tittle

bottom


Search Vietlist.us
Search the Web



Vietnam

covang

covang

covang

auchau

VIETLIST.US dành Trang Cộng Đồng để đăng tải tin tức, thông báo của Cộng Đồng và các Hội Đoàn người Việt Quốc Gia hoàn toàn miễn phí. Xin vui lòng liên lạc với chúng tôi tại: vietlist09@yahoo.com hay 408-824-2505

--------------oo0oo----------------

Hòa Lan: Nijmegen Có Gì Lạ Không Em?

Nguyễn Xương

Từ lâu tôi đã nghe về ngày đi bộ Quốc Tế được tổ chức hàng năm tại thành phố mang tên Nijmengen, một thành phố nằm giáp cận với Đức và Vương Quốc Bỉ, nhưng có lẽ chỉ là những điều nói qua trong chốc lát trong một buổi gặp mặt hàn huyên nào đó với bạn bè nên Nijmengen chỉ thoáng đến rồi lại vội ra đi trong trí tôi

DiBoHoaLan

Hòa Lan-Paris đường dài 750 km, sau khi qua biên giới Pháp Bỉ, rồi Bỉ - Đức và cuối cùng Đức - Hòa Lan, khi tôi bắt đầu ngửi thấy mùi phân bón theo gió tràn ngập trong xe khiến tôi nhớ lại có lần một anh bạn cũng đã nói nới tôi như thế đã vậy anh còn nhấn mạnh khi nào mà thấy mùi khó chịu này thì chúng ta đang ở trên phần đất còn được mệnh danh là Vùng Đất Thấp đấy ! Quả thật tôi đang ở trên phần đất xứ Hòa Lan khi chợt nhìn thấy máy quạt gió to lớn xuất hiện đó đây.

DiBoHoaLan

Đã hẹn trước hơn nữa có GPS nên việc kiếm ra nhà không khó khăn lắm. Chúng tôi đi đến điểm tập trung trong thành phố để nhận vòng đeo tay trên đó có ghi lý lịch cũng như màu sắc của vòng đi bộ : Đỏ biểu hiện 50 km dành cho quân nhân và thanh niên , Xanh cho tuổi trung niên với lộ trình 40 km và Trắng cho đoạn đường 30 km dành cho những người có sức khỏe yếu hơn.

Nơi đây nhộn nhịp các vận động viên, các dàn nhạc liên tục trình diễn, nhiều gian hàng tiền chế bán các đồ dùng có tính cách nghề nghiệp như giày, vớ, thuốc xoa chân, kem chống nắng, v.v...

Lợi dụng còn nhiều thời gian tôi nhờ anh đưa đến thăm gia đình một người anh trong quân đội đã quá vãng và viếng thăm mộ chí, ngày tiễn đưa anh đến nơi an nghỉ gia đình tôi bị lạc đường và sơ ý không ghi địa chỉ nghĩa trang nên không biết đâu mà đến. Đếm thầm thấm thoát đã 7 năm !

Hòa lan xưa nay vẫn nổi tiếng về chăn nuôi bò sữa và các sản phẩm đến từ nghề chính này và đặc biệt lại là vùng đất thấp nhất trên địa cầu vì ở dưới ngang mực nước biển nên Hòa lan còn có một tên khác là Pay Bas. Về ngôn ngữ thì có ngôn ngữ riêng nhưng ảnh hưởng tiếng Anh qua nhiều tiếng pha lẫn hay lắm khi tương tự. Kỹ nghệ chế tạo xe hơi tuy không như các nước láng giềng Pháp , Đức thế nhưng Hòa Lan lại nổi tiếng về loại xe chuyên chở hàng hóa trọng tải nặng. Quý vị khách phương xa rất đỗi ngạc nhiên khi ghé qua thủ phủ Amsterdam , dạo phố qua các cửa hàng trong đó các nàng Kiều ngồi chờ đợi các chàng Thúc Sinh một cách công khai vì họ có môn bài và đóng thuế cho nhà Nước và một điều gây khó khăn cho các quốc gia trong vùng như Pháp chống việc xử dụng cần sa thì Hòa Lan lại công khai có cửa hàng bán tự do.

