tiểu Bình, khi ấy ở cương vị Tổng Bí Thư Đảng CSTQ, nêu ý kiến với Đặng Tiểu Bình đã cải cách thì phải cải cách đến nới đến chốn, cải cách tận gốc rễ, đó là phải cải cách chính trị, phải có hệ thống đa đảng trong chính quyền.

Hồ Diệu Bang nắm chức Tổng Bí Thư (từ năm 1981-1987), nhưng không có thực quyền bằng Đặng Tiểu Bình vì Đặng Tiểu Bình nắm chức Chủ Tịch Ủy Ban Quân Ủy mà ở Trung Quốc nơi đó mới là thực quyền. Để làm áp lực với Đặng Tiểu Bình, cuối năm 1986 và đầu năm 1987, Hồ Diệu Bang hỗ trợ cho sinh viên và công nhân xuống đường, lên tới vài vạn người. Đặng Tiểu Bình, qua bàn tay Lý Bằng và Kiều Thạch, cho công an đàn áp cuộc biểu tình một cách thẳng tay. Sau khi dẹp cuộc biểu tình, Đặng Tiểu Bình bắt giam lỏng Hồ Diệu Bang, cách chức Tổng Bí Thư. Hồ Diệu Bang buồn bã sinh bệnh và qua đời vào ngày 15/4/1989.

Đặng Tiểu Bình đi kiếm người thay thế Hồ Diệu Bang ở cương vị Tổng Bí Thư. Họ Đặng tuyển chọn cách cẩn thận, và người lọt được mắt xanh họ Đặng chính là Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang 1919-2005). Triệu Tử Dương đã phải rất khôn khéo không cho Đặng Tiểu Bình biết ý định muốn dân chủ hóa đất nước của mình nên mới được họ Đặng phê chuẩn cho chức Tổng Bí Thư. Biết rằng nếu không khéo lộ ra ý của mình sớm thì cũng sẽ chung số phận với Hồ Diệu Bang nên Triệu Tử Dương bí mật sắp xếp kế hoạch với các sinh viên “con ông cháu cha” trong chế độ. Nhân cái chết của Hồ Diệu Bang vào tháng 4 năm 1989, và nhân chuyến công du của Gorbachev đến Bắc Kinh, Triệu Tử Dương cho sinh viên đến Quãng Trường Thiên An Môn đặt vòng hoa tưởng niệm “đồng chí Hồ Diệu Bang, cựu Tổng Bí Thư ĐCSTQ.” Đây là việc làm chính đáng, Đặng Tiểu Bình không thể nào bắt bớ được.

Sinh viên đến Quãng Trường càng lúc càng đông, thế là họ chuyển cuộc tưởng niệm thành cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ. Ở trong hậu trường, Triệu Tử Dương vận động để công an không đàn áp sinh viên. Đặng Tiểu Bình ra lệnh cho công an Bắc Kinh đàn áp sinh viên, không ai xuống tay cả. Họ Đặng ra lệnh cho 3 lộ quân Quảng Tây, Quảng Đông và Vân Nam về dẹp cuộc biểu tình, không lộ quân nào về hết. Đặng Tiểu Bình giận lắm, nhưng không làm gì được họ Triệu. Cuối cùng, qua bàn tay Kiều Thạch và Lý Bằng, họ Đặng bí mật triệu hồi lộ quân ở Ngoại Mông về Bắc Kinh. Đây là lộ quân mà đa số các binh lính và sĩ quan là những người xuất thân mồ côi, được Đảng CSTQ lượm đem về nuôi lớn lên nên họ rất trung thành với Đảng. Ngày 4 tháng 6 năm 1989, lộ quân ở Ngoại Mông về bắn thẳng vào sinh viên, đàn áp họ cách dã man. Sau khi triệt hạ được cuộc biểu tình, Đặng Tiểu Bình lột chức họ Triệu, cho giam lỏng Triệu Tử Dương cho đến khi họ Triệu qua đời năm 2005. Bây giờ, ở Trung Quốc có cao trào phục hồi danh dự cho hai ông Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương. Người ta nói không ngoa, không có Triệu Tử Dương, không có biến cố Thiên An Môn, mà họ Triệu lúc ấy lại chính là Tổng Bí Thư ĐCSTQ!!!