DiBoHoaLan

Vì là một quốc gia thấp so với mực nước biển nên du khách đến Hòa Lan thấy nơi nào cũng có những con mương, con rạch , to cũng có mà nhỏ cũng có . Nơi nào bạn thấy có dân ở thì bạn sẽ thấy có ao hồ, không phải thiên nhiên đâu nhé ! Mà là nhân tạo đấy. Gần nhà anh bạn của tôi, họ đào một cái hồ to bằng hồ Xuân Hương mà các chàng Võ Bị Đà lạt ngày xưa vẫn thường đi dạo cùng người đẹp của các ông ấy, nhưng không được nắm tay người yêu đâu đấy nha, tuần cảnh của Sinh Viên Sĩ Quan trong quân phục đại lễ mùa hè hay mùa đông mà thấy là phiền lắm đấy. Cái hồ mà tôi đã thấy, có chỗ sâu nhất là 35 thước, hồ Xuân Hương chắc không thể có được.

Quý vị chắc hẳn thắc mắc là tại sao dân Hòa Lan làm như vậy ? Thưa rằng, để tránh ẩm trong nhà họ phải đào rãnh , mương, hồ để thoát nước ra ngoài và tất nhiên đất lấy lên sẽ làm cho nhà cao thêm một chút.

Chưa hết , người Hòa Lan còn sáng chế ra loại nhà đặc biệt có hình thù tròn vo như trái banh mục đích để tiết kiệm năng lượng sưởi ấm về mùa đông, vì sức nóng cứ chạy vòng vòng theo hình dáng của căn nhà. Loại nhà này rất thích hợp cho những anh chị còn độc thân vì nhỏ và vừa với đồng lương khiêm nhường. Ngoài ra người Hoa Lan rất thích đi xe đạp, đường xá trong những khu dân cư có nhiều " lưng lừa " để giảm bớt tốc độ xe hơi khi di chuyển. Người viết với 4 ngày chắc không đủ và không có khả năng nói về một xứ sở nên chỉ ghi lại nhưng gì tò mò mà thôi.

DiBoHoaLan

Ngày đầu tiên, tin tức thời tiết cho hay trời rất nóng có khả năng đạt đến 38 độ C nên Ban Tổ Chức thông báo trên Internet cho đi sớm hơn 1 giờ để tránh nguy hiểm , vì trước đây vài năm đã có 2 người chết trên đường đi khi còn cách điểm đến khoảng 5 km, và năm đó BTC đã phải hủy bỏ số ngày còn lại. Chúng tôi ở ngoại ô nên sáng hôm đó phải dùng xe nhà để đi vào thành phố, vì phương tiện công cộng không thể đáp ứng trường hợp ngoài thời khóa biểu thường lệ.

Trong ngày đi đầu tiên, tôi rất ngạc nhiên khi thấy có một thanh niên ngồi xe lăn cũng cố gắng lăn từng vòng xe theo đoàn người đi, một người khiếm thị được dắt bởi một người khác cũng cố gắng chậm bước với chiếc gậy đặc biệt dùng để dò đường, một chị nặng khoảng gần hai tạ nặng nề di chuyển, người già trên 70 cũng có và ông ta cho tôi biết đây là lần đi thứ 38 của ông.

Có thể còn nhiều điều tôi không thể thấy bởi vì làm sao có thể thấy hết, gặp hết với số lượng 40 ngàn người tham dự vào những thời điểm khởi hành khác nhau, lộ trình có lúc tách hướng để đáp ứng với khoảng cách ghi danh, rồi có lúc cùng hội tụ lại một điểm.

Suốt trên lộ trình di chuyển, ngay từ phút vừa mới rời điểm khởi hành, chúng tôi đã nhận được sự cổ võ nồng hậu , những lời chúc mừng may mắn của dân chúng đón chờ hai bên đường, trước cửa nhà , trên balcon, những dàn âm thanh dã chiến hay chuyên nghiệp liên tục những bản nhạc vui , nhạc Rock, nhạc quân hành, những bàn tay giơ lên chờ sẵn để chúng tôi đập tay vào tay họ như một dấu hiệu chúc mừng thân ái. Những em bé trai hay gái độ 3, 4 tuổi tay cầm cái khay trên đó ít bánh biscuit, bánh ngọt đã cắt sẵn vừa vặn khi bỏ vào miệng, với nét mặt các em rất ngây thơ, hồn nhiên đứng đón chờ những người đi qua. Có những thiếu nữ xinh đẹp, những cụ già, bà lão, những thanh niên cũng đang làm như các em bé vừa kể. Đôi khi vừa mới nhận một mẩu bánh của người mới đi ngang, chúng tôi phải dừng lại khi nhìn thấy nét mặt quá ngây thơ của các em, nụ cười xinh đẹp của các thiếu nữ... lấy thêm một cái kẹo để các em vừa lòng chứ thật ra lòng không muốn và hình như một vài em, vài cô nét mặt buồn buồn khi khách vô tình không lấy món ăn của họ. Quý vị có biết rằng em bé này, cô thiếu nữ nọ là thế hệ thứ ba đang làm công việc mà ông bà nội, ngoại đă làm !

DiBoHoaLan

Thật vậy sao ? Người viết có lầm lẫn không ?

Thưa không đâu quý vị !

Cuộc đi bộ truyền thống này có từ mùa thu năm 1904 chứ không phải mới đây đâu nhé ! Từ khái niệm sơ khai của những năm đầu dần dần cho tới hôm nay, năm 2010 và theo thời gian thì đã có 4 lần phải tạm đình chỉ vì thế chiến. Như vậy chúng ta có thể tính nhẩm ngay là sắp sửa 100 năm rồi phải không !

Tháp Eiffel vừa kỷ niệm 100 năm cách đây không lâu.

Lịch sử thành lập nước Mỹ cũng mới đi qua 200 năm.

Cũng ngôi giáo đường, con đường mòn lớn nhỏ, những dãy phố thuở nào, cách đây 95 năm về trước từng đoàn người đã đi qua và hôm nay chúng tôi cũng đang đi qua.

Những em bé chịu khó đứng với chiếc khay trên tay hôm nay thì ông nội của em cũng đã làm như thế và chỉ có thành phố Nijmengen duy nhất được làm chuyện này, con số 94 lần tổ chức vào năm 2010 ! (www.4daagse. nl)

Khi những người Hòa Lan khởi bước chân đầu tiên cho ngày đi bộ thì bên kia nửa vòng trái đất , Cụ Phan Bội Châu cùng 20 đồng chí thành lập nên Duy Tân hội để tìm đường cứu Nước, một ví dụ lịch sử để so sánh.

Chúng tôi hai đứa mang hai lá cờ vàng ba sọc đỏ trên vai cùng tiến đều bước và trên đoạn đường đi có hàng chục lần trả lời câu hỏi:

- Cờ nước nào vậy ông ?

Anh bạn của tôi trả lời bằng tiếng Hòa Lan, còn tôi thỉnh thoảng bằng vốn liếng Anh ngữ đã mòn dần theo năm Nijmegen Có Gì Lạ Không Em (?)tháng kể từ ngày chọn xứ Tây làm Đất Tạm Dung.

- Cờ Việt Nam Cộng Hòa đấy không phải cờ Việt Nam Cọng sản bây giờ đâu.

Họ reo lên: - Ô ! Việt Nam ! Miền Nam Việt Nam ! Ô ! Tốt lắm.

- Việt Nam Cọng sản không có tốt đâu.

Đó là một trong nhiều câu chúng tôi nghe từ họ.

DiBoHoaLan

Ngoài ra có những người đã sống và chiến đấu trong cuộc chiến Việt Nam như có một anh xứ Kanguru, một anh cựu lính Thủy quân lục chiến khi thấy lá cờ của chúng tôi họ vẫy tay chào chúng tôi đồng thời la lớn hai tiếng Việt Nam.

Ngày đầu tiên lộ trình ấn định dễ đi vì tương đối bằng phẳng. Có thể chủ ý của Ban Tổ Chức muốn tạo điều kiện cho những người kém may mắn do tật bẩm sinh, tai nạn gây thương phế, người già yếu có cơ hội tham gia ít ra cũng đi bộ được 30 hay 40 km trong ngày đầu.