Lời Kết:

Liên Xô tan rã vào năm 1991 cũng là do hai nhân vật cao cấp nhất của Đảng Cộng Sản Liên Xô: Gorbachev và Boris Yeltsin. Cộng Sản sợ chiêu thức huynh đệ tương tàn, họ sợ những “đồng chí” của họ hơn là họ sợ người Việt Quốc Gia ở hải ngoại hay cao trào của quần chúng. Nếu Cộng Sản đấu đá với nhau, họ không có “chính nghĩa” bằng quần chúng và người Quốc Gia, nhưng họ có thế và lực. Con ông cháu cha xuống đường thì công an cũng không dễ gì mà ra tay đàn áp. Trước năm 1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từng nói với những người thân cận: “Tôi không sợ quân Cộng Sản vì quân Cộng Sản ở xa. Tôi sợ các ông tư lệnh quân đoàn và sư đoàn vì họ có thực lực trong tay quay qua đảo chính lúc nào không hay.”

Ở Việt Nam, năm 1990, Trần Xuân Bách (1924 – 2006), đứng hàng thứ 9 trong Bộ Chính Trị (1986-1990), là người sáng giá để leo lên chức Tổng Bí Thư, mới đề nghị đa đảng trong chính quyền thì lập tức tháng 8 năm 1990 bị hạ bệ, cho nghỉ hưu non, sau đó bị giam lỏng ở Hà Nội cho đến chết vào ngày 5 tháng 1 năm 2006. Trong bộ máy tàn bạo đó, người có chút lòng, nếu không biết khôn khéo, sẽ lập tức bị hạ bệ và trở thành nạn nhân bị cỗ máy này nghiền nát không một chút xót thương. Chính vì điểm này nên hiện giờ có nhiều đảng viên CSVN thức thời và có một chút lương tri, họ muốn làm một cái gì đó cho dân tộc, nhưng họ chưa dám mạnh tạy vì họ sợ không khéo thì công việc không thành mà còn gây tang thương cho gia đình và cho cả đại cuộc.

Cao trào dân chủ ở trong nước đang nở rộ, có nhiều người và nhiều nhóm. Có người xuất thân gốc gác cộng sản nhưng đã bỏ cộng sản, có người còn đang ở trong Đảng Cộng Sản, có những người chỉ thuần túy là nhà Marxist, có người là linh mục, là thượng tọa, là bác sĩ, là luật sư, là kỹ sự, là học sinh, v.v. Có thể có những nhóm và những người chống cộng sản vì nghe lệnh đảng phải chống “cuội” để cứu đảng. Có thể có những người hoặc những nhóm chống cộng sản chỉ vì tranh chấp quyền lợi phe nhóm. Và, có thể có những người hoặc những nhóm chống cộng vì tâm huyết thật sự cho quê hương.

Giai đoạn này cộng sản không kiểm soát được như xưa nữa. Cộng sản sợ sự phân hóa nội bộ hơn là sợ lực và thế của người dân và của người Quốc Gia. Học những bài học lịch sử, chúng ta cần cẩn trọng trong thái độ của chúng ta trước cao trào dân chủ này. Nếu chúng ta biết nhóm nào hoặc cá nhân nào đó chống cộng sản “cuội” thì nhiệm vụ của chúng ta là “lộng giả thành chân” thì có lợi hơn là chống lại họ. Nếu họ chống cộng vì quyền lợi, không sao, chúng ta khai thác để sự phân hóa của họ ngày càng trầm trọng hơn. Tên cướp con dí súng vào đầu tên cướp chúa, chúng ta không nên “bắn” tên cướp con. Nếu không ủng hộ tên cướp con, chúng ta lặng thinh để cho cướp con bắn chết tên cướp chúa. Cướp chúa mà đã chết rồi thì đám cướp con cũng dễ dàng bị tan rã. Nếu họ thật sự là những người vì nước vì dân thật, thì đó quả thật là phúc lớn cho toàn dân, và chúng ta có bổn phận phải hỗ trợ họ hết mình./.

Houston 8/6/06.

----------------------------------


Vinh Danh Cờ Vàng của Dân Tộc Việt Nam


Vinh Danh Cờ Vàng của Dân Tộc Việt Nam



Về Trang Gốc Vietlist     Về Trang Gốc Houston


bottom