Riêng chúng tôi thì không có dấu hiệu đáng lo ngại, anh bạn đồng hành của tôi vốn trước 1975 là huấn luyện viên võ thuật, bị Cọng sản đày đọa 6 năm trong trại tù " cải tạo " nhưng anh vẫn bền lòng một mình một lá cờ vàng trên vai trong suốt 6 năm liên tiếp trong cuộc đi bộ Quốc Tế này, anh cho biết rất vui mừng khi hay tin tôi từ Paris sang tham dự và cũng nhờ anh nhất là phu nhân đã niềm nở , ân cần đón tiếp cũng như dành cho tôi tạm trú chứ nếu không thì " lực bất tòng tâm " e rằng khó có thể tham dự được.

DiBoHoaLan

Chiều về chúng tôi chụp hình lưu niệm và suốt 4 ngày như thế tại bảng kết quả trong ngày, theo đó số ghi danh 45 ngàn người, số trình diện tại hàng khi khởi hành cho ngày đầu 40 ngàn. Ngày mai ban Tổ chức sẽ cho con số của ngày hôm trước.

Ngày đầu đã trải qua, chúng tôi rất vui vì đâu đâu cũng thấy sự tiếp đón chân tình của dân Hòa Lan suốt đoạn đường đi qua.

Sáng dậy đúng 4 giờ sáng, làm một chút cà phê cho ấm bụng xong chúng tôi ra gare để đón chuyến tàu sớm nhất. Đến nơi mặc dù trời chưa sáng hẳn nhưng không khí ồn ào nhộn nhịp khắp đó đây.
Chuyên viên dọn vệ sinh thành phố đang làm công việc của họ vì đêm qua có bắn pháo bông, ca nhạc sân khấu lộ thiên đến gần sáng, dọc đường đi tôi thấy dân chúng mang cả salon, ghế bành ra ngoài đường, bên cạnh ôi thôi vô số vỏ chai bia nằm đầy dẫy.

Mỗi ngày một lộ trình khác nhau và hôm nay chúng tôi đi qua những khu rừng nhỏ, đường gập ghềnh, nhiều con dốc, con đèo nhỏ. Chúng tôi gặp các quân nhân họ rất vui khi chúng tôi chào hỏi và nhất là vui mừng được có chung những tấm hình dưới lá cờ của chúng tôi. Ngày hôm nay, với tôi lần đầu tiên còn anh bạn thì đã quá biết.

- Để anh coi ! Người dân trên lộ trình này họ đón chúng ta như thế nào chốc nữa anh sẽ biết.

Tôi vội đọc thầm tên khu làng cho thuộc để về viết lại.

- Wischen ! Wischen !!

Quả thật như anh bạn báo trước . Ôi chao người đi đã đông, 37 ngàn người sáng nay từ các ngã đường tụ về một điểm, mục đích của Ban tổ chức là như thế, nhưng người đón chào chúng tôi còn đông gấp bội. Nơi đây so với hôm qua thì có vẻ sầm uất hơn. Các hàng quán lớn nhỏ chật ních những người. Tôi làm một bài tính nhỏ với anh bạn rằng là mỗi người chỉ ăn sandwich và lon coca thôi thì với 37 ngàn người sẽ đem lại cho các cửa hàng biết bao nhiêu là tiền cho ngày hôm nay. Suốt đoạn đường 10 KM khi đi ngang qua đây ngoài các tiệm ăn chính còn vô số những xe bán thức ăn di động, những dàn nhạc vĩ đại , hệ thống âm thanh mở công suất tối đa; những điệu nhạc quân hành , nhạc kích động suốt đoạn đường chúng tôi đi qua. Một điều đáng ghi nhận nữa là khi đi qua địa phương nào thì ông Quận của địa phương đó trong y phục trang trọng; cổ mang dấu hiệu Quận trưởng, đứng bên là ban tham mưu , tất cả đứng nghiêm chỉnh chào đón dân chúng đi qua bằng cách vẫy tay thân thiện, với các đơn vị quân đội các nước họ chào theo kiểu quân sự một cách nghiêm chỉnh. Hôm nay, chúng tôi đang đi thì anh bạn tôi nhận được cú điện thoại cho hay rằng sáng nay tờ báo có uy tín của Hòa lan, Telegraph, đã đăng tải bài phóng sự về ngày hôm qua và trong bức hình có xuất hiện 2 lá cờ vàng 3 sọc đỏ từ đàng xa. Hay tin như thế chúng tôi mừng lắm vì cả hai chỉ mong có vậy là vui lắm rồi !!

Sau khi qua khỏi đoạn đường đông nghẹt những người , đoàn người tiếp tục đi nhưng đâu đâu cũng có người đứng, ngồi dọc theo bên đường cho bánh , kẹo , thậm chí còn phun nước hay mang máy quạt ra đứng để làm mát cho người qua đường nữa chứ, sao mà có một dân tộc hiếu khách đến thế, tôi đã từng chạy đoạn đường 16 km từ tháp Eiffel đến lâu đài Versailles trong nhiều nãm nhưng chưa thấy tinh thần ủng hộ như vậy.

Hai ngày trôi qua chúng tôi đều mừng vì thực ra cũng không có gì trở ngại về thể chất cho dù cả hai đều đã trải qua tuổi 60 chứ đâu còn trẻ trung gì nữa. Riêng tôi nhờ quá khứ một thời được huấn luyện ở quân trường , nay có dù tuổi tác đã lớn nhưng cứ mỗi lần nhớ lại những kỷ niệm của một thời trai trẻ " thao trường đổ mồ hôi", đỉnh Lâm Viên, Lape Bé Nord, Lape Bé Sud từng vương dấu giày saut thì hôm nay chuyện đi bộ có thấm gì đâu ! Thỉnh thoảng hai đứa đếm bước và hát những bài nhạc quân hành, anh bạn trước đây huấn luyện viên võ thuật tại các trung tâm huấn luyện Cảnh sát dã chiến trước 75 và cũng đã bị Cọng sản cầm tù khá lâu, 6 năm chứ đâu phải ít !

DiBoHoaLan

Có những giây phút chợt bùi ngùi khi hồi tưởng đến dòng người di tản của người dân Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa, của Tết Mậu Thân, của liên tỉnh lộ 13 vào những ngày gần cuối Tháng Tư Đen, đoạn đường rút quân từ Phong Điền về đến Thuận An của đơn vị tôi vào những ngày gần cuối tháng 3. Cũng đoàn người như hôm nay nhưng với bước chân đau khổ, tan nát cõi lòng, đói khát , lại còn bị quân thù pháo theo gây thêm cảnh chết chóc dọc đường.

Ngày thứ ba như đã dự tính, tôi mặc đồng phục Hướng Đạo để nhớ về một thời trẻ trung và vẫn còn đến bây giờ: lý tưởng Baden Powell. Bộ đồ nổi bật trong đám đông, màu khăn quàng thiếu đoàn Lam Sơn của tôi cách đây nửa thế kỷ. Thuở đó, tôi say mê và răm rắp tuân theo những lời Hứa và điều Luật. Nhờ vào đấy, một thiếu niên trong một gia đình thiếu hẳn tình cha còn mẹ thì buôn bán tảo tần lấy ai mà dạy dỗ.

Hôm nay tôi thêm một lá cờ Pháp, Quê Hương Tỵ Nạn của tôi, bên cạnh lá cờ vàng. Qua khu đồng trống vắng, gió lộng thổi bay phất phới cả hai , ngước nhìn sao đẹp quá. Qua đám đông tôi nghe nhiều tiếng la lên:
- Oh ! Scouting ! Scouting !!

Tôi vẫy tay và chào theo kiểu Hướng Đạo.

Gặp lại một toán tráng sinh ngày hôm trước tôi nhắc:

- Ngày hôm qua tôi đã hứa với các anh là hôm nay tôi sẽ mặc đồng phục Hướng Đạo của Việt Nam cho các anh coi.

- Oh ! hay quá anh bạn đã giữ lời.

- Hooop ! Scout mà !

- Chúng ta làm một tấm hình kỷ niệm đi, sang năm anh có đi nữa không ?

- Có chứ ! Tôi sẽ dắt nhiều người nữa. Vui quá , tuyệt vời quá anh bạn.

Anh bạn Scout người Hòa Lan xiết chặt bàn tay trái tôi khi giã từ.

DiBoHoaLan

Ngày hôm nay chúng tôi phải leo dốc, nhiều con dốc khá dài, tôi thấy có nhiều người khập khiễng vì bàn chân đã bị bọng nước, chúng tôi cũng thế và ai ai cũng không tránh khỏi, không ít thì nhiều mà thôi.Trên lộ trình các toán cứu thương lớn nhỏ, thậm chí có cả một bệnh viện dã chiến quân sự nữa, cứ như là thế chiến không bằng. Tôi đang đi thì có một anh người Hòa Lan thông thạo tiếng Pháp hỏi anh bạn tôi bằng tiếng Pháp khi thấy tôi mang lá cờ xứ này trên vai, thấy vậy anh bèn gọi tôi:

- Ê anh Xương, cha này nói tiếng Pháp , anh nói chuyện với chả đi, còn tui thì chịu thua.

Hai ngày qua tôi cũng thế, tiếng Hòa Lan tôi cũng điếc và câm.

Anh bạn Hòa Lan vui vẻ cho tôi hay rằng anh vừa đi du lịch ở Việt Nam về, anh cho biết đi từ đồng bằng sông Cửu Long đến Đà nẵng mà thôi, sang năm sẽ đi từ Đà nẵng ra miền bắc.

- Tôi đến miền Trung và được đưa đi xem ngôi làng mà ở đó Đại úy Calley đã giết gần 500 người dân Việt nam và khi tôi đến đồng bằng sông Cửu Long thì thấy nước bị cạn, ông có biết chuyện đó không ??

Nghe nói tôi biết là bọn Cọng sản lại tuyên truyền cho người ngoại quốc đây, tôi bèn giải thích:

- Vâng tôi biết chứ nhưng lần tới ông có trở lại Việt Nam, quê hương mà đã hơn 30 năm tôi chưa một lần trở về, ông hỏi người hướng dẫn du lịch nếu họ nhắc lại chuyện Đại úy Calley thì ông sẽ hỏi là Tết Mậu Thân, người Cọng sản Việt Nam đã giết bao nhiêu người dân không có tấc sắt trong tay, bao nhiêu đàn bà , trẻ con bị chôn sống, để xem họ trả lời ra sao ?

- Vâng, tôi cũng đã đọc nhiều tài liệu về chuyện này.

- Còn chuyện đồng bằng sông Cửu Long khô cạn là do Trung Cọng xây trên 10 con đập từ thượng nguồn để gọi là lấy nguồn điện nhưng thực ra âm mưu trong tương lai muốn làm bá chủ Đông Dương nói riêng và Châu Á nói chung. Công trình nói trên nước Mỹ cũng như Liên hiệp quốc đã khuyến cáo nhưng Trung Cọng vẫn tỏ ra không quan tâm.

Vừa đi vừa nói chuyện tuy có lợi là quên đường dài nhưng cũng khó đi lắm nên sau đó chúng tôi từ giã.

Ngày thứ ba cũng đi qua nhanh chóng, chúng tôi về đến nơi trước giờ ấn định.

Ngày cuối cùng, ai nấy cũng vui vẻ. Dân chúng vẫn như ngày trước, tươi cười đón mừng chúng tôi từ lúc khởi hành.

Khi gần đến Cuijk, nơi trước đây anh em chúng tôi vẫn thường ghé chơi vì ở đây có người anh trong quân đội thân thiết với chúng tôi ở Âu châu cũng như khắp nơi trên thế giới. Kể từ ngày anh quá vãng thì chị vẫn giữ thông lệ ra đón chúng tôi. Tôi vượt qua một đơn vị quân nhân Pháp tham dự, khi tôi vừa đi qua thì có nhiều tiếng nói chuyền nhau :

- Ê ! Cờ Pháp ! Cờ Pháp !

Tôi nhìn về họ vẫy tay chào.

- Chào các bạn !

Và tôi vội bước nhanh, tưởng đâu chỉ có thế. Ai ngờ !

Tôi vừa giật mình vừa quay lại thì một bàn tay chìa ra để tôi bắt tay và ông ta nói với tôi:

- Chào Ông ! Tôi rất xúc động khi thấy ông mang lá cờ Pháp của chúng tôi mà suốt 3 ngày qua tôi chưa từng thấy, cám ơn ông rất nhiều.

Liếc nhìn cấp bậc, tôi biết ông là Đại úy.

- Không có chi, thưa Ông. Trong trái tim của tôi hiện giờ tôi mang hai lá cờ: lá cờ vàng, cờ của Quê Cha của tôi và lá cờ Pháp, lá cờ đã mở rộng vòng tay đón tôi vì tôi là người tỵ nạn cọng sản Việt Nam, tôi đã và đang được hưởng sự Tự Do và con cái tôi trưởng thành và thành công trong việc học là nhờ lá cờ Pháp này.

Câu chuyện chỉ xảy ra trong vài phút xong chúng tôi chia tay ngay.

Suốt đoạn đường đến Cuijk, tôi suy nghĩ rất nhiều. Nước Pháp đã làm rất nhiều lầm lỗi trong cuộc chiến tranh thuộc địa ở Đông Dương và cũng chính nước Pháp đã tạo ra Cọng sản Việt Nam đi từ sự cai trị dã man của chính sách thuộc địa giữa lúc nảy sinh ra phong trào giải phóng các dân tộc đang bị đàn áp, từ đó đảng Cọng sản Việt Nam được sinh đẻ bởi Cọng sản Trung Quốc đã lợi dụng đàn áp các phong trào yêu nước thực sự, có khuynh hướng Tự Do để cuối cùng Quê Hương tôi ngập chìm trong máu lửa từ những ngày đầu của cái gọi là " cách mạng mùa Thu " hàng triệu người dân vô tội trong cuộc đấu tố tàn ác. Gần nửa dân số VN phải sống nghèo nàn trong cái " chủ nghĩa xã hội " của miền bắc, từng lớp thanh niên trai trẻ miền quê phải bắt buộc Sinh Bắc Tử Nam. Thế rồi tháng Tư ập đến, lại một lần nữa đau thương lại phủ trùm trên nửa phần Quê hương còn lại , nhà tù mọc lên như nấm, hàng trăm ngàn người dân bỏ xác trên biển Đông, trên núi rừng trên đường vượt biên, trong các khu " kinh tế mới "... Chính phủ Pháp đã xây hai nhà tù lớn nhất Đông Dương: Hỏa Lò Hà Nội và Chí hòa Sài Gòn, cả hai tôi đều được giam ở đó: 4 tuổi tôi phải vào ở chung với cha tôi để được ăn cơm nhà tù và 24 năm sau, tôi lại được CSVN nhốt trong cái nhà tù của Thực dân Pháp xây nên.

Năm 2007, ông Quận Vaureal, nơi tôi đang cư ngụ, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi nghe tôi kể lại và sau 17 năm tỵ nạn, với nhiều đắn đo tôi quyết định để trở thành công dân Pháp.

Mãi suy nghĩ tôi đến làng Cuijk lúc nào không hay. Nơi đây cũng thế, cả rừng người chào đón đoàn người đi qua, chị Ninh và con gái ra đón chúng tôi như mọi năm và đặc biệt với tôi đây là lần đầu.
Sau khi chia tay nơi chiếc cầu dã chiến do công binh thiết lập, chúng tôi tiếp tục nửa đoạn đường cuối của 4 ngày đi bộ, càng gần càng vui nhộn , nhất là còn 10 km cuối cùng thì đông người quá sức tưởng, một khu lớn gần bằng một sân vận động dành cho quân đội dừng chân để các quân nhân thay quân phục sạch sẽ, các quân nhân đau chân đi khập khiễng được cho về điểm tập riêng ngay, miễn cho diễn hành, các đoàn người đi theo nhóm cũng gom lại để đi chung, chúng tôi chỉ có 4 nên cũng dễ, nghỉ ngơi một lúc , chúng tôi cũng vội thay chiếc quần dài cho tươm tất khi qua khán đài.

DiBoHoaLan

Dẫn đầu là nữ cảnh sát xinh đẹp, oai nghiêm trong đồng phục, cả hai cưỡi ngựa dẫn đầu, tiếp theo là ban quân nhạc của cảnh sát và sau đó lần lượt các người tham dự. Đi cả ngày không mong vậy mà chỉ có 10 km thôi ! Sao mà cảm thấy dài quá. Càng đi vào gần thành phố dân tụ họp hai bên đường càng đông, tiếng la, tiếng reo ủng hộ không ngớt, các dàn nhạc nối tiếp không ngừng các bản nhạc quân hành khiến tôi nhớ lại lần diễn hành trong ngày Quân Lực 19/6 tại thủ đô Sài Gòn.

10 km như thế, tay tôi mỏi nhừ vì vẫy tay chào đáp lễ, có những người đứng bên đường xòe lòng bàn bàn tay cho chúng tôi vỗ tay vào tay họ, một biểu tượng thân mật của người Âu châu.

Ngang qua khán đài, Ông Thị Trưởng trong y phục mang dấu hiệu chức năng hành chánh cùng ban tham mưu cũng như các sĩ quan cao cấp đứng nghiêm chỉnh chào các đơn vị quân đội các nước tham dự như Thụy Sĩ, Na uy, Anh, Pháp, Thụy Điển, Bỉ, Hòa lan, Hoa kỳ, Đức... với chúng tôi và các đơn vị dân sự, đại diện chính quyền và quân đội vẫy tay chào.

DiBoHoaLan

Chúng tôi ban đầu 2 người, ngày thứ 4 tăng cường thêm 2 anh và trước khi đi qua khán đài được thêm 2 anh nữa, vị chi 6 lá cờ vàng ba sọc đỏ phất phới tung bay giữa tiếng reo hò. Tuy vậy, chúng tôi cũng thấy mình còn thua kém một dân tộc hoàn cảnh cũng không khác chi mình, dân Moluk, một dân tộc đã và đang bị dân Nam Dương xua đuổi và làm thân tỵ nạn khắp nơi, nhưng hôm nay chính tôi đếm được khoảng 30 người, họ đi thành một nhóm, đồng phục, trên mỗi sac nhỏ mang trên lưng mỗi người mang một lá cờ của Tổ quốc họ !

Rời khỏi khán đài cả gần hai tiếng, chúng tôi vẫn còn thấy đoàn người vẫn còn diễn hành qua khán đài trung ương.

Sau một ngày lưu lại Hòa lan để chung vui với một số thân hữu tình cờ tôi gặp lại một thân hữu rất thân của Võ Bị và mới đây đã ghi lại những kỷ niệm trong số Đa hiệu 90, chúng tôi cùng nhắc lại chuyện đã qua của xứ hoa Anh Đào, của núi đồi với rừng thông xanh mướt. Chia tay và hẹn năm tới, tôi lái xe về tỉnh Krefeld để thăm con gái tôi đang cư ngụ ở đó. Suốt đoạn đường trong đêm, những hình ảnh đẹp và cảm tình nồng hậu của dân chúng Hòa Lan là bạn đồng hành của tôi cho đến khi về đến Pháp.

Paris ngày 6/8/2010
Nguyễn Xương

http://take2tango.com/thread/9-8-2010/nijmegen-co-gi-la-khong-em-FB46393B-10830



-------oo0oo-------

comau
Việt Cộng đối ngoại thì nhu nhược, bán nước,
đối nội thì tàn ác và hà khắc với nhân dân.

 

Những hình ảnh đẹp của Cộng Đồng Việt Nam

ucchau
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

CoVang

CoVang

ucchau
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

canada

Dallas

aovang

vanhoaDuc

covang
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

covang
Lá cờ vàng Việt Nam được chính quyền địa phương vinh danh và luôn được đồng bào trân trọng trong mọi lễ hội

 


bottom